Bệnh Sưng hạch bạch nách
Sưng hạch bạch nách là tình trạng các hạch bạch huyết ở nách sưng to bất thường gây đau hoặc nhạy cảm vùng nách. Các tác nhân thường gặp là do nhiễm trùng, chấn thương, các bệnh tự miễn, viêm nhiễm hoặc dấu hiệu cảnh báo ung thư nguy hiểm. Tùy theo căn nguyên và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn các chọn lựa điều trị phù hợp như dùng dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Tổng quan
Sưng hạch bạch nách (Axillary Lymphadenopathy) hay bệnh hạch bạch huyết ở nách xảy ra khi các hạch bạch huyết nằm ở nách phát triển tăng kích thước lớn bất thường, nổi u cục gây đau nhức và khiến vùng này trở nên nhạy cảm. Tình trạng này có thể là lành tính, tạm thời, nhưng cũng có một số trường hợp có liên quan đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, như mắc bệnh ung thư hạch hoặc các bệnh truyền nhiễm.
Tùy theo mức độ nhiễm trùng, bệnh nhân bị sưng hạch bạch nách có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như sốt, đau nhức, nhạy cảm khi chạm vào, vã mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân đột ngột. Nhiều trường hợp còn kèm theo sưng hạch bạch huyết ở nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Đa số các trường hợp bị sưng hạch bạch nách là lành tính, không kéo dài quá lâu và có xu hướng tự khỏi. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh nặng, triệu chứng không tự biến mất hoặc phát sinh thêm nhiều triệu chứng khác, bắt buộc phải thăm khám, chẩn đoán và điều trị y tế phù hợp, ngăn ngừa biến chứng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Các hạch bạch huyết là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, chúng được phân bố khắp nơi trên cơ thể, thường ở các vị trí như đầu, cổ, bẹn, ngực, sau phúc mạc... và nhất là ở nách. Sự hình thành của hạch ở nách là dấu hiệu cho thấy các hạch bạch huyết đang cố gắng chống lại các tác nhân bất thường.
Do đó, bản chất sưng hạch bạch nách không phải bệnh lý, mà nó là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý, tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác. Chẳng hạn như:
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra sưng hạch bạch nách. Dưới sự ảnh hưởng của các loại vi sinh vật có hại, các hạch bạch huyết bị kích thích để chống lại nhiễm trùng và khởi phát triệu chứng sưng hạch nách cùng nhiều hệ thống hạch bạch huyết trên cơ thể.
Tác nhân này được phân chia làm 3 dạng chính gồm:
- Nhiễm trùng cục bộ: Chủ yếu là các tình trạng nhiễm trùng da vùng ngực hoặc cánh tay do tụ khuẩn khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn cũng có thể gây sưng nổi hạch nách và cổ.
- Nhiễm trùng toàn thân: Dạng nhiễm trùng này gây sưng hạch bạch nách và nhiều bộ phận trên cơ thể, chủ yếu dưới sự ảnh hưởng của bệnh HIV hoặc bệnh bạch cầu đơn nhân. Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn lao Mycobacterium cũng có thể gây sưng hạch bạch nách.
Đây là tình trạng các nang lông ở nách bị viêm, khiến cho nang lông gặp khó khăn trong việc xâm nhập vào lớp ngoài cùng của da. Hậu quả gây ra các triệu chứng sưng viêm, nổi mụn mủ, đỏ tấy, ngứa rát, ứ đọng dịch mủ (nhọt) và gây sưng hạch bạch nách.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này như lông mọc ngược do cạo lông hoặc tẩy lông không đúng cách. Ngoài ra, nhiễm khuẩn Staphylococus aureus, Pseudomonas aeruginosa hoặc nấm Malassezia tại nách cũng là tác nhân hàng gây sưng hạch bạch nách.
Viêm tuyến mồ hôi mủ
Các hạch bạch huyết ở nách bị sưng lên cũng có thể là do tình trạng viêm tuyến mồ hôi mủ. Căn bệnh này xảy ra do tình trạng tắc nghẽn bên trong tuyến mồ hôi. Gây ra các triệu chứng đặc trưng như hình thành cục u cứng, nóng rát, đỏ da, ngứa ngáy và tiết nhiều mồ hôi.
Dạng viêm này thường xảy ra do sự suy yếu của hệ thống miễn dịch, đột biến gen, thừa cân béo phì hoặc do vệ sinh kém.
Viêm hạch bạch huyết
Rất nhiều trường hợp bị sưng hạch bạch nách là do các hạch bạch huyết tại nách sưng lên bất thường do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Tình trạng này đặc trưng bởi các triệu chứng nhiễm trùng như sốt, mệt mỏi, suy nhược, đau vùng nách...
Các bệnh tự miễn dịch
Một số bệnh tự miễn dịch như lupus ban đỏ hệ thống hoặc viêm khớp dạng thấp gây đều ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống miễn dịch. Đây là tình trạng các tế bào kháng thể xuất hiện trong các hạch bạch huyết, dẫn đến kích thích làm sưng hạch bạch huyết và phản ứng lại gây sưng nổi hạch bạch nách, ngoài khu vực hố cánh tay.
Bệnh nhân mắc các bệnh lý này cũng thường phản hồi gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, đau cơ, đổ nhiều mồ hôi ban đêm...
Ung thư
Hạch bạch huyết ở nách bị sưng lên cũng có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư. Trong đó, có 2 dạng ung thư có liên quan mật thiết là ung thư hạch và ung thư vú.
- Ung thư hạch: Dạng ung thư này gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hạch bạch huyết. Đặc trưng bởi sự hình thành của các khối u ở nách, phát triển nhanh chóng và không thể tự khỏi trong vòng 1 - 2 tháng. Bệnh nhân mắc bệnh ung thư này thường có các triệu chứng như sưng hạch bạch nách, đau nhức, nhạy cảm khi sờ vào nách, sốt, đổ mồ hôi ban đêm, suy nhược cơ thể và sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Ung thư vú: Phụ nữ là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao nhất trên toàn thế giới, mặc dù nam giới cũng có thể mắc căn bệnh này nhưng rất hiếm. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không có quá nhiều triệu chứng, nhưng trong giai đoạn khối u phát triển có thể gây ra một số triệu chứng như sưng hạch bạch nách, xuất hiện các nốt cứng, khối u bất thường ở nách, kèm theo đau nhức, lan xuống cánh tay, nổi mẩn đỏ, ngực nhạy cảm, tiết dịch ở đầu núm vú...
- Các dạng ung thư khác:
- Ung thư lymphoma;
- Ung thư bạch cầu;
- Ung thư di căn;
Tiêm phòng
Tiêm phòng một số loại vắc xin phòng ngừa bệnh cúm, thủy đậu, zona, quai bị, sởi..., đặc biệt là vắc xin Covid-19 được cảnh báo có nguy cơ sưng hạch bạch huyết ở những vùng xung quanh chỗ tiêm, trong đó có hạch nách. Đây là phản ứng miễn dịch bình thường của cơ thể đối với vắc xin, kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể.
Tác dụng phụ của thuốc
Có nhiều loại thuốc làm tăng nguy cơ khởi phát sưng hạch bạch nách, trong đó phổ biến nhất là nhóm thuốc chống động kinh (phenytoin).
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Tình trạng sưng lên của các hạch bạch huyết ở nách hay bất kỳ vị trí nào, bệnh nhân đều sẽ gặp phải một số triệu chứng sau:
- Hình thành khối u, cục cứng trong nách và ngày càng tăng về kích thước;
- Sưng đau, nóng đỏ, ngứa ran vùng dưới nách;
- Sưng vú, bầu ngực nhạy cảm và đau nhức khi chạm vào;
- Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi do nhiễm trùng;
- Đau cơ, đau khớp;
- Phát ban trên da;
- Sụt cân không rõ nguyên nhân;
- Lá lách to;
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh cụ thể mà triệu chứng được biểu hiện khác nhau.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh sưng hạch bạch nách được thực hiện thông qua thăm khám sức khỏe, đánh giá các triệu chứng lâm sàng, khai thác tiền sử bệnh. Đồng thời, thực hiện một loạt các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết nhằm khoanh vùng tác nhân và góp phần chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: Một số kỹ thuật xét nghiệm máu như kiểm tra công thức máu toàn bộ, protein phản ứng C, đo tốc độ lắng máu, số lượng bạch cầu... giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể, phát hiện các vấn đề sức khỏe bất thường như rối loạn, nhiễm trùng, bệnh tự miễn... Nhờ đó góp phần đánh giá và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây sưng hạch bạch nách.
- Kiểm tra hình ảnh: Chụp X quang ngực hoặc chụp vi tính cắt lớp CT scan giúp tìm kiếm khối u và xác định chính xác nguồn lây nhiễm tiềm ẩn trong cơ thể.
- Sinh thiết: Sinh thiết hạch bạch huyết được bác sĩ chỉ định nhằm xác nhận chẩn đoán nguyên nhân gây sưng hạch bạch nách và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kết hợp chẩn đoán khối u sưng hạch bạch nách với khối u khác như: u mỡ, u sợi tuyến, u nang da, khối u Schwannomas (gây ảnh hưởng đến màng bao phủ các tế bào thần kinh).
Biến chứng và tiên lượng
Tình trạng sưng hạch bạch nách được các chuyên gia đánh giá không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, bản chất của tình trạng này là sự phát triển bất thường của các hạch bạch huyết ở nách, khiến nách đau nhức, nhạy cảm hơn khi chạm vào hoặc ngay cả khi sinh hoạt bình thường. Nếu không điều trị kịp thời, sưng hạch bạch nách có thể hình thành áp xe, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và kéo theo nhiều phiền toái khác, giảm chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, sưng hạch bạch nách còn là dấu hiệu rất đặc trưng của nhiều bệnh lý, kể cả lành tính hay ác tính. Do đó, để biết được nguyên nhân gây ra là bệnh nhẹ hay nặng, cách điều trị ra sao, có gây biến chứng nào nguy hiểm hay không, tốt nhất người bệnh cần chủ động thăm khám, chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp càng sớm càng tốt.
Đa số các trường hợp bị sưng hạch bạch nách đều là lành tính và không quá nghiêm trọng, chỉ kéo dài tạm thời. Tiên lượng bệnh khá tốt và có thể khỏi hẳn mà không để lại di chứng nào nếu điều trị kịp thời, đúng cách.
Điều trị
Không có biện pháp điều trị đặc hiệu đối với tình trạng sưng hạch bạch nách. Tùy theo tác nhân gây sưng hạch bạch nách, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Mục tiêu điều trị nhằm kiểm soát triệu chứng, loại bỏ nhiễm trùng (nếu có) và ngăn chặn biến chứng.
Điều trị y tế
Chẳng hạn như:
- Điều trị nhiễm trùng: Đối với các trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn gây sưng hạch bạch nách, phương pháp điều trị hiệu quả nhất là dùng thuốc kháng sinh. Riêng đối với nhiễm HIV, bạn sẽ đươc điều trị cụ thể bằng các loại thuốc đặc trị riêng để giảm sưng.
- Điều trị rối loạn miễn dịch: Đối với các bệnh lý rối loạn tự miễn dịch gây sưng sưng hạch bạch nách, có thể được chỉ định sử dụng thuốc steroid, thuốc chống thấp khớp DMARD...
- Điều trị ung thư: Nếu xác định sưng hạch bạch nách là dấu hiệu của ung thư, tùy mức độ bệnh bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Chẳng hạn như:
- Cắt bỏ hạch bạch huyết ở nách;
- Phẫu thuật cắt bỏ khối u ở vú (đối với bệnh nhân mắc ung thư vú);
- Xạ - hóa trị liệu;
- Liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm trúng đích;
Chăm sóc hỗ trợ
Ngoài các biện pháp điều trị y tế, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp tích cực sau để cải thiện triệu chứng:
- Chườm ấm: Dùng một miếng khăn hoặc gạc thấm nước nóng, vắt khô rồi đắp lên vùng da bị nổi sưng hạch. Nhiệt nóng có tác dụng làm giãn nở các mạch máu, xoa dịu kích ứng và giảm đau hiệu quả.
- Dùng thuốc: Trường hợp đau nhức quá mức có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn tại nhà để kiểm soát cơn đau. Các loại thường dùng như paracetamol, aspirin, ibuprofen, naproxen, acetaminophen... Lưu ý, cần hết sức thận trọng khi dùng nhóm thuốc này cho trẻ em và trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai để tránh gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Các biện pháp khác: Giúp nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể, hỗ trợ chống lại các tác nhân gây hại và sớm khỏi bệnh.
- Nghỉ ngơi nhiều hơn;
- Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya;
- Ăn uống đủ chất, sử dụng thực phẩm lành mạnh;
- Vận động tích cực, rèn luyện thể chất, nâng cao thể trạng;
Phòng ngừa
Sưng hạch bạch nách có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó, để phòng ngừa tình trạng này và những phiền toái do nó gây ra, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, tránh chạm vào các bề mặt công cộng có nguy cơ nhiễm trùng cao, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn...
- Tắm gội thường xuyên, rửa kỹ vùng nách, thỉnh thoảng sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết để làm sạch vùng da nách, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su và quan hệ chung thủy tránh mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Hạn chế tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc nhiều bệnh khác có khả năng lây lan qua đường tình dục.
- Duy trì và tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách tuân thủ thực hiện lối sống khoa học và lành mạnh, ăn uống đủ chất, vận động tích cực, nghỉ ngơi điều độ, kiểm soát căng thẳng... nhằm chống lại mọi bệnh tật.
- Quản lý tốt và điều trị dứt điểm các bệnh lý nhiễm trùng theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện ung thư, nhất là các bệnh ung thư có liên quan và gây ảnh hưởng đến hạch bạch huyết.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Điều gì khiến tôi gặp phải các triệu chứng đau nhức, nổi cục u ở nách?
2. Nguyên nhân tại sao tôi bị sưng hạch bạch nách?
3. Sưng hạch bạch nách có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nào?
4. Tình trạng bệnh của tôi có nghiêm trọng không?
5. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
6. Phương pháp điều trị nào tốt nhất dành cho trường hợp của tôi?
7. Tình trạng sưng hạch bạch nách có lây cho người khác không?
8. Tôi nên sử dụng loại thuốc nào để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất?
9. Mất bao lâu các triệu chứng bệnh mới được cải thiện?
10. Tôi cần làm gì để phòng ngừa sưng hạch bạch nách tái phát trong tương lai?
Sưng hạch bạch nách là triệu chứng rất phổ biến và là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Để nhận biết sớm căn nguyên, triệu chứng liên quan và cách điều trị phù hợp, khuyến cáo người bệnh cần chủ động thăm khám, chẩn đoán và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.