Bệnh Polyp Cổ Tử Cung

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh polyp cổ tử cung là một dạng tăng sinh lành tính, không phải ung thư. Nguyên nhân chưa biết rõ nhưng có liên quan đến tăng hormone estrogen và hiện tượng viêm cổ tử cung mãn tính. Bệnh không nhất thiết phải can thiệp, trường hợp polyp lớn sẽ được chỉ định cắt để cải thiện các triệu chứng khó chịu.

Tổng quan

Bệnh polyp cổ tử cung (Cervical Polyp) là tình trạng cổ tử cung hoặc bên trong ống cổ tử cung xuất hiện những tăng sinh lành tính (polyp). Polyp có hình dáng như khối u nhưng không phải u, polyp có thể có cuống hoặc không cuống. Tổ chức này thường hình thành do sự tăng sinh của niêm mạc hoặc tổ chức dưới niêm mạc.

bệnh polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung thực chất là tăng sinh lành tính xuất hiện ở bên ngoài cổ tử cung hoặc trong ống cổ tử cung

Polyp có thể xuất hiện ở nhiều vị trí trong cơ thể, thường gặp nhất là mũi, dạ dày, đại tràng và cổ tử cung. Số lượng và kích thước polyp có sự khác biệt ở từng trường hợp. Đa phần polyp đều lành tính nhưng vẫn có một số ít tiến triển ác tính hóa thành ung thư.

Thống kê cho thấy, có khoảng 2 - 5% nữ giới bị bệnh polyp cổ tử cung. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ nhưng có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều không có triệu chứng, một số ít có triệu chứng nhưng không rõ rệt. Bệnh thường vô tình được phát hiện khi khám viêm âm đạo hoặc khám phụ khoa định kỳ.

Tương tự như các bệnh phụ khoa khác, bệnh polyp cổ tử cung phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, nguy cơ ác tính hóa polyp lại cao hơn ở phụ nữ sau mãn kinh.

Phân loại bệnh

Bệnh polyp cổ tử cung được chia thành 2 loại dựa vào vị trí xuất hiện polyp:

Polyp ngoài cổ tử cung

Cổ tử cung là vị trí tiếp giáp giữa âm đạo và bên trong tử cung. Khu vực này có vị trí hẹp, bên ngoài được bao bọc bởi lớp niêm mạc màu hồng. Polyp có thể xuất hiện ở mặt ngoài của cổ tử cung. Với vị trí này, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện thông qua khám mỏ vịt.

Polyp trong ống cổ tử cung

Ống cổ tử cung là vị trí bên trong cổ tử cung trước khi vào lòng tử cung. Đây là vị trí polyp thường xuất hiện. So với polyp ngoài tử cung, loại này phổ biến hơn.

bệnh polyp cổ tử cung
Đa phần các trường hợp mắc bệnh polyp cổ tử cung đều xuất hiện polyp bên trong ống cổ tử cung

Polyp thường có hình dáng đồng nhất ở tất cả các vị trí. Khi thăm khám bằng mỏ vịt hoặc siêu âm, bác sĩ có thể nhìn thấy polyp là các tổ chức có hình dạng giống khối u, hình giọt nước. Bề mặt polyp có màu đỏ tươi, hồng, trắng xám hoặc tím, mịn, có cuống hoặc không cuống.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây bệnh polyp cổ tử cung vẫn chưa được biết rõ. Sự tăng sinh lành tính của niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc có thể bắt nguồn từ những yếu tố sau:

Viêm cổ tử cung mãn tính

Hiện tượng viêm mãn tính ở cổ tử cung được xác định là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Khi bị viêm mãn tính, các tế bào niêm mạc hoặc dưới niêm mạc có thể tăng sinh tạo thành tổ chức polyp.

Viêm cổ tử cung có thể là do viêm âm đạo tiến triển dai dẳng hoặc lây nhiễm vi khuẩn lậu, Chlamydia, trùng roi âm đạo do quan hệ tình dục không an toàn.

Tăng estrogen quá mức

Sở dĩ bệnh polyp cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là vì có liên quan đến hormone estrogen. Các chuyên gia nhận thấy, estrogen tăng cao quá mức có thể gây làm tăng sinh niêm mạc ở cổ tử cung. Đây cũng là lý do polyp thường hình thành trong thai kỳ.

dấu hiệu bệnh polyp cổ tử cung
Sự gia tăng hormone estrogen khi mang thai là yếu tố thuận lợi gây polyp cổ tử cung

Nạo phá thai không an toàn

Khi thực hiện thủ thuật phá thai, niêm mạc bên trong ống cổ tử cung và cổ tử cung ít nhiều sẽ bị xâm lấn, tổn thương. Trường hợp nạo phá thai không an toàn sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh polyp cổ tử cung.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là bệnh phụ khoa khá phổ biến ở nữ giới. Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng tế bào nội mạc bên trong tử cung phát triển ở những vị trí bất thường, bao gồm cả cổ tử cung. Trong một số trường hợp, tế bào nội mạc có thể phát triển thành polyp.

Các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân gây bệnh polyp cổ tử cung chưa được biết rõ. Dù vậy, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên đáng kể khi có những yếu tố thuận lợi sau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Thường xuyên nạo phá thai
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết
  • Lối sống không lành mạnh (hút thuốc lá, sử dụng bia rượu…)
  • Di truyền từ gia đình

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, do khối polyp dễ bị vỡ và chảy máu nên có thể gây ra một số triệu chứng không điển hình như:

dấu hiệu bệnh polyp cổ tử cung
Chảy máu sau khi giao hợp, rong kinh, tăng tiết dịch âm đạo... là những dấu hiệu của bệnh polyp cổ tử cung

  • Chảy máu sau khi giao hợp
  • Xuất huyết bất thường (không trong chu kỳ kinh nguyệt)
  • Tăng tiết dịch âm đạo, khí hư có mùi hôi, đôi khi có lẫn mủ
  • Rong kinh

Polyp cổ tử cung thường có kích thước không quá 1cm, bề mặt bóng, đỏ và dễ vỡ. Vì nằm ở sâu bên trong nên cần phải thăm khám mới có thể chẩn đoán xác định bệnh lý này. Nếu nhận thấy các biểu hiện bất thường, nữ giới nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa.

Chẩn đoán bệnh polyp cổ tử cung sẽ bao gồm hỏi bệnh, khám bằng mỏ vịt. Trường hợp cần thiết phải thực hiện thêm phết tế bào cổ tử cung (xét nghiệm PAP) để tìm kiếm, phát hiện sớm dấu hiệu ung thư. Thông thường, khám mỏ vịt đủ để đưa ra chẩn đoán bệnh lý này. Dù vậy, một số trường hợp có thể phải thực hiện thêm siêu âm để loại trừ những khả năng có thể xảy ra.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh polyp cổ tử cung hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, có khoảng 1% trường hợp có khả năng ác tính hóa. Do đó, không nên chủ quan sau khi được chẩn đoán mắc căn bệnh này - đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh.

Polyp cổ tử cung có thể gây đau khi giao hợp, tăng tiết dịch âm đạo, chảy máu bất thường… Những triệu chứng này gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống, đồng thời khiến nữ giới tự ti khi quan hệ tình dục.

Trong một số trường hợp, polyp có thể phát triển nhiều gây hẹp ống cổ tử cung làm cho việc đào thải máu kinh bị cản trở. Tình trạng này sẽ làm gia tăng nguy cơ bị viêm nhiễm âm đạo và cổ tử cung. Nếu không cắt bỏ polyp, viêm nhiễm có thể phát triển vào bên trong vòi trứng và buồng trứng.

Điều trị

Không phải trường hợp nào cũng nhất thiết phải điều trị polyp cổ tử cung. Nếu polyp có kích thước nhỏ và không gây triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi. Loại bỏ polyp sẽ được thực hiện khi kích thước polyp lớn và gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như rong kinh, đau, chảy máu khi giao hợp.

Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị bệnh polyp cổ tử cung:

Theo dõi

Phần lớn các trường hợp bị polyp cổ tử cung đều được chỉ định theo dõi. Như đã đề cập, polyp đa phần là lành tính và không gây ra triệu chứng. Vì vậy, bác sĩ sẽ hạn chế những can thiệp không cần thiết. Điều trị trong trường hợp này không mang lại bất cứ lợi ích gì, đồng thời gây hao tốn tài chính và bệnh nhân mất thời gian nghỉ dưỡng.

Các thủ thuật ít xâm lấn

Với polyp có kích thước nhỏ, bác sĩ sẽ chỉ định các thủ thuật ít xâm lấn để loại bỏ. Các thủ thuật được cân nhắc bao gồm:

  • Đốt polyp cổ tử cung: Đốt polyp là thủ thuật được áp dụng phổ biến trong điều trị bệnh polyp cổ tử cung. Các phương pháp đốt polyp thông dụng là đốt bằng laser, đốt điện.
  • Dùng nito lỏng (áp lạnh): Nito lỏng cũng được chỉ định để loại bỏ polyp cổ tử cung. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa nito lỏng áp sát polyp. Với nhiệt độ âm, nito lỏng hóa lạnh tổ chức polyp dẫn đến hoại tử. Dần dần, tổ chức này bị teo nhỏ và rụng.

Phẫu thuật cắt polyp

Trường hợp polyp có kích thước lớn, bắt buộc phải phẫu thuật để loại bỏ. Bác sĩ sẽ sử dụng vòng kẹp để cắt polyp. Hoặc có thể xoắn chân polyp, buộc chỉ quanh chân polyp.

điều trị bệnh polyp cổ tử cung
Phẫu thuật cắt polyp cổ tử cung được chỉ định khi polyp có kích thước to, chân lớn

Sau khi cắt polyp, âm đạo sẽ có hiện tượng chảy máu nhẹ trong 1 - 2 ngày. Trong thời gian phục hồi, cần kiêng quan hệ tình dục trong 4 - 6 tuần, sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Phòng ngừa

Bệnh polyp cổ tử cung có khả năng tái phát cao, đặc biệt là với nữ giới bị viêm âm đạo và viêm cổ tử cung mãn tính. Để phòng ngừa, có thể thực hiện các biện pháp sau:

điều trị bệnh polyp cổ tử cung
Điều trị tích cực viêm âm đạo và viêm cổ tử cung sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh polyp cổ tử cung

  • Điều trị tích cực các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục, đặc biệt là viêm cổ tử cung.
  • Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm vi khuẩn lậu, Chlamydia, trùng roi âm đạo…
  • Thực hiện nạo phá thai ở các bệnh viện lớn.
  • Chủ động thực hiện các biện pháp ngừa thai như dùng bao cao su, đặt vòng tránh thai… để hạn chế phải nạo phá thai thường xuyên.
  • Tránh các biện pháp ngừa thai nội tiết như cấy que tránh thai, sử dụng thuốc tránh thai kết hợp…
  • Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
  • Có thể tiêm ngừa vaccine HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh u nhú thường gặp khác.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Bệnh polyp cổ tử cung có đáng lo ngại? Ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống?

2. Chẩn đoán polyp cổ tử cung bằng cách nào?

3. Cần nhất thiết phải điều trị polyp cổ tử cung?

4. Phẫu thuật cắt polyp cổ tử cung hết bao nhiêu? BHYT có chi trả?

5. Cắt polyp cổ tử cung có cần ở lại bệnh viện?

6. Chế độ chăm sóc sau khi cắt polyp cổ tử cung?

7 .Làm sao để phòng ngừa polyp cổ tử cung tái phát?

8. Bệnh polyp cổ tử cung có di truyền không?

Bệnh polyp cổ tử cung có liên quan đến hiện tượng viêm mãn tính và gia tăng hormone estrogen. Đa phần polyp đều lành tính, ít có nguy cơ ác tính hóa. Dù vậy, nữ giới được chẩn đoán mắc bệnh lý này vẫn cần tái khám thường xuyên để theo dõi và tầm soát ung thư cổ tử cung.