Thuốc chẹn H2 Nizatidine: Chỉ định, liều dùng và tác dụng phụ
Nizatidine ức chế chọn lọc lên thụ thể H2 ở thành dạ dày. Thuốc được dùng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày – tá tràng, ăn mòn thực quản và cải thiện chứng ợ hơi nóng.
- Tên thuốc: Nizatidine
- Phân nhóm: Thuốc đường tiêu hóa
- Dạng bào chế: Viên nang
Những thông tin cần biết về thuốc Nizatidine
1. Cơ chế hoạt động
Nizatidine có công thức tương tự histamine tại receptor H2 ở thành tế bào. Do đó, Nizatidine có tác dụng đối kháng thụ thể H2 nhằm làm giảm sản xuất dịch vị dạ dày.
Thuốc không có tác dụng đối với thụ thể H1, chỉ tác dụng chọn lọc trên thụ thể H2. Nizatidine chuyển hóa chủ yếu qua gan và được thải trừ qua thận dưới dạng không chuyển hóa.
2. Chỉ định
Nizatidine được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Ngăn ngừa và điều trị loét dạ dày – tá tràng
- Ăn mòn thực quản
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Chứng ợ hơi nóng
Thuốc có thể có những tác dụng không được đề cập trong bài viết. Nếu có ý định dùng thuốc với mục đích khác, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
3. Chống chỉ định
Nizatidine chống chỉ định với những trường hợp sau:
- Quá mẫn và dị ứng với những thành phần trong thuốc
- Tiền sử dị ứng với các thành phần đối kháng với thụ thể H2
- Suy gan, thận nặng
Hoạt động của thuốc có thể ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe. Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng bệnh lý để được cân nhắc việc sử dụng thuốc.
4. Cách dùng – liều lượng
Đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì trước khi sử dụng. Không tự ý thay đổi cách dùng, liều lượng và tần suất sử dụng.
Cách dùng: Uống thuốc trực tiếp với nước lọc. Không dùng thuốc với sữa, nước ép. Những thức uống này có thể làm giảm mức độ hấp thu thuốc khiến tác dụng điều trị suy giảm.
Liều lượng sử dụng thuốc phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ của các triệu chứng và phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên. Để được chỉ định liều dùng tương ứng, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Thông tin về liều dùng được đề cập trong bài viết chỉ đáp ứng cho các trường hợp phổ biến nhất. Đồng thời không có giá trị thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Liều dùng thông thường khi điều trị loét tá tràng tiến triển
- Dùng 300mg/ lần/ ngày, uống vào buổi tối
- Hoặc dùng 150mg/ 2 lần/ ngày, uống trong vòng 24 giờ
Liều dùng thông thường khi phòng ngừa loét dạ dày tiến triển
- Dùng 300mg/ lần/ ngày, uống vào buổi tối
- Hoặc dùng 150mg/ 2 lần/ ngày, uống trong vòng 24 giờ
Liều dùng thông thường khi điều trị trào ngược dạ dày – thực quản
- Dùng 150mg/ 2 lần/ ngày
- Có thể tăng liều lên 300mg/ 2 lần/ ngày
Liều dùng được cung cấp được áp dụng cho người trưởng thành. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có ý định dùng thuốc cho trẻ.
5. Bảo quản
Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng (dao động từ 15 – 30 độ C), tránh ánh nắng trực tiếp và nơi có nhiều độ ẩm. Xử lý thuốc theo đúng hướng dẫn in trên bao bì khi thuốc hư hại hoặc hết hạn sử dụng.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng Nizatidine
1. Thận trọng
Cần loại trừ nguy cơ loét dạ dày ác tính trước khi sử dụng thuốc.
Nizatidine được thải trừ qua nguồn sữa mẹ, do đó phụ nữ cho con bú không tự ý sử dụng thuốc. Trong trường hợp bắt buộc, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngưng cho trẻ bú để sử dụng Nizatidine. Trao đổi với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc trong thời gian mang thai.
Bệnh nhân gặp vấn đề về thận có thể sử dụng thuốc khi được điều chỉnh liều lượng.
Nizatidine có thể ảnh hưởng đến chỉ số trong xét nghiệm nước tiểu, máu. Cần thông báo với nhân viên y tế nếu bạn đang sử dụng loại thuốc này trước khi thực hiện xét nghiệm.
2. Tác dụng phụ
Trong thời gian sử dụng, Nizatidine có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.
Khi nhận thấy các tác dụng phụ phát sinh, bạn nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục. Với tác dụng phụ thông thường, bác sĩ có thể giảm liều, tần suất sử dụng. Ngược lại với những tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn có thể được yêu cầu điều trị để cải thiện tình trạng.
Tác dụng phụ thông thường:
- Tiêu chảy
- Nhức đầu
Tác dụng phụ nghiêm trọng:
- Tổn thương tế bào gan: viêm gan, vàng da, ứ mật,…
- Hệ tim mạch: rối loạn nhịp tim
- Hệ thần kinh trung ương: lú lẫn
- Nội tiết: bất lực, giảm ham muốn tình dục, phát triển ngực ở đàn ông,…
- Hệ huyết học: thiếu máu, giảm tiểu cầu,…
- Da: đổ mồ hôi, nổi mề đay, đỏ và viêm da,…
- Phản ứng quá mẫn: co thắt phế quản, đỏ da, tăng bạch cầu ưa eosin,…
- Phản ứng phụ khác: tăng acid uric máu, buồn nôn, sốt,…
Bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không được đề cập trong bài viết.
3. Tương tác thuốc
Nizatidine có thể tương tác với một số loại thuốc khác. Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng điều trị hoặc làm phát sinh những triệu chứng nghiêm trọng.
Nizatidine có thể tương tác với một số loại thuốc sau:
- Itraconazole
- Ketoconazole
- Pazopanib
- Atazanavir
- Delavirdine
- Dasatinib
- Cimetidine
- Ranitidine
- Famotidine
Nizatidine cũng có thể tương tác với một số loại thuốc không được nhắc đến trong bài viết. Để chủ động phòng ngừa tương tác, bạn nên trình bày những loại thuốc mình đang sử dụng để được cân nhắc về tương tác có thể phát sinh.
4. Xử lý khi dùng thuốc hoặc quá liều
Nếu bạn dùng thiếu một liều, bạn nên uống ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp sắp đến liều dùng tiếp theo, bạn nên bỏ qua và dùng liều sau theo đúng kế hoạch.
Dùng thiếu liều không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên tình trạng này có thể khiến thuốc giảm tác dụng điều trị. Vì vậy hãy chắc rằng bạn uống thuốc theo đúng tần suất được chỉ định.
Trong trường hợp dùng quá liều, bạn cần báo với bác sĩ để được khắc phục kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
- Trào ngược dạ dày uống thuốc gì?
- Nexium 20mg là thuốc gì? Thận trọng khi dùng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!