Tìm hiểu các loại nhiễm trùng da và phương pháp điều trị
Nhiễm trùng da là hiện tượng vi khuẩn, virus hoặc vi nấm xâm nhập và gây tổn thương da. Đa phần tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên có một số loại nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Cần xác định mức độ nghiêm trọng của từng loại nhiễm trùng để có các biện pháp điều trị tương ứng.
Nhiễm trùng da là gì?
Da là cơ quan có phạm vi lớn nhất cơ thể. Chức năng của cơ quan này là bảo vệ cơ thể và hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn và ký sinh trùng.
Tuy nhiên khi cơ thể xuất hiện các vấn đề, vi khuẩn, nấm và virus có thể xâm nhập vào da và gây ra nhiễm trùng. Tình trạng này có nhiều mức độ khác nhau, nhiễm trùng nhẹ có thể điều trị dễ dàng, tuy nhiên mức độ nhiễm trùng nặng có thể đe dọa đến tính mạng.
Các loại nhiễm trùng da phổ biến
1. Nhiễm trùng da do vi khuẩn
Nhiễm trùng da do vi khuẩn là loại nhiễm trùng phổ biến nhất. Phần lớn đều do vi khuẩn Staphylococcus aureus hoặc biến thể của vi khuẩn Streptococcus gây ra.
Nhiễm trùng da do vi khuẩn thường bắt đầu bằng những đốm đỏ nhỏ, sau đó sưng và lan rộng ra. Các loại nhiễm trùng do vi khuẩn bao gồm:
Viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là loại nhiễm trùng phổ biến do vi khuẩn gây ra. Loại nhiễm trùng này thường xuất hiện ở bề mặt, saư đó đi sâu đến hạ bì và lớp mỡ dưới da. Viêm mô tế bào gây đỏ, sưng, đau và nóng. Loại nhiễm trùng này có thể gây sốt nhẹ và khiến bạn mệt mỏi, nhức mỏi.
Viêm mô tế bào thường xuất hiện ở chân, tay và cánh tay, rất ít trường hợp xuất hiện ở mặt. Nguyên nhân gây ra viêm mô tế bào có thể:
- Vết cắn của chó mèo
- Phẫu thuật
- Cảm cúm
- Suy giảm miễn dịch
Biến chứng của viêm mô tế bào:
- Hoại tử da
- Nhiễm trùng huyết
- Áp xe
- Viêm mô tế bào quỹ đạo
Viêm quầng
Viêm quầng là dạng nhiễm trùng do vi khuẩn Str.pyogenes tăng độc tố. Đây là loại nhiễm trùng có mức độ nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Vi khuẩn thường xâm nhập vào máu qua các chấn thương ở mô mềm. Khi viêm quầng xuất hiện, bạn sẽ nhận thấy vùng da rất đỏ và sưng đau. Bên cạnh đó, bạn sẽ bị sốt cao đột ngột, đôi khi kèm theo co giật, đau đầu, ớn lạnh và nôn mửa.
Viêm nang lông
Viêm nang lông là một loại nhiễm trùng do vi khuẩn khu trú tại nang lông. Viêm nang lông biểu hiện bằng những đốm nhỏ có bằng kích thước nang lông.
Nguyên nhân gây viêm nang lông bao gồm:
- Ma sát
- Tiếp xúc với hóa chất
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Tổn thương bề mặt da
- Tắm với nước có nhiệt độ cao
- Tuyến bã nhờn hoạt động quá mạnh
- Tác dụng phụ của thuốc steroid đường uống
Chốc lở
Chốc lở là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn làm tổn thương lớp biểu bì da. Chốc lở thường gặp ở trẻ nhỏ và có xu hướng lây lan nhanh.
Đặc trưng của bệnh lý này là làm xuất hiện vết thương trên da có màu mật ong, thường xuất hiện ở mặt, cổ và tay. Vi khuẩn gây chốc lở thường là Streptococcus và Staphylococcus aureus.
Erytharasma
Erytharasma là bệnh nhiễm trùng da mãn tính, thường xuất hiện ở nách, háng hoặc giữa các ngón chân. Erytharasma do vi khuẩn Corynebacterium minutissimum cư trú tự nhiên trong cơ thể gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở những người bị tiểu đường type 2. Erytharasma sẽ khiến vùng da hồng sau đó chuyển dần sang màu nâu và khiến da bị khô, bong vảy.
Nguyên nhân gây Erytharasma:
- Sinh sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, nhiều độ ẩm
- Cơ thể sản sinh quá nhiều mồ hôi
- Vệ sinh cơ thể kém
- Nhiễm HIV hoặc suy giảm hệ miễn dịch
- Lạm dụng corticosteroid hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch khác
- Béo phì
- Tiểu đường
Viêm tuyến mồ hôi mưng mủ
Viêm tuyến mồ hôi mưng mủ là bệnh nhiễm trùng da mãn tính, xuất hiện ở những vùng da có mức độ tiết mồ hôi cao. Nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh lý này vẫn chưa được xác định.
Viêm tuyến mồ hôi không có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên nếu không điều trị, tình trạng có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến biến chứng áp xe.
Nhiễm tụ cầu vàng
Nhiễm tụ cầu vàng là loại nhiễm trùng do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra. Đây là loại nhiễm trùng khó điều trị vì vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh.
Ban đầu vi khuẩn sẽ gây ra một vết loét nhỏ, sau đó chúng xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng ở các cơ quan bên trong cơ thể như phổi, đường tiết niệu. Nếu không điều trị, nhiễm tụ cầu vàng có thể đe dọa đến tính mạng và gây tử vong.
Mụn nhọt
Mụn nhọt là các vết sưng đỏ, có mủ hình thành dưới da. Vi khuẩn thường xâm nhập vào nang lông và phát triển mạnh mẽ gây mủ ở bên dưới da. Vùng da xung quanh mụn nhọt thường bị sưng đỏ và nóng hơn bình thường. Ngoài triệu chứng đau, nóng, bạn có thể thấy ngứa rát tột độ tại vùng da có mụn nhọt.
Nguyên nhân gây ra mụn nhọt:
- Nhiễm tụ cầu khuẩn
- Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh
- Béo phì
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
Áp xe
Áp xe thường do vi khuẩn Staphylococcus aureus kháng Methicillin gây ra. Áp xe là một khối mủ được bao bọc bởi các mô mềm. Xung quanh vùng da bị áp xe thường có xu hướng đỏ, sưng và nóng.
Áp xe có thể xuất hiện ở bề mặt da, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở phổi, nướu, thận và amidan. Biến chứng nghiêm trọng nhất của dạng nhiễm trùng này là hoại tử da.
2. Nhiễm trùng da do virus
Nhiễm trùng da do các loại virus gây ra thường gây tổn thương khu trú hoặc lan rộng. Các loại nhiễm trùng da do virus gây ra, bao gồm:
Sởi
Bệnh sởi là một dạng nhiễm trùng do virus xâm nhập vào hệ hô hấp. Sởi là bệnh lý rất dễ lây lan, đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Sau khi sởi bùng phát, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng như ho, sốt, mắt đỏ, đau cơ, viêm họng, phát ban da,…
Phát ban do sởi biểu hiện là những đốm đỏ nhỏ, ngứa và phát triển từ đầu lan xuống các bộ phận khác của cơ thể.
Biến chứng của bệnh sởi:
- Nhiễm trùng tai
- Viêm phế quản
- Sảy thai
- Sinh non
- Giảm tiểu cầu trong máu
- Mù
- Tiêu chảy nặng
Zona
Zona là bệnh nhiễm trùng da do virus varicella-zoster gây ra. Zona biểu hiện là những vùng da phát ban có màu đỏ, đau và rát. Trên vùng da này thường xuất hiện một dải mụn nước nhỏ.
Triệu chứng của bệnh Zona:
- Da đỏ
- Có mụn nước
- Phát ban da
- Ngứa
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Yếu cơ
Biến chứng của bệnh zona:
- Đau mắt
- Mất thính giác
- Đau dữ dội một bên tai
- Chóng mặt
Thủy đậu
Thủy đậu cũng do virus varicella-zoster gây ra, đặc trưng bởi các mụn nước có màu đỏ và ngứa ở khắp cơ thể. Sau đó các mụn nước này sẽ bị chảy dịch bên trong và khô dần. Thủy đậu thường xuất hiện ở trẻ em dưới 12 tuổi.
Biến chứng do thủy đậu gây ra:
- Phát ban lan đến mắt
- Nhiễm trùng thứ cấp
- Chóng mặt và khó thở
U mềm lây
U mềm lây còn gọi là mụn cóc nước, do virus molluscum contagiosum gây ra. U mềm lây tạo những vết thương lành tính trên da, không gây đau hay rát. Sau khi được điều trị, các u mềm này sẽ biến mất và không để lại sẹo.
Bạn có thể bị nhiễm virus này nếu tiếp xúc với vùng da của người bị bệnh.
Mụn cóc
Mụn cóc thường do papillomavirus ở người (HPV) gây ra. Mụn cóc không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng loại nhiễm trùng da này có khả năng lây lan và gây mất thẩm mỹ.
Hầu hết các HPV đều vô hại, chỉ một số ít virus nguy hiểm gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục và có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung. Nếu mụn cóc xuất hiện ở cơ quan này, bạn cần thăm khám và điều trị sớm. Để tình trạng kéo dài có thể gây tử vong.
Bệnh tay chân miệng
Tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lân lan, bệnh lý này thường do virus nhóm Enterovirus gây ra – phổ biến nhất là coxsackievirus. Tay chân miệng gây ra các nốt mụn nước, vết loét trong miệng và ở tay, chân. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng:
- Sốt
- Chán ăn
- Đau họng
- Đau đầu
- Nổi mụn đỏ ở miệng
- Mẩn đỏ xuất hiện ở bàn tay
3. Nhiễm trùng da do vi nấm
Loại nhiễm trùng này do vi nấm gây ra. Vi nấm thường phát triển ở vùng da có độ ẩm cao như bàn chân, nách,…
Nấm da
Nấm da có thể xuất hiện ở ngón chân, móng chân và bàn tay. Nấm da tuy không gây nguy hiểm nhưng bệnh lý này rất khó điều trị.
Các triệu chứng của bệnh nấm da bao gồm:
- Ngứa da
- Châm chích
- Mụn nước
- Nứt nẻ và bong tróc da
- Da khô
- Móng chân bị đổi màu
Biến chứng của bệnh nấm da:
- Dị ứng nấm gây phồng rộp da
- Phát triển thành nhiễm trùng thứ cấp
- Nhiễm trùng hạch bạch huyết
Nhiễm nấm âm đạo
Nhiễm nấm âm đạo là sự phát triển quá mức của các vi nấm trong âm đạo. Loại nấm gây ra tình trạng này thường là vi nấm Candida. Nhiễm nấm có thể gây ngứa âm đạo dữ dội, đau rát khi đi tiểu, ra khí hư dày và có màu trắng.
Nhiễm nấm âm đạo có thể do lạm dụng thuốc kháng sinh, suy giảm hệ miễn dịch, nhiễm vi nấm qua đường tình dục hoặc vệ sinh cơ quan sinh dục kém.
Hắc lào
Hắc lào là bệnh da liễu do nhiễm trùng nấm gây ra. Hắc lào xuất hiện ở cả con người và động vật. Bệnh lý này thường ảnh hưởng đến da dầu, bàn chân, háng, mặt và tay.
Triệu chứng của hắc lào:
- Đỏ và ngứa da
- Mụn nước
- Vùng da bị tổn thương có hình tròn bao quanh (hình dạng tương tự một chiếc nhẫn)
Hăm da
Hăm da là một dạng kích ứng da thường gặp ở trẻ nhỏ. Hăm da có thể do ma sát giữa da và quần áo, tã hoặc do vi nấm gây ra. Vùng da bị hăm thường đỏ và ấm hơn vùng da bình thường.
4. Nhiễm trùng da do ký sinh trùng
Hầu hết các loại nhiễm trùng da do ký sinh trùng không gây nguy hiểm. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh có thể khiến bạn ngứa ngáy và khó chịu.
Các loại nhiễm trùng da do ký sinh trùng phổ biến như:
Chấy rận
Chấy là loài côn trùng nhỏ, không cánh và hút máu. Chúng sinh sống trên tóc và hút màu từ da đầu.
Các triệu chứng khi bị chấy, bao gồm:
- Ngứa da đầu
- Vết loét và vảy trên da đầu do chấy hút máu
Ghẻ
Ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei gây ra. Ký sinh trùng này có kích thước siêu nhỏ, chúng đào hang trong lỗ chân lông và đẻ trứng ở bên trong da.
Vùng da bị ghẻ thường có dấu hiệu nổi mẩn đỏ và ngứa dữ dội. Ký sinh trùng gây bệnh có thể lây nhiễm qua người khác nếu có tiếp xúc vật lý.
Các phương pháp điều trị nhiễm trùng da
Điều trị nhiễm trùng da phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Nhiễm trùng da do vi khuẩn, virus: thường được điều trị bằng kháng sinh tại chỗ hoặc kháng sinh đường uống. Các loại kháng sinh được dùng phổ biến như (Bactrim) sulfamethoxazole, Cleocin (clindamycin), trimethoprim và rifampin tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Nhiễm trùng da do vi nấm: thường được điều trị bằng các loại thuốc chống nấm điều trị tại chỗ hoặc thuốc uống. Thông thường, bạn sẽ sử dụng những loại thuốc không kê toa trước khi sử dụng những loại thuốc kê toa có chứa hoạt chất mạnh hơn.
Nhiễm trùng da do ký sinh trùng: với trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị bạn dùng kháng sinh đường uống, thuốc kháng histamine hoặc sử dụng thuốc steroid điều trị tại chỗ để giảm sưng và ngứa.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!