Khớp cổ chân bị tràn dịch sưng phù phải làm sao?
Khớp cổ chân bị sưng phù do tràn dịch là tình trạng tích tụ chất lỏng do màng bao hoạt dịch hoạt động quá mức. Điều trị tràn dịch khớp cổ chân bao gồm nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau, tiêm cortisone, sử dụng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch và phẫu thuật.
Tràn dịch khớp cổ chân – Nguyên nhân & Triệu chứng
Tình trạng tích tụ chất lỏng diễn ra ở khớp cổ chân được gọi là tràn dịch khớp cổ chân. Tình trạng này cũng có thể xảy ra ở đầu gối, khuỷu tay và khớp háng.
1. Nguyên nhân
Tràn dịch khớp cổ chân có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Nhiễm trùng (hay còn gọi là viêm khớp nhiễm khuẩn): Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp cổ chân thông qua vết thương. Sau khi vào bên trong, vi khuẩn sinh trưởng, gây viêm và làm tổn thương cấu trúc khớp. Nhiễm trùng khớp thường xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường, người thực hiện thay khớp nhân tạo, bệnh nhân viêm khớp, nhiễm HIV,…
- Chấn thương: Chấn thương là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tràn dịch khớp. Áp lực mạnh từ bên ngoài có thể khiến dây chằng, sụn khớp và xương bị tổn thương. Điều này khiến cấu trúc khớp mất ổn định, dần dần kích thích màng hoạt dịch sản sinh dịch nhầy và gây ra hiện tượng tràn dịch.
- Viêm khớp: Tràn dịch khớp cổ chân là hệ quả do bệnh viêm khớp cấp và mãn tính.
- Bệnh gout: Bệnh gout khiến các axit uric tích tụ trong khớp và gây tổn thương các cơ quan bên trong. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ tràn dịch hoặc hình thành u nang bao hoạt dịch.
- U nang hoạt dịch: U nang hoạt dịch là tình trạng tích tụ chất lỏng bên trong khớp, tạo thành các u nang. Khi u nang vỡ ra, hoạt dịch sẽ tràn vào khớp và gây sưng đau.
2. Triệu chứng
Các triệu chứng đặc trưng của bệnh tràn dịch khớp gối, bao gồm:
- Sưng khớp cổ chân
- Đau nhức – đặc biệt là khi vận động hoặc đi lại
- Cứng khớp
- Bên ngoài khớp đỏ và ấm
- Giảm khả năng vận động
Các triệu chứng của tràn dịch khớp cổ chân còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị tràn dịch khớp do chấn thương, khớp có thể bị bầm tím hoặc chảy máu. Trong trường hợp nhiễm khuẩn khớp, người bệnh có thể cảm thấy sốt, khó chịu, mệt mỏi và ớn lạnh.
Chẩn đoán tràn dịch khớp cổ chân
Chẩn đoán tràn dịch khớp cổ chân bao gồm xét nghiệm hình ảnh, kiểm tra thể chất và phân tích dịch khớp.
Kiểm tra thể chất
Trước tiên, bác sĩ sẽ chạm vào khớp cổ chân để quan sát các biểu hiện lâm sàng (nóng, đỏ, sưng,…).
Sau đó bạn có thể được yêu cầu thực hiện những động tác cơ bản để bác sĩ quan sát phạm vi chuyển động của khớp cổ chân.
Xét nghiệm hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh là thủ thuật quan trọng trong chẩn đoán tràn dịch khớp cổ chân. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của từng trường hợp để chỉ định các xét nghiệm hình ảnh phù hợp.
- Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm để biểu thị mô xương và các mô liên kết. Thông qua hình ảnh từ xét nghiệm này, bác sĩ có thể quan sát được tình trạng viêm ở khớp, gân và dây chằng.
- X-Quang và CT: Được thực hiện nhằm giúp bác sĩ loại trừ khả năng nứt/ gãy hoặc khối u bên trong xương.
- MRI: Hình ảnh từ MRI biểu thị rõ ràng tình trạng các mô mềm bên trong khớp.
Phân tích dịch khớp
Phân tích dịch khớp được thực hiện nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn và tìm hiểu nguyên nhân gây tràn dịch. Dịch khớp khỏe mạnh thường có màu trắng và độ nhớt tương tự lòng trắng trứng. Tuy nhiên khi khớp có vấn đề, dịch khớp có thể thay đổi màu sắc hoặc có mùi bất thường.
- Dịch khớp đục: Có thể do sự gia tăng bất thường của tế bào bạch cầu (thường do viêm khớp dạng thấp hoặc một dạng rối loạn tự miễn gây ra).
- Dịch màu vàng: Dịch khớp màu vàng có thể do sự tích tụ axit uric ở bệnh nhân gout. Ngoài ra, phân tích dịch khớp còn cho thấy sự tồn tại của các tinh thể muối urat.
- Dịch màu vàng xanh: Dịch màu vàng xanh là dấu hiệu của nhiễm trùng xương. Trong trường hợp này, dịch khớp sẽ xuất hiện mủ.
- Dịch có màu hồng hoặc có màu: Là dấu hiệu điển hình của tràn dịch do chấn thương khớp.
Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng, bác sĩ có thể nuôi cấy để xác định loại nấm và vi khuẩn gây bệnh.
Tham khảo thêm: Thoái hóa khớp cổ chân: nguyên nhân, triệu chứng & điều trị
Điều trị tràn dịch khớp cổ chân
Phương pháp điều trị tràn dịch khớp cổ chân phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Vì vậy, bệnh nhân cần tiến hành chẩn đoán trước khi thực hiện điều trị. Các phương pháp điều trị phổ biến, bao gồm:
1. Điều trị nội khoa
Nghỉ ngơi, chườm đá và sử dụng thuốc là các biện pháp phổ biến trong điều trị nội khoa. Mục đích của các biện pháp này là giảm đau, cải thiện các triệu chứng đi kèm và ngăn chặn tiến triển xấu của bệnh.
Nghỉ ngơi
Khu vực khớp bị tràn dịch khớp có thể trở nên sưng to và đau nhức hơn nếu bạn vận động khớp thường xuyên. Vì vậy, cần giữ khớp cố định nhằm giảm áp lực và tránh kích thích vào các cơ quan bên trong.
Chườm đá
Chườm đá là biện pháp giảm đau an toàn, giúp cải thiện cơn đau có mức độ nhẹ, đồng thời làm giảm hiện tượng sưng viêm ở khớp cổ chân.
Thực hiện chườm đá từ 2 – 3 lần/ ngày trong khoảng 10 phút sẽ làm giảm nhanh các triệu chứng của tràn dịch khớp cổ chân. Tuy nhiên nếu cơn đau không đáp ứng với biện pháp này, bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc điều trị.
Dùng thuốc
NSAID (thuốc chống viêm không steroid)
Các loại thuốc chống viêm không steroid (Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac,…) được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân tràn dịch khớp. Nhóm thuốc này ức chế COX 1 và 2 nhằm giảm hiện tượng viêm, từ đó cải thiện cơn đau, nóng rát và co cứng khớp.
Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng hoặc có tiền sử thủng dạ dày nên cân nhắc trước khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định thuốc ức chế chọn lọc COX 2 để giảm tác hại lên cơ quan tiêu hóa.
Tiêm corticosteroid
Trong một số trường hợp khớp sưng viêm nghiêm trọng, việc tiêm corticosteroid sẽ được cân nhắc thực hiện. Corticosteroid hoạt động tương tự cortisone do tuyến thượng thận tiết ra. Thành phần này có khả năng chống viêm mạnh, giúp giải phóng cơn đau và các triệu chứng phát sinh do phản ứng viêm.
Tuy nhiên, việc tiêm corticosteroid chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải được kiểm soát chặt chẽ. Thành phần này có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, gây tổn thương các khớp khỏe mạnh và làm giảm chức năng của vỏ tuyến thượng thận.
Kháng sinh
Trong trường hợp tràn dịch khớp cổ chân do nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ phải điều trị kháng sinh trong 14 ngày.
Nếu nhiễm khuẩn nhẹ, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng kháng sinh đường uống (Ciprofloxacin). Tuy nhiên trong trường hợp nhiễm khuẩn nghiêm trọng (do vi khuẩn lậu hoặc khuẩn kháng methicillin – Staphylococcus aureus), bệnh nhân có thể phải sử dụng kháng sinh bằng đường tiêm tĩnh mạch.
Thuốc ức chế miễn dịch
Thuốc ức chễ miễn dịch (Methotrexate hoặc Adalimumab) có thể được sử dụng nhằm cải thiện tràn dịch khớp do viêm khớp dạng thấp hoặc các tình trạng tự miễn khác.
Dựa vào mức độ tổn thương khớp mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc đường uống hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch cho từng trường hợp.
2. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa thường được áp dụng cho bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp bảo tồn.
Mặc dù thủ thuật ngoại khoa có thể tác động đến cơ quan tổn thương và cải thiện triệu chứng do tràn dịch khớp cổ chân, tuy nhiên phương pháp này đi kèm với các rủi ro nên chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết.
- Chọc hút dịch khớp: Thủ thuật này được thực hiện bằng cách sử dụng kim tiêm để hút dịch nhầy dư thừa bên trong khớp. Chọc hút dịch được xem là thủ tục ngoại khoa ít xâm lấn và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, phương pháp này không điều trị dứt điểm căn nguyên của bệnh nên có tỷ lệ tái phát cao.
- Thay khớp cổ chân: Hiện tại, thay khớp cổ chân chưa thực sự phổ biến. Tuy nhiên bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện trong trường hợp khớp bị biến dạng nặng nề. Thủ thuật này sử dụng khớp nhân tạo để thay thế các cơ quan bị tổn thương nhằm giúp người bệnh vận động và di chuyển trở lại.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải có chế độ chăm sóc hợp lý để dự phòng các biến chứng như trật khớp, hình thành huyết khối, nhiễm trùng,… Ngoài ra, cần luyện tập vật lý trị liệu thường xuyên để phục hồi khả năng và phạm vi chuyển động của khớp.
Phòng ngừa tràn dịch khớp cổ chân
Tràn dịch khớp cổ chân là hệ quả tất yếu của nhiều vấn đề. Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn, tuy nhiên bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các biện pháp sau:
- Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân/ béo phì, vì trọng lượng cơ thể càng cao sẽ làm tăng áp lực lên khớp cổ chân và kích thích bao hoạt dịch sản sinh dịch nhầy.
- Có chế độ luyện tập phù hợp nhằm cải thiện khả năng vận động, tăng cường độ dẻo dai và ổn định cấu trúc khớp. Tuy nhiên cần hạn chế những động tác hoặc bộ môn có cường độ mạnh, gây áp lực và hư tổn khớp.
- Cần điều trị sớm tình trạng nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường và gout,… để hạn chế hiện tượng tràn dịch ở các khớp xương.
- Không nên mang vác nặng. Nếu phải di chuyển vật nặng, bạn nên nhờ sự trợ giúp của người khác hoặc sử dụng dụng cụ hỗ trợ.
Nếu không tiến hành can thiệp, tràn dịch khớp cổ chân có thể chuyển biến theo chiều hướng xấu, gây đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Khớp cổ chân bị tràn dịch sưng phù phải làm sao?
- Bị đau đầu gối mỗi khi co chân – Nguyên nhân và cách trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!