Trẻ bị viêm họng hạt cha mẹ nên làm gì ?
Viêm họng hạt ở trẻ nhỏ là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp. Nếu phụ huynh không tiến hành điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể tái phát nhiều lần, gây ảnh hưởng đến tai mũi họng và khả năng phát triển của trẻ.
Viêm họng hạt ở trẻ và những thông tin cha mẹ cần biết
Viêm họng hạt là tình trạng viêm họng kéo dài và tái phát nhiều lần khiến các tế bào lympho sưng lên, tạo thành các hạt nhỏ.
Bệnh viêm họng hạt không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không tiến hành điều trị, bệnh có thể gây ra các biến chứng về tai mũi họng và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
1. Trẻ bị viêm họng hạt do đâu?
Nguyên nhân khiến viêm họng hạt phát sinh ở trẻ là do nhiễm trùng niêm mạc họng kéo dài và tái phát nhiều lần. Tình trạng nhiễm trùng thường do virus và vi khuẩn gây ra.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể phát sinh do một số yếu tố nguy cơ như:
- Vệ sinh răng miệng kém
- Tác dụng phụ của các loại kháng sinh
- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, hóa chất và sinh sống trong môi trường ô nhiễm
- Điều trị không triệt để viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản, cảm lạnh, cảm cúm, viêm xoang,…
- Hệ miễn dịch suy yếu do chế độ dinh dưỡng không hợp lý
2. Biểu hiện viêm họng hạt ở trẻ em
Biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm họng hạt ở trẻ nhỏ là quan sát thấy các hạt nhỏ, có màu đỏ ở cổ họng. Kích thước và số lượng hạt phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng niêm mạc.
Ngoài ra, bệnh còn gây ra các triệu chứng khác như:
- Ho khan không kèm theo đờm, cơn ho thường dai dẳng và nặng hơn khi nhiệt độ xuống thấp
- Cổ họng khô rát, ngứa ngáy, khó chịu
- Đau nhức tai
- Khó ngủ
- Khó thở, đa số thở bằng miệng
Khác với người trưởng thành, cơ thể trẻ nhỏ dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe. Vì vậy khi viêm họng hạt phát sinh, bạn có thể nhận thấy trẻ mệt mỏi, uể oải và chán ăn.
3. Trẻ bị viêm họng hạt có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp viêm họng hạt đều không để lại biến chứng nếu phụ huynh điều trị cho con trẻ đúng cách. Ngược lại tình trạng chủ quan trước những biểu hiện của trẻ có thể khiến bệnh tiến triển xấu và gây ra các biến chứng như:
- Áp xe cổ họng
- Viêm thanh quản
- Viêm xoang
- Viêm tai giữa
- Viêm amidan
- Viêm VA
Ở một số trường hợp, vi khuẩn gây bệnh có thể di chuyển đến những cơ quan xa và gây ra các biến chứng như viêm cầu thận và thấp tim.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm họng hạt?
Khi trẻ có những dấu hiệu của viêm họng hạt, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị. Điều trị viêm họng hạt bao gồm sử dụng thuốc, phẫu thuật và chăm sóc tại nhà.
1. Dùng thuốc
Trẻ bị viêm họng hạt sẽ được kê toa thuốc kháng sinh (Amoxicillin, Penicillin V, Erythromycin,…) nhằm tiêu diệt và kìm hãm vi khuẩn gây bệnh.
Sử dụng kháng sinh có thể tác động trực tiếp lên nguyên nhân và điều trị triệt để viêm họng hạt. Tuy nhiên hiện nay có rất nhiều chủng vi khuẩn đã phát triển và có xu hướng kháng thuốc. Vì vậy cần theo dõi triệu chứng ở trẻ và thay thế thuốc điều trị trong trường hợp cần thiết.
Phụ huynh cần cho trẻ dùng kháng sinh đều đặn trong thời gian được yêu cầu. Sau 1 – 3 ngày dùng thuốc, các triệu chứng ở trẻ có thể thuyên giảm và biến mất hoàn toàn.
Tuy nhiên cần duy trì việc dùng kháng sinh ngay cả khi triệu chứng lâm sàng đã thuyên giảm nhằm hạn chế tình trạng tái phát và kháng thuốc ở một số khuẩn gây bệnh.
Nếu trẻ đau nhức người và sốt nhẹ, bạn có thể dùng Paracetamol để cải thiện. Mặc dù loại thuốc này có tác dụng giảm đau nhẹ nhưng khá an toàn nên được khuyến khích sử dụng cho trẻ nhỏ.
Phụ huynh không tự ý dùng thuốc chống viêm không steroid vì có thể gây kích ứng và loét dạ dày ở con trẻ.
2. Thủ thuật xâm lấn
Thủ thuật xâm lấn được thực hiện khi viêm họng hạt không đáp ứng với việc dùng thuốc. Hoặc trẻ gặp phải các biến chứng của viêm họng hạt như viêm amindan, viêm VA,…
Các thủ thuật xâm lấn được áp dụng trong điều trị viêm họng hạt ở trẻ em, bao gồm:
- Đốt viêm họng hạt bằng nito lỏng
- Đốt điện viêm họng hạt
- Sử dụng laser để làm giảm kích thước các lympho trong họng
- Nội soi cắt bỏ hạt lympho trong hầu họng
- Có thể tiến hành cắt bỏ amidan và VA bị viêm ở một số trẻ gặp phải biến chứng của bệnh
Sau khi phẫu thuật viêm họng hạt, phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ để biết cách chăm sóc cho con trẻ. Nếu được chăm sóc đúng cách, trẻ sẽ nhanh chóng phục hồi và có thể sinh hoạt như bình thường.
3. Chăm sóc tại nhà
Chăm sóc tại nhà có vai trò quan trọng trong điều trị viêm họng hạt cho trẻ nhỏ. Chăm sóc đúng cách sẽ giúp ức chế tình trạng nhiễm trùng và hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà cho trẻ bị viêm họng hạt:
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giảm khô và đau rát ở cổ họng. Bạn có thể pha nước mật ong ấm để giúp trẻ giảm ho và tăng sức đề kháng.
- Nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối 1 – 2 lần/ ngày nhằm ức chế vi khuẩn và virus gây bệnh.
- Cho trẻ ăn những thức ăn mềm, lỏng để tránh đau rát cổ họng. Chú trọng những loại thực phẩm có khả năng tăng cường hệ miễn dịch như thực phẩm chứa Omega 3, vitamin C, đạm,…
- Dặn dò trẻ nghỉ ngơi, tránh vui chơi và nói quá nhiều trong thời gian điều trị.
- Dùng máy tạo độ ẩm để tránh làm khô mũi và cổ họng của trẻ.
Hầu hết trẻ bị viêm họng hạt đều có tiến triển tốt sau khi dùng thuốc và chăm sóc đúng cách.
Phòng ngừa tái phát bệnh viêm họng hạt ở trẻ em
Viêm họng hạt ở trẻ có xu hướng tái phát nhiều lần khi có điều kiện thích hợp. Tình trạng này có thể gây tổn thương niêm mạc hầu họng vĩnh viễn và dẫn đến một số biến chứng như viêm tai giữa, viêm amidan, viêm VA,…
Để phòng ngừa bệnh tái phát ở con trẻ, bạn cần thực hiện những biện pháp sau:
- Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh răng miệng và rửa tay trước – sau khi ăn.
- Dùng dung dịch rửa tai và rửa mũi để vệ sinh cho trẻ 2 – 3 lần/ tuần.
- Đeo khẩu trang khi đưa trẻ ra ngoài, đặc biệt là đến những nơi đông người.
- Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Cho trẻ sử dụng vật dụng cá nhân riêng, đồng thời cần vệ sinh đều đặn để hạn chế vi khuẩn trú ngụ.
- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách tiêm đầy đủ vac-xin phòng ngừa, khuyến khích trẻ tập thể thao và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Nên sử dụng máy tạo độ ẩm và giữ ấm cho cơ thể trẻ khi thời tiết hanh khô.
- Không cho trẻ tiếp xúc với những thành phần có khả năng dị ứng cao như bụi bẩn, lông chó mèo, phấn hoa, khói thuốc lá,…
Nếu điều trị và chăm sóc kịp thời, bệnh viêm họng hạt ở trẻ sẽ nhanh chóng được kiểm soát. Một số phụ huynh lơ là trước biểu hiện ở con trẻ có thể khiến bệnh chuyển biến xấu và gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- 7 mẹo chữa viêm họng cho bé không dùng kháng sinh
- Chữa viêm họng hạt bằng gừng liệu có hiệu quả?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!