Tìm hiểu viêm VA quá phát là gì và mức độ nguy hiểm của bệnh
Viêm VA quá phát gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Nếu không kịp thời điều trị, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm đường ruột,…
Tìm hiểu về viêm VA quá phát
Viêm VA quá phát hay còn gọi là viêm VA mạn tính. Khác với viêm VA cấp tính, viêm VA quá phát là tình trạng bệnh tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
1. Triệu chứng
Viêm VA quá phát sẽ biểu hiện qua hai triệu chứng đặc trưng:
- Trẻ bị chảy nước mũi mạn tính, nước mũi có thể trong suốt hoặc dày và nhầy.
- Ngạt mũi kéo dài, thường ngạt nhiều về đêm. Tuy nhiên, một số trẻ có tình trạng nặng có thể bị ngạt mũi ở bất cứ thời điểm nào.
Mức độ của các triệu chứng phụ thuộc vào tiến triển của bệnh. Do đó, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng nặng nề hơn nếu tình trạng viêm ở VA trở nên nghiêm trọng, như: tắc mũi hoàn toàn, thở bằng miệng,…
Trong trường hợp viêm VA kéo dài nhưng phụ huynh không tiến hành điều trị cho trẻ, trẻ có thể đối mặt với nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của khối xương mặt: viêm VA nặng có thể khiến trẻ hô hấp bằng miệng thay cho mũi. Mũi ít được sử dụng sẽ tẹt và nhỏ hơn bình thường. Cấu trúc mũi có thể làm thay đổi cấu trúc răng hàm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình của trẻ.
- Trẻ có thể khó ngủ, ngủ ngáy, hay giật mình,… do ngạt mũi khi ngủ.
- Trẻ bị viêm VA quá phát chậm phát triển thể chất, thường chậm chạp và nhút nhát.
Xem thêm: Viêm amidan và viêm VA khác nhau như thế nào?
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây ra viêm VA quá phát là sự xâm nhập của vi khuẩn. Ngoài ra, viêm VA cũng có thể do virus gây ra.
Bên cạnh đó, một số vấn đề sức khỏe làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm VA quá phát ở trẻ như: viêm amidan, viêm họng hoặc các vấn đề về tai mũi họng.
3. Viêm VA quá phát có nguy hiểm không ?
Khác với viêm VA cấp tính, viêm VA quá phát không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ mà còn gây ra những biến chứng khác.
Biến chứng gần của viêm VA quá phát:
- Viêm mũi họng
- Viêm xoang
- Viêm tai giữa thanh dịch hoặc mủ nhầy
Biến chứng xa của viêm VA quá phát:
- Viêm khí quản
- Viêm thanh quản
- Viêm đường ruột
- Viêm phế quản
Chẩn đoán bệnh viêm VA quá phát
Trước tiên trẻ sẽ được khám các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ có thể đặt câu hỏi về các triệu chứng trẻ gặp phải hoặc tiền sử bệnh lý. Bạn cần cung cấp những thông tin chính xác để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng con bạn gặp phải.
Sau đó, trẻ có thể được khám thực thể:
- Soi mũi trước: nhìn dọc theo đường mũi có thể thấy khối sùi hồng nhạt, mềm nhô lên. Đây là khối VA bị viêm.
- Soi mũi sau: để quan sát được đường mũi sau, bác sĩ thường sử dụng phương pháp nội soi. Nội soi cho phép bác sĩ xác định được kích thước và hình dạng của VA bị viêm, từ đó xác định được mức độ quá phát của VA (thường có 4 độ).
- Khám tai: nhằm quan sát biểu hiện của màng nhĩ, viêm VA quá phát thường khiến màng nhĩ đục.
Ngoài ra, bác sĩ có thể sờ vòm, khám họng,… nhằm đáp ứng quá trình chẩn đoán viêm VA quá phát.
Điều trị viêm VA quá phát
Với viêm VA cấp tính, trẻ sẽ được điều trị nội khoa. Tuy nhiên, dùng thuốc thường không đem lại hiệu quả với viêm VA quá phát.
Do đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc để can thiệp ngoại khoa nhằm chữa trị dứt điểm viêm VA quá phát. Sau khi nạo VA, phụ huynh cần chăm sóc trẻ đúng cách để trẻ nhanh phục hồi.
Cách chăm sóc trẻ sau phẫu thuật VA:
- Sau phẫu thuật, trẻ có thể mệt mỏi hoặc buồn nôn do tác dụng của thuốc gây mê. Do đó, bạn nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn những thực phẩm có kết cấu mềm, lỏng.
- Nếu trẻ bị đau ở cổ họng, bạn nên dùng thuốc giảm đau hoặc chườm nóng để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, chỉ nên dùng paracetamol cho trẻ, không dùng ibuprofen hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid.
- Bạn nên dặn dò trẻ không được che miệng khi hắt hơi và không xì mũi trong 1 tuần sau phẫu thuật. Điều này có thể khiến vi khuẩn phát triển và khiến viêm VA tái phát.
- Sử dụng máy phun sương để tạo độ ẩm nhằm giảm tình trạng khô họng cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người mắc bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.
- Cho trẻ nghỉ ngơi sau khi phẫu thuật, hạn chế để trẻ hoạt động mạnh.
Mặc dù nạo VA là phẫu thuật nhỏ và ít gây biến chứng, tuy nhiên bạn cần chú ý những biểu hiện của con trẻ để kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường. Nếu thấy trẻ sốt trên 39 độ C, nôn mửa liên tục, bỏ ăn, chảy máu và không thể nói chuyện trong vòng 24 giờ bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm hiểu viêm VA quá phát là gì và mức độ nguy hiểm của bệnh
- Cách trị nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng phương pháp dân gian
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!