Bệnh giác mạc hình chóp
Bệnh giác mạc hình chóp không phổ biến như các bệnh về mắt khác. Có rất ít bệnh nhân gặp phải vấn đề này, tuy nhiên giác mạc hình chóp khá nguy hiểm. Trường hợp bệnh kéo dài không được chăm sóc và điều trị đúng cách người bệnh có thị lực yếu dần, thậm chí là mù lòa.
Tổng quan
Bệnh giác mạc hình chóp hay còn gọi là bệnh giác mạc hình nón, chứng bệnh về thị lực biểu thị thông qua sự thay đổi cấu trúc giác mạc. Như các bạn đã biết, giác mạc có vai trò quan trọng, nằm trước nhãn cầu như một tấm kính thu phóng hình ảnh, kết cấu mỏng, trong suốt. Ở người bình thường, giác mạc có độ cong nhẹ, cong đều từ trung tâm đến vùng ngoại vi mắt.
Đối với bệnh nhân mắc chứng giác mạc hình chóp, đúng với tên gọi cấu tạo giác mạc khác lạ, độ cong lớn, khu vực trung tâm hoặc cạnh trung tâm của giác mác mỏng, giãn phình, lồi ra bất thường. Quan sát mắt theo chiều ngang có thể thấy giác mạc lồi rõ ra ngoài, hình chóp. Tình trạng này xảy ra thường liên quan đến hiện tượng suy yếu các sợi protein khiến giác mạc không giữ đúng hình dạng như ban đầu.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh giác mạc hình chóp xuất hiện do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Theo đó, bạn có thể mắc phải chứng bệnh này do:
- Tuổi tác: Tỷ lệ bệnh nhân bị biến dạng giác mạc theo thời gian liên quan đến vấn đề tuổi tác. Người tuổi càng cao càng có thị lực yếu, nguy cơ mắc các bệnh về mắt như viễn thị, lão thị, trong đó có hiện tượng giác mạc hình chóp.
- Yếu tố bệnh lý: Ngoài các nguyên nhân kể trên, tình trạng giác mác lồi ra như hình nón có thể xảy ra sau khi bệnh nhân mắc phải các vấn đề như viêm kết mạc, sốt theo mùa, bệnh eczema, hen suyễn,... Những đối tượng mắc bệnh không kiểm soát đúng và kịp thời có nguy cơ bị tổn thương mắt, thay đổi kết cấu của giác mạc.
- Do di truyền: Người mắc bệnh giác mạc hình chóp ngay từ khi chào đời do liên quan đến yếu tố di truyền. Người có các khiếm khuyết di truyền theo đánh giá của các chuyên gia có các sợi protein yếu hơn người bình thường. Các sợi protein hay collagen không thể giữ giác mạc ổn định cấu trúc như bình thường.
- Ảnh hưởng từ môi trường, thói quen: Ngoài các nguyên nhân kể trên, hiện tượng giác mạc hình chóp có thể xảy ra do thói quen không lành mạnh, môi trường sống không đảm bảo gây ra. Đặc biệt là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím trong nắng mặt trời, người sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi nhiều, thường xuyên đọc sách, xem thiết bị điện tử trong môi trường thiếu sáng,...
- Ảnh hưởng nội tiết tố: Một số trường hợp mắc bệnh giác mạc hình chóp khi còn rất trẻ. Nguyên nhân gây ra sự bất thường này liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ gặp phải bệnh lý thị giác bất thường này.
- Các yếu tố khác: Có rất nhiều yếu tố tác động gây bệnh, bạn có thể bị giác mạc hình nón do viêm dị ứng, gụi mắt thường xuyên, tiếp xúc với hóa chất độc hại, lạm dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc điều trị bệnh,...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Người mắc bệnh giác mạc hình chóp có thể nhận thấy bất thường ở thị lực, mắt biểu hiện ngày càng mờ, thay kính liên tục, và đặc biệt là nhạy cảm với ánh sáng. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và ảnh hưởng lên cả hai bên mắt. Những đứa trẻ mắc bệnh thường sẽ bùng phát triệu chứng từ lúc 10 tuổi.
Các triệu chứng sớm của bệnh kể đến như:
- Ngứa mắt liên tục.
- Tầm nhìn kém, nhạy cảm khi tiếp xúc với nắng mặt trời, ánh sáng đèn.
- Mờ mắt, đỏ và sưng bất thường.
- Nhìn kém và méo mó, nhìn song thị 1 vật thành 2 vật.
- Xuất hiện quầng sáng quanh bóng đèn.
- Tình trạng nhìn mờ ảo, nhìn vệt sáng,...
Các triệu chứng bệnh giác mạc hình chóp có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề thị lực khác. Điều này khiến người bệnh không khám chữa sớm dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực.
Quan sát giác mạc sẽ nhận thấy sự thay đổi bằng mắt thường, giác mạc lồi ra như hình chóp, bề mặt giác mạc không còn nhẵn như trạng thái bình thường mà chuyển sang gợn sóng. Người bệnh nhận thấy mắt ngày càng mờ, phải thay kính liên tục mới nhìn rõ vật.
Chẩn đoán
Dựa trên các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, bác sĩ tiến hành chẩn đoán lâm sàng, dự đoán bệnh lý người bệnh đang gặp phải. Bên cạnh đó, các phương pháp kiểm tra giác mạc chuyên sâu cũng được tiến hành kể đến như:
- Địa hình giác mạc: Phương pháp chụp hình giác mạc nhằm quan sát sự thay đổi kết cấu giác mạc, phân tích các bất thường chẩn đoán giác mạc hình nón. Phương pháp này thường được áp dụng cho những trẻ có bố hoặc mẹ mắc bệnh, khi trẻ 10 tuổi mỗi năm cần thực hiện 1 lần để phát hiện sớm giác mạc hình nón.
- Kiểm tra mắt toàn diện: Phương pháp kiểm tra mắt cũng được thực hiện bao gồm kiểm tra đèn khe, dùng kính hiển vi,... Các bất thường ở giác mạc được phát hiện.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh giác mạc hình chóp không phổ biến, tuy nhiên đây là bệnh lý nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng thị giác. Trường hợp bệnh nhân không điều trị, áp dụng biện pháp tạm thời khiến mắt ngày càng rối loạn, đặc tính khúc xạ của giác mạc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Đặc biệt, trường hợp bệnh nhân có thị lực kém dần nguy cơ dẫn đến mù lòa là có thể xảy ra. Trường hợp bệnh nhân không can thiệp điều chỉnh với biện pháp phù hợp, chỉ sử dụng kính hỗ trợ thị giác thường không có kết quả lâu dài, các biến đổi giác mạc làm tầm nhìn kém hơn, thị lực giảm sút không điều chỉnh được.
Không những thế, các thay đổi về hình dạng giác mạc nếu xảy ra trong thời gian dài sẽ làm suy giảm thị lực đột ngột nhiều khả năng hình thành sẹo giác mạc. Khi đó, người bệnh có khả năng gặp phải nhiều biến chứng hơn, khó khắc phục. Lúc này chỉ có biện pháp xâm lấn, thay thế giác mạc mới giúp người bệnh duy trì được thị giác.
Điều trị
Dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh giác mạc hình chóp của người bệnh, bác sĩ chỉ định phương án khắc phục tương ứng. Mục đích giúp người bệnh duy trì thị lực tốt nhất, giảm thiểu rủi ro tổn thương, biến chứng. Dưới đây là các giải pháp thường được áp dụng:
- Kính áp tròng mềm, kính gọng: Tương tự các vấn đề thị lực khác, người bệnh phải sử dụng kính để cải thiện tầm nhìn. Kính được cắt đúng độ cận, viễn người bệnh đang gặp phải. Bệnh nhân có thể chọn lựa dùng kính gọng truyền thống hoặc kính áp tròng mềm. Phương án này thường được áp dụng cho người bệnh phát hiện sớm, chưa có tổn thương nặng nề tại giác mạc. Kính giúp khắc phục tật khúc xạ, ổn định hình ảnh vào mắt giúp người bệnh nhìn dễ dàng hơn.
- Kính áp tròng cứng: Khác so với giai đoạn nhẹ, trường hợp giác mạc có nhiều thay đổi hơn, lồi nặng, bề mặt gồ ghề không đồng đều sẽ được thay thế bằng kính áp tròng cứng. Loại này sẽ giúp khắc phục tốt hơn thị lực cho người bệnh. Dựa vào mức độ giác mạc hình chóp, kính sẽ được thiết kế với các thông số phù hợp, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
- Kính áp tròng tổng hợp: Bệnh nhân mắc tật giác mạc hình chóp cũng có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng kính áp trồng tổng hợp cứng và mềm. Theo đó phần bên ngoài của kính thường sẽ có chất liệu mềm, bên trong chất liệu cứng.
- Kính áp tròng Scleral: Kích thước kính to hơn các loại kể trên và lấn ra phía ngoài củng mạc hay còn gọi là lòng trắng. Kính sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra mắt định kỳ để có sự thay đổi khi cần thiết.
- Cross Linking: Phương án phẫu thuật cho bệnh nhân giác mạc hình chóp. Giác mạc của người bệnh vẫn được lưu giữ chưa cần thay thế, xâm lấn được thực hiện tối thiểu. Theo đó, bác sĩ sẽ nhỏ vitamin B2 lên giác mạc, dùng tia cục tím chiếu vào nhằm tăng cường liên kết các sợi protein giúp điều chỉnh giác mạc cho người bệnh.
- Phẫu thuật đặt vòng, ghép giác mạc: Áp dụng cho đối tượng bệnh nặng, giác mạc dị dạng không thể phục hồi. Phương pháp xâm lấn hỗ trợ cải thiện thị giác, tuy nhiên cũng sẽ tiềm ẩn một vài rủi ro nhất định. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ các thắc mắc liên quan nhằm có được trải nghiệm điều trị an toàn, hiệu quả.
Người bệnh giác mạc hình chóp được khuyến khích đến bệnh viện mắt kiểm tra định kỳ. Khi cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định thay đổi mắt kính nhằm tăng độ rõ nét khi nhìn cho người bệnh. Ngoài ra, nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân cũng cần thông báo với bác sĩ để sớm được kiểm tra, khắc phục.
Có thể bạn quan tâm: Viêm kết mạc dị ứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục
Phòng ngừa
Bệnh giác mạc hình chóp kéo dài có thể khiến bệnh nhân suy giảm thị lực trầm trọng, tình trạng nặng dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, trong thời gian điều trị bệnh nhân phải đeo kính xuyên suốt mới quan sát được sự vật xung quanh. Do đó, bệnh không chỉ ảnh hưởng đến thị giác mà còn gây nhiều bất tiện đối với cuộc sống.
Bác sĩ khuyên mỗi người nên chủ động phòng bệnh về thị lực, trong đó bao gồm bệnh giác mạc hình chóp. Một số lưu ý:
- Chăm sóc sức khỏe bản thân phù hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, bổ sung những thực phẩm tốt cho thị giác, những loại quả, củ có màu đỏ, mọng nước,... Ăn rau xanh, trái cây tươi và hạn chế ăn dầu mỡ, hạn chế uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.
- Nên giữ mắt được khỏe, không nhìn vào màn hình máy tính, điện thoại, bài vở sát mắt, giữ khoảng cách cân đối để mắt không bị ảnh hưởng. Dành thời gian để mắt được nghỉ ngơi, cách 20 phút làm việc nên đưa mắt hướng đến những mảng xanh, cây cối, nghỉ ngơi trong 20 giây cho mắt thư giản.
- Kiểm tra thị lực nếu nhận thấy mắt nhìn mờ, mỏi. Đeo kính để cải thiện thị lực, tuy nhiên phải sử dụng kính chất lượng, không sử dụng kính giá rẻ kém chất lượng.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, kiểm tra mắt, đặc biệt nếu phát hiện mắt có cấu tạo bất thường kèm theo các triệu chứng lạ hãy chủ động đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Vì sao mắt tôi bị giác mạc hình chóp?
2. Tôi có thể nhận biết giác mạc hình chóp qua những triệu chứng gì?
3. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm gì khi mắc bệnh giác mạc hình chóp?
4. Nếu không điều trị tôi có gặp vấn đề gì không?
5. Tôi cần đeo kính đến khi nào?
6. Biến chứng giác mạc hình chóp nguy hiểm như thế nào?
7. Bao lâu tôi cần tái khám và thay kính?
Bệnh giác mạc hình chóp là một trong những bệnh lý về mắt không nhiều người gặp phải, tuy nhiên lại khá nguy hiểm nếu để bệnh tiến triển kéo dài. Do đó, nếu bạn nhận thấy mắt có các biểu hiện bất thường nên đến bệnh viện thăm khám sớm để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn cho mắt, cũng như sức khỏe tổng thể.