Liệu trẻ sơ sinh có mắc phải bệnh trĩ không?
Nhiều người tin rằng bệnh trĩ chỉ xảy ra ở người trưởng thành, những người thường xuyên phải ngồi nhiều, ít vận động. Điều này có đúng không? Liệu trẻ sơ sinh có mắc phải bệnh trĩ không?
Trẻ sơ sinh có bị trĩ không?
Bệnh trĩ có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, từ người trưởng thành cho đến trẻ em, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng bởi bệnh trĩ ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp.
Nếu bạn nghi ngờ con mình mắc bệnh trĩ thì nên chú ý theo dõi, ghi nhận các dấu hiệu và đưa bé đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân. Từ đó có cách khắc phục bệnh sớm cho con.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ ở trẻ sơ sinh
Bệnh trĩ xảy ra do sự gia tăng áp lực lên khu vực hậu môn trực tràng, khiến cho các tĩnh mạch ở khu vực này bị sưng. Trẻ sơ sinh có thể gặp phải vấn đề này vì nhiều lý do như:
- Táo bón: Táo bón kéo dài là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh trĩ ở trẻ sơ sinh. Trẻ có thể bị táo bón ngay cả khi bé không ăn thức ăn đặc. Các loại sữa công thức chứa nhiều chất sắt có thể khiến bé gặp khó khăn trong việc đi cầu. Trường hợp này, các tĩnh mạch trĩ sẽ chịu nhiều áp lực khi trẻ thường xuyên đi ngoài phân khô, cứng và phải cố gắng rặn mạnh để tống phân ra ngoài.
- Giãn tĩnh mạch bẩm sinh: Một số bé bị bệnh trĩ ngay trong những ngày đầu của cuộc đời do các tĩnh mạch ở khu vực xương chậu bị căng giãn bất thường. Trường hợp này, các triệu chứng của bệnh trĩ sẽ xuất hiện sau 2-5 ngày kể từ lúc bé được sinh ra.
- Di truyền: Bệnh trĩ có thể phát triển ở trẻ sơ sinh có các khiếm khuyết ở hậu môn trực tràng.
Xem thêm: 13+ Cách Trị Bệnh Trĩ Tại Nhà Hiệu Quả, Dễ Áp Dụng
Dấu hiệu bệnh trĩ ở trẻ sơ sinh
Trẻ không thể nói cho bạn biết điều gì đang khiến bé khó chịu. Do vậy, bạn nên thận trọng và chú ý đến một số triệu chứng nhất định để xác định xem liệu con bạn có đang mắc căn bệnh này hay không.
Một số dấu hiệu giúp nhận biết bệnh trĩ ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Xuất hiện các u thịt sưng, kích thích xung quanh hậu môn của bé
- Có vệt máu đỏ tươi trong phân
- Hậu môn ẩm ướt
- Đau hậu môn, bé khóc thét và phải rặn mạnh mỗi khi đi cầu
- Trẻ bị trĩ nặng sẽ thấy búi trĩ lòi ra khỏi ống hậu môn sau mỗi lần đi tiêu
Tình trạng chảy máu khi đi cầu không chỉ do bệnh trĩ gây ra mà còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe. Do vậy, nếu con bạn có dấu hiệu bất thường này, hãy đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để được thăm khám và chẩn đoán chính xác bệnh.
Làm thế nào để điều trị bệnh trĩ ở trẻ sơ sinh?
Trẻ sơ sinh bị bệnh trĩ thường được điều trị bảo tồn bằng các phương pháp như :
# Chườm lạnh:
Đặt một cái khăn lạnh vào hậu môn trong thời gian ngắn có thể giúp bé bớt đau đớn, đặc biệt là sau mỗi lần đi tiêu.
# Tắm hoặc ngâm hậu môn với nước ấm:
Để giúp bé cải thiện tình trạng sưng đau búi trĩ, bạn có thể cho bé ngâm hậu môn vào nước ấm trong khoảng 10-15 phút, thực hiện 2-3 lần/ ngày. Kết hợp tắm nước ấm cho bé hàng ngày sẽ giúp con bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
# Phòng chống táo bón cho trẻ:
Vì nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh trĩ là táo bón, bạn nên theo dõi tần suất đi cầu của con. Việc chống táo bón cho trẻ sẽ giúp bé bớt được tình trạng đau đớn và giảm bớt được áp lực lên tĩnh mạch trĩ.
Các biện pháp chống táo bón cho trẻ sơ sinh bao gồm:
– Đối với trẻ đã ăn dặm:
- Tăng lượng chất xơ vào khẩu phần ăn của bé
- Cho bé uống nhiều nước hơn, đặc biệt là nước ép táo, lê hay nước kem pha loãng.
- Massage bụng cho bé mỗi ngày 1-2 lần để tăng cường nhu động ruột, giúp thức ăn di chuyển nhanh hơn.
- Trẻ trên 6 tháng tuổi bạn có thể cho ăn thêm sữa chua để hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho đường ruột.
- Khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn để tăng chuyển động ruột
– Nếu trẻ còn đang bú sữa mẹ hoặc sữa công thức:
- Tăng lượng cữ bú hàng ngày của bé
- Thay đổi loại sữa khác phù hợp hơn cho bé nếu cần thiết
- Mẹ cũng nên thường xuyên ăn các thực phẩm có tính mát như rau mồng tơi, diếp cá, bí đao, dưa hấu, chanh, mướp đắng để không khiến bé bị nóng trong, táo bón.
- Massage bụng kết hợp tập bài tập đạp xe đạp cho bé để kích thích nhu động ruột, giúp trẻ đi tiêu đều đặn.
# Vệ sinh hậu môn cho trẻ đúng cách
Sau khi bé đi cầu, bạn nên dùng các loại khăn giấy mềm nhẹ nhàng lau sạch hậu môn của bé. Sau đó, rửa sạch lại bằng nước ấm để tránh tình trạng sót phân gây nhiễm trùng hậu môn và khiến bệnh trĩ phát triển nặng hơn.
# Dùng thuốc trị bệnh trĩ ở trẻ sơ sinh:
Bác sĩ nhi khoa có thể đề nghị cho con bạn sử dụng thuốc đạn Glycerin hay thuốc thụt hậu môn. Các loại thuốc này đều có thể gây ra tác dụng phụ không tốt cho trẻ nếu sử dụng không đúng cách. Vì vậy bạn chỉ nên dùng thuốc cho con khi có sự chỉ định của bác sĩ. Đồng thời cho trẻ tái khám thường xuyên để theo dõi diễn tiến của bệnh, điều chỉnh liều lượng dùng thuốc cho phù hợp.
Nếu bé đáp ứng với các phương pháp điều trị này, các triệu chứng có thể hết trong vòng một đến hai tuần. Nếu bệnh vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, hãy nói chuyện với bác sĩ về các lựa chọn điều trị thay thế hiệu quả hơn.
Thông tin ThuocDanToc.vn không thay thế được cho lời khuyên, chẩn đoán và phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa chỉ định!
Có thể bạn quan tâm:
- Chế Độ Sinh Hoạt Cho Người Bệnh Trĩ Giúp Nhanh Khỏi
- Biểu hiện bệnh trĩ nặng và cách chữa trị hiệu quả
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!