Bệnh Rubella

Bệnh Rubella là bệnh truyền nhiễm do virus. Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng phát ban kèm theo sốt, đau nhức khớp,... Trường hợp không điều trị, Rubella có thể gây ra các biến chứng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Trẻ em được khuyến khích tiêm vắc xin phòng bệnh ở những năm đầu đời từ 1-2 tuổi.

Tổng quan

Bệnh Rubella hay bệnh sởi Đức là một bệnh truyền nhiễm do virus Rubella (thuộc họ Togavirus) gây ra. Bệnh có triệu chứng đặc trưng là phát ban ngoài da, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Rubella gây bệnh ở bất kỳ đối tượng nào, trong đó phổ biến là ở trẻ em.

Bệnh Rubella
Bệnh Rubella là một trong những bệnh lý truyền nhiễm do virus xâm nhập qua đường hô hấp

Mặc dù các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát, mức độ gây bệnh của virus thường nhẹ, tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe. Trong đó đặc biệt là phụ nữ mang thai, virus có thể bệnh nguy hiểm dẫn đến sảy thai, chết lưu, dị tật bẩm sinh.

Virus gây bệnh có thể lây truyền thông qua giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt xì. Bệnh lây từ người sang người, có thể bùng phát thành dịch trên diện rộng nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp. Cho đến nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh lý này. Người bệnh cần được chăm sóc y tế đúng cách, điều trị kiểm soát phòng tránh lây lan, biến chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Virus Rubella có thể lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp. Ngoài ra, virus còn lây truyền từ cơ thể người mẹ sang con trong thời gian mang thai. Khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người bệnh, virus tấn công cơ thể, ủ bệnh trong khoảng 1 tuần bắt đầu khởi phát các triệu chứng đầu tiên.

Từ khoảng năm 1962, căn bệnh này được phát hiện. Tuy nhiên so với các bệnh lý truyền nhiễm khác như thủy đậu, bệnh sởi, Rubella có tốc độ lây lan kém hơn. Những khu vực thường tập trung đông người có nguy cơ lây bệnh cao nếu người bệnh không có ý thức cách ly, bảo vệ cộng động hoặc không biết mình đang mang virus gây bệnh.

Sau 1 tuần ủ bệnh, các nốt ban trên cơ thể xuất hiện, mặc dù vậy cũng có một vài trường hợp không phát ban, người bệnh không gặp phải triệu chứng gì. Thế nhưng do cơ thể vẫn mang virus Rubella nên họ vẫn có khả năng tiếp tục là trung gian truyền bệnh cho người xung quanh.

Các con đường lây truyền virus chính bao gồm lây truyền trong không khí, lây truyền từ mẹ sang con. Những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh Rubella cao thường là người chưa được tiêm phòng, người đi từ vùng có dịch trở về, người chưa mắc Rubella trước đó, đề kháng kém, hệ miễn dịch yếu,...

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Bệnh Rubella gây ra các triệu chứng thường nhẹ, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Đặc biệt là biểu hiện ngoài da thường được cho là phát ban hay sởi thông thường. Tuy nhiên các triệu chứng có thể ngày càng nặng hơn nếu bệnh nhân không có biện pháp can thiệp, điều trị.

Triệu chứng
Đừng nên chủ quan nhầm lẫn Rubella với các bệnh lý ngoài da khác dựa trên các biểu hiện phát ban, mẩn đỏ

Biểu hiện Rubella thường gặp kể đến như:

  • Hiện tượng phát ban ngoài da. Đây là triệu chứng có đến gần 80% người bệnh gặp phải, phát ban xảy ra ở các vùng như cổ, mặt, sau đó lan rộng ra khắp cơ thể.
  • Người bệnh bị buồn nôn, sốt nhẹ không quá 39 độ C, ngoài ra còn kèm theo tình trạng viêm kết mạc. Các triệu chứng xảy ra ở mức độ nhẹ khiến bệnh nhân càng thêm chủ quan.
  • Bên cạnh các dấu hiệu kể đến, người bệnh còn phát hiện hạch sau tai, hạch cổ sưng to bất thường.

So với nam giới, tỷ lệ bệnh nhân là nữ cao hơn. Bất kỳ đối tượng nào cũng có khả năng nhiễm virus nếu tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Trong khoảng 3-10 ngày khi các triệu chứng bùng phát, cơn đau nhức khớp, viêm khớp xảy ra và kéo dài ẩm ỉ.

Sau khoảng gần 1 tuần nếu bệnh không được kiểm soát, các triệu chứng bắt đầu lan rộng. Khi tình trạng phát ban xảy ra, trong vòng 1-5 ngày virus đã có thể bắt đầu lây nhiễm bệnh sang người xung quanh. Bệnh gây các triệu chứng bất thường kéo dài trong 2-3 tuần.

Bạn cũng có thể nhận định Rubella đang ở mức độ nào thông qua giai đoạn bệnh gồm:

  • Giai đoạn đầu: Đây là khoảng thời gian ủ bệnh, người bệnh gần như chưa nhận thấy được rõ các biểu hiện bất thường trên cơ thể. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 16-18 ngày, tùy số lượng virus xâm nhập, hệ miễn dịch, đề kháng của người bệnh trước virus Rubella.
  • Giai đoạn tiến triển: Bệnh gây ra các triệu chứng như phát ban, sốt, nổi hạch, viêm khớp. Thân nhiệt tặng nhẹ, không quá nghiêm trọng. Bệnh nhân còn kèm theo các biểu hiện như đau nhức đầu, đau họng, chảy nước mũi,... Các triệu chứng bùng phát sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 2-3 ngày.
  • Giai đoạn thoái triển: Các triệu chứng lúc này sẽ thuyên giảm dần. Thân nhiệt ổn định, các nốt ban lặn, không để lại sẹo trên da, hạch cũng lặn dần sau 7 ngày xuất hiện.

Chẩn đoán

Dựa trên các biểu hiện lâm sàng, yếu tố dịch tễ, các bác sĩ sẽ bước đầu đưa ra chẩn đoán bệnh Rubella ở người bệnh. Ngoài ra, để củng cố chính xác hơn bệnh lý người bệnh đang gặp phải, bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện các biện pháp chẩn đoán kèm theo như:

  • ELISA tìm kháng thể chuyên biệt
  • HI - ức chế ngưng kết tiểu cầu
  • IHA - ngưng kết hồng cầu thụ động
  • LA - ngưng kết Latex
  • Xét nghiệm miễn dịch IgM, IgG

Dựa trên kết quả chẩn đoán, hướng điều trị Rubella được bác sĩ xây dựng, chỉ định phác đồ cho bệnh nhân sử dụng. Tùy tình hình sức khỏe của bệnh nhân, giải pháp kiểm soát triệu chứng được quy định sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn nhất.

Biến chứng và tiên lượng

Mặc dù tình trạng bệnh Rubella xuất hiện các triệu chứng không quá nặng nề, tuy nhiên theo thời gian tình trạng này có thể dần tiến triển nghiêm trọng hơn. Người bệnh không chỉ sốt, phát ban kèm theo đau nhức đầu, buồn nôn mà còn đau khớp, viêm khớp khiến sinh hoạt, đời sống hàng ngày gặp nhiều khó khăn.

Biến chứng
Bệnh Rubella có thể gây biến chứng nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi

Các biến chứng có rủi ro cao đối với phụ nữ mang thai. Virus xâm nhập vào cơ thể thai phụ và tấn công thai nhi. Nhiều trường hợp thai phụ phải chấp nhận sự thật là thai bị chết lưu do virus. Ngoài ra, còn các rủi ro khác bao gồm sẩy thai, sinh non, trẻ sơ sinh mắc hội chứng Rubella.

Theo đó, hội chứng Rubella bẩm sinh là tình trạng không mong muốn ở trẻ sơ sinh. Khi chào đời trẻ có thể gặp các tổn thương, khuyết tật không thể cải thiện. Đặc biệt đối với sức khỏe tâm lý, chức năng tuyến giáp, thậm chí em bé có thể mắc bệnh tiểu đường ngay khi còn rất nhỏ.

Trẻ sơ sinh có thể được điều trị, phẫu thuật để kéo dài tiên lượng sống, giúp thời gian phát triển của trẻ được diễn ra bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên về chi phí điều trị cho trẻ sơ sinh là rất cao. Bên cạnh các biến chứng ở thai nhi, người trưởng thành bị Rubella cũng có khả năng gặp phải các vấn đề khác như viêm não, viêm màng não, giảm tiểu cầu, viêm tinh hoàn, viêm phổi,...

Điều trị

Bệnh Rubella hiện nay vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, người bệnh thường có thể tự điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế. Các triệu chứng nhẹ có thể được kiểm soát bằng các biện pháp dùng thuốc, chăm sóc, nghỉ ngơi. Tuy nhiên cần thận trọng nếu đối tượng bệnh nhân là trẻ em và phụ nữ mang thai.

Điều trị
Điều trị kiểm soát lây nhiễm, triệu chứng Rubella, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai

Người bệnh cần theo dõi các biểu hiện cơ thể, sớm thông báo với bác sĩ khi triệu chứng có hiện tượng trở nên nghiêm trọng hơn. Người mắc bệnh Rubella cần chủ động phòng ngừa lây lan virus cho người thân, dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất để sớm phục hồi, loại bỏ virus ra khỏi cơ thể.

Nguyên tắc điều trị:

  • Người bệnh cần cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế trong ít nhất 1 tuần kể từ khi phát hiện nhiễm virus Rubella.
  • Điều trị triệu chứng kết hợp theo dõi, kiểm soát biến chứng.

Điều trị cụ thể:

  • Đối với trường hợp không biến chứng: Bệnh nhân dành thời gian nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, hạ sốt bằng thuốc paracetamol, uống bổ sung vitamin cần thiết theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đối với trường hợp có biến chứng: Người bệnh viêm não sử dụng thuốc Gamaglobulin, kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm. Liều dùng được chỉ định cụ thể theo phác đồ của bác sĩ. Trường hợp biến chứng xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh nhân được truyền khối tiểu cẩu, dùng thuốc Methyprednisolon.
  • Đối với phụ nữ mang thai nhiễm Rubella: Tư vấn đình chỉ thai nghén ở giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên khi đã chẩn đoán xác định nhiễm Rubella. Trường hợp thai kỳ ở tam cá nguyệt thứ 2, bác sĩ sẽ cân nhắc, đề cập đến các nguy cơ cho thai phụ, tư vấn đình chỉ thai nếu kết quả xét nghiệm nước ối là dương tính, trường hợp âm tính sẽ tiếp tục theo dõi. Nếu thai đã hơn 18 tuần tuổi, thai nhi có khả năng bị Rubella bẩm sinh thấp, thai phụ cần thường xuyên thăm khám để theo dõi diễn biến thai.

Phòng ngừa

Bệnh Rubella mặc dù có các triệu chứng nhẹ, tuy nhiên đây cũng là bệnh truyền nhiễm, nguy cơ lan rộng nhanh chóng. Đặc biệt nguy hiểm đối với thai phụ nếu bị nhiễm Rubella có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi, tăng các rủi ro trong và sau khi sinh cho bé. Chính vì thế, mọi người dân nên chủ động trong việc phòng tránh virus gây hại.

Phòng ngừa
Chủ động phòng bệnh Rubella, tiêm phòng cho trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người lớn

Các biện pháp phòng tránh chung bao gồm:

  • Tuyên truyền về mức độ lây nhiễm bệnh của virus Rubella cho người dân, chỉ đạo phòng chống dịch phát tán trên diện rộng.
  • Chủ động vệ sinh cá nhận, bảo vệ đường hô hấp bằng biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi đông người tại những khu vực đang có dịch.
  • Trường hợp chăm sóc người bệnh Rubella cần đeo khẩu trang xuyên suốt, rửa tay, sát khuẩn để giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm bệnh.
  • Dùng các sản phẩm vệ sinh đường mũi, làm sạch họng hàng ngày để tránh virus xâm nhập đường hô hấp gây bệnh.
  • Đối tượng phụ nữ có thai nên tuyệt đối không tiếp xúc với người nhiễm Rubella, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo hộ cá nhân.
  • Trẻ em nên hạn chế chơi đồ chơi ở những nơi công cộng, không dùng chung đồ dùng cá nhân với các em bé khác.
  • Trường hợp trẻ em mắc hội chứng Rubella bẩm sinh cần được chăm sóc đặc biệt, hạn chế tiếp xúc với phụ nữ có thai, trẻ em bình thương khác từ lúc chào đời cho đến 12 tháng tuổi.
  • Trường hợp nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nên tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa. Khử khuẩn buồng bệnh, lau sàn nhà, khử khuẩn đồ dùng,... Đảm bảo không bị lây nhiễm chéo virus gây bệnh từ bệnh nhân.
  • Thực hiện tiêm phòng vắc xin Rubella cho trẻ em từ 9-18 tháng tuổi, tiêm phòng cho người lớn chưa nhiễm bệnh, phụ nữ đang ở độ tuổi sinh sản. Không tiêm vắc xin cho phụ nữ đang mang thai.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Vì sao tôi bị Rubella?

2. Tôi nên làm gì khi bị Rubella?

3. Nếu không điều trị bệnh Rubella có khỏi không?

4. Tôi cần sử dụng những thuốc gì trong điều trị bệnh Rubella?

5. Bệnh Rubella vì sao lại nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai?

6. Cần tiêm phòng Rubella trước khi mang thai không? Khi nào tiêm?

7. Virus Rubella có những con đường lây truyền nào?

8. Tôi cần làm gì để bảo vệ người nhà khỏi nguy cơ lây nhiễm bệnh Rubella?

Bệnh Rubella mặc dù không gây ra quá nhiều triệu chứng nặng nề, tuy nhiên chứng bệnh này lại rất nguy hiểm khi gặp phải ở phụ nữ mang thai. Virus gây bệnh có khả năng lây truyền nhanh chóng thông qua đường hô hấp. Người dân cần chủ động phòng bệnh, tránh trường hợp virus lan rộng bùng dịch ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.