Viêm tai giữa cấp tính là gì? Kiến thức bạn cần nắm rõ
Viêm tai giữa cấp tính là một căn bệnh nhiễm trùng, bùng phát đột ngột gây đau nhức tai và các triệu chứng khó chịu. Các thông tin về bệnh mà chúng tôi cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về chứng viêm tai giữa cấp tính.
Tìm hiểu về bệnh viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa cấp tính (AOM) là một loại của bệnh viêm tai giữa. Hiểu một cách đơn giản, đây là tình trạng viêm nhiễm các bộ phận của tai giữa – phần nằm phía bên trong của màng nhĩ, với đặc trưng là các triệu chứng bệnh thường diễn ra nhanh chóng và có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng các biện pháp y tế. Những thông tin về viêm tai giữa cấp tính sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể ngay sau đây.
1. Triệu chứng
Khác với viêm tai giữa mãn tính, các triệu chứng của bệnh viêm tai giữa cấp tính thường diễn ra một cách nhanh chóng trong một thời gian ngắn và thường tự khỏi. Thông thường, người bệnh sẽ có những biểu hiện như sau:
- Đau tai, có cảm giác nặng đầu và phía trong tai.
- Thính lực bị suy giảm.
- Sốt.
- Đau đầu, đau cổ.
- Bị mất thăng bằng.
- Có dịch mủ từ tai giữa chảy ra.
Ngoài ra, nếu đối tượng mắc bệnh là trẻ em thì còn có thêm các biểu hiện khác như thường hay cáu gắt, quấy khóc nhiều… Những triệu chứng bệnh được liệt kê trên đây có thể là một danh sách các triệu chứng chưa đầy đủ của viêm tai giữa cấp tính. Tùy vào thể trạng, độ tuổi mà người bệnh có thể gặp những biểu hiện khác nữa.
2. Nguyên nhân
Tình trạng tắc nghẽn ống thính giác (Eustachian) do sự xâm nhập của các vi khuẩn và virus được xem là nguyên nhân trực tiếp gây nên chứng bệnh này.
Eustachian là một ống nhỏ nối từ tai giữa đến phía trên họng và mặt sau của khoang mũi, có tác dụng cân bằng áp suất giữa các bộ phận trong tai với áp suất ngoài môi tường. Khi bộ phận này bị một tác nhân có hại nào đó tác động vào khiến chúng bị viêm sưng, làm cho các dịch nhầy và chất lỏng trong tai giữa bị ứ đọng lại dẫn đến viêm tai giữa. Có nhiều yếu tố có thể làm cho ống Eustachian bị tắc nghẽn, bao gồm:
- Dị ứng.
- Cảm cúm, cảm lạnh.
- Xoang bị nhiễm trùng.
- Mắc các vấn đề về adenoids.
- Hút hoặc hít phải khói thuốc lá.
- Cho trẻ bú bình khi nằm.
Bên cạnh các nguyên nhân chúng tôi đã liệt kê, có thể còn có nhiều yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cấp tính. Hãy trao đổi với các bác sĩ để được thông tin rõ hơn về vấn đề này.
3. Ai có nguy cơ bị viêm tai giữa cấp tính?
Trên lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể bị căn bệnh này. Tuy nhiên, với những trường hợp mà chúng tôi liệt kê dưới đây, nguy cơ mắc bệnh của họ thường cao hơn những người khác:
- Trẻ em từ 6 – 36 tháng tuổi.
- Những trẻ thường hay bú sữa bằng bình và thường được cho nằm khi bú.
- Các đối tượng làm các công việc có liên quan đến sự thay đổi độ cao hoặc thay đổi áp suất một cách đột ngột như phi công, thợ lặn…
- Người sống ở những vùng có khí hậu lạnh.
- Thường xuyên hút thuốc hoặc hít phải nhiều khói thuốc lá.
- Người bị các chứng bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang…
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng yếu tố di truyền cũng có thể là một trong những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cấp tính ở trẻ.
4. Biến chứng
Hầu hết các trường hợp bị viêm tai cấp tính thường sẽ tự khỏi hoặc được chữa khỏi mà không gây ra biến chứng cho người bệnh. Tuy nhiên, chúng lại có khả năng tái phát và nếu để bệnh diễn tiến trong thời gian dài, có thể bạn sẽ gặp phải những vấn đề như sau:
- Dẫn đến viêm tai giữa mãn tính.
- Suy giảm hoặc mất thị lực tạm thời.
- Thủng màng nhĩ.
- Ảnh hưởng đến khả năng nói và phản ứng ở trẻ.
Chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa cấp tính
1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm tai giữa, các bác sĩ sẽ sử dụng một trong các phương pháp như sau:
Dùng máy soi tai:
Trong trường hợp sử dụng ống soi tai để chẩn đoán bệnh, các bác sĩ sẽ phát hiện được những bất thường trong tai giữa từ đó đưa ra kết luận về tình trạng bệnh của bạn. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Sưng đỏ.
- Có nhiều dịch nhầy hoặc chất lỏng.
- Xuất hiện các bọt khí.
- Thủng màng nhĩ.
- Thấy các dịch mủ chảy ra bên ngoài.
Đo nhĩ lượng:
Với phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ chuyên biệt để đo áp suất trong tai của bạn so sánh với áp suất ngoài không khí. Qua đó có thể xác định được mức độ tổn thương của màng nhĩ, xem chúng có bị rách hoặc thủng hay không.
Phản xạ:
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ nhỏ để tạo ra âm thanh gần tai của bạn. Từ đó bác sĩ sẽ có thể xác định lượng chất lỏng có trong tai bằng cách nghe lại các âm thanh phản xạ lại từ tai.
Kiểm tra thính giác:
Một bài kiểm tra nhỏ sẽ được đưa ra để kiểm tra khả năng nghe của bạn.
2. Điều trị viêm tai giữa cấp tính
Như đã được đề cập, viêm tai giữa cấp tính có thể tự khỏi hoặc áp dụng các biện pháp điều trị khác mà không cần dùng đến kháng sinh. Thông thường, bệnh sẽ được điều trị bằng các biện pháp như sau:
Biện pháp điều trị tại nhà:
Với những người bị viêm tai giữa cấp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần phải dùng đến thuốc. Trong thời gian này, các bạn có thể giúp cơ thể cảm thấy dễ chịu hơn bằng cách áp dụng các biện pháp như sau:
- Dùng khăn ấm và ẩm để chườm lên vùng tai bị tổn thương.
- Dùng các loại thuốc nhỏ tai không cần kê đơn để làm giảm cảm giác đau đớn.
- Vệ sinh tai sạch sẽ để tránh nguy cơ bội nhiễm.
Dùng thuốc:
Bạn có thể sẽ được các bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc giảm đau nhằm làm giảm cảm giác đau đớn mà bệnh mang lại. Những loại thuốc thường được sử dụng bao gồm ibuprofen, acetaminophen…
Ngoài ra, nếu thấy các biểu hiện của bệnh không thuyên giảm sau vài ngày điều trị, những loại thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định.
Phẫu thuật:
Bạn có thể được các bác sĩ chỉ định tiến hành phẫu thuật, nếu sử dụng các biện pháp điều trị y tế thông thường không mang lại tác dụng. Các cách thức phẫu thuật được dùng để điều trị viêm tai giữa cấp tính bao gồm:
- Phẫu thuật cắt adenoids nếu bộ phận này bị viêm nhiễm nghiêm trọng.
- Phẫu thuật chèn các ống nhỏ nối từ tai giữa ra bên ngoài. Điều này cho phép không khí và dịch nhầy bị tích tụ thoát ra, giúp bệnh thuyên giảm.
Bệnh viêm tai giữa cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Do đó, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, bạn hãy nhanh chóng đi thăm khám và được chữa trị sớm.
ThuocDanToc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!