Chữa bệnh trĩ bằng cách tập yoga: Chuyện thật hay đùa ?
Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh trĩ còn chịu ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất. Áp dụng các động tác yoga thích hợp sẽ thúc đẩy nhu động ruột, hạn chế táo bón và cải thiện cơn đau do bệnh trĩ gây ra.
Yoga có thật sự chữa được bệnh trĩ?
Yoga là bộ môn luyện tập có nguồn gốc lâu đời, xuất phát từ Ấn Độ. Bộ môn này không chỉ buộc cơ thể phải hoạt động thể chất thông thường mà còn phải điều phối hơi thở và suy nghĩ.
Chính vì tác động đa chiều đến cơ thể nên yoga không chỉ đem lại độ dẻo dai và khỏe mạnh cho xương khớp mà còn tác động tích cực đến hệ thần kinh, tuần hoàn máu và các cơ quan khác.
Hiện nay, bộ môn này đã được nhiều người lựa chọn để nâng cao sức khỏe, duy trì vóc dáng và cải thiện triệu chứng của một số bệnh lý.
Tình trạng phình lồi tĩnh mạch ở bệnh nhân bị trĩ khiến hậu môn sưng viêm và đau nhức nghiêm trọng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, các bác sĩ luôn khuyến khích người bệnh thiết lập chế độ dinh dưỡng và thể chất phù hợp để tác động tích cực đến chuyển biến của bệnh.
Thực hiện các động tác yoga phù hợp có thể kích thích nhu động ruột và hạn chế tình trạng táo bón ở người mắc bệnh trĩ. Như đã biết, hiện tượng phình tĩnh mạch trực tràng có thể là hệ quả do táo bón mãn tính gây ra. Vì vậy khi cải thiện tình trạng này, áp lực lên tĩnh mạch trực tràng cũng giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, tác động từ yoga còn thúc đẩy tuần hoàn, hạn chế tình trạng tích tụ máu ở tĩnh mạch trực tràng, từ đó làm giảm hiện tượng sưng viêm và đau nhức dữ dội.
Tuy nhiên bệnh lý này chịu chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy bạn cần kết hợp các động tác yoga chữa bệnh trĩ với chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, đồng thời cần áp dụng các biện pháp điều trị được bác sĩ chỉ định.
Tìm hiểu thêm: Tổng hợp các bài tập thể dục cho người bệnh trĩ – Nhanh khỏi, khỏe người
5 Động tác yoga chữa bệnh trĩ thực hiện ngay tại nhà
1. Viparita karani
Tư thế Viparita karani tác động trực tiếp lên vùng bụng dưới và hậu môn, giúp thúc đẩy tuần hoàn máu đến cơ quan này. Thực hiện tư thế này thường xuyên sẽ làm giảm cơn đau do bệnh trĩ, đồng thời giảm căng thẳng khi đại tiện.
Thực hiện:
- Ngồi thẳng chân, tay phải song song và cách bức tường từ 10 – 15cm
- Thở ra và đưa hai chân lên cao và áp sát vào mặt tường
- Đồng thời hạ vai và đầu xuống sàn
- Nên giữ hai chân sát nhau và cố gắng kéo sát mông áp sát vào tường
- Giữ tư thế khoảng vài giây, hít thở nhẹ nhàng
- Cong đầu gối, ấn bàn chân vào tường và đẩy phần hông ra xa
- Nâng phần trên cơ thể lên và trở lại tư thế ban đầu
- Thực hiện động tác này trong khoảng 3 – 5 phút
Tư thế Viparita karani tác động trực tiếp đến vùng bụng dưới nên chống chỉ định với phụ nữ đang hành kinh.
Bên cạnh tác dụng giảm đau do bệnh trĩ, tư thế này còn cải thiện tình trạng chuột rút ở bắp chân, giảm đau lưng và căng thẳng.
2. Malasana
Malasana là động tác giúp ngăn ngừa táo bón – một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh trĩ. Ngoài ra, động tác này còn thúc đẩy co bóp của cơ quan tiêu hóa và cải thiện chứng đầy hơi, khó tiêu.
Thực hiện:
- Ngồi xổm, cố gắng để hai chân càng sát nhau càng tốt
- Đưa phần bắp đùi dang ra hai bên sao cho rộng hơn vai, gót chân vẫn giữ nguyên
- Đồng thời nghiêng cơ thể về phía trước và thở ra nhẹ nhàng
- Đưa khuỷu tay ấn vào phần mặt trong đầu gối, hai bàn tay chạm vào nhau
- Giữ nguyên tư thế trong 30 – 60 giây, hít vào, duỗi thẳng đầu gối
Động tác Malasana không thích hợp với những người bị chấn thương lưng dưới hoặc đau đầu gối nghiêm trọng.
Mách bạn: Cách giảm đau rát hậu môn tại nhà do trĩ, táo bón
3. Balasana
Tư thế Balasana giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu về phía hậu môn và cải thiện tình trạng táo bón. Ngoài ra, tư thế này còn giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng và tăng độ linh hoạt cho xương chậu.
Thực hiện:
- Quỳ trên sàn nhà, mông đặt trên gót chân, hai ngón chân cái chạm vào nhau
- Sau đó đưa hai đầu gối giãn ra sao cho bằng chiều ngang của hông
- Thở nhẹ nhàng và đặt phần thân trên xuống hai đùi
- Cố gắng kéo giãn phần hông và đốt sống
- Đặt hai tay lên cao, mặt bàn tay tiếp xúc với mặt sàn
- Duy trì tư thế trong 30 giây đến vài phút
4. Pawanmuktasana
Pawanmuktasana là tư thế giúp giải phóng khí thừa bên trong ruột và dạ dày, giúp giảm đầy hơi và khó tiêu. Tác động từ tư thế này còn giúp căng cơ hậu môn và giảm áp lực khi đại tiện.
Tư thế này được khuyến khích thực hiện vào buổi sáng để thúc đẩy hoạt động tiêu hóa của cơ thể trong một ngày dài.
Thực hiện:
- Nằm ngửa trên thảm, hai chân đặt sát nhau, tay để dọc theo chiều cơ thể
- Hít một hơi thật sâu, sau đó thở ra và đưa đầu gối về phía ngực và ấn đùi lên vùng bụng
- Đưa hai tay ôm chặt lấy đầu gối và thở nhẹ nhàng
- Duy trì tư thế trong vài phút, khi giải phóng tư thế bạn nên lăn nhẹ cơ thể để thư giãn các cơ
Pawanmuktasana không thích hợp với người vừa mới phẫu thuật bụng, phụ nữ mang thai, người cao huyết áp hoặc chấn thương cổ.
5. Ardha Matsyendrasana
Ardha Matsyendrasana là động tác giúp thúc đẩy co bóp các cơ quan ở bụng dưới, cải thiện khả năng bài tiết của thận và hoạt động của hệ tiêu hóa.
Thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng, chân trái co lại và sát mặt sàn, gót chân trái đặt ở dưới
- Chân phải bắc ngang qua chân trái, đầu gối ngang ngực, dùng hai tay giữ đầu gối chân phải
- Thả tay trái ra khỏi đầu gối, dùng tay phải đẩy đầu gối sát vào ngực. Tay trái co lại vuông góc, đặt bắp tay lên đầu gối phải.
- Thở ra và đưa thẳng tay trái về phía trước, nghiêng cánh tay sao cho lòng bàn tay hướng ra bên ngoài
- Co tay trái lại một góc 90 độ nhưng đưa tay về phía sau lưng, tay phải đưa ra sau và nắm lấy cổ tay trái. Tuy nhiên cần đảm bảo đầu gối vẫn được giữ chặt ở phần nách của tay trái.
- Duy trì từ thế trong 20 – 30 giây, sau đó trở lại tư thế và thực hiện tương tự với bên còn lại
Nếu có các vấn đề sức khỏe đặc biệt (mang thai, tiểu đường, cao huyết áp, vừa phẫu thuật,…), bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các động tác yoga chữa bệnh trĩ.
Ngoài ra để đạt được kết quả tốt trong quá trình điều trị, cần luyện tập đều đặn kết hợp với việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thiết lập chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Những thực phẩm người bệnh trĩ nên ăn và cần kiêng cữ hàng ngày
- Giải pháp chữa bệnh trĩ không cần phẫu thuật
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!