Hội chứng sợ ngủ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI BÁC SĨ DOÃN HỒNG PHƯƠNG – Khoa Thần kinhGiám đốc Chuyên môn Trung tâm Đông Phương Y Pháp – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Hội chứng sợ ngủ kéo dài khiến bệnh nhân rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc. Lâu dài điều này gây ra không ít vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng đời sống thể chất lẫn tinh thần. Người bệnh cần được thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và điều trị để tránh rủi ro biến chứng nguy hiểm.

Tổng quan

Hội chứng sợ ngủ tên khoa học Sominiphobia là thuật ngữ chỉ tình trạng ám ảnh, rối loạn, lo âu, sợ hãi khi ngủ. Người mắc phải hội chứng này gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ. Tình trạng kéo dài gây mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.

Chứng sợ ngủ
Chứng sợ ngủ xảy ra gây ảnh hưởng đến chất lượng đời sống, sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh

Người bệnh cảm thấy lo lắng sợ hãi mỗi lần nghĩ đến việc đi ngủ. Nhiều người còn gọi hội chứng này với cái tên là chứng lo âu khi ngủ, sợ hãi khi ngủ, ám ảnh sợ ngủ,... Người bệnh cần được hỗ trợ, tư vấn tâm lý để kịp thời điều chỉnh giấc ngủ, tránh các biến chứng gây hại sức khỏe.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ ngủ cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Người bệnh có thể bị rối loạn giấc ngủ dẫn đến tâm lý lo sợ, ám ảnh khi nghĩ về việc ngủ. Ngoài ra còn một số yếu tố bên ngoài khác làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của người bệnh.

Một số trường hợp mắc chứng sợ ngủ do gặp phải các vấn đề sau:

  • Nhiều người thức dậy sau khi trải qua giấc ngủ REM tuy nhiên các cơ trên cơ thể khó cử động. Kèm theo đó, đầu óc xuất hiện những hình ảnh ảo giác khiến bạn tưởng đó là một cơn ác mộng. Người ta còn gọi nôm na hiện tượng này là "bóng đè". Tình trạng khó khăn trong việc cử động khi tỉnh ngủ giữa đêm khiến bạn sợ hãi, lo lắng, nhất là khi nó lặp đi lặp lại nhiều lần. Đây là yếu tố gây ra hội chứng sợ ngủ mà nhiều người đang gặp phải.
  • Ngoài nguyên nhân kể trên, hội chứng sợ ngủ có thể xảy ra khi bạn gặp phải nhiều cơn ác mộng khi ngủ. Nội dung và hình ảnh trong giấc mơ khiến bạn sợ hãi, lo lắng, đau khổ,... Điều này có thể làm bạn cảm thấy ám ảnh kéo dài ngay cả khi đã tỉnh giấc. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ làm tâm lý của bạn bị ảnh hưởng, xuất hiện nỗi lo lắng mỗi khi đi ngủ.
  • Một số trường hợp khác người bị hội chứng sợ ngủ là do trong đời sống đã trải qua những sang chấn tinh thần lớn, căng thẳng lo âu quá mức trong thời gian dài. Hậu quả là cơ thể có cảm giác sợ, ám ảnh mỗi khi nghĩ đến việc ngủ.
  • Các nguyên nhân khác cũng được đề cập đến như sợ trộm, sợ hỏa hoạn, sợ ma,... khiến bạn ngủ không ngon giấc. Khi trời tối nỗi sợ này sẽ ngày càng nhiều hơn khiến bạn bị ám ảnh mỗi lần đi ngủ.

Một số nghiên cứu cho thấy, nhiều trường hợp bênh nhân mắc chứng sợ ngủ có liên quan đến chứng sợ chết. Người bệnh mơ thấy việc mình sắp chết gây nên cảm giác sợ hãi, lo lắng về giấc ngủ. Những trường hợp khác mắc chứng sợ ngủ không xác định được yếu tố nguy cơ.

Nguyên nhân chứng sợ ngủ
Tâm lý sợ hãi, lo lắng về vấn đề nào nó, cảm giác sợ bóng đêm, sợ ma,... dẫn đến hội chứng sợ ngủ nhiều người gặp phải

Nhiều khả năng người bệnh đã mắc phải hội chứng này từ giai đoạn thơ ấu. Do đó, qua các cuộc thăm khám và tư vấn điều trị, bệnh nhân không xác định được thời gian chính xác gặp phải chứng sợ ngủ, cũng như không biết được nỗi sợ hãi của mình xuất phát từ điều gì, từ khi nào.

Những đối tượng có khả năng mắc chứng sợ ngủ cao được cảnh báo như:

  • Người có người thân trong gia đình mắc phải hội chứng này.
  • Đối tượng bị rối loạn giấc ngủ kéo dài.
  • Người đang gặp các vấn đề tâm lý nặng nề.
  • Bệnh nhân mắc bệnh nan y, những bệnh lý nguy hiểm thường xuyên lo lắng về sức khỏe.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Người mắc hội chứng sợ ngủ gặp khó khăn khi nghĩ đến việc ngủ. Họ không thiết tha với việc ngủ và còn có tâm lý sợ hãi, ám ảnh, chán nản,... Tình trạng ngủ không ngon giấc, sợ hãi khi ngủ khiến người bệnh có các dấu hiệu bất thường về tâm lý, thể chất suy nhược.

Nếu gặp phải các triệu chứng dưới đây, tốt nhất bạn hãy chủ động đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ khắc phục sớm:

  • Khi nghĩ đến việc ngủ, đầu óc cảm thấy chán nản, mệt mỏi, sợ hãi, ám ảnh về những hình ảnh, sự việc ghê sợ.
  • Đầu óc căng thẳng, nghĩ về những điều tiêu cực xảy ra khi ngủ.
  • Thức khuya thường xuyên, không dám đi ngủ.
  • Một số trường hợp bị hoảng loạn mỗi khi đến khung giờ phải đi ngủ. Lúc này người bệnh thường có các biểu hiện như buồn nôn, đột ngột khó thở, nhịp tim thay đổi, tê bì hoặc run rẩy chân tay, toát mồ hôi hột,...
  • Không tỉnh táo, không tập trung khi nghĩ đến việc ngủ, tâm lý khó chịu, cáu gắt,...
  • Gặp vấn đề về dạ dày khi các lo lắng về giấc ngủ diễn ra thường xuyên.
  • Ngoài ra người bệnh còn có các biểu hiện như ớn lạnh, buồn nôn.

Trẻ em cũng có thể mắc phải chứng sợ ngủ. Chúng sẽ thường có các dấu hiệu như quấy khóc thường xuyên, bám vào mẹ không chịu ngủ, sợ hãi khi bị bỏ nằm một mình,...

Đối với những bệnh nhân mắc chứng sợ ngủ nhẹ, một số buổi tối họ vẫn có thể đi ngủ bình thường. Tuy nhiên trường hợp nặng hơn, hầu như người bệnh không thể chợp mắt. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần nếu bệnh nhân không được hỗ trợ điều trị sớm.

Chẩn đoán chứng sợ ngủ
Bệnh nhân được khuyến khích đến gặp chuyên gia tâm lý để khắc phục chứng sợ ngủ càng sớm càng tốt

Chẩn đoán

Khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ sẽ được thăm hỏi về triệu chứng đang gặp phải. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu các vấn đề liên quan dẫn đến tình trạng mất ngủ, nỗi lo lắng sợ hãi mà người bệnh đang trải qua để tìm cách khắc phục, giúp bệnh nhân dễ dàng hơn trong việc đi vào giấc ngủ.

Tiêu chuẩn đánh giá một người mắc chứng sợ ngủ khi tình trạng của họ ảnh hưởng đến giấc ngủ nặng nề, sức khỏe thể chất, tinh thần sa sút, thường xuyên có tâm lý lo lắng, ám ảnh, hiệu quả công việc và học tập giảm sút, đặc biệt là khi những vấn đề này kéo dài hơn 6 tháng chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Sau khi có những đánh giá về tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp điều chỉnh sao cho bệnh nhân có giấc ngủ ngon và dễ dàng hơn. Một số trường hợp nặng phải điều trị bằng thuốc hay các phương pháp điều trị tâm lý chuyên sâu.

Biến chứng và tiên lượng

Chứng sợ ngủ là một trong những bệnh về tâm thần học có khả năng gây ra nhiều hệ lụy không tốt đối với sức khỏe. Bệnh nhân mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, làm việc và học tập kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ trong thời gian dài còn khiến tinh thần không tỉnh táo, hay quên,... và nhiều vấn đề tâm lý khác. Các cơ quan trong cơ thể chịu ảnh hưởng bởi việc thiếu ngủ trong thời gian dài, chúng hoạt động kém hơn, tăng rủi ro mắc bệnh lý gan, thận, tim mạch,... cho người bệnh.

Sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân ngày càng suy nhược, trường hợp nặng có thể đe dọa đến sự an toàn tính mạng. Do đó, khi nhận thấy cơ thể có những triệu chứng sợ ngủ, bạn nên chủ động tìm hiểu nguyên nhân hoặc nhờ sợ trợ giúp của bác sĩ tâm lý để sớm ổn định giấc ngủ, cải thiện sức khỏe tổng thể.

Điều trị

Những đối tượng mắc chứng sợ ngủ nhẹ, tình trạng có thể tự cải thiện bằng việc điều chỉnh thói quen, ổn định tâm lý, xử lý các nguyên nhân gây cản trở giấc ngủ,... mà không cần can thiệp chuyên khoa. Các trường hợp nhẹ có thể tự khỏi bệnh sau một thời gian.

Tuy nhiên vẫn có rất nhiều bệnh nhân gặp vấn đề tâm lý kéo dài, sợ ngủ thâm niên ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sức khỏe và đời sống. Lúc này người bệnh cần được khám và điều trị bằng các phương pháp chuyên khoa để phòng tránh biến chứng không mong muốn.

Dựa vào kết quả chẩn đoán, nguyên nhân gây sợ ngủ của người bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách khắc phục phù hợp, hiệu quả nhất. Dưới đây là một vài phương pháp tiêu biểu:

Phương pháp xử lý nỗi sợ hãi:

Người bệnh được các chuyên gia tâm lý khơi gợi để nói về nỗi sợ hãi mà họ đang gặp phải. Qua đó, chuyên gia có thể giúp bệnh nhân tháo gỡ các vấn đề, tìm phương pháp giảm bớt nỗi lo lắng, sợ hãi về những vấn đề đó.

Song song với việc thực hiện liệu pháp phơi nhiễm nỗi sợ hãi bác sĩ tâm lý cũng sẽ thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa nhằm giúp bệnh nhân thư giãn, đưa đến những tưởng tượng thoải mái khi đi vào giấc ngủ.

Điều trị chứng sợ ngủ
Bác sĩ sẽ hỗ trợ bệnh nhân giải tỏa các vấn đề gây áp lực tâm lý

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được bác sĩ cho xem hình ảnh những người đang ngủ với trạng thái thư thái, thoải mái, giúp bệnh nhân giảm bớt nỗi sợ về việc ngủ. Các giấc ngủ ngắn được thiết lập giúp bệnh nhân quen dần với quá trình quay về giấc ngủ bình thường.

Người bệnh sẽ có cảm giác an toàn hơn với việc ngủ và việc thức giấc. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân sẽ được theo dõi giấc ngủ tại phòng thí nghiệm với các chuyên gia tâm lý, xử lý các vấn đề phát sinh trong giấc ngủ để giúp bệnh nhân sớm chữa khỏi hội chứng sợ ngủ.

Liệu pháp nhận thức hành vi:

Người bệnh được đề nghị giảm các giấc ngủ ngày, nếu hạn chế được sẽ tốt hơn cho quá trình điều trị hội chứng sợ ngủ. Tập trung vào giấc ngủ ban đêm giúp bệnh nhân sớm quay lại nhịp độ sinh học bình thường. Đây là biện pháp giúp bệnh nhân phát triển mô hình giấc ngủ, giảm bớt nỗi lo lắng, mệt mỏi khi nghĩ đến việc đi ngủ.

Ngoài ra, đối với liệu pháp nhận thức hành vi, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách xác định nỗi sợ và giải quyết chúng để tránh trường hợp lo lắng thái quá về việc ngủ. Dần dần người bệnh có thể kháng cự lại những suy nghĩ tiêu cực, đau khổ và thay bằng những suy nghĩ tích cực hơn.

Điều trị bằng thuốc:

Trên thực tế không có thuốc đặc trị hội chứng sợ ngủ. Việc sử dụng thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh ngủ ngon giấc hơn, giảm nỗi lo lắng, sợ hãi. Những nhóm thuốc về thần kinh được kê toa kết hợp với các liệu pháp tâm lý giúp bệnh nhân sớm giải quyết được hội chứng sợ ngủ.

Loại được chỉ định phổ biến kể đến như thuốc chẹn Beta, thuốc an thần,... Mỗi trường hợp sẽ có phác đồ riêng, bệnh nhân cần tuân thủ theo liều dùng thuốc, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng nhất là thuốc an thần, nhằm phòng tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Phòng ngừa

Hội chứng sợ ngủ là một trong những hội chứng sợ mà nhiều người hiện nay đang gặp phải. Trường hợp nhẹ có thể cải thiện sau một thời gian, tuy nhiên trường hợp sợ ngủ kéo dài sẽ gây ra không ít hệ lụy cho cơ thể người bệnh.

Phòng ngừa chứng sợ ngủ
Cải thiện chất lượng đời sống, giấc ngủ để có một sức khỏe tốt hơn

Chủ động phòng tránh hội chứng này cũng như giúp giấc ngủ cải thiện chất lượng mang đến cho bạn một sức khỏe tốt hơn. Bởi, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Một số lưu ý trong việc phòng ngừa như sau:

  • Duy trì thời gian ngủ hợp lý, tránh việc ngủ ngày quá nhiều, thức khuya liên tục trong thời gian dài.
  • Để giấc ngủ ngon hơn có thể vận động cơ thể nhẹ nhàng trước khi ngủ, nghe nhạc không lời, ngâm chân với nước ấm,...
  • Không coi những bộ phim kinh dị, phim ma hoặc đọc các nội dung gây sợ hãi, lo lắng để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích thần kinh, cà phê, rượu bia,... trước khi ngủ. Không ăn uống quá no trước giờ đi ngủ 2-3 tiếng.
  • Tìm ra hướng giải quyết các vấn đề đời sống, giảm nỗi lo âu thái quá, suy nghĩ tiêu cực. Tâm sự với người thân, bạn bè để xử lý các vấn đề tâm lý, tránh việc nỗi sợ, ám ảnh đeo bám ảnh hưởng đến chất lượng đời sống và đặc biệt là giấc ngủ.
  • Mặc quần áo thoải mái khi đi ngủ, không dùng gối hay các vật nặng đè lên vùng đầu, ngực, mũi,... giảm rủi ro khó thở khi ngủ hoặc nằm mơ ác mộng.
  • Hãy đến gặp chuyên gia tâm lý nếu bạn gặp khó khăn về giấc ngủ. Tùy vào vấn đề bạn gặp phải, các chuyên gia sẽ giúp bạn giải quyết, xử lý nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho bạn, tránh tình trạng mất ngủ kéo dài gây biến chứng bất lợi.

Những câu hỏi quan trọng khi đi khám

1. Hội chứng sợ ngủ là gì?

2. Hội chứng sợ ngủ do nguyên nhân nào gây ra?

3. Triệu chứng nào để nhận biết hội chứng sợ ngủ?

4. Tôi có thể gặp phải biến chứng nào khi mắc chứng sợ ngủ kéo dài?

5. Phương pháp điều trị hội chứng sợ ngủ là gì?

6. Điều trị hội chứng sợ ngủ mức độ nhẹ bằng cách nào? Có cần dùng thuốc không?

7. Mất bao lâu tôi có thể quay lại giấc ngủ bình thường?

8. Trong thời gian trị chứng sợ ngủ tôi nên làm gì để có kết quả tốt nhất?

9. Chi phí điều trị tâm lý chứng sợ ngủ là bao nhiêu?

10. Bao lâu thì tôi phải quay lại tái khám?

Hội chứng sợ ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những người đang có vấn đề tâm lý, mắc bệnh nặng,... Tình trạng lo lắng, sợ hãi khi ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Nhằm ngăn chặn các biến chứng không mong muốn, người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Tìm hiểu nguyên nhân và điều trị hội chứng sợ ngủ càng sớm càng tốt.