Chứng tê liệt giấc ngủ
Chứng tê liệt giấc ngủ khiến nhiều người lo lắng, sợ hãi. Đây là một trong số những trường hợp xảy ra có liên quan đến các vấn đề như chất lượng giấc ngủ, rối loạn tâm thần,... Người mắc chứng bệnh này vẫn có ý thức trong giấc ngủ, tuy nhiên cơ thể lại không cử động do mất trương lực cơ tạm thời.
Tổng quan
Chứng tê liệt giấc ngủ (Sleep Paralysis) là hiện tượng cơ thể ở trạng thái ngủ, cảm giác có ý thức, bị một vật gì đè lên người gây khó chịu nhưng không thể cử động được. Tình trạng này thường diễn ra trong khoảng 1-2 phút, xuất hiện vào thời gian cơ thể chìm vào giấc ngủ hoặc khi vừa mới ngủ dậy.
Chứng tê liệt giấc ngủ có liên quan đến nhiều yếu tố từ vấn đề tâm lý đến chất lượng giấc ngủ,... Cơ thể trong thời gian ngắn bị mất kiểm soát, không đủ trương lực cơ. Giai đoạn cơ thể chuyển giao từ trạng thái tỉnh sang thức hoặc từ thức sang tỉnh là thời gian dễ bị liệt trong giấc ngủ nhất.
Ngoài tên gọi tê liệt giấc ngủ người ta còn gọi tình trạng này là hiện tượng bóng đè. Các trường hợp mắc phải chứng bệnh này thường là người mới vừa bệnh khỏi, cơ thể còn yếu, suy nhược, người gặp vấn đề về thần kinh, bị chứng ám ảnh bóng tối, có điểm yếu tinh thần,... Ngoài ra, những người thường sử dụng chất kích thích, bia rượu cũng dễ gặp vấn đề này.
Trong dân gian nhiều người cho rằng hiện tượng "bóng đè" có liên quan đến ma quỷ ám. Vì thế, thay vì tìm cách điều trị bệnh, họ tin tưởng vào tâm linh, cúng bái hoặc làm lễ cho người bệnh. Tuy nhiên, các cách chữa theo mê tín dị đoan thường không có hiệu quả, phản khoa học, dẫn đến tình trạng tâm lý không cải thiện mà còn có nguy cơ nặng nề hơn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Loại bỏ các nguyên nhân liên quan đến mê tín dị đoan, theo khoa học tình trạng tê liệt giấc ngủ có liên quan đến các yếu tố dưới đây:
- Nhiều trường hợp bị tê liệt trong giấc ngủ do suy nghĩ quá nhiều, stress, căng thẳng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Đặc biệt thường gặp ở người phải làm việc quá nhiều, vừa trải qua sang chấn tâm lý, gặp các vấn đề bế tắt trong cuộc sống không được giải quyết,...
- Bị đảo lộn chu trình giấc ngủ, việc có một giấc ngủ không có chất lượng cũng khiến cơ thể bạn mệt mỏi, dễ bị tê liệt trong giấc ngủ.
- Nằm ngủ với tư thế không thoải mái, xung quanh có nhiều gối, gấu bông, không gian chật hẹp,... khiến không khí đi vào cơ thể ít, thở khó dẫn đến tình trạng tê liệt, trương lực cơ không kiểm soát. Tình trạng tê liệt trong giấc ngủ có thể xảy ra khi bạn vừa ngủ dậy nhưng có thể không hít đủ lượng oxy cần thiết.
- Người lạm dụng bia rượu, chất kích thích có thể bị tê liệt giấc ngủ. Trường hợp cơ thể suy kiệt, không thể cử động được trong khi ý thức đã tỉnh có thể khiến bệnh nhân sợ hãi, gây ra các biến chứng thần kinh.
- Một số trường hợp khác bị tê liệt giấc ngủ liên quan đến các bệnh về tim mạch. Mặc dù khá hiếm khi xảy ra tuy nhiên bạn đọc cần thận trọng để bảo vệ an toàn sức khỏe.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng tê liệt giấc ngủ, dưới đây là các giai đoạn của một giấc ngủ cơ bản:
- Giai đoạn ru ngủ: Thường cơ thể người sẽ mất khoảng 5-10 phút để đi vào giấc ngủ.
- Giai đoạn ngủ nông: Cơ thể đã ngủ, tuy nhiên giấc ngủ lúc này ngắn, dễ bị đánh thức.
- Giai đoạn ngủ sâu: Cơ thể rơi vào trạng thái ngủ hoàn toàn, khó đánh thức hơn giai đoạn ngủ nông. Giấc ngủ sâu và rất sâu thường chiếm từ 20%-30% thời gian ngủ của một người. Đây cũng là thời gian quan trọng để cơ thể phục hồi, nghỉ ngơi.
- Giai đoạn ngủ REM: Giấc ngủ REM hay còn gọi là ngủ động (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh), người lớn hay trẻ em đều có giấc ngủ này. Trong đó đối với trẻ em có đến 50% thời gian ngủ là giấc ngủ REM.
Như vậy thông thường tê liệt giấc ngủ sẽ xảy ra ở hai thời điểm của giấc ngủ, cụ thể:
- Cơ thể chuyển từ trạng thái thức sang ngủ. Lúc này, não bộ và các cơ quan bắt đầu đi vào giấc ngủ. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn mơ ngủ. Cơ thể khi đó sẽ thả lỏng và thư giãn. Đa số mọi người khi bước vào giai đoạn này đều có khả năng nhận biết giảm, tuy nhiên đôi lúc bạn vẫn còn ý thức, thế nhưng cơ thể lại không cử động hoặc nói như trạng thái khác.
- Cơ thể chuyển từ trạng thái ngủ sang thức cũng là giai đoạn dễ bị tê liệt giấc ngủ nhất. Theo đó, mắt của bạn sẽ bắt đầu chuyển động nhanh hơn để chuẩn bị thức giấc. Tuy nhiên giai đoạn này khá dễ xuất hiện những giấc mơ ngắn. Các cơ quan trong cơ thể khi đó vẫn đang trong trạng thái thư giãn, không cử động. Ý thức vẫn biết mình đã thức nhưng không thể dậy nổi, đôi khi tâm lý đang thấy mình hét lớn hay gọi ai đó rất to, tuy nhiên đó chỉ là những ý niệm trong tiềm thức. Thực tế bạn vẫn còn trong trạng thái ngủ, không thể cử động kể cả các chuyện động cơ miệng để nói chuyện.
Chứng tê liệt giấc ngủ hay bóng đè có thể xảy ra với bất kỳ ai. Trong đó trường hợp thường gặp là người bị rối loạn thần kinh, rối loạn giấc ngủ, người gặp vấn đề tâm lý, không gian ngủ không đảm bảo,... Bệnh nhân cần được thăm khám để có biện pháp hỗ trợ cải thiện nếu tình trạng này tái phát thường xuyên.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Chứng tê liệt giấc ngủ có thể xuất hiện 1-2 phút sau đó biến mất, tuy nhiên triệu chứng của bệnh có thể lặp lại thường xuyên. Nhận biết vấn đề này dựa theo các triệu chứng sau:
- Cơ thể mất kiểm soát trong vài giây hoặc kéo dài, không có khả năng cử động tay chân mặc dù đã cố gắng hết sức. Lúc này ý thức vẫn tỉnh, mắt chuyển động.
- Não bộ vẫn hoạt động và nhận thức sự việc xung quanh trong thời gian bị tê liệt tạm thời trong giấc ngủ.
- Một vài người bị mất nhận thức trong vài giây đến vài phút, có xảy ra tình trạng nói mớ trong lúc ngủ hoặc sau khi tỉnh.
- Cơ thể đang bị bất động, xuất hiện ảo giác khiến bạn sợ hãi, lo sợ về cái chết.
- Ngạt thở, thở khó, ra nhiều mồ hôi cũng là biểu hiện của những người đang gặp vấn đề tê liệt tạm thời trong khi ngủ.
- Sau khi bị tê liệt giấc ngủ đa số người bệnh đều cảm thấy mệt mỏi, đôi khi buồn và lo lắng bất an về vấn đề sức khỏe.
Chẩn đoán
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy tình trạng bóng đè xảy ra thường xuyên. Khi đến thăm khám bạn nên trình bày triệu chứng, tiền sử bệnh lý, thuốc đang sử dụng,... chi tiết cho bác sĩ. Dựa vào các thông tin thu được, bác sĩ sẽ đưa ra phán đoán, thực hiện xét nghiệm, kiểm tra cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của bạn.
Biến chứng và tiên lượng
Chứng tê liệt giấc ngủ có thể xuất hiện một vài lần trong cuộc đời của mỗi người. Đây được xem là hiện tượng phổ biến bình thường, không phải bệnh lý nguy hiểm. Một số trường hợp sau khi thay đổi môi trường sống, không gian phòng ngủ tình trạng bóng đè được cải thiện mà không cần can thiệp điều trị y tế.
Tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp bị chứng tê liệt giấc ngủ kéo dài, lặp lại liên tục gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Tâm lý sợ hãi, lo lắng quá mức dẫn đến chất lượng giấc ngủ giảm sút, điều này kéo theo suy nhược cơ thể, rối loạn lo âu, mắc các bệnh lý khác.
Không chỉ ảnh hưởng đến công việc, đời sống tình trạng tê liệt giấc ngủ còn gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy hiện tượng này xuất hiện và tái phát thường xuyên, bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ, tư vấn khắc phục bảo vệ an toàn sức khỏe và đời sống.
Điều trị
Để khắc phục hiện tượng tê liệt giấc ngủ hay bóng đè, đầu tiên bạn phải nhận biết tình trạng này không nguy hiểm như bạn nghĩ, giữ tâm lý thoải mái, thoát khỏi nỗi sợ hãi. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường hơn. Do đó, khi bị bóng đè, bạn cần bình tĩnh và lưu ý các vấn đề sau:
- Nhẹ nhàng cử động các ngón tay, ngón chân để đánh thức cơ thể khỏi trạng thái ngủ. Hai bàn tay nếu được có thể nắm chặt lại hết sức, đồng thời bắt đầu chuyển động cơ mặt, nhăn nhó, đảo mắt. Những chuyển động nhỏ sẽ giúp cơ thể nhận thức rằng bạn đã tỉnh, các cơ quan được bơm máu bắt đầu khôi phục chức năng vận động, tăng trương lực cơ.
- Không nín thở, lúc này bạn cần bình tĩnh, giữ hơi thở đều và chậm rãi. Việc sợ hãi, vũng vẫy quá sức càng khiến tình trạng tê liệt trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ngực chịu thêm áp lực có thể gây tăng áp, hạ áp ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Trong cổ họng có thể tạo ra âm thanh nhỏ giúp cơ thể được đánh thức. Nếu được bạn có thể ho nhẹ để cơ thể biết bạn đã thức dậy, phục hồi trương lực cơ và chuyển động cơ thể về trạng thái bình thường.
- Một số trường hợp bị tê liệt giấc ngủ kéo dài, xuất hiện ảo giác có người đè lên cơ thể, lòng ngưc,... bạn cần bình tĩnh, giữ tâm lý ổn định. Đặc biệt không nên cố vùng vẫy quá sức, nên để cảm xúc trôi tự nhiên và không chống lại chúng tránh khiến bạn bị mất quá nhiều sức lực.
Như đã đề cập hội chứng tê liệt giấc ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai, mỗi người có thể có 1-2 lần hoặc nhiều hơn số lần bị bóng đè. Đối với trường hợp phát hiện cơ thể bị bóng đè quá nhiều lần, cơ thể sau đó trở nên suy nhược, mệt mỏi tốt hơn hết bạn nên đến gặp bác sĩ để được khắc phục sớm.
Phòng ngừa
Tê liệt giấc ngủ hay còn gọi là bóng đè theo tên dân gian. Ai cũng có thể gặp phải vấn đề này. Mặc dù không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, tuy nhiên nếu tình trạng này lặp lại thường xuyên có thể tạo tâm lý lo lắng, sợ hãi ảnh hưởng không chỉ đến đời sống mà còn đối với sức khỏe người bệnh.
Do đó, bạn nên chủ động phòng tránh:
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày, điều này sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, thư giãn.
- Dành thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi sau khi làm việc quá sức. Đặc biệt giấc ngủ trưa cũng khá cần thiết để cơ thể phục hồi và tiếp tục làm việc đến chiều.
- Không nên thức khuya thường xuyên, cần ngủ đủ giấc, xây dựng thói quen ngủ sớm, dậy sớm.
- Chỗ ngủ cần gọn gàng, không bừa nhiều đồ trên giường ngủ, xung quanh vị trí nằm ngủ. Phòng ngủ nên ở nơi có không gian yên tĩnh, thoáng khí.
- Lựa chọn những bộ quần áo thoải mái để mặc khi ngủ. Điều này giúp bạn ngủ ngon hơn, giảm nguy cơ bị hụt hơi, thiếu oxy khi mặc các bộ đồ quá chật hoặc bó sát khi ngủ.
- Tập thể dục, vận động giúp cơ thể nâng cao sức khỏe, sức đề kháng chống lại sự tấn công của tác nhân gây hại.
- Không ăn quá no, không uống bia rượu trước khi ngủ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt nhất.
- Giữ tinh thần vui vẻ lạc quan, không nên căng thẳng, lo lắng quá mức.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tê liệt giấc ngủ là gì?
2. Chứng tê liệt giấc ngủ có triệu chứng gì?
3. Nguyên nhân gây tê liệt giấc ngủ là gì?
4. Các đối tượng dễ bị tê liệt giấc ngủ là ai?
5. Làm cách nào để khắc phục chứng tê liệt giấc ngủ?
6. Tê liệt giấc ngủ có biến chứng gì?
7. Tôi cần làm gì để hạn chế tình trạng tái phát tê liệt giấc ngủ?
Chứng tê liệt giấc ngủ có thể xuất hiện với bất kỳ ai. Theo đó, mặc dù không nguy hiểm tính mạng tuy nhiên khi tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng cho đời sống, sức khỏe bệnh nhân. Do đó, bạn đọc nên chủ động đến gặp bác sĩ để hỗ trợ điều trị tâm lý, tránh rủi ro tái phát hoặc biến chứng giấc ngủ gây hại sức khỏe bệnh nhân.
Có thể bạn quan tâm:
- Hội Chứng Ngưng Thở Khi Ngủ
- Rối loạn giấc ngủ khi mang thai có tự hết không?