Bệnh Sưng hạch bạch bẹn

Sưng hạch bạch bẹn là hậu quả của nhiễm trùng hoặc là dấu hiệu của ung thư cùng nhiều nguyên nhân khác. Đặc trưng với các dấu hiệu như đau nhức, sưng viêm và nhạy cảm khi chạm vào vùng háng. Mục tiêu điều trị hiệu quả đối với tình trạng này là loại bỏ nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh, thuốc chống virus hoặc phẫu thuật, xạ trị, hóa trị đối với sưng hạch bạch bẹn do ung thư. 

Sưng hạch bạch bẹn là tình trạng nổi hạch gây sưng phù, đau nhức ở vùng háng

Tổng quan

Sưng hạch bạch bẹn (Swollen Lymph Nodes in the Groin) hay còn gọi là hội chứng sưng hạch bạch huyết ở bẹn. Mỗi người thường có 10 hạch bạch huyết ở vùng bẹn và nằm sâu trong háng. Chúng là một phần quan trọng của hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng.

Tình trạng này có thể là dấu hiệu của những tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các nguyên nhân bệnh lý ác tính khác, chẳng hạn như ung thư, nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí đe dọa cả tính mạng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bạch huyết là chất dịch lỏng trong suốt, chứa các tế bào miễn dịch giống như các tế bào bạch cầu và có khả năng chống nhiễm trùng. Hạch bạch huyết là những tuyến nhỏ có hình hạt đậu, khoảng 1cm và là một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch. Các hạch bạch huyết này có thể bị sưng lên là hậu quả của hoạt động loại bỏ nhiễm trùng và các tác nhân gây hại khác.

Theo nhiều nghiên cứu, có khoảng 600 hạch bạch huyết được phân bố nằm rải rác khắp cơ thể người. Chúng có thể tồn tại dưới dạng nút đơn lẻ hoặc tập trung thành từng cụm chuỗi. Một số vị trí hạch bạch huyết phổ biến như nách, cổ, sau tai và đặc biệt là háng.

Các hạch nằm sâu ở háng (mặt trong của đùi) được gọi là hạch bẹn. Sưng hạch bạch bẹn là tình trạng sưng viêm các hạch bạch huyết ẩn sâu trong bẹn. Trong các trường hợp bình thường, bạn sẽ không thể nhận thấy tình trạng này. Tuy nhiên, một vài vị trí có thể sưng to ra, có thể nhạy cảm và đau nhức khi chạm vào.

Sưng hạch bạch bẹn xảy ra do nhiều nguyên nhân như nhiễm trùng, chấn thương, ung thư hoặc các bệnh lý khác

Đây là hậu quả khi cơ thể của bạn đang cố gắng chống lại sự nhiễm trùng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

  • Nhiễm trùng da (viêm mô tế bào) do vết cắn, trầy xước do côn trùng/ động vật cắn, bệnh sốt mèo cào, nấm da chân hoặc bệnh ngứa vùng bẹn;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI);
  • Các bệnh nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục (STI) như giang mai bệnh lậu, herpes sinh dục, nhiễm trùng vi khuẩn Chlamydia trachomatis, nhiễm HIV/AIDS, nổi mụn rộp;
  • Mắc các bệnh như rối loạn tự miễn dịch như lupus hệ thống, viêm khớp dạng thấp, sarcoidosis, amyloidosis...;
  • Bệnh ung thư như ung thư bạch cầu, ung thư hạch, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật, ung thư tinh hoàn hoặc ung thư âm hộ do di căn từ các cơ quan khác;
  • Phản ứng dị ứng với tiêm phòng vắc xin hoặc các loại thuốc như allopurinol, hydralazine, atenolol, captopril, carbamazepine...;
  • Những chấn thương ở vùng bẹn do té ngã do tai nạn hoặc chơi thể thao, va chạm mạnh cùng nhiều dạng chấn thương khác làm tăng nguy cơ sưng hạch bạch bẹn;

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng 

Tùy từng nguyên nhân cơ bản gây sưng hạch bạch bẹn mà các triệu chứng được biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên, đặc trưng với các triệu chứng như:

Bệnh nhân bị sưng hạch bạch bẹn có biểu hiện như sưng đau, nóng đỏ và nhạy cảm ở vùng háng

  • Phát ban trên da, thường là vùng da bị kích ứng hoặc tổn thương gần cơ quan sinh dục hoặc vùng dưới cơ thể;
  • Rỉ dịch mủ từ đầu dương vật hoặc âm đạo;
  • Nổi mụn nước hoặc viêm loét da, sưng đỏ, ngứa ngáy khó chịu;
  • Kèm theo các triệu chứng viêm nhiễm như sốt cao, mệt mỏi, suy nhược, nôn ói...;

Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân bị sưng hạch bạch bẹn do ung thư có các triệu chứng riêng biệt như:

  • Mệt mỏi;
  • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm;
  • Sưng hạch bạch huyết kéo dài trong vòng 2 tuần;
  • Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân;
  • Hạch bạch huyết cứng, cố định bất động, có xu hướng phát triển tăng kích thước nhanh chóng;

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên, bệnh nhân cần nhanh chóng thăm khám tại bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe thể chất, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Chẩn đoán

Bước thăm khám đầu tiên là kiểm tra biểu hiện lâm sàng, đánh giá mức độ triệu chứng, thời gian phát triển triệu chứng mất bao lâu và khai thác tiền sử bệnh, đời sống tình dục, lịch sử dùng thuốc để khoanh vùng nhóm nguyên nhân khởi phát bệnh.

Chẩn đoán sưng hạch bạch bẹn thông qua khám sức khỏe kết hợp xét nghiệm máu, kiểm tra hình ảnh hoặc sinh thiết

Đồng thời, bệnh nhân cũng được yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung như:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm kiểm tra và đánh giá mức độ nhiễm trùng, xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục STD.
  • Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các tình trạng cơ bản có liên quan đến chứng sưng hạch bạch bẹn như nhiễm trùng hoặc các bệnh lý về bạch cầu. Bác sĩ thường tập trung vào kiểm tra công thức máu toàn bộ (CBC), cấy máu hoặc xét nghiệm HIV.
  • Xét nghiệm STI: Được thực hiện bằng cách đánh giá và phân tích các mẫu bệnh phẩm như nước tiểu, máu hoặc dịch tiết được lấy từ cổ tử cung, niệu đạo để chẩn đoán các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Xét nghiệm Pap: Đây là thủ thuật phết tế bào trong cổ tử cung để kiểm tra và phát hiện các bất thường. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các bệnh lý có liên quan đến sưng hạch bạch bẹn như ung thư cổ tử cung, âm đạo, âm hộ, hậu môn trực tràng...
  • Xét nghiệm hình ảnh: Một số xét nghiệm hình ảnh giúp xác định nguồn lây nhiễm hoặc xác định vị trí khởi phát khối u. Có thể kể đến một số kỹ thuật như siêu âm xương chậu, bụng, háng hoặc chụp CT scan.
  • Sinh thiết: Kỹ thuật xét nghiệm hạch bạch huyết bằng cách lấy một mẫu mô và kiểm tra phân tích trong phòng thí nghiệm. Phương pháp này giúp xác định và loại trừ nguyên nhân ung thư.

Biến chứng và tiên lượng

Sưng hạch bạch bẹn thường là phản ứng bình thường khi cơ thể chống lại nhiễm trùng. Bản chất của nó không phải là bệnh, mà là triệu chứng của bệnh hoặc các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn khác như bệnh tự miễn dịch, ung thư ác tính hoặc tác dụng của một số loại thuốc.

Ngoài ra, nhiệm vụ của các hạch bạch huyết là tăng cường miễn dịch, chống lại các tác nhân nhiễm trùng. Tuy nhiên, số lượng tác nhân nhiễm trùng quá lớn có thể khởi phát viêm nhiễm. Đồng thời, làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng. Bởi vậy, hãy chủ động thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng để được chẩn đoán, tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị

Tùy theo nguyên nhân gây sưng hạch bạch bẹn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Chẳng hạn như:

Dùng thuốc kháng sinh là một trong những phương pháp điều trị các triệu chứng sưng hạch bạch bẹn do nhiễm trùng

  • Nhiễm trùng: Tùy theo tác nhân nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê toa thuốc điều trị phù hợp:
    • Nhiễm trùng do vi khuẩn điều trị bằng thuốc kháng sinh;
    • Nhiễm trùng do virus điều trị bằng thuốc chống nấm;
  • Rối loạn tự miễn dịch: Sử dụng nhóm thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp thuốc sinh học.
  • Ung thư: Sưng hạch bạch bẹn do ung thư có thể được điều trị phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp dùng thuốc nhắm trúng mục tiêu. Trường hợp cần thiết có thể thực hiện thủ thuật bóc tách hạch bạch huyết bẹn, kết hợp phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết bẹn có chứa tế bào ung thư.

Ngoài ra, để giúp cải thiện triệu chứng sưng đau do nổi hạch sưng hạch bạch bẹn, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc Naproxen (Aleve). Kết hợp chườm ấm giúp xoa dịu kích ứng, cải thiện triệu chứng sưng viêm, đau nhức và nghỉ ngơi nhiều hơn để phục hồi tình trạng sưng hạch bạch bẹn nhanh hơn.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa chứng sưng hạch bạch bẹn và những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bạn có thể thực hiện các biện pháp tích cực sau:

Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ và luôn giữ cho vùng háng khô ráo để giảm nguy cơ nhiễm trùng phòng ngừa sưng hạch bạch bẹn

  • Giữ vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng, nhất là giữ cho vùng bẹn luôn sạch sẽ và khô ráo để phòng ngừa nhiễm trùng, giảm nguy cơ sưng hạch bạch bẹn.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, giao hợp nhẹ nhàng, tránh thô bạo quá mức để giảm thiểu các tổn thương, phòng tránh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Mặc đồ bảo hộ khi chơi thể thao hoặc các hoạt động gắng sức, dễ va chạm khác để hạn chế tối đa chấn thương vùng háng, phòng ngừa sưng hạch bạch bẹn.
  • Xây dựng lối sống khoa học, bao gồm ăn uống đủ chất, sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, không thức khuya, vận động thể chất tích cực, kiểm soát căng thẳng... nhằm tăng cường hệ thống miễn dịch, phòng ngừa sưng hạch bạch bẹn và nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Nguyên nhân tại sao tôi bị sưng hạch bạch bẹn?

2. Tôi cần làm những xét nghiệm nào để xác nhận chẩn đoán?

3. Tình trạng sưng hạch bạch bẹn của tôi có nghiêm trọng không?

4. Sưng hạch bạch bẹn có phải ung thư ác tính không??

5. Sưng hạch bạch bẹn gây ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt của tôi?

6. Tôi nên điều trị tình trạng sưng hạch bạch bẹn bằng phương pháp nào tốt nhất?

7. Tình trạng bệnh của tôi có cần phải phẫu thuật không?

8. Quá trình điều trị sưng hạch bạch bẹn mất bao lâu thì khỏi?

9. Chi phí điều trị sưng hạch bạch bẹn tốn bao nhiêu? Có dùng thẻ BHYT được không?

10. Sưng hạch bạch bẹn có tái phát sau điều trị không?

Sưng hạch bạch bẹn là một trong những biểu hiện sức khỏe bất thường và đáng lo ngại. Tình trạng này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng với mức độ nhẹ hoặc nặng. Đa số các trường hợp mắc phải các triệu chứng đều không nghiêm trọng, không nhất thiết phải điều trị. Nhưng với những trường hợp nghiêm trọng, sưng hạch bạch bẹn nặng cần phải can thiệp điều trị y tế phù hợp nhằm ngăn ngừa biến chứng.