Bệnh Thoát Vị Khe Hoành
Thoát vị khe hoành xảy ra khi một phần dạ dày trượt lên lồng ngực, do mô cơ xung quanh lỗ khe hoành bị suy yếu. Bệnh gặp chủ yếu ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ bị thừa cân - béo phì. Do không có triệu chứng điển hình nên bệnh lý này dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề tim mạch và tiêu hóa.
Tổng quan
Bệnh thoát vị khe hoành (Hiatal Hernia) là tình trạng cột trụ (mô cơ) quanh lỗ khe hoành thực quản bị suy yếu, làm cho một phần của dạ dày trượt lên lồng ngực gây ra hiện tượng thoát vị. Dù tần suất mắc bệnh khá cao nhưng do ít khi được đề cập nên hiểu biết của cộng đồng về căn bệnh này còn tương đối thấp.
Thoát vị khe hoành khiến cho dịch vị, thức ăn bên trong dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản. Cảm giác ợ nóng, đau tức vùng ngực của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề về tim mạch. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp bị chẩn đoán và điều trị sai trong nhiều năm liền.
Thống kê cho thấy, thoát vị khe hoành thường gặp ở người lớn tuổi. Bởi tuổi tác cao cộng với quá trình lão hóa sẽ khiến cho cơ hoành suy yếu. Khoảng 70% bệnh nhân đều trên 70 tuổi nên việc nhầm lẫn với các bệnh tim mạch là điều dễ hiểu.
Bệnh thoát vị khe hoành không nhất thiết phải điều trị nếu không gây ra các triệu chứng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp mắc bệnh đều phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe có liên quan. Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp.
Phân loại bệnh
Bệnh thoát vị khe hoành được chia thành các loại như sau:
- Loại A (Thoát vị trượt): Loại này có đặc điểm là phần tâm vị dạ dày được đẩy lên trên cơ hoành gây thoát vị đối xứng. Thoát vị trượt là loại phổ biến (chiếm 90%), có thể gặp ở cả người lớn và người trẻ tuổi.
- Loại B (Thoát vị cuốn): Với thoát vị cuốn, phần đáy vị bị đẩy lên phía trên chỗ nối thực quản - dạ dày. Khuyết tâm vị vẫn nằm ở bên dưới cơ hoành. Dạng thoát vị khe hoành này thường gặp sau khi phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản dưới khi điều trị trào ngược dạ dày (GERD).
- Loại C (Hỗn hợp): Bệnh thoát vị khe hoành loại hỗn hợp kết hợp giữa thoát vị trượt và thoát vị cuốn. Điều này có nghĩa là cả phần đáy vị và tâm vị đều được đẩy lên trên cơ hoành. Loại hỗn hợp thường phát triển sau một thời gian, ban đầu thường chỉ bị thoát vị trượt. Dạng hỗn hợp hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi.
- Loại D (Phức tạp): Bệnh thoát vị khe hoành loại D ít gặp nhưng có mức độ nghiêm trọng, triệu chứng phức tạp. Với loại D, không chỉ có dạ dày mà rất nhiều các cơ quan khác như mạc nối, ruột non… đều bị thoát vị trên cơ hoành.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân trực tiếp gây thoát vị cơ hoành là do các mô cơ quanh lỗ khe hoành thực quản bị suy yếu. Đây là điều kiện để một phần của dạ dày thoát vị ra ngoài. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lý này vẫn chưa được biết rõ nhưng có thể liên quan đến những yếu tố sau:
- Tuổi tác cao: Tuổi tác gia tăng đồng nghĩa với việc tất cả các cơ quan đều bị lão hóa, suy giảm chức năng. Mô cơ hoành có thể trở nên suy yếu theo thời gian khiến cho một phần dạ dày bị thoát vị. Đây cũng là lý do bệnh thoát vị khe hoành thường gặp ở người trên 70 tuổi.
- Chấn thương: Ngoài nguyên nhân tuổi tác, cơ hoành cũng có thể bị tổn thương do chấn thương. Tác động cơ học sẽ khiến cho cơ quan này suy yếu, làm cho một phần dạ dày (thường là tâm vị) thoát vị lên trên gây ra ợ nóng, trào ngược.
- Thoát vị hoành bẩm sinh: Trong một số ít trường hợp, mô cơ hoành có lỗ hở bẩm sinh. Dạ dày sẽ thoát vị lên trên thông qua lỗ hở này khiến cho một phần của dạ dày bị trượt lên trên lồng ngực.
- Viêm thực quản mãn tính: Người bị viêm thực quản mãn tính sẽ có nguy cơ mắc bệnh thoát vị khe hoành. Hiện tượng viêm dai dẳng ở thực quản sẽ làm xơ hóa lớp cơ từ đó khiến cho chiều dài thực quản bị rút ngắn. Dạ dày vì thế sẽ trượt lên trên dẫn đến thoát vị một phần vào lồng ngực thông qua khe hở ở cơ hoành.
- Tăng áp lực ổ bụng đột ngột: Hiện tượng thoát vị khe hoành có thể xảy ra do tăng áp lực ổ bụng đột ngột như nôn mửa nhiều, nâng vật nặng, hắt hơi, ho dữ dội, rặn khi đại tiện…
- Các yếu tố khác: Bệnh thoát vị khe hoành cũng có liên quan đến những yếu tố như thừa cân - béo phì, ít vận động, tiền sử gia đình mắc bệnh…
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh thoát vị khe hoành đôi khi không có triệu chứng nên rất khó có thể nhận biết. Các triệu chứng có thể gặp phải thường liên quan đến tiêu hóa, hô hấp và đôi khi bị nhầm lẫn với các vấn đề tim mạch. Chính vì vậy, rất ít trường hợp có thể phát hiện bệnh thông qua biểu hiện lâm sàng.
Một số triệu chứng bệnh nhân thoát vị khe hoành có thể gặp phải:
- Ợ nóng, ợ hơi
- Khó nuốt
- Đau bụng dữ dội
- Hơi thở có mùi hôi
- Đau thắt vùng xương ức
- Buồn nôn, nôn mửa
- Khó thở
- Đau thắt ngực
- Đau vùng thượng vị
- Nôn trớ thức ăn
Các triệu chứng cơ năng thường không có tính điển hình. Khi gặp phải các triệu chứng bất thường, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán. Đối với thoát vị khe hoành, các xét nghiệm cận lâm sàng có giá trị rất lớn trong chẩn đoán xác định.
Sau khi trao đổi về triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, hỏi tuổi tác, tính chất công việc, các vấn đề sức khỏe mãn tính, lịch sử dùng thuốc… bác sĩ sẽ chỉ định các thủ thuật cận lâm sàng để phục vụ cho công tác chẩn đoán. Các kỹ thuật được cân nhắc bao gồm:
- X-Quang ngực thẳng - nghiêng
- X-Quang thực quản - dạ dày kèm chất cản quang
- CT vùng ngực - bụng
- Nội soi dạ dày - thực quản
- Đo áp lực thực quản và pH thực quản trong 24 giờ
- Siêu âm bụng
Sau khi có kết quả, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định bệnh thoát vị khe hoành. Ngoài ra, hình ảnh từ nội soi, siêu âm còn giúp phát hiện các biến chứng của bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Thoát vị khe hoành là bệnh lý khá phổ biến ở người cao tuổi. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh sẽ được kiểm soát, hiếm khi gây ra biến chứng và cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khó khăn trong chẩn đoán khiến nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán và điều trị sai bệnh trong một thời gian dài.
Thoát vị khe hoành không điều trị sẽ gây trào ngược dai dẳng dẫn đến những biến chứng như viêm thực quản trào ngược, loét thực quản, loét Cameron, thậm chí có thể gây xuất huyết tiêu hóa trên. Trường hợp thoát vị khe hoành dạng cuộn có thể gây nghẹt, xoắn dạ dày dẫn đến hoại tử phần dạ dày thoát vị.
Bên cạnh đó, các triệu chứng do thoát vị khe hoành gây ra sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tình trạng ợ hơi, ợ nóng, nôn trớ thức ăn… xảy ra liên tục sẽ khiến cho người bệnh ăn không ngon, giảm hấp thu chất dinh dưỡng.
Điều trị
Có khá nhiều lựa chọn khi điều trị thoát vị khe hoành tùy vào mức độ thoát vị và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Trường hợp không có triệu chứng có thể không phải can thiệp. Tuy nhiên, nếu thoát vị khe hoành thuộc dạng cuộn, hỗn hợp và phức tạp, phẫu thuật có thể được chỉ định sớm để phòng ngừa nguy cơ nghẹt, hoại tử dạ dày.
Các lựa chọn điều trị đối với bệnh thoát vị khe hoành bao gồm:
Sử dụng thuốc
Hơn 50% bệnh nhân bị thoát vị khe hoành đều có dấu hiệu trào ngược dạ dày. Vì vậy, thuốc sẽ được sử dụng để kiểm soát triệu chứng, tạo điều kiện để phục hồi hoàn toàn lớp niêm mạc thực quản.
Các loại thuốc được cân nhắc sử dụng bao gồm:
- Thuốc kháng axit dạ dày
- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Sử dụng thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng như ợ nóng, ợ hơi, đau thượng vị… Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ của các triệu chứng là do một phần dạ dày bị thoát vị. Vì vậy cần phải kết hợp với điều chỉnh lối sống, thói quen ăn uống để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Chế độ chăm sóc
Bệnh thoát vị khe hoành thường gây ra chứng trào ngược, ợ hơi, ợ nóng kèm theo một số vấn đề hô hấp. Để cải thiện triệu chứng, nên tổ chức lại lối sống.
Chế độ chăm sóc dành cho bệnh nhân bị thoát vị khe hoành bao gồm:
- Thực hành thở bụng hằng ngày để đẩy phần dạ dày bị thoát vị xuống khoang bụng. Kỹ thuật thở bụng còn giúp giảm trào ngược, giảm căng thẳng và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa.
- Tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bài tập nhẹ nhàng, không dùng quá nhiều sức như đi bộ, bơi lội, yoga. Hạn chế tập thể dục khi đang no và tránh các bộ môn gây tăng áp lực ổ bụng như gập bụng, tập tạ…
- Hạn chế các loại thực phẩm, thức uống gây trào ngược dạ dày như cà phê, nước ngọt có gas, bia rượu, thức ăn nhiều gia vị cay nóng, khó tiêu hóa.
- Nên chia nhỏ bữa ăn, tránh ăn quá no.
- Giảm cân cũng là biện pháp hữu hiệu giúp cải thiện các triệu chứng của thoát vị khe hoành.
- Nếu bị trào ngược, ợ nóng nhiều, nên dùng thức ăn mềm, tăng cường chất xơ để trung hòa dịch vị.
- Sau khi ăn có thể đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm để giảm trào ngược và kích thích tiêu hóa.
- Lên kế hoạch cai thuốc lá (nếu có).
- Nằm ngồi cao, nên sử dụng gối chuyên dụng dành cho người bị trào ngược để tránh ợ hơi, nôn trớ thức ăn vào ban đêm.
- Kết hợp massage bụng nhằm thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm trào ngược, đầy hơi hiệu quả.
- Căng thẳng, thức khuya có thể làm nghiêm trọng triệu chứng của bệnh thoát vị khe hoành. Vì vậy, nên chú ý ngủ nghỉ đúng giờ, đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe.
Phẫu thuật
Trường hợp thoát vị khe hoành dạng cuộn, triệu chứng nghiêm trọng và không có cải thiện bằng thuốc sẽ được cân nhắc phẫu thuật. Mục tiêu của phẫu thuật là đưa dạ dày về đúng vị trí, thu nhỏ lỗ hở ở cơ hoành. Đôi khi bác sĩ sẽ tái tạo nhằm gia tăng cơ vòng thực quản để cải thiện tình trạng trào ngược.
Bệnh thoát vị khe hoành thường gặp ở phụ nữ thừa cân. Vì vậy trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ một phần dạ dày để giảm lượng thức ăn dung nạp. Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
Phòng ngừa
Thoát vị cơ hoành không thể phòng ngừa hoàn toàn. Dù vậy, những biện pháp sau có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, tránh tình trạng thừa cân - béo phì.
- Không lạm dụng bia rượu, tránh hút thuốc lá bởi những thói quen này sẽ làm suy yếu mô cơ hoành.
- Người cao tuổi nên tránh lao động nặng để giảm áp lực ổ bụng.
- Tập thể dục đều đặn, ưu tiên các bài tập có cường độ nhẹ nhàng giúp điều hòa hơi thở và thúc đẩy hoạt động tiêu hóa.
- Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiêng các món ăn cay nóng và nhiều gia vị.
- Thay đổi những thói quen xấu như ăn quá no, nằm và vận động mạnh sau khi ăn.
- Điều trị dứt điểm viêm thực quản, tránh để viêm kéo dài gây co rút thực quản.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh thoát vị khe hoành có nghiêm trọng không?
2. Cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán thoát vị khe hoành?
3. Tình trạng của tôi có nguy hiểm không? Có nhất thiết phải điều trị?
4. Phương pháp tốt nhất cho tình trạng của tôi là gì?
5. Khi dùng thuốc, tôi có thể gặp phải tác dụng phụ nào?
6. Bị thoát vị khe hoành khi nào cần phẫu thuật?
7. Điều trị bệnh thoát vị khe hoành trong bao lâu? Tổng chi phí khoảng bao nhiêu?
8. Khi bị thoát vị khe hoành cần ăn uống, sinh hoạt như thế nào?
9. Khi nào cần tái khám thoát vị khe hoành?
Bệnh thoát vị khe hoành là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Bệnh ít được biết đến nên đa phần đều bị nhầm lẫn với các vấn đề tim mạch, tiêu hóa. Những đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người thừa cân - béo phì... nên chủ động thăm khám khi gặp phải các dấu hiệu bất thường để được điều trị kịp thời.