Tìm hiểu về bệnh viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính
Hệ tiêu hóa là một trong những bộ máy đặc biệt quan trọng trong cơ thể, đảm nhiệm vai trò xử lý thức ăn, cung cấp chất dinh dưỡng cho mọi hoạt động. Tuy nhiên, nhiều bệnh lý ở hệ tiêu hóa có thể ảnh hưởng đặc biệt xấu đến sức khỏe, trong đó có bệnh viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính.
Viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính là gì?
Viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính là một bệnh lý phức tạp, gồm nhiều yếu tố cấu thành. Những bệnh nhân mắc bệnh này cùng lúc gặp phải nhiều thương tổn trong hệ tiêu hóa, bao gồm:
- Viêm dạ dày là tình trạng niêm mạc bao bọc bên trong dạ dày có dấu hiệu viêm, thương tổn.
- Có vết trợt dạ dày, là những tổn thương nhỏ trên niêm mạc ở phần hang vị dạ dày của bệnh nhân, tạo thành các vết xước, nặng hơn có thể trở thành vết loét.
- Dạ dày có dấu hiệu phù nề, các mạch máu căng lên và giãn ra quá mức, tình trạng này thường đi kèm với xung huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa.
- Tình trạng xung huyết niêm mạc, niêm mạc dạ dày có thể tụ máu, xuất huyết, đôi khi có thể có vết loét.
- Thể bệnh tiến triển dai dẳng, lặp đi lặp lại (mạn tính).
Nhìn chung, viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính không hẳn là một bệnh riêng biệt mà là một dạng thương tổn phức tạp gồm nhiều yếu tố khác nhau kết hợp và gây nên. Đa số những trường hợp bệnh nhân gặp phải bệnh này thường đã tiến triển lâu mà không can thiệp, điều trị sớm, khiến bệnh tiến triển xấu và tái đi tái lại, khó chữa dứt điểm.
→Xem thêm: Chế độ ăn cho người bị viêm dạ dày cấp
Nguyên nhân gây ra viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính
Đối với những bệnh lý phức tạp, nhiều yếu tố kết hợp như viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính, nguyên nhân gây ra bệnh thường không đơn lẻ mà liên quan đến một loạt các yếu tố trong sinh hoạt, thói quen sống, tình trạng cơ địa, sức khỏe của bản thân người bệnh.
Trong số những trường hợp nhập viện do bệnh lý này, các bác sĩ ghi nhận có một số nguyên nhân cơ bản mà rất nhiều bệnh nhân gặp phải như:
- Nhiễm vi khuẩn Hp dạ dày, đặc biệt là nhiễm các chủng vi khuẩn hoạt động mạnh, tiết ra nhiều độc tố.
- Người lạm dụng các chất kích thích, tiêu thụ nhiều rượu, bia, thuốc lá trong thời gian dài khiến cho hệ tiêu hóa, dạ dày bị thương tổn.
- Ảnh hưởng của các loại thuốc cũng gây ra nhiều tác động xấu cho dạ dày của bạn. Một số thuốc có thể gây tác dụng phụ như làm bào mòn niêm mạc dạ dày, gây ra đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Tình trạng này đặc biệt nặng ở những người dùng thuốc tùy tiện, không theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Stress căng thẳng kéo dài, mất ngủ, thức khuya,… cũng là những yếu tố trong cuộc sống có thể dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, dạ dày.
Triệu chứng viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính
Đặc trưng của căn bệnh này là kết hợp nhiều dạng tổn thương đường tiêu hóa. Do đó các triệu chứng của bệnh cũng đều là những triệu chứng rất đặc trưng của các bệnh tiêu hóa, bao gồm:
- Xuất hiện những cơn đau âm ỉ, dai dẳng, kéo dài. Đa số những cơn đau tức của bệnh nhân thường xuất hiện ở vùng thượng vị. Đặc điểm cơn đau cũng không ổn định, đa số bệnh nhân thường đau nhiều hơn khi trong trạng thái quá đói hoặc quá no.
- Ngoài ra những tổn thương như phù nề, xung huyết, ảnh hưởng của các vết loét dạ dày thường có xu hướng tăng lên theo thời gian, không có dấu hiệu giảm đi như các bệnh thông thường khác.
- Ảnh hưởng từ các vết loét có thể khiến cho dạ dày co bóp bất thường, không chỉ gây đau mà còn khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa thường xuyên trong ngày, kéo dài liên tục.
- Khi hệ tiêu hóa gặp rối loạn, thương tổn nặng, bệnh nhân thường đau, không muốn ăn, ăn không ngon miệng. Sau khi ăn cũng thường nôn, khiến cho cơ thể thiếu hụt dưỡng chất, thiết máu, sút cân, da xanh xao.
Nhìn chung, viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính là một bệnh đường tiêu hóa có ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là trong những trường hợp bệnh tiến triển xấu có thể gây xuất huyết ồ ạt, bệnh nhân choáng, mất máu, mất ý thức, hôn mê, thậm chí có thể tử vong.
Điều trị viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính
Việc điều trị viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính cần sự kết hợp của nhiều loại thuốc khác nhau. Tùy theo mức độ của bệnh, tình trạng thương tổn đường tiêu hóa của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp như:
1. Điều trị bằng thuốc chống Acid
Hướng điều trị này thường được bác sĩ áp dụng đầu tiên để giảm nguy cơ thương tổn nặng hơn. Ở người có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, Acid Chlohydric (HCl) đảm nhiệm chức năng phân giải thức ăn, kết hợp cùng với các enzyme khác trong dạ dày để thực hiện công việc tiêu hóa.
Tuy nhiên khi có các tổn thương dạ dày, niêm mạc đã bị suy yếu, Acid Chlohydric có thể góp phần làm cho thương tổn nặng, tình trạng viêm loét tăng lên. Lúc này, sử dụng thuốc chống Acid là một giải pháp để giúp bảo vệ vị trí vết thương không bị thương tổn nặng hơn.
Tác dụng chính của nhóm thuốc chống Acid là trung hòa các ion H của dung dịch HCl, khiến cho độ pH tăng trên 3, từ đó thay đổi đặc tính của Acid để ngăn ngừa vết loét nặng hơn do Acid gây ra. Những nhóm thuốc chống Acid phổ biến thường được chỉ định trong những trường hợp này gồm có:
Nhóm thuốc chống Acid ion (-) (anion)
Tác dụng của nhóm thuốc này là có tốc độ trung hòa acid nhanh, mạnh nhưng không có khả năng đệm. Điển hình trong nhóm này là một số loại thuốc như:
- Cacbonate Canxi.
- Natri.
- Cacbonate monosodique.
Hiện nay, trong điều trị các bệnh đường tiêu hóa, bác sĩ thường ít dùng nhóm thuốc chống Acid ion (-) trong các trường hợp viêm cấp và những trường hợp rối loạn cơ năng dạ dày. Liều dùng của nhóm thuốc này thường ngắn, bác sĩ thường chỉ định dùng từ 1 hoặc 2 ngày, không dùng kéo dài.
Nhóm thuốc chống Acid ion (+) (cation)
Ưu điểm của nhóm thuốc chống Acid ion (+) là có khả năng đệm tốt hơn so với nhóm thuốc chống ion (-). Đa số những loại thuốc trong nhóm này đều có nguồn gốc là các muối của Aluminium (Phosphate, Trisilicate, Hydroxyde), bao gồm:
- Maalox.
- Polisilane gel.
- Phossphalugel.
- Gasterine.
- Barudon.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị với các loại thuốc khác nhau trong nhóm. Đối với nhóm thuốc này cần lưu ý uống nhiều lần trong ngày nhằm mục đích duy trì và ổn định mức độ pH trong dạ dày luôn luôn nằm trong khoảng trên 3 – 3,5. Ngoài ra cần dùng nhóm thuốc này sau khi ăn, không được dùng trước ăn vì có thể gây ra ảnh hưởng ngược lại đối với sức khỏe của bệnh nhân.
Đồng thời nhóm thuốc chống Acid ion (+) cũng có thể làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của một số loại thuốc điều trị khác nên không được sử dụng cùng lúc với nhau mà cần có thời gian giãn cách ít nhất hai giờ. Bệnh nhân đang điều trị bằng các loại thuốc khác cũng cần thông báo cho bác sĩ điều trị để có hướng xử trí phù hợp, hạn chế tương tác thuốc ngoài ý muốn.
2. Điều trị bằng thuốc tạo màng bọc
Nhóm thuốc tạo màng bọc cũng có khả năng chống Acid nhưng yếu hơn nhiều so với nhóm thuốc chống Acid. Ưu điểm của nhóm thuốc này là có khả năng kết dính với dịch nhày của dạ dày để hình thành một lớp màng bọc niêm mạc dạ dày và phần đáy ổ loét.
Tác dụng của màng bọc này là ngăn ngừa những ảnh hưởng của Acid trong dạ dày tác động đến vị trí đang bị thương tổn. Nhóm thuốc này cũng được sử dụng khá phổ biến trong điều trị viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính. Những loại thuốc tạo màng bọc dạ dày thường được sử dụng gồm có:
- Silicate Al (Silicate nhôm) bao gồm Kaolin, Smecta.
- Silicate Mg (Silicate magie) như gastropulgite.
- Bismuth: Subcitrate Bismuth (Trymo).
- CBS.
Liều dùng từ 120mg / lần, ngày dùng 4 lần. Mỗi đợt điều trị dùng trong thời gian 30 ngày, sau đó phải dừng thuốc một thời gian. Những loại thuốc tạo màng bọc kể trên ngoài tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày cũng có thể tiêu diệt vi khuẩn Hp với mức độ nhẹ. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm các loại muối Aluminium của Sucrose octa sulfat để tăng cường khả năng gắn với protein của dịch nhày, giúp ngăn chặn tình trạng tái hấp thu H+.
3. Điều trị bằng thuốc chống bài tiết, ức chế H2
Nhóm thuốc chống bài tiết, ức chế H2 được sử dụng từ những năm 1980, cho đến nay đã trải qua khá nhiều thế hệ. Tác dụng chính của nhóm thuốc này là điều trị vết loét tại dạ dày đồng thời giúp hạn chế các triệu chứng trào ngược, tăng Acid dạ dày. Ngoài điều trị, đây cũng là nhóm thuốc thường được sử dụng trong dự phòng tái phát vết loét. Một số loại thuốc thuộc nhóm này gồm có:
- Cimetidin (Cimet, Tagamet).
- Ranitidine.
- Nizatidine.
- Famotidine.
4. Điều trị bằng thuốc ức chế bơm Proton
Thuốc ức chế bơm Proton có tác dụng chính là chống loét tại chỗ, ngoài ra nhóm thuốc này cũng giúp cải thiện một số vấn đề như trào ngược dạ dày thực quản, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn Hp dạ dày bằng cách kết hợp với các loại kháng sinh khác theo phác đồ được bác sĩ chỉ định. Những loại thuốc ức chế bơm Proton phổ biến thường được chỉ định gồm có:
- Lanzoprazole (Lanzor, Ogast, Prevacide…).
- Omeprazole (Omeprazole, Mopral, Zoltum, Losec…).
- Pantoprazole (Pantoprazole, Eupantol, Inipomp…).
- Rabeprazole (Pariet…).
- Esomeprazole (Inexium, Nexium, Leziole).
Một số lưu ý khác
Song song với điều trị viêm dạ dày trợt phù nề xung huyết mạn tính, bệnh nhân cần chú ý thay đổi một số thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày, hệ tiêu hóa, bao gồm:
Dinh dưỡng
- Ăn uống hợp lý khoa học, chú ý điều chỉnh thời gian ăn uống điều độ, không bỏ bữa, ăn đủ bữa.
- Đảm bảo bữa ăn hằng ngày đủ chất dinh dưỡng.
- Cần chú ý bổ sung nhiều loại rau củ quả để cơ thể có đầy đủ vitamin và dưỡng chất.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể từ 2 – 2,5 lít để cơ thể hoạt động trơn tru và tối ưu nhất.
- Hạn chế các loại thức ăn gây khó tiêu, nhiều dầu mỡ, chất béo.
- Hạn chế thức ăn có thể gây ra tình trạng tăng tiết dịch vị, nhất là các món cay, chua, mặn.
Lối sống
- Không hút thuốc lá.
- Không sử dụng các thức uống có cồn như rượu, bia.
- Luyện tập thể dục thể thao điều độ để cơ thể linh hoạt, dẻo dai, cải thiện sức đề kháng.
- Tái khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ tái phát bệnh.
Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế cho hướng dẫn điều trị hoặc toa thuốc từ bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh viêm dạ dày có nguy hiểm không, cách phòng ngừa?
- Bị Viêm Dạ Dày Ruột Nên Ăn Gì Để Hỗ Trợ Điều Trị Bệnh Tốt Nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!