Bệnh tay chân miệng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Y học cổ truyềnPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em, điển hình với các triệu chứng như sốt cao, loét miệng, tiêu chảy,.... Bệnh khởi phát do viêm nhiễm virus đường ruột. Trường hợp không điều trị trẻ em có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Tổng quan

Bệnh tay chân miệng là một dạng bệnh truyền nhiễm do một loại virus đường ruột gay ra. Bệnh xuất hiện ở mọi đối tượng trong đó trẻ em chiếm số lượng lớn. Trẻ mắc bệnh có thể lây virus sang cho trẻ khỏe mạnh khác. Chính vì thế các bé bị tay chân miệng thường được khuyến khích tạm nghỉ ở nhà điều trị hoàn toàn trước khi quay trở lại trường học.

Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng gây ra các tổn thương trên lòng bàn tay, bàn chân, mặt, miệng,...

Đặc trưng của bệnh tay chân miệng là các vùng da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, miệng bị lở loét, phòng rộp như vết bỏng, bên trong chứa dịch. Khi các nốt này vỡ ra chúng sẽ lan rộng viêm nhiễm ra xung quanh đồng thời cũng làm tăng rủi ro lây virus sang người tiếp xúc trực tiếp với dịch.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bệnh tay chân miệng xuất hiện do sự tấn công của virus đường ruột. Trong đó hai loại virus phổ biến là Coxsackie A16 và Enterovirus 71. Chúng có sức sống bền bỉ, khi xâm nhập vào cơ thể ủ bệnh một thời gian sau đó bắt đầu phát sinh các triệu chứng đầu tiên.

Các loại virus tay chân miệng có thể tồn tại ở nhiệt độ lạnh hoặc nóng. Thậm chí với nhiệt độ rất nóng là 560 độ C phải mất tầm 30 phút mới hoàn toàn bất hoạt được virus gây bệnh. Trường hợp virus trong môi trường lạnh dưới 40 độ C, virus hoàn toàn có thể sống trong khoảng 21 ngày mới bắt đầu bị tiêu diệt.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Chính vì thế, con đường lây nhiễm có thể xuất phát từ dụng cụ ăn uống, mặt bàn, giường, đồ chơi,... những nơi có tiếp xúc với dịch chứa virus. Đặc biệt ở trẻ em, tốc độ lây bệnh nhanh chóng giữa trẻ bệnh sang những em bé khác khi vui chơi, sinh hoạt chung.

Virus có thể phân tán ra môi trường thông qua phân của người bệnh, nước bọt, dịch tiết tiêu hóa hoặc thậm chí là nốt mụn vỡ. Trẻ em mắc bệnh tay chân miệng đa phần là do nuốt virus do tay cầm nắm vào các vị trí có virus và cho vào miệng. Bệnh có khả năng bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát, cách ly.

Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ cao do sức đề kháng và hệ miễn dịch kém hơn so với người trưởng thành. Một số bệnh nhân nhiễm virus nhưng không biểu hiện bệnh khiến nguy cơ lây lan càng cao. Bệnh có thể tái phát nhiều lần cần được lưu ý và phòng tránh sớm.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Do đó bố mẹ nên chủ động đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị tay chân miệng càng sớm càng tốt. Dưới đây là những triệu chứng theo từng giai đoạn khi bệnh bùng phát, bố mẹ cần lưu ý:

Giai đoạn đầu: Virus xâm nhập vào cơ thể trẻ, sau đó phải mất 3-7 ngày ủ bệnh mới bùng phát các triệu chứng đầu tiên. Giai đoạn này các triệu chứng mờ nhạt, trẻ vẫn có thể sinh hoạt, vui chơi như bình thường.

Giai đoạn tiến triển: Các triệu chứng như đau họng, tiêu chảy, sốt nhẹ, không chịu ăn, quấy khóc thường xuyên,... xảy ra sau 1-2 ngày khi thời gian ủ bệnh kết thúc.

Triệu chứng
Các triệu chứng ngày càng trở nên nặng nề khiến trẻ em chậm lớn, gặp khó khăn khi ăn uống và nhiều hệ lụy khác

Giai đoạn toàn phát: Có 3 triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng bùng phát ở giai đoạn này bao gồm viêm, sốt, phát ban. Cụ thể:

  • Miệng có các vết lở loét xuất hiện vùng lưỡi gà, má trong, môi hoặc trên lưỡi. Số lượng vết loét ngày càng tăng dần theo thời gian, kích thước từ 2-3 cm. Nếu không phát hiện, loét lở miệng có thể nhiễm trùng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Các dấu hiệu nhận biết trẻ bị loét miệng như khó ăn, bỏ bú, tiết nước bọt nhiều,.... tổn thương có thể quan sát bằng mắt thường.
  • Cơn sốt nhẹ xuất hiện sau đó ngày càng tăng dần lên, một vài trường hợp bé có thể sốt cao lên đến 40 độ C. Tình trạng này xảy ra và có thể kéo dài, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để kiểm tra, theo dõi sức khỏe và điều trị kiểm soát cơn sốt.
  • Quan sát trên da có những nốt ban đỏ, nốt phồng rộp như bỏng. Chúng xuất hiện ở vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân, trên đầu gối hoặc mông, khuỷu tay. Phát ban trong khoảng vài ngày, sau khi lặn sẽ gây thâm trên da. Mặc dù hiếm khi gây bội nhiễm tuy nhiên nếu bạn không chăm sóc vùng da tổn thương tốt vẫn có rủi ro gặp phải tình trạng này.

Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể kèm theo các triệu chứng khác như rối loạn tri giác, bị mê sảng, co giật,... Chính vì thế, phụ huynh nếu phát hiện trẻ em có những dấu hiệu kể trên nên chủ động đưa bé để gặp bác sĩ để được khắc phục sớm.

Chẩn đoán

Bác sĩ tiến hành kiểm tra các biểu hiện người bệnh đang gặp phải. Dựa trên các thông tin được cung cấp, bác sĩ sẽ cân nhắc phương án điều trị khắc phục phù hợp. Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán thường được thực hiện:

  • Các xét nghiệm cơ bản: Xét nghiệm công thức máu, protein C phản ứng, kiểm tra đường huyết, điện giải đồ, X quang phổi.
  • Xét nghiệm theo dõi biến chứng: Xét nghiệm khí máu, Troponin I, siêu âm tim, dịch não tủy,...
  • Xét nghiệm virus qua mẫu bệnh phẩm ở hầu họng, phỏng nước, dịch não tủy,...
  • Chụp cộng hưởng từ não.

Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chỉ ra phương án điều trị phù hợp với tình hình sức khỏe của người bệnh. Tình trạng nghiêm trọng, bệnh biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, do đó bố mẹ không nên chủ quan nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường trên cơ thể.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh tay chân miệng có thể gây ra các biến chứng nguy hại đối với sức khỏe người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Trường hợp chủ quan, bệnh kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy. Dưới đây là những trường hợp bệnh nhân có thể gặp phải khi tay chân miệng biến chứng:

Biến chứng
Bệnh tay chân miệng gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể khiến trẻ em tử vong

Biến chứng hệ thần kinh:

Người bệnh tay chân miệng có thể đối mặt với các biến chứng hệ thần kinh vô cùng nguy hiểm. Chẳng hạn liên quan đến bệnh viên não, viêm não tủy hoặc viêm màng não, thân não,... Người bệnh gặp phải biến chứng này thường sẽ có những triệu chứng điển hình như:

  • Cơ bị rung giật từng cơn ở vùng tay, chân là chủ yếu.
  • Ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi.
  • Mắt có biểu hiện nhìn ngược, nhãn cầu rung giật.
  • Cơ thể yếu, chi mềm, yếu thậm chí là liệt chi.
  • Cơn co giật nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, suy hô hấp,...

Biến chứng tại tim mạch và hệ hô hấp:

Tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong và nhiều hệ lụy khác đối với bệnh nhân bị bệnh tay chân miệng. Các biểu hiện biến chứng bao gồm:

  • Mạch đập nhanh trên 150 lần mỗi phút.
  • Trên da xuất hiện nhiều vết bầm tím, người đổ nhiều mồ hôi, tay chân lạnh.
  • Huyết áp tăng cao, khó đo được huyết áp.
  • Phù phổi cấp gây sùi bọt hồng, tím tái cơ thể, khó thở,...

Cần chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi những biểu hiện bất thường xuất hiện. Trường hợp các biến chứng đã xảy ra có thể khiến trẻ tử vong trong thời gian ngắn. Bố mẹ không nên chủ quan, cần chủ động khám chữa sớm cho bé để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.

Điều trị

Bác sĩ tiến hành kiểm tra, khám và chẩn đoán bệnh tay chân miệng. Sau khi nhận định mức độ của bệnh, độ tuổi và tình hình sức khỏe thực tế của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ tương ứng. Nguyên tắc chính trong điều trị bệnh tay chân miệng là:

  • Không vội dùng thuốc kháng sinh nếu không xảy ra tình trạng bội nhiễm.
  • Áp dụng các biện pháp hỗ trợ trước và tiếp tục theo dõi, quan sát các triệu chứng.
  • Chỉ định điều trị kiểm soát triệu chứng, phòng tránh lây lan.
  • Cung cấp cho người bệnh đủ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm lành mạnh.

Điều trị
Trẻ cần được khám chữa sớm ngay khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường

Phương pháp điều trị cụ thể được áp dụng trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em bao gồm:

Điều trị tại bệnh viện:

  • Sử dụng thuốc chống co giật, tiêm bắp tay hoặc truyền tĩnh mạch. Thường dùng Phenobarbital 10mg/kg/lần. Dùng cách 6-8 tiếng/lần.
  • Tiếp tục theo dõi mạch, các thông số cơ thể mỗi 4-6 tiếng/lần, đặc biệt người bệnh sẽ được đo độ bão hòa oxy, đồng thời theo dõi mạch trên máy liên tục để đảm bảo tránh biến chứng cho người bệnh.
  • Bệnh nhân có thể phải thở oxy mũi, chống phù não, co giật và điều trị ổn định đường huyết, rối loạn điện giải,... trong trường hợp tay chân miệng bắt đầu bùng phát biến chứng.
  • Thuốc chống suy tim cũng được sử dụng.
  • Các phương pháp điều trị biến chứng nặng như chống phù não, dùng máy thở, kiểm soát dịch, phòng chống sốc.
  • Kháng sinh được dùng trong trường hợp bội nhiễm. Loại thường dùng là Amocillin, Cephalosprin.

Mỗi trường hợp sẽ được chỉ định biện pháp can thiệp tương ứng.

Điều trị theo dõi tại nhà:

  • Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, trẻ còn bú mẹ sẽ tiếp tục được dùng sữa mẹ.
  • Kiểm soát cơn sốt bằng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tái khám ngay nếu bé bị sốt trên 39 độ C, mê man, co giật, khó thở, da có vân tím.
  • Cần vệ sinh răng miệng cho trẻ, để bé nghỉ ngơi.

Nhập viện điều trị đối với trường hợp nhà xa địa chỉ y tế, nôn nhiều, thân nhiệt trên 39 độ C.

Phòng ngừa

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong đó trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng nguy cơ cao. Virus gây bệnh có thể xâm nhập cơ thể, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phát sinh các triệu chứng rõ ràng. Bệnh có khả năng biến chứng và lây lan, chính vì thế bố mẹ nên cảnh giác bệnh lý này.

Phòng ngừa
Chủ động hướng dẫn bé cách phòng ngừa, bảo vệ cơ thể trước bệnh tay chân miệng

Chủ động phòng bệnh thông qua một số lưu ý như sau:

  • Vệ sinh tay, chân sạch sẽ, rửa tay với sà phòng sát khuẩn khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn cần làm sạch tay trước và sau khi thay tả cho bé để tránh làm vun vãi virus gây bệnh cho những người xung quanh.
  • Vệ sinh các đồ dùng trẻ thường hay chơi, cầm nắm để tránh tình trạng virus trên đồ chơi bám vào tay và bé cho vào miệng dẫn đến lây nhiễm virus tay chân miệng.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sử dụng những loại sản phẩm khử trùng, đảm bảo vệ sinh không gian sinh hoạt, phòng ngủ của bé.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc trực tiếp, ôm hôn hoặc dùng chung đồ dùng với trẻ đang mắc bệnh tay chân miệng.
  • Nếu bé mắc bệnh hãy điều trị tại nhà cho hoàn toàn khỏi trước khi cho bé quay trở lại trường học.
  • Khăn giấy, tã lót của trẻ cần tìm nơi xử lý đúng cách, tránh trường hợp thải chất thải ra môi trường bừa bãi.
  • Bổ sung cho trẻ thực phẩm, nguồn dinh dưỡng lành mạnh. Cùng trẻ tham gia các bài tập thể dục, vui chơi nâng cao đề kháng, sức khỏe tổng thể.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao con tôi lại mắc bệnh tay chân miêng?

2. Tình hình sức khỏe của bé như thế nào?

3. Có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh tay chân miệng của con tôi không?

4. Bệnh có để lại di chứng gì sau điều trị không?

5. Khả năng lây nhiễm và tái phát tay chân miệng như thế nào?

6. Cần sử dụng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

7. Trong thời gian điều trị tôi cần giúp bé như thế nào để tăng hiệu quả kiểm soát bệnh?

8. Cần làm gì để bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm virus tay chân miệng?

Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong đó tỷ lệ trẻ em mắc bệnh chiếm số đông. Không nên chủ quan trước bệnh lý này, nếu không điều trị kiểm soát bệnh tay chân miệng có khả năng biến chứng cao. Bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường.