Bệnh Alzheimer

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh Alzheimer là một chứng bệnh thần kinh thường gặp ở người cao tuổi. Người mắc bệnh có trí nhớ kém, theo thời gian dần mất đi chức năng nhận thức. Alzheimer ảnh hưởng trực tiếp lên hệ thần kinh, tuy nhiên người bệnh thường không tử vong do Alzheimer mà từ các bệnh lý kèm theo khác.

Tổng quan

Alzheimer là bệnh lý thần kinh nhiều người gặp phải. Tình trạng xảy ra do ảnh hưởng bởi các nơ-ron thần kinh, synap dần bị biến mất. Sự kiện bất thường ở vỏ não khiến trí nhớ bị tác động, suy giảm dần, từ đó gây ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của người bệnh.

Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm, có khả năng gây ra nhiều biến chứng

Alzheimer khác với trường hợp lão hóa bình thường ở người già, đây là bệnh lý thần kinh có mức độ nguy hiểm cao. Cho đến nay, chứng bệnh này vẫn không có thuốc đặc trị. Chính vì thế, bệnh nhân chỉ có thể áp dụng các phương pháp nhằm giảm ảnh hưởng của bệnh lên sức khỏe tinh thần và thể chất.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh Alzheimer xảy ra do các nguyên nhân chính:

  • Hiện tượng tích tụ protein tại não khiến các tế bào não dần bị mất đi, ngắt kết nối nơ-ron thần kinh.
  • Do quá trình lõa hóa khiến các myelin không còn dẫn truyền tốt thần kinh khiến cho các tế bào thần kinh dần suy kiệt.
  • Hoạt động của các chất chống oxy hóa và quá trình sản xuất ra chúng bị rối loạn dẫn đến rối loạn hoạt động tế bào não.

Đa số các trường hợp mắc Alzheimer đều có tuổi cao. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng được khám chữa sớm. Các bất thường của hệ thần kinh, não bộ dễ bị nhẫm lẫn với các lão hóa tự nhiên của cơ thể. Kết quả là bệnh Alzheimer ngày càng nghiêm trọng hơn.

Do đó, bạn nên thận trọng khi có những yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Tuổi tác cao, tiền sử gia đình có người mắc Alzheimer.
  • So với nam giới, tỷ lệ người mắc bệnh ở nữ giới cao hơn.
  • Chấn thương sọ não trước đó, chấn thương khi tuổi tác cao.
  • Mắc bệnh trầm cảm muộn, người ít vận động, chế độ ăn uống kém khoa học, không ăn rau củ quả, trái cây tươi.
  • Mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao, bệnh tiểu đường,...
  • Thói quen lười suy nghĩa, hoạt động trí tuệ kém.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người bệnh Alzheimer trải qua các giai đoạn tiến triển bệnh với các triệu chứng ngày càng nặng dần. Cụ thể:

Giai đoạn đầu: 

  • Dễ quên các sự kiện gần.
  • Không có khả năng tiếp thu thông tin mới.
  • Sự tập trung giảm.
  • Không còn hứng thú, chú ý đến công việc.
  • Khả năng lên kế hoặc và tư duy giảm.
  • Nhận thức có biểu hiện suy giảm nhẹ.

Giai đoạn tiến triển nhẹ:

  • Trí nhớ và khả năng học hỏi ngày càng giảm dần.
  • Suy giảm chức năng ngôn ngữ, vốn từ ít dần, khả năng nói và viết giảm.
  • Lãng quên một vài việc đã từng diễn ra, không biết cách sử dụng một đồ vật từng quen thuộc.
  • Một số trường hợp giảm chức năng vận động, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ.

Giai đoạn tiến triển nặng:

  • Khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày không còn.
  • Người bệnh quên từ ngữ, sai diễn tả, không giải tỏa được điều muốn nói, khả năng đọc chậm dần.
  • Không còn khả năng thực hiện các động tác phức tạp, người bệnh khó giữ thăng bằng, dễ bị ngã.
  • Trí nhớ giảm nghiêm trọng, người bệnh không còn nhớ mặt người thân.
  • Hay đi lang thang, tính cáu gắt bất thường, hung hăng.
  • Một số trường hợp gặp phải tình trạng thay đổi tính khí khi hoàng hôn buông xuống.
  • Xuất hiện hình ảnh ảo giác.

Giai đoạn nghiêm trọng:

  • Phụ thuộc vào người chăm sóc.
  • Không thể nói được, chỉ phát âm được với các câu từ đơn giản.
  • Cơ thể kiệt sức, mệt mỏi, thờ ơ.
  • Nằm liệt giường do khối cơ bị thoái hóa.
  • Alzheimer nặng nề gây tử vong.

Chẩn đoán

Người bệnh được khuyên nên đến gặp bác sĩ nếu phát hiện cơ thể có những biểu hiện bất thường. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và đánh giá các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân. Xem xét các triệu chứng có liên quan đến các bệnh lý khác hay không.

Chẩn đoán
Đưa người thân đến gặp bác sĩ khi nhận thấy những biểu hiện bất thường

Sau đó, để chẩn đoán Alzheimer chính xác hơn, bệnh nhân sẽ phải thực hiện các biện pháp kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu hơn. Bao gồm:

  • Kiểm tra trạng thái tâm thần: Các bài kiểm tra, đánh giá được thực hiện. Thông qua đó bác sĩ có thể xác định mức độ Alzheimer và đưa ra đánh giá về việc suy giảm trí nhớ của người bệnh.
  • Kiểm tra tâm lý, thần kinh: Tiếp tục các chẩn đoán liên quan đến hệ thần kinh được thực hiện. Chẳng hạn bài kiểm tra khả năng nhớ, tư duy,... Đánh giá mức độ Alzheimer hoặc có liên quan đến trầm cảm, bệnh thần kinh khác hay không.
  • Chụp chiếu hình ảnh não bộ: Phương pháp giúp loại trừ các nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ, đánh giá tình trạng não bộ, có hoặc không có sự xuất hiện của khối u,... Trên thực tế các hình ảnh thu được sẽ không giúp bác sĩ kết luận chẩn đoán bệnh nhân bị Alzheimer mà cần kết hợp thêm các bài test, kiểm tra bên trên. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được thực hiện như chụp MRI cộng hưởng từ, CT Scan cắt lớp, chụp Positron.

Người bệnh Alzheimer cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Bởi đây không phải là hiện tượng lão hóa thần kinh bình thường theo tuổi tác mà là một bệnh lý có khả năng biến chứng cao. Trường hợp bệnh ngày càng nặng dần thậm chí có thể dẫn đến nhiều hệ lụy làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Biến chứng và tiên lượng

Người mắc bệnh Alzheimer không được điều trị kiểm soát sau một thời gian nhận thấy cơ thể ngày càng suy nhược, thần kinh não bộ giảm dần kéo theo nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Các vấn đề thường gặp ở người mắc chứng Alzheimer nặng không kiểm soát tốt:

  • Phù nề phổi, viêm phổi là trường hợp thường gặp ở người bị Alzheimer nặng. Khi đó các vấn đề não bộ sẽ làm ảnh hưởng đến các chức năng thể chất của cơ thể. Trong đó, phổi và đường hô hấp là hai vị trí bị tác động rõ nét nhất.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu do ảnh hưởng bởi hiện tượng đi tiểu không kiểm soát. Nguy cơ biến chứng tiết niệu cao ở bệnh nhân mắc chứng Alzheimer.
  • Tăng rủi ro chấn thương do cơ thể không giữ thăng bằng, dễ ngã. Trường hợp ngã vào những bề mặt cứng, nhọn là cực kỳ nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.

Trên thực tế bệnh Alzheimer không gây tử vong trực tiếp mà là tác nhân gián tiếp dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Người bệnh có thể tử vong do mắc phải các bệnh lý hoặc gặp biến chứng khi bị Alzheimer. Vậy trường hợp mắc phải chứng bệnh thần kinh này người bệnh có thể sống được bao lâu?

Biến chứng
Người bệnh có thể gặp phải các biến chứng nếu Alzheimer diễn biến phức tạp hơn

Người bệnh có thể tiếp tục duy trì sự sống từ 8-10 năm. Nếu được chăm sóc và kiểm soát bệnh đúng cách thời lượng có thể kéo dài hơn. Mỗi trường hợp tiên lượng sẽ khác nhau, đặc biệt phát hiện và điều trị càng sớm càng giúp bạn phòng tránh được nhiều rủi ro. Chính vì thế, bạn nên đến gặp bác sĩ khi nhận thấy những bất thường tại não bộ, trí nhớ.

Điều trị

Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc điều trị Alzheimer cho từng bệnh nhân. Sau đây là những thuốc thường được dùng:

Thuốc điều trị Alzheimer Cholinesterase: Chỉ định sử dụng cho bệnh nhân ở mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phá hủy Acetylcholine (chất có nhiệm vụ quan trọng, giúp con người ghi nhớ và suy nghĩ). Các triệu chứng cũng nhờ đó được kiểm soát hiệu quả hơn. Một số loại thường được dùng như Galantamine, Rivastigmine, Donepezil,...

Thuốc điều trị Alzheimer Memantine: Thuốc chỉ định cho nhóm đối tượng mắc Alzheimer thể trung bình đến nặng. Công dụng của thuốc là giúp người bệnh duy trì các chức năng não bộ, điều chỉnh Glytamate trong não, tránh trường hợp chết tế bào não diễn ra nhiều hơn.

Thuốc điều trị các triệu chứng: Tùy tình trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kiểm soát triệu chứng phù hợp. Theo đó các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kiểm soát hành vi: Chỉ định cho trường hợp không đáp ứng điều trị với các nhóm thuốc trước đó. Thuốc giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, hỗ trợ kiểm soát triệu chứng khi mắc Alzheimer.
  • Thuốc hỗ trợ giảm mất ngủ: Hỗ trợ người bệnh dễ dàng đi vào giấc ngủ, ngủ ngon hơn.
  • Thuốc chống lo âu, co giật: Bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc giúp kiểm soát các triệu chứng. Tuy nhiên một vài phản ứng phụ có thể xuất hiện khi người bệnh sử dụng thuốc.
  • Thuốc chống loạn thần: Thuốc có tác dụng trong việc hỗ trợ khắc phục hiện tượng xuất hiện ảo giác, hoang tưởng.

Thuốc điều trị Alzheimer có dược tính mạnh mẽ, chính vì thế người bệnh cũng có khả năng gặp phải tác dụng phụ. Người bệnh nên sử dụng theo hướng dẫn, theo dõi các biểu hiện bất thường để sớm thông báo với bác sĩ, phòng tránh các rủi ro ảnh hưởng tình hình sức khỏe và kết quả điều trị.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh sa sút trí tuệ (Demetia) và thông tin cần biết

Phòng ngừa

Alzheimer là bệnh lý thần kinh có thể gây ra nhiều biến chứng. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, Alzheimer còn là tác nhân gây hại sức khỏe, thậm chí là tử vong do các biến chứng nặng nề. Do đó, người già, người bước sang giai đoạn trung niên nên chủ động phòng tránh sớm. Một số lưu ý:

Phòng ngừa
Chăm sóc người thân, theo dõi các biểu hiện bất thường

  • Chủ động phòng ngừa bệnh về tim mạch. Bởi theo thống kê tỷ lệ bệnh nhân mắc Alzheimer liên quan đến bệnh tim mạch là rất cao.
  • Tập luyện thể dục, nâng cao sức khỏe thể chất. Tập luyện vừa sức giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch.
  • Hạn chế các chấn thương vùng đầu. Nếu bị té, tai nạn ảnh hưởng khu vực quan trọng này nên điều trị và theo dõi thường xuyên.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe, không nên ăn uống những thực phẩm không có lợi như đồ ăn dầu mỡ, cay nóng,...
  • Sắp xếp điều chỉnh lại giờ giấc sinh hoạt, dành thời gian ngủ đủ, đảm bảo chất lượng giấc ngủ để giảm rủi ro mắc bệnh về não bộ, trong đó có Alzheimer.
  • Thường xuyên theo dõi sức khỏe, kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện và can thiệp khi cần thiết.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Tình trạng Alzheimer đang gặp phải ở giai đoạn nào?

2. Các phương pháp xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán Alzheimer?

3. Alzheimer uống thuốc có chữa khỏi được không?

4. Alzheimer có phải suy giảm trí nhớ do tuổi tác không?

5. Tôi cần làm gì để cải thiện Alzheimer hiệu quả nhất?

6. Nếu không dùng thuốc Alzheimer có tự khỏi không?

7. Tiên lượng sống tôi còn được bao lâu khi mắc Alzheimer?

8. Bao lâu thì tôi cần tái khám lại?

Alzheimer là một trong những bệnh lý thần kinh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chủ động đưa người thân đến gặp bác sĩ nếu phát hiện những biểu hiện nghi ngờ. Kiểm tra, điều trị sớm để phòng tránh những rủi ro ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, bảo vệ tính mạng người bệnh.