Viêm họng có mủ nguy hiểm không? Nguyên nhân & điều trị
Viêm họng có mủ là tình trạng niêm mạc hầu họng bị sưng viêm, nóng rát đi kèm với triệu chứng tụ mủ. Bệnh lý này có khả năng lây lan thành dịch nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách.
Viêm họng có mủ là gì?
Viêm họng có mủ là thuật ngữ đề cập đến tổn thương ở niêm mạc hầu họng do virus hoặc vi khuẩn, đi kèm với tình trạng tụ mủ khu trú ở cơ quan này.
Khác với viêm họng thông thường, viêm họng có mủ thường gây ra các triệu chứng nặng nề hơn. Bệnh có thể lây lan qua đường tiếp xúc, hô hấp và bùng phát thành dịch nếu không có các biện pháp kiểm soát kịp thời.
Nguyên nhân
Tương tự bệnh viêm họng thông thường, viêm họng có mủ chủ yếu do vi khuẩn và virus gây ra.
- Vi khuẩn (chủ yếu là do liên cầu khuẩn – Streptococcus pyogenes): Vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp trên và gây ra nhiễm trùng. Sau đó, vi khuẩn có thể trú ngụ tại cổ họng và gây mủ ở vị trí này.
- Virus ( virus sởi, cúm,…): Viêm họng có mủ do virus thường gặp ở người bệnh cảm lạnh, cảm cúm, bệnh sởi, thủy đậu và người bệnh bạch cầu đơn nhân.
Ngoài hai nguyên nhân chính này, bệnh viêm họng có mủ còn tăng nguy cơ phát sinh do một số yếu tố rủi ro như:
- Người bị khô họng kéo dài do thường xuyên ngủ trong phòng máy lạnh, sinh sống trong môi trường có độ ẩm thấp,…
- Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, hóa chất độc hại,…
- Tiếp xúc với người bị nhiễm trùng đường hô hấp thông qua giao tiếp hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân.
- Ăn thức ăn cay nóng hoặc đồ ăn lạnh liên tục.
- Nói nhiều và la hét quá mức.
- Tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, lông động vật, phấn hoa,…
Dấu hiệu viêm họng có mủ
Triệu chứng đầu tiên để nhận biết viêm họng có mủ là quan sát thấy cổ họng sưng đỏ, trên bề mặt có các chấm mủ trắng hoặc vàng.
Ngoài ra, viêm họng có mủ còn đi kèm với những triệu chứng như:
- Ho có thể kèm theo đờm hoặc không. Triệu chứng này có xu hướng nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
- Ngứa họng xảy ra khi vi khuẩn bắt đầu tụ mủ ở cổ họng.
- Đau rát họng, ngay cả khi nuốt nước bọt
- Hơi thở có mùi hôi
- Khi khạc nhổ nhận thấy đờm có các đốm nhỏ màu trắng đục hoặc màu xanh nhạt
- Đau đầu
- Sốt nhẹ
- Đau cơ toàn thân
- Mệt mỏi
- Sưng hạch bạch huyết ở gần tai hoặc dưới hàm
Viêm họng có mủ nguy hiểm không, biến chứng gì?
Viêm họng có mủ có thể gây ra viêm amidan, viêm tấy cổ họng và áp xe cổ họng nếu không được điều trị sớm.
Ngoài ra, vi khuẩn hoặc virus gây bệnh có thể lây lan sang những cơ quan lân cận như phổi, thanh quản, tai, mũi,… và làm phát sinh các vấn đề như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm thanh quản cấp,…
Các biến chứng xa của viêm họng có mủ như thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận cấp,… xảy ra nếu vi khuẩn bùng phát mạnh và di chuyển đến những cơ quan khác trong cơ thể.
Cách điều trị viêm họng có mủ
Viêm họng có mủ chủ yếu được điều trị bằng thuốc. Dựa vào mức độ nhiễm khuẩn, triệu chứng cụ thể và loại vi khuẩn gây bệnh mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp.
1. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được sử dụng để kìm hãm và tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp. Việc sử dụng kháng sinh nên được áp dụng ngay khi triệu chứng mới bùng phát để giảm mức độ ảnh hưởng của vi khuẩn gây bệnh.
Các loại kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm họng có mủ, bao gồm:
Penicillin V
Penicillin V là kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm họng có mủ do liên cầu khuẩn. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn nhờ vào cơ chế ngăn chặn sự nhân đôi tế bào và ức chế sinh tổng hợp peptidoglycan của khuẩn gây bệnh.
Những người dị ứng với kháng sinh nhóm penicillin có nguy cơ dị ứng chéo với Penicillin V. Ngoài ra khi sử dụng loại thuốc này, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, phản ứng dị ứng,…
Amoxicillin
Amoxicillin là kháng sinh nhóm beta-lactam, có tác dụng diệt khuẩn nhờ vào hoạt động ức chế sinh tổng hợp mucopeptid ở vi khuẩn. Thuốc được sử dụng để thay thế Penicillin do hiện nay đã có rất nhiều vi khuẩn có thể kháng lại Penicillin.
Amoxicillin nhạy cảm với các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp như phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn không tiết penicillinase, tụ cầu kháng methicillin,… Tác dụng phụ thường gặp nhất của loại kháng sinh này là phát ban da.
Benzathin Penicillin G
Benzathin Penicillin G là kháng sinh họ beta-lactam được sử dụng ở dạng tiêm bắp. Với bệnh nhân viêm họng có mủ, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm bắp 1 lần duy nhất với liều lượng 1.200.000 đơn vị quốc tế.
Loại thuốc này chỉ được sử dụng khi bệnh nhân không thể dùng kháng sinh đường uống hoặc thường xuyên nôn mửa sau khi dùng thuốc. Khi tiêm bắp Benzathin Penicillin G, bạn có thể bị viêm tĩnh mạch huyết khối tại vị trí tiêm.
Erythromycin
Erythromycin là kháng sinh nhóm macrolid. Thuốc được sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh Penicillin.
Tuy nhiên Erythromycin chỉ có tác dụng kìm khuẩn, không có tác dụng diệt khuẩn như kháng sinh nhóm Penicillin. Khi sử dụng loại thuốc này, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ như ngoại ban, nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy,…
Lưu ý khi dùng kháng sinh:
Ngoại trừ thuốc kháng sinh đường tiêm, các kháng sinh đường uống cần được sử dụng đều đặn trong khoảng 10 ngày. Tuyệt đối không ngưng thuốc sớm hơn thời gian được chỉ định vì có thể gây tái phát bệnh trở lại.
Sử dụng kháng sinh thiếu thận trọng có thể làm tăng chủng vi khuẩn không nhạy cảm. Vì vậy bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị viêm họng có mủ.
2. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Các triệu chứng của bệnh viêm họng có mủ như nóng sốt, đau họng, sưng hạch bạch huyết, đau nhức cơ,… có thể khiến bạn khó chịu và mệt mỏi. Để cải thiện những triệu chứng này, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc giảm đau và hạ sốt.
Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt thường được sử dụng trong điều trị triệu chứng của viêm họng có mủ, bao gồm:
- Paracetamol: Có tác dụng hạ sốt và giảm các cơn đau có mức độ nhẹ. Loại thuốc này khá an toàn nên được sử dụng chủ yếu trong điều trị triệu chứng do nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- NSAIDs: NSAIDs có tác dụng giảm đau mạnh hơn Paracetamol nhưng có tác dụng hạ sốt kém. Nhóm thuốc này được sử dụng nếu viêm họng có mủ gây đau nhức toàn bộ cơ thể và không có đáp ứng với Paracetamol. Tuy nhiên NSAIDs có thể gây kích ứng đường tiêu hóa nên chỉ được sử dụng khi Paracetamol không đem lại hiệu quả.
Việc sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt có thể làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh viêm họng có mủ. Tuy nhiên nhóm thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị và không can thiệp đến nguyên nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus). Vì vậy bắt buộc phải phối hợp thuốc giảm đau, hạ sốt với kháng sinh.
3. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Ngoài việc sử dụng thuốc, bạn có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà để làm giảm các triệu chứng và kìm hãm hoạt động của vi khuẩn gây bệnh.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân bị viêm họng có mủ:
- Nên súc miệng bằng nước muối loãng thường xuyên. Muối có tác dụng kháng khuẩn sẽ làm giảm đau họng và ức chế hoạt động của vi khuẩn gây bệnh.
- Có thể dùng nước mật ong ấm vào mỗi sáng để làm dịu cổ họng, cải thiện cơn ho và ngăn chặn sự bùng phát của vi khuẩn.
- Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh nói to, nói quá mức trong quá trình điều trị.
- Uống nhiều nước để tránh hiện tượng khô cổ họng và làm loãng dịch đờm ứ đọng ở cổ.
- Nếu không khí quá hanh khô, bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm kích ứng niêm mạc đường hô hấp.
- Tránh sử dụng chung đồ dùng với người khác, đồng thời nên đeo khẩu trang khi giao tiếp để hạn chế tình trạng lây nhiễm vi khuẩn cho người khỏe mạnh.
Phòng ngừa bệnh viêm họng có mủ tái phát
Viêm họng có mủ rất dễ tái phát khi có điều kiện thích hợp. Bệnh tái phát nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng viêm họng mãn tính và kéo theo những biến chứng về tai mũi họng.
Vì vậy ngay sau khi điều trị, cần chủ động phòng ngừa bệnh tái phát.
- Hạn chế sử dụng chung vật dụng cá nhân với người khác.
- Đeo khẩu trang khi giao tiếp với người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc khi đến những nơi đông người.
- Điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác như cảm cúm, cảm lạnh, sốt,…
- Giữ vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng 2 lần/ ngày và súc miệng bằng nước muối loãng thường xuyên.
- Rửa mũi và rửa tai bằng dung dịch chuyên dụng khoảng 2 – 3 lần/ tuần.
- Uống nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm khi thời tiết hanh khô. Hạn chế sử dụng điều hòa khi không cần thiết.
- Bổ sung nước ép trái cây, sữa, rau xanh, thịt, trứng,… để tăng cường sức đề kháng.
- Giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết lạnh.
Bệnh viêm họng có mủ dễ tái phát nhưng có thể điều trị dứt điểm và phòng ngừa hoàn toàn nếu tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Tình trạng chủ quan để bệnh kéo dài có thể gây ra viêm họng mãn tính và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!