Bệnh Tả

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Bệnh tả là một trong những bệnh lý tiêu hóa xảy ra do sự tấn công của phẩy khuẩn tả. Trường hợp bệnh nhân không kiểm soát, loại bỏ vi khuẩn gây hại có thể gây ra các biến chứng khó lượng. Đặc biệt nghiêm trọng khi tình trạng mất nước, rối loạn điện giải diễn ra trong cơ thể nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Tổng quan

Bệnh tả (Cholerae) xuất hiện ở người là một trong số những bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra tại đường tiêu hóa. Bệnh xuất hiện do sự tấn công của vi khuẩn tả có tên khoa học là Vibrio Cholerae gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tiêu hóa.

Tổng quan
Bệnh tả có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào

Bệnh tả có thể xảy ra ở người lớn và trẻ em. Người bệnh nhiễm khuẩn tả có những biểu hiện bất thường như nôn, tiêu chảy liên tục dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải. Trường hợp nghiêm trọng người bệnh có nguy cơ tử vong.

Chứng bệnh này có khả năng bùng phát thành các đợt dịch lớn. Tuy nhiên so với giai đoạn trước đây, bệnh tả hiện nay chỉ xuất hiện những trường hợp tản phát, chủ yếu xảy ra ở các vùng ven biển. Ở nước ta, bệnh tả thường xảy ra phổ biến vào giai đoạn mùa hè.

Phân loại

Bệnh tả xuất hiện và tiến triển theo các giai đoạn từ thấp đến nặng nề. Dựa vào mức độ nhiễm khuẩn ở người bệnh để bác sĩ đưa ra giải pháp can thiệp phù hợp. Theo đó, các thể bệnh chính bao gồm:

  • Tả không triệu chứng.
  • Thể tả nhẹ gần giống với tiêu chảy thông thường.
  • Thể điển hình diễn ra với các đợt bùng phát cấp tính, người bệnh bị nôn và tiêu chảy với tần suất cao.
  • Thể tối cấp là thể nặng, bệnh tả diễn biến với tốc độ nhanh chóng, gây ra các triệu chứng ngày càng dữ dội hơn cho bệnh nhân. Cụ thể người bệnh sẽ bị mất nước nặng, mất chất điện giải, một vài trường hợp vô niệu, suy kiệt nặng. Nếu không được cứu chữa, bệnh nhân thể tối cấp có khả năng tử vong do trụy tim mạch.

Ngoài các thể kể trên, người ta còn phân bệnh tả thành 2 loại dựa theo đối tượng người mắc bệnh. Cụ thể:

  • Bệnh tả ở trẻ em: Các triệu chứng tả ở trẻ em có thể bùng phát như hiện tượng tiêu chảy bình thường. Một số khác bị nôn mửa, kèm theo sốt nhẹ.
  • Bệnh tả ở người già: Các triệu chứng xuất hiện khiến người bệnh suy kiệt, mặc dù có truyền dịch tuy nhiên người bệnh vẫn có khả năng bị biến chứng suy thận.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chính gây bệnh tả là sự xâm nhập của vi khuẩn Vibrio Cholerae vào đường ruột. Đây là một dạng phẩy khuẩn thuộc họ Vibrionaceae - Vi khuẩn gram âm. Cấu tạo khuẩn giống như hình dấu phẩy, chúng không sinh nha bào như một số khuẩn khác.

Nhờ khả năng di chuyển vô cùng nhanh chóng, phẩy khuẩn có thể tấn công cơ thể người mà nó tiếp xúc, đi theo đường tiêu hóa và nhanh chóng gây ra các triệu chứng khó chịu. Trong môi trường có nhiều dinh dưỡng như hệ tiêu hóa, phẩy khuẩn có nhiều điều kiện sinh sôi, phát triển.

Nguyên nhân
Sự tấn công của phẩy khuẩn tả trong hệ tiêu hóa là nguyên nhân gây bệnh điển hình

Chúng lấy dưỡng chất từ thức ăn để tiếp tục nhân bản, tấn công hệ tiêu hóa. Trong môi trường lạnh, phẩy khuẩn có thể tồn tại trong 2-3 tuần. Chúng chỉ bị loại bỏ đi khi tiếp xúc với nhiệt độ trên 80 độ C hoặc các hóa chất đặc trị, môi trường chứa nhiều axit.

Trong quá trình sinh sống trong hệ tiêu hóa, phẩy khuẩn sẽ tiết ta một chất là Cholerae, chất độc này là nguyên nhân chính gây bệnh tả. Chất Cholerae nhanh chóng liên kết bên trong thành ruột, ức chế hoạt động vận chuyển natri và clorua của cơ thể.

Từ đó, cơ thể sinh ra một lượng nước lớn gây nên tình trạng tiêu chảy, mất nước và điện giải nghiêm trọng. Chính vì thế, sau khi ghi nhận sự có mặt của phẩy khuẩn tả trong cơ thể người, các chuyên gia sẽ chỉ dẫn cách loại bỏ chúng nhằm ngăn chặn bệnh biến chứng nguy hại sức khỏe.

Các yếu tố nguy cơ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại xâm nhập đường tiêu hóa kể đến như:

  • Uống nước bị ô nhiễm.
  • Ăn thực phẩm sống như sò, ốc, trái cây, rau củ quả bị nhiễm khuẩn Cholerae.
  • Trẻ em ngậm nắm đồ vật cho vào miệng bị nhiễm vi khuẩn gây hại.
  • Sử dụng các vật dụng cá nhân chung với người mắc bệnh tả.
  • Tiếp xúc với dịch tiết, phân của người bị bệnh tả.
  • Các yếu tố khác như nạn đói, chiến tranh, thiên tai,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng:

Người bị bệnh tả sẽ có những biểu hiện bất thường tại hệ tiêu hóa như buồn nôn và tiêu chảy dữ dội. Tuy nhiên, ở mỗi mức độ viêm nhiễm khác nhau mà các triệu chứng này cũng xảy ra ở mức độ khác nhau. Theo đó, giai đoạn đầu gần như bệnh nhân sẽ không nhận biết ngay có sự xuất hiện của vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể.

Tuy nhiên sau giai đoạn này, các dấu hiệu bất thường bắt đầu bùng phát dữ dội hơn. Trong đó, bệnh tả gây triệu chứng tiêu chảy là chủ yếu. Người bệnh không bị đau bụng nhưng lại bị tiêu chảy liên tục, kèm theo nôn ra chất lỏng trong suốt. Dần dần khi cơ thể bị mất nước làn da bắt đầu chuyển thành màu sắc xám hơn.

Triệu chứng
Bệnh tả giai đoạn đầu có biểu hiện giống với tiêu chảy thông thường nên rất dễ bị lãng quên

Cụ thể các giai đoạn và triệu chứng bệnh tả như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chưa gây triệu chứng bất thường ngay. Tuy nhiên sau khoảng vài giờ đến vài ngày các dấu hiệu đầu tiên sẽ xuất hiện. Mặc dù vậy do bệnh tả khởi phát với các dấu hiệu gần giống tiêu chảy thông thường nên nhiều người chủ quan.
  • Giai đoạn tiến triển: Các biểu hiện bất thường do bệnh gây ra bắt đầu xuất hiện. Chẳng hạn như hiện tượng sôi bụng, đầy bụng và tiêu chảy vài lần.
  • Giai đoạn toàn phát: Các triệu chứng bắt đầu trở nên dữ dội hơn. Bao gồm tình trạng tiêu chảy liên tục, buồn nôn, mất nước, mất chất điện giải với cấp độ nặng nề hơn.
  • Giai đoạn bình phục: Tình hình sức khỏe sẽ được cải thiện sau vài ngày khi bệnh nhân phát hiện và có những biện pháp kiểm soát phù hợp.

Nếu người bệnh không nhận biết mình đang mắc bệnh tả, đồng thời không giữ vệ sinh không sinh nơi sinh sống rất có thể lây nhiễm bệnh tả sang người xung quanh thông qua nước bẩn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mắc bệnh tả các triệu chứng cũng xuất hiện các dạng điển hình kể trên.

Chẩn đoán:

Chẩn đoán bệnh tả dựa trên các triệu chứng, kèm theo yếu tố dịch tả nếu người bệnh đang sống trong khu vực có dịch. Ngoài ra, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất tình hình sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm xác định nguyên nhân: Thực hiện xét nghiệm nhằm tìm ra vi khuẩn tả, bác sĩ sẽ lấy một mẫu phân của người bệnh, soi phân trực tiếp hoặc nuôi cấy phân để xác định có hoặc không sự tồn tại của phẩy khuẩn trong phân.
  • Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán bệnh: Các xét nghiệm gồm kiểm tra công thức máu, sinh hóa máu, khí máu,... để xác định chi tiết hơn.

Trường hợp cần thiết, các bác sĩ sẽ kèm theo các chẩn đoán khác để đưa ra đánh giá phân loại bệnh tả và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa khác. Sau khi đã có được kết quả cuối cùng, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định phương pháp kiểm soát bệnh phù hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Hiện tượng mất nước và chất điện giải khi bệnh nhân bị nôn, tiêu chảy dữ dội do mắc bệnh tả có thể dẫn đến các hệ lụy khôn lường. Trường hợp nghiêm trọng khiến người bệnh tử vong nhanh chóng chỉ trong vài giờ khi cơ thể mất đi một lượng lớn chất lỏng và chất điện giải.

Thậm chí tại những trường hợp ít nghiêm trọng hơn nếu bệnh nhân không sớm phát hiện và loại bỏ phẩy khuẩn tả cũng có thể dẫn đến tử vong sau vài ngày khi các dấu hiệu bất thường xuất hiện. Bên cạnh biến chứng nặng nề là ảnh hưởng đến tính mạng, người bệnh còn có rủi ro đối mặt với các biến chứng khác, bao gồm hiện tượng tụt đường huyết, tụt kali, suy thận,...

Điều trị

Bác sĩ chỉ định các giải pháp bù nước, bù khoáng và loại bỏ phẩy khuẩn bằng kháng sinh nhằm giúp bệnh nhân chấm dứt các triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa,... Bệnh nhân cần đến bệnh viện kiểm tra, chẩn đoán tình trạng đang mắc phải để kịp thời can thiệp điều trị.

Tránh trường hợp kéo dài, sau vài giờ, vài ngày tùy cấp độ dịch tả nếu người bệnh không điều trị có thể gây tử vong nhanh chóng. Hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, y tế việc điều trị bệnh tả cũng có nhiều bước tiến. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Bù nước và điện giải:

Người bệnh tả vẫn có khả năng hấp thu các chất thông qua niêm mạc ruột. Chính vì thế, để nhanh chóng bù nước, bù khoáng cho người bệnh thông qua đường uống được thực hiện. Đặc biệt là đối với nhóm đối tượng bị mất nước nhẹ, ngoài ra ở giai đoạn bình phục người bệnh cũng được chỉ định cải thiện mất nước, mất điện giải qua đường uống.

Điều trị
Bổ sung nước, chất điện giải cho cơ thể khi mắc bệnh tả gây tiêu chảy thường xuyên

Người bệnh sử dụng Oresol hoặc dầu dừa non thêm muối, uống dung dịch mỗi ngày để kịp thời bù nước, bù chất điện giải bị mất đi. Uống theo liều lượng phù hợp với nhu cầu của cơ thể nhằm giúp bệnh nhân phục hồi dần. Trường hợp người bệnh nôn liên tục có thể sử dụng muỗng cà phê và uống từng muỗng nhỏ.

Ngoài các bù dịch qua đường uống, người bệnh cũng có thể được chỉ định bù dịch qua đường tiêm. Chỉ định cho đối tượng bị mất nước nghiêm trọng, bệnh tả diễn biến phức tạp. Tùy tình trạng của người bệnh dung dịch tiêm sẽ được chỉ định loại phù hợp.

Các dung dịch thường được sử dụng như ringer, muối đảng trương, kali, natribicarbonat. Bác sĩ sẽ theo dõi chỉ số sinh tồn, mức độ cô đặc của máu, các áp lực tại tĩnh mạch trung tâm, lượng nước tiểu trong ngày,... nhằm đưa ra các chỉ định phù hợp, điều chỉnh tốc độ truyền, lượng dung dịch cần sử dụng một cách hợp lý.

Sử dụng thuốc kháng sinh:

Chỉ định dùng thuốc kháng sinh nhằm mục đích ức chế và tiêu diệt vi khuẩn tả. Các loại thường dùng bao gồm:

  • Ciprofloxacin: Dùng 500mg/lần, ngày 2 lần.
  • Norfloxaxin: Dùng 400mg/lần, ngày 2 lần.
  • Ofloxacin: Dùng 400mg/lần, ngày 2 lần.

Dùng kháng sinh trong vòng 3 ngày để loại bỏ các phẩy khuẩn tả gây bệnh. Tùy từng trường hợp loại kháng sinh sẽ được chỉ định sao cho phù hợp hơn. Mức độ bệnh càng cao loại kháng sinh càng mạnh để sớm kiểm soát bệnh, ngăn biến chứng.

Tuy nhiên do thuốc có tác dụng mạnh và khả năng gây phản ứng phụ cao nên bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Không nên tự ý kéo dài hoặc rút ngắn thời gian sử dụng thuốc kháng sinh để tránh gây tình trạng nhờn thuốc, không có tác dụng hoặc phát sinh các tác dụng phụ khác.

Phương pháp khác:

Ngoài các giải pháp kể trên, người bệnh có thể được chỉ định biện pháp bổ sung kẽm, dùng thuốc cầm tiêu chảy, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để người bệnh sớm cải thiện các triệu chứng. Tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ, thông báo nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường không thuyên giảm hoặc gặp tác dụng phụ gây hại sức khỏe.

điều trị
Ăn chín, uống sôi, kết hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Bù nước, bù chất điện giải, sử dụng thuốc kháng sinh kèm theo điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt giúp tăng hiệu quả kiểm soát bệnh tả. Cụ thể:

  • Dùng xà phòng diệt khuẩn rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Hoặc bệnh nhân có thể sử dụng chất khử trùng có cồn để làm sạch tay trước khi tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ vật khác.
  • Uống nước đun sôi để nguội, không uống nước đá không rõ nguồn gốc. Chỉ nên ăn những món ăn được nấu chín hoàn toàn, hạn chế ăn đồ ăn tái sống.
  • Bổ sung trái cây cung cấp nước và vitamin, tuy nhiên nên rửa sạch hoa quả trước khi ăn, ngâm nước muối sạch sẽ. Người bị nhiễm khuẩn tả nên tránh ăn đồ còn sống như salad, nho,...
  • Một số trường hợp có thể bị ngộ độc nếu dùng sữa hoặc các chế phẩn từ sữa khi mắc bệnh tả.

Phòng ngừa

Bệnh tả có thể bùng phát mạnh mẽ thành đợt dịch trên quy mô lớn. Tuy nhiên ngày nay do ý thức của người dân được nâng cao nên khả năng bùng dịch ở người thấp hơn giai đoạn trước đây. Mặc dù người bệnh có thể chữa khỏi bệnh tả, thế nhưng vẫn có nhiều người tử vong do sự chủ quan, không điều trị theo hướng dẫn.

Để tránh những rủi ro cho sức khỏe, người dân nên lưu ý những biện pháp phòng ngừa dưới đây:

  • Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn nhất là sau khi đi vệ sinh và tước khi ăn.
  • Xây dựng nhà xí hợp vệ sinh tại mỗi gia đình, không đi ngoài bừa bãi để đảm bảo an toàn vệ sinh. Trường hợp người trong gia đình gặp tình trạng tiêu chảy thường xuyên cần sử dụng Cloramin B hoặc vôi bột rắc xung quanh để ngăn vi khuẩn lây lan.
  • Nếu dịch lan rộng ra một khu vực tốt hơn hết không nên cho người lạ ra vào để tránh lây lan.
  • Hạn chế tình trạng ăn đồ ăn tái sống, ưu tiên nên ăn chín, uống sôi, đặc biệt là không ăn rau sống trồng ở khu vực có nhiều thú nuôi, không nên uống nước lã.
  • Đảm bảo nguồn nước sinh hoạt sạch sẽ, đun nước uống trước khi dùng, rửa rau củ quả với muối hoặc dung dịch sát khuẩn an toàn cho thực phẩm.
  • Tham gia tuyên truyền về bệnh tả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh tả và bệnh tiêu chảy có giống nhau không?

2. Bệnh tả xảy ra ở trẻ em có những biểu hiện gì?

3. Người bị bệnh tả có nguy hiểm tính mạng không?

4. Nếu không dùng thuốc liệu tình trạng tiêu chảy có hết không?

5. Điều trị bệnh tả trong bao lâu? Có cần nhập viện điều trị không?

6. Bệnh tả có khả năng lây truyền qua những con đường nào? Tôi cần làm gì để bảo vệ người thân khỏi chứng bệnh này?

7. Người già bị bệnh tả tiêu chảy thường xuyên phải làm thế nào?

8. Tôi cần kiêng ăn gì để không ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh tả ?

Hy vọng từ các thông tin trên bạn đọc đã nắm được nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nguy hại của bệnh tả. Khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, tốt hơn hết bạn nên thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn hướng xử lý hợp, bảo đảm an toàn sức khỏe.