Điều gì khiến trẻ bị chảy máu cam? Làm thế nào để khắc phục?
Chảy máu cam là hiện tượng vô cùng phổ biến ở đối tượng trẻ em, xảy ra khi một mạch máu trong hệ thống mao mạch của mũi bị vỡ. Chảy máu cam thường diễn ra nhanh và ngưng trong khoảng thời gian chưa đầy 10 phút.
Nhìn sơ bộ, nhiều người có cảm giác trẻ bị mất rất nhiều máu. Tuy nhiên, rất hiếm khi sự mất máu này dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng (ví dụ thiếu máu). Thiếu máu chỉ xảy ra khi trẻ chảy máu cam nặng với mật độ thường xuyên trong vòng vài tuần đến vài tháng. Chảy máu cam thường được sơ cứu tại chỗ, không cần đến bác sĩ.
Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ
Một số “thủ phạm” gây chảy máu cam ở trẻ em thường gặp là:
- Không khí khô: Vào những ngày trời khô, hanh (nhất là mùa đông), niêm mạc mũi bị khô, dễ bị kích ứng hơn thông thường. Điều này làm tăng nguy cơ chảy máu cam.
- Gãi hoặc ngoáy mũi: Hành động này có thể làm lộ mạch máu, trầy ước niêm mạc mũi, tăng nguy cơ chảy máu cam.
- Chấn thương: Chảy máu cam có thể xuất hiện khi trẻ bị thương ở mũi như té, ngã… Nhìn chung, hiện tượng trên không đáng ngại. Tuy vậy, hãy liên hệ sớm với bác sĩ nếu trẻ chảy máu cam liên tục trong 10 phút mà không có dấu hiệu ngừng lại.
- Cảm lạnh, dị ứng, nhiễm trùng xoang: Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho niêm mạc mũi bị sung huyết, giãn mạch máu, dễ bị tổn thương, kích thích chảy máu cam.
- Nhiễm khuẩn: Nhiễm trùng có thể gây đau, đỏ, sưng, viêm lớp niêm mạc bên trong mũi và trước mũi, tăng nguy cơ chảy máu cam.
Trong một số trường hợp, chảy máu cam là triệu chứng biểu hiện của một số bệnh lý về máu như: rối loạn đông máu. Lúc này, bố mẹ cần liên hệ với bác sĩ để được giải đáp và tư vấn hướng khắc phục
Hướng dẫn cách sơ cứu nhanh khi trẻ bị chảy máu cam
Khi nhận thấy con mình bị chảy máu cam, bố mẹ có thể giúp làm chậm quá trình chảy máu mũi bằng cách cho trẻ ngồi lên ghế và thực hiện các bước sau:
- Giữ đầu trẻ thẳng đứng, hơi cúi xuống bên dưới. Không nghiêng hẳn đầu ra sau vì điều này có thể khiến cho máu chảy xuống cổ họng, gây kích ứng niêm mạc họng, gây ho, thậm chí là nôn mửa.
- Dùng tay bóp nhẹ cánh mũi. Yêu cầu trẻ thở bằng miệng.
- Duy trì thao tác trên trong khoảng 10 phút. Không nên thả tay quá sớm vì điều này có thể khiến cho máu bắt đầu chảy lại. Bố mẹ cũng có thể dùng đá chườm lên sống mũi để ngăn lượng máu chảy ra.
Cách điều trị chảy máu cam thường xuyên
Nếu trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, bố mẹ cần:
- Xịt mũi bằng thuốc dạng phun sương.
- Sử dụng máy tăng cường độ ẩm trong không khí.
- Nếu như mũi của trẻ bị khô và nứt, bố mẹ nên bôi một ít thuốc mỡ như Vaseline vào mũi 2 lần mỗi ngày để giữ ẩm cho niêm mạc mũi. Không áp dụng cách trên cho trẻ dưới 4 tuổi vì chúng thường không ngồi yên, khó hợp tác.
- Vệ sinh tay cho trẻ, cắt móng tay thường xuyên để hạn chế tối đa trầy xước và kích ứng từ việc ngoáy mũi.
Khi nào nên liên hệ với bác sĩ?
Gọi cho bác sĩ nếu như con bạn thuộc một trong những trường hợp sau:
- Chảy máu cam là hệ quả của việc trẻ đưa vật gì đó vào trong mũi.
- Khi đổi qua thuốc mới.
- Khi chảy máu ở một vị trí khác trên cơ thể, chẳng hạn như nướu.
- Trẻ bị bầm tím khắp người.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên liên hệ với chuyên gia ngay lập tức nếu như sau 10 – 20 phút bóp mũi mà máu không có biểu hiện ngừng chảy. Đối với trường hợp trẻ bị chảy máu cam sau khi bị đánh mạnh vào đầu (không phải mũi), trẻ than đau đầu, chóng mặt, cũng cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp giải quyết kịp thời.
Nhìn chung, chảy máu cam ở trẻ em không hiếm gặp và không quá nguy hiểm đến sức khỏe, nhiều trường hợp chỉ cần cầm máu tại nhà, không cần đến bệnh viện. Nắm vững kiến thức trên sẽ giúp bố mẹ chủ động hơn khi đối mặt với tình huống, tránh được những rủi ro nguy hiểm.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm
- Vì sao trẻ hay bị chảy máu cam về đêm?
- Trẻ bị chảy máu cam nên ăn gì để bệnh nhanh khỏi?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!