Bệnh Thoát Vị Đùi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Nội – Tiêu hóaPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Thoát vị đùi là một trong những dạng thoát vị thường gặp nhưng ít phổ biến hơn so với thoát vị rốn, bẹn... Tuy nhiên, những hệ lụy mà thoát vị đùi gây ra lại rất khó lường do tiến triển bệnh nhanh, dễ phát sinh biến chứng hoại tử tắc nghẽn ruột và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Phương pháp điều trị thoát vị đùi triệt để duy nhất hiện nay đó là phẫu thuật.

Tổng quan

Cơ bắp của con người trong trạng thái khỏe mạnh nhằm giữ cho ruột và các cơ quan nội tạng luôn ở đúng vị trí. Tuy nhiên, khi các tạng thoát vị và nhô ra ở vùng xương đùi dưới bẹn, cụ thể hơn là ở vị trí ngã ba vùng giữa đùi và bụng. Tình trạng này được gọi là thoát vị đùi (tiếng Anh gọi là Femoral Hernia).

Thoát vị đùi là tình trạng các tạng thoát vị khỏi ổ bụng và chui vào vùng xương đùi dưới bẹn tạo thành khối phồng gần háng

Nhiều người thường nhầm lẫn giữa thoát vị đùi và thoát vị bẹn do vị trí thoát vị gần nhau, đều nằm ở dưới háng. Tuy nhiên, đây là 2 dạng bệnh khác nhau, điểm khác biệt chính là vị trí của khối thoát vị.

  • Thoát vị bẹn nằm ở ống bẹn và thường nhô ra thông qua thành bụng ở háng, thoát vị ở vị trí cao ở trên;
  • Thoát vị đùi sẽ nhô ra ở vùng xương đùi dưới bẹn và bên trong đùi;

Thoát vị đùi thường xảy ra ở phụ nữ mang thai hoặc là kết quả của quá trình gắng sức rặn đẻ khi sinh. Lúc này, ruột sẽ di chuyển qua lớp màng mỏng của mô vòng cơ đùi, sau đó đi vào ống xương đùi gần với các tĩnh - động mạch đùi và nhô ra ngoài.

Thoát vị đùi ít xảy ra ở nam giới, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trung niên, cao tuổi, người thừa cân béo phì và sinh đẻ nhiều lần. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc khá hiếm chỉ khoảng 3% trên tổng số các trường hợp bị thoát vị nói chung.

Phân loại

Dựa vào mức độ thoát vị ở đùi, các chuyên gia phân chia bệnh làm 2 dạng chính gồm:

  • Thoát vị đùi không hoàn toàn: Các tạng di chuyển xuống vùng tam giác Scarpa (là ngã ba của đùi và bụng), hướng ra phía trước đùi rồi dừng lại, không đi xuống dưới cân sàng;
  • Thoát vị hoàn toàn: Các tạng thoát vị di chuyển qua lỗ bầu dục và nằm ở phía trước cân sàng;

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Sự suy yếu của hệ thống cơ, dây chằng vùng tam giác Scarpa và gia tăng áp lực trong ruột là 2 yếu tố gây ra thoát vị đùi. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra thoát vị đùi như:

Gắng sức rặn đẻ khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây ra thoát vị đùi

  • Phụ nữ mang thai và gắng sức rặn đẻ;
  • Phụ nữ sinh con nhiều lần khiến khung chậu thay đổi co giãn;
  • Yếu tố lão hóa do tuổi tác khiến các ống xương đùi, hệ thống cơ, dây chằng dần bị suy yếu theo thời gian;
  • Các tác nhân khác như:
    • Thừa cân, béo phì;
    • Mắc các bệnh lý gây ho dai dẳng kéo dài;
    • Táo bón mãn tính;
    • Tiểu khó do tình trạng tăng sản gây phì đại tuyến tiền liệt;
    • Dùng sức khuân vác vật nặng;
    • Người nghiện thuốc lá;
    • Tiền sử mắc các bệnh về xơ nang, bệnh phổi...;
    • Tiền sử thực hiện thẩm phân phúc mạc;

Thoát vị đùi là bệnh lý mắc phải chứ không phải do bẩm sinh nên rất hiếm khi xảy ra ở trẻ em.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Các triệu chứng thoát vị đùi đặc trưng với các dấu hiệu sau:

Hầu hết các trường hợp thoát vị đùi đều không có triệu chứng rõ rệt cho đến khi có biến chứng tắc nghẹt ruột

Triệu chứng cơ năng

Các triệu chứng cơ năng khi bị thoát vị đùi thường không đặc hiệu, ít rõ ràng nên rất khó nhận biết. Có không ít trường hợp triệu chứng bùng phát nghiêm trọng, khối thoát vị bị nghẹt gây đau bụng, đau háng, đau hông dữ dội, buồn nôn, nôn ói kéo dài, bắt buộc bệnh nhân phải nhập viện xử lý nhưng vẫn không hề biết là do thoát vị.

Các triệu chứng điển hình bao gồm:

  • Xuất hiện khối phồng nhô ở mặt trong hoặc trước đùi, tuy nhiên lúc có lúc không, dễ thấy nhất khi người bệnh đi lại nhiều hoặc duỗi chân;
  • Phù chân nhiều vào buổi chiều tối;
  • Có cảm giác khó chịu, hơi đau tức nhẹ;

Triệu chứng thực thể

Những triệu chứng thực thể thường được xem xét và đánh giá bởi bác sĩ có chuyên môn, nhằm phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.

Quan sát và thăm khám khối phồng ở góc tam giác Scarpa sẽ có các tính chất, đặc điểm sau:

  • Nằm ở vị trí dưới nếp lằn bẹn;
  • Mềm, không quá to và có hình bầu dục hoặc hình tròn;
  • Thường không gây đau;
  • Bóp nắn khối phồng sẽ khiến chúng teo nhỏ lại hoặc mất đi;
  • Gõ nhẹ sẽ có tiếng vang hoặc tiếng kêu óc ách nếu khối thoát vị đã chui xuống ruột;
  • Bắt được động mạch bẹn nằm ở bên ngoài khối phồng;

Chẩn đoán

Chẩn đoán thoát vị đùi chính xác cần thu thập đầy đủ thông tin về kiểm tra lâm sàng và cận lâm sàng. Do đó, ngoài các triệu chứng lâm sàng trên, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện phối hợp thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng sau:

Chẩn đoán thoát vị đùi thông qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng xác định vị trí, mức độ tổn thương

  • Siêu âm bụng, bẹn, háng;
  • Chụp X quang;
  • Chụp cắt lớp vi tính CT scan;
  • Đo điện tâm đồ;
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu;

Đồng thời, kết hợp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có xuất hiện khối phồng ở đùi tương tự như thoát vị đùi như:

  • Áp xe lạnh;
  • Viêm hạch bẹn;
  • Khối phồng tĩnh mạch;
  • ...

Biến chứng và tiên lượng

Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của thoát vị đùi chính là cản trở sự hoạt động của đường ruột. Tắc nghẽn ruột là biến chứng nghiêm trọng, dòng máu lưu thông đến ruột bị chặn lại, khiến ruột không có đủ dưỡng chất nuôi mô tế bào ruột, gây chết mô, hoại tử và đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường như đau bụng, đau hông, đau háng dữ dội, kèm theo nôn ói liên tục không giảm, hãy nhập viện càng nhanh càng tốt để được cấp cứu khẩn, xử lý tổn thương thoát vị đùi gây tắc nghẽn ruột, làm sạch viêm nhiễm và bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

Hầu hết các trường hợp sau điều trị phẫu thuật thoát vị đùi, nguy cơ tái phát rất thấp.

Điều trị

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoát vị đùi duy nhất đem lại hiệu quả triệt để. Nhưng trước đó, khi thể trạng sức khỏe chưa đủ điều kiện để phẫu thuật, nhất là người lớn tuổi, bệnh nhân sẽ phải đeo băng tạm thời để giữ cố định vùng đùi bị thoát vị tổn thương.

Phẫu thuật thoát vị đùi được thực hiện ở vùng tam giác Scarpa, trực tiếp trên khối phình dọc theo mặt trước và trên khung đùi. Hoặc một vài trường hợp khác cũng có thể phẫu thuật theo đường thoát vị bẹn, đi từ trên khung đùi xuống để tiếp cận khối thoát vị.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất có thể loại bỏ triệt để khối thoát vị đùi, ít gây tái phát

Quy trình phẫu thuật thoát vị đùi được thực hiện gồm các bước cơ bản sau:

  • Rạch da: Tạo một vết rạch từ cung đùi đến thẳng vị trí của khối thoát vị, để lộ cân cơ chéo ở trên và cung đùi ở dưới;
  • Bóc tách túi thoát vị: Tiến hành tách lớp xơ mỡ để tiếp cận đến cổ túi thoát vị, sau đó cắt cung đùi, mở túi thoát vị ra để kiểm tra tình trạng các tạng rồi đẩy chúng ở về ổ bụng;
  • Khâu cổ túi thoát vị: Sau khi các tạng đã được đẩy về vị trí ban đầu, tiến hành khâu xuyên cổ túi thoát vị đính vào thành bụng;
  • Khâu phục hồi thành bụng: Sau khi hoàn thành hết các bước xử lý khối thoát vị đùi, sẽ tiến hành khâu dây chằng Cooper với các cơ ngang, cơ chéo, cân cơ chéo lớn... để phục hồi cấu trúc và tính thẩm mỹ cho thành bụng. Khi khâu chú ý tránh khâu cả các dây mạch máu xung quanh;

Đối với trường hợp thoát vị đùi đã có biến chứng tắc nghẹt ruột vẫn sẽ được thực hiện phẫu thuật với quy trình các bước trên. Chỉ khác là đến bước cắt cung đùi để cắt bỏ túi thoát vị sẽ phải giữ quai ruột bị nghẹt ở bên ngoài và tiến hành phẫu tích cổ thoát vị ở trên cao.

Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm chuyên môn cao. Sau kiểm tra, nếu đoạn ruột nghẹt có tiên lượng tốt, hoạt động bình thường sẽ được đẩy ngược trở về ổ bụng, còn nếu đã bị hoại tử sẽ phải cắt bỏ.

Bệnh nhân được phẫu thuật thoát vị đùi sẽ được gây mê, thở oxy và dùng thuốc kháng sinh trước để ngăn ngừa nhiễm trùng.

2. Chăm sóc hậu phẫu

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần có chế độ chăm sóc tích cực để nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Chú ý thực hiện các biện pháp sau:

Bệnh nhân cần được chăm sóc tích cực giai đoạn hậu phẫu thoát vị đùi để sớm phục hồi sức khỏe và phòng ngừa tai biến

  • Dùng thuốc giảm đau với liều lượng phù hợp để giảm bớt cảm giác đau đớn tại vết mổ;
  • Dùng thuốc nhuận tràng hỗ trợ đại tiện, tránh rặn hoặc dùng sức quá mức;
  • Nằm nghỉ ngơi tại giường hoặc chỉ đi lại nhẹ nhàng trong phòng bệnh cho đến khi vết mổ hồi phục hoàn toàn;
  • Tránh thực hiện những động tác mạnh, vặn người, lái xe xóc nảy gây ảnh hưởng đến vết mổ;
  • Ăn uống dinh dưỡng, đủ chất để có phục hồi sức khỏe nhanh hơn, ưu tiên ăn những món lỏng, mềm và dễ tiêu nhằm giảm áp lực cho hệ tiêu hóa;
  • Vệ sinh vết mổ mỗi ngày, dùng dung dịch sát khuẩn và lau rửa nhẹ nhàng.

Phòng ngừa

Phòng ngừa thoát vị đùi chỉ mang tính tương đối do không có biện pháp đặc hiệu. Các chuyên gia cho rằng một lối sống khoa học và an toàn có thể giúp phòng ngừa nguy cơ bị thoát vị đùi.

Chăm sóc sức khỏe tích cực bằng lối sống khoa học là giải pháp tốt nhất giúp phòng ngừa thoát vị đùi và nhiều bệnh lý khác

  • Có chế độ ăn uống khoa học, cân bằng các chất dinh dưỡng, đặc biệt tăng cường chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi và uống đủ nước mỗi ngày để phòng ngừa táo bón.
  • Nói không với rượu bia và các chất kích thích khác như thuốc lá...
  • Hạn chế tối đa các chấn thương, va chạm mạnh hoặc dùng sức khuân vác vật nặng gây áp lực lớn lên vùng bụng trong thời gian dài.
  • Phụ nữ nên sinh đẻ có kế hoạch, không nên sinh con quá nhiều và với tần suất dày đặc dễ gây suy yếu khung xương chậu, tăng nguy cơ thoát vị đùi.
  • Thăm khám định kỳ 6 - 12 tháng/ lần để kiểm tra sức khỏe tổng quát, sớm phát hiện các bất thường, trong đó có thoát vị đùi thông qua các triệu chứng lâm sàng ban đầu và có hướng điều trị kịp thời.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị thoát vị đùi?

2. Bệnh thoát vị đùi có nguy hiểm không?

3. Bị thoát vị đùi có phải bệnh di truyền bẩm sinh không?

4. Tiên lượng tình trạng bệnh của tôi có nặng không và tiên lượng điều trị?

5. Tôi cần làm các xét nghiệm nào để chẩn đoán thoát vị đùi?

6. Phương pháp điều trị thoát vị đùi tốt nhất hiện nay?

7. Phẫu thuật thoát vị đùi có gây ra rủi ro nào không? Cách xử lý?

8. Quá trình phẫu thuật thoát vị đùi mất bao lâu?

9. Sau điều trị, bệnh thoát vị đùi có tái phát không?

10. Phẫu thuật thoát vị đùi có tốn kém không? BHYT có hỗ trợ chi trả không?

Thoát vị đùi được đánh giá là căn bệnh khá nguy hiểm và là tình trạng cấp cứu khẩn cấp cần được thực hiện ngay nếu có biến chứng tắc nghẹt ruột. Để có hướng điều trị đúng và ngăn ngừa biến chứng, khuyến cáo bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán phù hợp.