Các biện pháp xử lý tràn dịch khớp gối tại nhà nên biết
Ngoài việc áp dụng những phương pháp chuyên sâu được bác sĩ chỉ định, bạn có thể thực hiện các biện pháp xử lý tràn dịch khớp gối ngay tại nhà để hỗ trợ quá trình chữa trị.
Các biện pháp xử lý tràn dịch khớp gối ngay tại nhà
Tràn dịch khớp gối là tình trạng bao hoạt dịch tăng tiết khiến dịch tràn ra khớp gối, gây sưng đau, đỏ da, cứng khớp và giảm khả năng vận động.
Bên cạnh những phương pháp chuyên sâu được chỉ định, bạn có thể thực hiện các cách xử lý tràn dịch khớp gối ngay tại nhà để hỗ trợ làm giảm triệu chứng và tác động tích cực đến tiến triển của bệnh.
1. Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là điều mà bệnh nhân tràn dịch khớp gối nên thực hiện. Trong thời điểm này, khớp gối có thể bị sưng to, viêm và đau nhức. Các hoạt động thể chất có thể làm nghiêm trọng hóa triệu chứng và kích thích bao hoạt dịch sản sinh thêm dịch nhầy. Vì vậy, cần hạn chế vận động để ổn định cấu trúc khớp, hạn chế cơn đau và tránh kích thích bao hoạt dịch.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nẹp cố định để tránh gây áp lực lên khớp gối và tránh tình trạng dịch nhầy di chuyển gây chèn ép lên các dây thần kinh. Khi nằm nghỉ ngơi, nên nâng đầu gối cao hơn để giảm bớt áp lực lên cơ quan này.
2. Chườm lạnh
Hiện tượng sưng viêm và đỏ rát có thể phát sinh tại khớp bị tràn dịch. Hiện tượng này khiến bề mặt khớp đỏ, nóng rát và đau nhức. Để cải thiện các triệu chứng nói trên, bạn có thể thực hiện chườm lạnh 2 – 3 lần mỗi ngày.
Nhiệt độ từ túi chườm sẽ làm co mạch máu, hạn chế tuần hoàn đến vùng khớp gối, từ đó làm giảm viêm, nóng, sưng và đau nhức (mỗi lần chườm chỉ nên kéo dài từ 10 – 15 phút). Bạn có thể thực hiện khi cơn đau phát sinh hoặc thực hiện đều đặn mỗi ngày để dự phòng triệu chứng tái phát.
3. Sử dụng thuốc
Trong trường hợp cơn đau không đáp ứng với biện pháp chườm lạnh và nghỉ ngơi, bạn có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau không kê toa để cải thiện tình hình.
Acetaminophen là loại thuốc phổ biến cho các cơn đau nhẹ đến trung bình. Loại thuốc này có khả năng giảm đau, hạ nhiệt độ tại khớp viêm và ít gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên nếu bạn có vấn đề về gan hoặc thiếu hụt G6PD, cần tham khảo ý kiến dược sĩ trước khi sử dụng Acetaminophen.
Các loại thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Aspirin, Diclofenac,…) được sử dụng khi cơn đau không đáp ứng với Acetaminophen. Thuốc chống viêm không steroid giúp giảm nhanh cơn đau và cải thiện triệu chứng sưng viêm. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể không phù hợp với bệnh nhân đang bị loét dạ dày tá tràng tiến triển, polyp dạ dày hoặc gặp các vấn đề nghiêm trọng ở đường tiêu hóa.
Thuốc giảm đau không kê toa có thể cải thiện cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên bạn chỉ nên sử dụng tối đa trong vòng 10 ngày. Nếu có ý định kéo dài thời gian dùng thuốc, vui lòng thông báo với bác sĩ để nhận được tư vấn chuyên môn.
4. Bổ sung thực phẩm lành mạnh
Một số loại thực phẩm có khả năng chống viêm và cải thiện triệu chứng của bệnh tràn dịch khớp gối. Thay vì lạm dụng thuốc giảm đau, bạn có thể kết hợp việc dùng thuốc, nghỉ ngơi, chườm lạnh với chế độ ăn phù hợp.
Các thực phẩm mà bệnh nhân tràn dịch khớp gối nên bổ sung:
- Cá hồi: Cá hồi chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe, trong đó có Omega 3. Thành phần này không chỉ tốt cho trí não và tim mạch mà còn có khả năng kháng khuẩn và chống viêm. Bổ sung cá hồi đều đặn giúp giảm tình trạng sưng tại khớp gối và giảm nguy cơ nhiễm trùng xương.
- Tỏi: Hoạt chất allicin có trong tỏi là thành phần chống oxy hóa, giảm viêm và ức chế vi khuẩn. Vì vậy khi dùng tỏi thường xuyên, quá trình thoái hóa và tổn thương khớp gối sẽ được hạn chế.
- Trái cây & rau xanh: Trái cây và rau xanh là nhóm thực phẩm lành mạnh được khuyến khích cho bệnh nhân tràn dịch khớp gối. Hàm lượng khoáng chất và vitamin trong nhóm thực phẩm này có khả năng tăng cường sức đề kháng, điều chỉnh cân nặng và cải thiện hoạt động của khớp.
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp bệnh nhân tràn dịch khớp gối kiểm soát tốt các triệu chứng và tiến triển của bệnh. Bạn nên trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng về tình trạng bệnh lý của mình để được tư vấn về chế độ ăn phù hợp.
5. Bài tập cho khớp gối
Khớp gối không chỉ chịu áp lực từ các hoạt động thông thường mà còn bị chèn ép bởi trọng lượng của cơ thể. Điều này khiến cho cơn đau và các triệu chứng của tràn dịch khớp có xu hướng nghiêm trọng hơn.
Để làm giảm áp lực và cải thiện cơn đau, bạn nên thực hiện những động tác dành riêng cho khớp gối. Tuy nhiên các bài tập này phải được thực hiện khi đợt bùng phát của bệnh chấm dứt. Tập luyện khi khớp gối đang sưng viêm dữ dội và đau nhức có thể làm nghiêm trọng hóa các triệu chứng.
Ngoài ra, hoạt động thể chất còn giúp ổn định cân nặng và giảm mức độ chèn ép lên đầu gối. Để có chế độ luyện tập thích hợp, bạn nên trao đổi trực tiếp với chuyên viên vật lý trị liệu. Tự ý luyện tập có thể gây tổn thương khớp, kích thích màng hoạt dịch tăng sản xuất dịch nhầy và làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh.
Kết hợp các cách xử lý tràn dịch khớp gối tại nhà với những phương pháp chuyên sâu sẽ giúp bạn kiểm soát cơn đau, cải thiện các triệu chứng đi kèm và hạn chế chuyển biến tiêu cực của bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!