Bé bị viêm họng cấp có nên uống kháng sinh ?
Thời điểm giao mùa, trời chuyển lạnh cũng là lúc nhiều người mắc bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm họng. Bệnh phổ biến hơn ở đối tượng trẻ em và một số người lớn có sức đề kháng kém. Để khắc phục những triệu chứng khó chịu, nhiều người dùng kháng sinh điều trị. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, không phải trường hợp bị viêm họng nào của đặc hiệu với thuốc kháng sinh.
Bé bị viêm họng cấp có nên uống kháng sinh?
Giống như nhiều bệnh viêm khác, viêm họng có hai dạng: viêm họng cấp tính và viêm họng mãn tính. Viêm họng cấp tính là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, bùng phát sau 1 – 2 ngày ủ bệnh và biến mất sau 5 – 7 ngày biểu hiện. Các triệu chứng thường gặp trong một đợt cấp gồm: đau rát cổ họng, sốt, sưng tấy họng, mệt mỏi, ớn lạnh, uể oải…
Nguyên nhân làm bùng phát các đợt viêm họng cấp ở đối tượng trẻ em chủ yếu là do nhiễm virus rhino, adeno, virus hợp bào đường thở, cúm, sởi…(chiếm khoảng 60% – 80%). Số còn lại là do nhiễm một số chủng vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, phế cầu, H.Influenzae, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A…
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà có những biện pháp điều trị thích hợp.
- Nếu tác nhân gây bệnh là do virus, trẻ gặp biểu hiện chính là ho và sốt, bệnh có thể khỏi sau 3 – 5 ngày mà không cần dùng đến thuốc điều trị. Kháng sinh không nên được chỉ định trong trường hợp này bởi thuốc không đặc hiệu với virus.
- Nếu như bệnh viêm họng xuất phát từ nguyên nhân nhiễm khuẩn (liên cầu, tụ cầu, phế cầu), trẻ gặp một số triệu chứng như: sưng amidam, họng có xuất tiết trắng, sưng đau hạch ở cổ, họng đỏ, đau đầu, sốt, chấm xuất huyết nhỏ ở vòm họng, việc dùng kháng là cần thiết. Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt tác nhân gây bệnh, phòng biến chứng tháp khớp cấp – có thể ảnh hưởng đến bệnh tim sau này.
Như vậy, thuốc kháng sinh chỉ nên chỉ định và được sử dụng khi xác định chính xác tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn, các trường hợp khác thuốc không phát huy hiệu quả điều trị.
Bên cạnh đó, để giảm đau và triệu chứng khó chịu cho bé, bố mẹ có thể tham khảo ý kiến chuyên gia và cân nhắc một số loại thuốc giảm đau hạ sốt như ibuprofen, acetaminophen. Tuy nhiên, không cho trẻ dùng thuốc asprin vì nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc trên có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye (rối loạn chuyển hóa), có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, cần cho trẻ bổ sung chất điện giải, bù nước, cho trẻ nghỉ ngơi thường xuyên để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Một số lưu ý khi dùng kháng sinh chữa viêm họng ở trẻ
Khi dùng kháng sinh chữa viêm họng cấp cho trẻ, cần lưu ý một số điều sau:
- Liên hệ với chuyên gia để được kê thuốc kháng sinh có dược lực phù hợp và an toàn cho trẻ em.
- Kháng sinh cần được dùng đủ liều. Bố mẹ không cho trẻ ngưng thuốc khi chứa hết lộ trình vì điều này có thể khiến cho vi khuẩn chưa được tiêu diệt hết phát triển trở lại, gây tái nhiễm.
- Thuốc kháng sinh có thể gây một số tác dụng phụ khi sử dụng như: dị ứng, tiêu chảy…
- Lạm dụng kháng sinh trong trường hợp không cần thiết có thể gây tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh, gây khó khăn cho công tác trị bệnh sau này.
Tóm lại, thuốc kháng sinh chỉ nên được chỉ định nếu tác nhân gây viêm họng cấp ở trẻ do là vi khuẩn. Các trường hợp khác không nên lạm dụng kháng sinh trong điều trị để tránh những tác động tiêu cực đến sức khỏe của bé trong tương lại. Ngoài việc dùng thuốc tây, bố mẹ cần cho trẻ uống đủ nước, dùng máy làm ẩm không khí, súc miệng hằng ngày, bổ sung thực phẩm dinh dưỡng làm tăng sức đề kháng để giúp bé chóng khỏi bệnh và vui khỏe mỗi ngày.
Thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo. Chúng tôi không đưa ra bất kỳ lời khuyên, chẩn đoán & phương pháp điều trị thay thế tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!