Biện pháp điều trị mề đay ngay tại nhà ai cũng có thể áp dụng
Nổi mề đay thường liên quan đến các phản ứng dị ứng của cơ thể. Nếu phản ứng cấp tính, tình trạng sẽ giảm dần sau 24 giờ. Tuy nhiên nếu mề đay kéo dài và gây ngứa ngáy, bạn có thể thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà để cải thiện.
Các biện pháp điều trị mề đay tại nhà
1. Sử dụng túi chườm lạnh
Bạn có thể giảm kích ứng bằng cách sử dụng túi chườm lạnh. Nhiệt độ lạnh từ túi chườm sẽ làm dịu da. Đồng thời thu nhỏ các mạch máu nhằm hạn chế tình trạng máu tuần hoàn đến vùng da bị tổn thương. Trong máu có bạch cầu – yếu tố miễn dịch, nên khi bạch cầu đổ về vùng da này, tình trạng nổi mề đay sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Bạn nên đặt túi chườm lên vùng da bị nổi mề đay trong khoảng 5 -10 phút. Thực hiện khi vùng da bị ngứa ngáy dữ dội hoặc có thể thực hiện cố định từ 2 – 3 lần/ngày.
2. Giữ da khô thoáng, mát mẻ
Nhiệt độ nóng và ma sát có thể khiến mề đay bị kích thích và trở nên tồi tệ hơn. Bạn không nên băng kín vùng da bị nổi mề đay, nếu vùng da được che phủ với quần áo bạn nên mặc đồ rộng để giảm ma sát.
Ngoài ra, bạn nên giữ cơ thể mát mẻ, hạn chế hoạt động với cường độ mạnh trong thời gian điều trị. Nhiệt độ cơ thể cao có thể khiến vùng da mề đay ngứa ngáy hơn bình thường.
3. Giữ ẩm cho da
Vùng da mề đay có thể ngứa hơn khi da bị khô, do đó bạn nên bổ sung dưỡng chất và hạn chế những thói quen khiến độ ẩm trong da bay hơi.
- Dùng kem dưỡng ẩm dịu nhẹ lên da
- Hạn chế tắm bằng nước nóng – nhiệt độ cao có thể làm mất lớp dầu tự nhiên của da
- Không nên tắm quá lâu, nên tắm trong khoảng 10 phút
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ, độ pH cân bằng 5,5
Nếu mề đay nổi ở mặt, bạn nên hạn chế sử dụng các sản phẩm làm đẹp trong thời gian này. BHA, AHA, Hydroquinone,… trong mỹ phẩm có thể khiến da bị tổn thương trầm trọng hơn.
Xem thêm: Bị nổi mề đay quanh mắt phải làm sao?
4. Tắm với dung dịch giảm ngứa
Hiện nay có rất nhiều sản phẩm xà phòng tắm để giảm ngứa do mề đay, chàm, viêm da dị ứng,… Nếu tình trạng ngứa do mề đay khiến bạn quá khó chịu, bạn nên trao đổi với dược sĩ để được tư vấn sản phẩm xà phòng thích hợp.
Hoặc bạn có thể tận dụng các nguyên liệu thiên nhiên như yến mạch, cám gạo, baking soda khi tắm để làm dịu và giảm ngứa ngáy.
5. Sử dụng liệu pháp thiên nhiên
Vỏ cây phỉ
Vỏ cây phỉ có chứa tannin – một hoạt chất tự nhiên có khả năng giảm kích ứng da.
- Sử dụng từ 5 – 10 gram vỏ cây phỉ
- Nghiền vỏ cây và đun sôi với nước
- Lọc bỏ rễ và để nguội nước cây phỉ
- Dùng hỗn hợp thoa lên da khoảng 20 phút và rửa lại bằng nước sạch
Nếu bạn không tìm được rễ cây phỉ tự nhiên, bạn có thể sử dụng những sản phẩm có chứa thành phần này để thay thế.
Nha đam
Nha đam có đặc tính làm dịu và làm mát da. Nguồn nước tự nhiên từ nha đam sẽ dưỡng ẩm và giảm ngứa vùng da bị nổi mề đay. Ngoài ra, trong nha đam còn chứa những thành phần chống viêm tự nhiên, giúp làm giảm tình trạng viêm do phản ứng dị ứng của cơ thể.
Tuy nhiên nhựa nha đam có thể gây kích ứng da, vì vậy bạn nên làm sạch nhựa trước khi sử dụng. Đồng thời nên dùng nha đam lên một vùng da nhỏ trước khi sử dụng trên diện rộng.
Sử dụng trực tiếp nha đam lên vùng da nổi mề đay, để trong vài phút và rửa sạch. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng những sản phẩm gel nha đam được sản xuất sẵn để thay thế.
Gợi ý: Cách chữa nổi mề đay bằng lá kinh giới bạn đã biết chưa?
6. Sử dụng thuốc không kê toa
Nếu các biện pháp tự nhiên không cải thiện được tình trạng mề đay, bạn có thể sử dụng thuốc không kê toa để làm giảm ngứa và kích ứng da.
Calamine Lotion
Calamine Lotion là dạng kem bôi ngoài để điều trị các triệu chứng ngứa rát, kích ứng do dị ứng hoặc do các bệnh da liễu gây ra.
Nếu da bạn nhạy cảm, bạn có thể trộn thuốc với kem dưỡng ẩm trước khi dùng. Sau đó, thoa thuốc lên vùng da bị mề đay và đợi thuốc khô hoàn toàn. Bạn nên sử dụng từ 2 – 3 lần/ngày tùy vào các triệu chứng cụ thể.
Diphenhydramine
Diphenhydramine là thuốc kháng Histamine, thuốc hoạt động bằng cách ức chế các histamine được cơ thể sản sinh. Từ đó làm giảm các triệu chứng được sản sinh do quá trình miễn dịch thái quá.
Diphenhydramine được dùng ở đường uống, để biết liều dùng và tần suất sử dụng cụ thể nên tham khảo thông tin được in trên bao bì. Sau khoảng 1 giờ uống thuốc, bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng thuyên giảm rõ rệt.
Loratadine
Tương tự như Diphenhydramine, Loratadine cũng là một loại thuốc kháng histamine. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như viêm họng, lở miệng, đau đầu, hồi hộp,… do đó bạn cần thận trọng khi sử dụng.
Trong thời gian dùng thuốc, bạn nên hạn chế sử dụng rượu bia. Bởi rượu bia có thể làm tăng nguy cơ buồn ngủ của thuốc.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Fexofanadine, Cetirizine,… để cải thiện các triệu chứng. Nên trao đổi với dược sĩ tình trạng cụ thể để được điều chỉnh liều lượng thích hợp, sử dụng liều lượng thông thường có thể không đem lại kết quả như mong đợi.
7. Sử dụng thuốc kê toa
Nếu bạn bị nổi mề đay nặng hoặc mề đay mãn tính, bạn trao đổi với dược sĩ để được chỉ định những loại thuốc kê toa. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:
Deltasone
Deltasone là một corticosteroid ở đường uống, thuốc có khả năng ức chế miễn dịch nhằm làm giảm các triệu chứng do mề đay gây ra như ngứa, khó chịu, rát,… Tuy nhiên corticosteroid có khả năng gây ra các tác dụng không mong muốn, do đó bạn phải thận trọng khi sử dụng.
Tác dụng phụ có thể gặp:
- Huyết áp tăng
- Tăng nhãn áp
- Sưng tay chân
- Tăng cân
Nếu dùng thuốc trong một thời gian dài, bạn có thể gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng hơn, như:
- Đục thủy tinh thể
- Tăng lượng đường trong máu
- Giải phóng hormone từ tuyến thượng thận
- Có nguy cơ nhiễm trùng
Để hạn chế các tác dụng phụ nêu trên, bạn nên dùng corticosteroid đường uống với liều thấp và chuyển sang dùng kem corticosteroid bôi ngoài da theo chỉ dẫn của dược sĩ.
Dapsone
Dapsone là một loại kháng sinh được dùng để điều trị nổi mề đay hoặc các tình trạng da nhiễm khuẩn khác. Bạn nên dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng vi khuẩn kháng lại thuốc.
Ngoài ra, bạn có thể được chỉ định thuốc đối kháng thụ thể Leukotriene, Omalizumab,… để điều trị mề đay. Các loại thuốc kê toa có tác dụng mạnh, do đó thuốc có thể phát sinh những tác dụng nghiêm trọng nếu bạn không sử dụng đúng cách.
Khi nào nên đến bệnh viện?
Nếu các triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc, bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ xác định nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị khác.
Ngoài ra, nổi mề đay có thể là phản ứng dị ứng của cơ thể. Phản ứng dị ứng có thể chuyển sang sốc phản vệ nếu cơ thể bị sốc trước tác nhân gây dị ứng. Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng sau, bạn nên gọi cấp cứu ngay.
Phản ứng sốc phản vệ:
- Khó thở
- Giọng khàn
- Cổ họng nghẹn lại
- Sưng ở môi
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Tim đập nhanh
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Mề đay cholinergic nguy hiểm không? Chẩn đoán và điều trị dứt điểm
- Bị nổi mề đay khắp người do đâu? Cách khắc phục
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!