Bệnh Dị Ứng Sữa

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ BÁC SĨ NGUYỄN THỊ NHUẦN – Khoa Da liễuPhó Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh dị ứng sữa thường gặp ở trẻ và người lớn có cơ địa nhạy cảm. Khi gặp phải tình trạng này, cần phải loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn hằng ngày. Vì vậy, ngoài kiểm soát triệu chứng, bắt buộc phải xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để tránh thiếu hụt canxi, vitamin D.

Tổng quan

Bệnh dị ứng sữa (Milk Allergy) là tình trạng hệ miễn dịch nhạy cảm quá mức với protein có trong các loại sữa. Khi dung nạp vào cơ thể, tế bào miễn dịch sẽ xác định protein trong sữa là dị nguyên. Tình trạng này phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

bệnh dị ứng sữa
Bệnh dị ứng sữa xảy ra khi cơ thể nhạy cảm và phản ứng miễn dịch với protein có trong các loại sữa

Sau khi dung nạp sữa, hệ miễn dịch sẽ sản xuất immunoglobulin E (IgE) đặc hiệu, IgE di chuyển và gắn vào bề mặt của tế bào mast/ dưỡng bào (tế bào này tập trung nhiều ở da, mắt, phổi, mũi và ống tiêu hóa) tạo thành tổ hợp kháng thể - kháng nguyên. Phản ứng dị ứng diễn ra phức tạp nhưng nhìn chung tổ hợp này sẽ kích thích tế bào mast giải phóng histamin cùng với nhiều chất trung gian hóa học khác.

Đây cũng là lý do khi bị dị ứng thực phẩm nói chung và dị ứng sữa nói riêng, triệu chứng thường tập trung ở da, hệ hô hấp, tiêu hóa thay vì các cơ quan khác. Biểu hiện cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ dị ứng. Dù sữa là loại thực phẩm dễ gây dị ứng nhưng hiếm khi dẫn đến sốc phản vệ như các loại hạt và hải sản.

Tất cả các loại sữa đều có thể gây dị ứng, trong đó phổ biến nhất là sữa bò (dị ứng đạm sữa bò). Người trưởng thành cũng có thể gặp phải tình trạng này và tác nhân chủ yếu là do sữa đậu nành, sữa mè đen, sữa đậu phộng, hạnh nhân, óc chó.

Chưa có thống kê về tỷ lệ dị ứng sữa nhưng khảo sát cho thấy khoảng 2 - 8% trẻ dưới 1 tuổi bị dị ứng sữa bò. Không giống với các loại dị ứng thức ăn khác, dị ứng sữa có thể tự thuyên giảm theo thời gian. Hầu hết trẻ trên 5 tuổi đều không gặp phải tình trạng dị ứng như khi còn nhỏ.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh dị ứng sữa là do dung nạp sữa. Các loại sữa dễ gây dị ứng bao gồm:

Triệu chứng dị ứng sữa
Tất cả các loại sữa đều có thể gây dị ứng nhưng phổ biến nhất là sữa bò

  • Sữa bò
  • Sữa công thức chứa thành phần là casein, whey từ sữa bò
  • Sữa đậu nành
  • Các loại sữa hạt khác như hạnh nhân, đậu phộng, mè đen…

Protein trong các loại sữa được xem là “dị nguyên”. Để bảo vệ cơ thể, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt phản ứng dị ứng khi dung nạp loại thực phẩm này.

Thực tế, dị ứng sữa chỉ gặp ở vài đối tượng. Rất nhiều người hoàn toàn không có biểu hiện khi dung nạp loại thực phẩm này. Vì vậy, những yếu tố sau đây có thể gia tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng sữa:

  • Cơ địa dị ứng: Người có cơ địa dị ứng sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng sữa và các loại thực phẩm khác. Cơ địa dị ứng là yếu tố sẵn có trong cơ thể, được hiểu nôm na là sự nhạy cảm quá mức của hệ miễn dịch. Vì vậy khi dung nạp sữa, hệ miễn dịch có thể chống lại casein và whey trong sữa bằng cách sản xuất IgE, giải phóng histamin và nhiều chất trung gian khác.
  • Mắc các bệnh dị ứng khác: Nguy cơ dị ứng sữa cao hơn ở trẻ bị hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa… Các bệnh này đều có cùng cơ chế dị ứng, có thể là dị ứng qua trung gian IgE hoặc dị ứng không qua trung gian IgE. Nhưng nhìn chung, trẻ mắc các bệnh dị ứng đều có cơ địa nhạy cảm hơn so với bình thường.
  • Tiền sử gia đình: Dị ứng sữa là tình trạng có tính chất di truyền. Trẻ có thể bị dị ứng với sữa bò, sữa dê, sữa hạt nếu bố mẹ cũng mắc chứng bệnh này.
  • Yếu tố tuổi tác: Các chuyên gia chưa thể lý giải vì sao trẻ nhỏ dễ bị dị ứng sữa hơn so với người lớn. Trong đó, phần lớn trường hợp dị ứng sữa bò xảy ra ở trẻ nhỏ. Người trưởng thành thường chỉ bị dị ứng với các loại sữa hạt nhưng tỷ lệ không cao.

Triệu chứng và chẩn đoán

Các triệu chứng có thể bùng phát chỉ sau vài phút đến vài giờ sau khi uống sữa hoặc dùng các chế phẩm từ sữa (bánh sữa bò, kem, phô mai…). Dị ứng sữa thường gây ra triệu chứng trên da, đôi khi kèm theo các biểu hiện ở đường hô hấp và tiêu hóa.

Triệu chứng dị ứng sữa
Triệu chứng dị ứng sữa khá đa dạng bao gồm phát ban, mề đay, khó thở, đau bụng, tiêu chảy...

Các triệu chứng của bệnh dị ứng sữa bao gồm:

  • Da nổi mề đay, phát ban ngứa ngáy
  • Có hiện tượng phù mạch ở xung quanh môi và mí mắt
  • Hắt hơi, ngứa mũi
  • Ngứa mắt, chảy nước mắt
  • Ngứa cổ họng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Sưng lưỡi, họng
  • Thở khò khè, thở rít
  • Trào ngược (nôn trớ sữa)

Khi bị dị ứng sữa, viêm da cơ địa có thể bùng phát. Thống kê cho thấy, khoảng 85% trường hợp có biểu hiện viêm da cơ địa nhẹ đến trung bình và 15% trường hợp có triệu chứng nặng. Dị ứng thức ăn nói chung và dị ứng sữa nói riêng có thể gây sốc phản vệ. Mặc dù trên thực tế, tỷ lệ sốc phản vệ do dị ứng sữa không cao nhưng vẫn cần chú ý.

Nhận biết sốc phản vệ thông qua các biểu hiện sau:

  • Phù mí mắt
  • Sưng môi, sưng lưỡi
  • Khó thở
  • Cơ thể tím tái, lâng lâng
  • Ngất xỉu

Dị ứng sữa xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 1 tuổi và một số ít trường hợp xuất hiện triệu chứng khá muộn. Lúc này, triệu chứng thường không điển hình. Biểu hiện ngoài da nghèo nàn, thay vào đó đi kèm với các triệu chứng tiêu hóa như táo bón/ tiêu chảy, rối loạn hấp thu, lẫn máu trong phân…

Dị ứng sữa sẽ kéo theo một loạt các vấn đề sức khỏe có liên quan như mề đay, hen phế quản, viêm da cơ địa… Vì vậy, ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, nên thăm khám sớm.

dị ứng sữa
Dị ứng sữa có thể kích hoạt các bệnh cơ địa vùng phát như chàm sữa, viêm mũi dị ứng, hen phế quản...

Sau khi hỏi bệnh và khám lâm sàng, các xét nghiệm cận lâm sàng như test da, xét nghiệm máu tìm IgE đặc hiệu… bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính thức. Một số trường hợp không có dấu hiệu rõ ràng - ngay cả khi xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện chế độ ăn loại trừ để đánh giá có dị ứng với sữa hay không.

Dị ứng sữa dễ bị nhầm lẫn với hội chứng không dung nạp lactose (một loại protein có trong sữa động vật). Vì vậy, không nên tự chẩn đoán mà nên thăm khám tại chuyên khoa Dị ứng Miễn dịch.

Biến chứng và tiên lượng

Dị ứng sữa thường không nghiêm trọng như dị ứng các loại hạt và hải sản. Dù vậy, vẫn cần thận trọng với nguy cơ sốc phản vệ. Đây là phản ứng dị ứng nặng có thể đe dọa đến tính mạng do hạ huyết áp không kiểm soát, phù nề thanh quản và co thắt phế quản.

Dị ứng sữa ở trẻ nhỏ đôi khi xuất hiện triệu chứng muộn, khó nhận biết. Nếu không thăm khám sớm, trẻ có thể bị rối loạn hấp thu dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, dị ứng sữa cũng được xem là yếu tố thuận lợi kích thích các bệnh dị ứng khác như viêm da cơ địa, bệnh mề đay, viêm mũi dị ứng, hen phế quản… bùng phát.

Bệnh dị ứng sữa có thể thuyên giảm theo thời gian. Vì vậy ở trẻ dưới 5 tuổi, bác sĩ sẽ khuyến khích kiêng các loại sữa gây dị ứng và thay thế bằng các loại sữa khác. Ngoài ra, có thể bổ sung nguồn dinh dưỡng từ sữa bằng các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ, cá, thịt, đậu…

Điều trị

Bệnh dị ứng sữa có thể được kiểm soát sau khi loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn. Tuy nhiên, sữa được xem là nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ nhỏ. Vì vậy, cần phải xây dựng chế độ ăn phù hợp để đảm bảo trẻ phát triển lành mạnh, không bị nhẹ cân, thấp còi.

Các phương pháp lựa chọn khi điều trị dị ứng sữa bao gồm:

Kiêng hoàn toàn loại sữa gây dị ứng

Tương tự như dị ứng thức ăn, người lớn và trẻ bị dị ứng sữa phải kiêng tuyệt đối loại sữa gây dị ứng. Bác sĩ sẽ xác định loại sữa gây dị ứng để có thể loại bỏ dị nguyên hiệu quả. Tránh trường hợp kiêng những loại sữa không gây dị ứng dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Trẻ dưới 5 tuổi thường bị dị ứng sữa bò, lựa chọn thay thế là sữa mẹ và sữa công thức (ưu tiên dùng sữa thủy phân hoặc sữa amino acid). Hoặc cũng có thể dùng các sản phẩm chiết xuất từ sữa dê, sữa cừu để thay thế cho nguồn dinh dưỡng từ sữa bò.

dị ứng sữa
Cần loại trừ loại sữa gây dị ứng ra khỏi chế độ ăn hằng ngày

Người lớn ít bị dị ứng với sữa động vật mà chủ yếu là sữa hạt (đặc biệt là sữa mè và sữa đậu phộng). Cần kiêng tuyệt đối các loại sữa này, đồng thời không dùng món ăn được chế biến từ loại hạt gây dị ứng.

Sữa là loại thực phẩm phổ biến, được ứng dụng để sản xuất gia vị, nhiều món ăn và thức uống. Do đó, cần phải thận trọng với các loại thức uống và thực phẩm có khả năng chứa sữa như:

  • Sữa công thức
  • Sữa chua
  • Váng sữa
  • Kem
  • Các loại bánh ngọt, bánh quy
  • Các loại súp
  • Kẹo
  • Thức uống đóng chai

Kiểm tra kỹ bảng thành phần để chắc chắn sản phẩm không chứa sữa. Khi đến nhà hàng, nên trao đổi với nhân viên về vấn đề dị ứng sữa để tránh dùng các món ăn chứa loại thực phẩm này.

Sử dụng thuốc

Dị ứng sữa sẽ gây nổi mề đay, chàm, hắt hơi, ngứa mũi, ngứa mắt… Vì vậy, một số loại thuốc có thể được dùng để cải thiện triệu chứng.

  • Epinephrine: Epinephrine được sử dụng trong trường hợp dị ứng sữa gây phù thanh quản, khó thở, hạ huyết áp… Thuốc được dùng ở dạng tiêm hoặc dạng hít. Trường hợp trẻ mắc đồng thời với hen phế quản, nên chuẩn bị sẵn Epinephrine dạng hít để tránh trường hợp dị ứng gây co thắt phế quản và ngất xỉu.
  • Kem bôi ngoài da: Kem bôi ngoài da được sử dụng để giảm mề đay, mẩn ngứa và biểu hiện chàm da do dị ứng sữa. Vì dị ứng sữa chủ yếu gặp ở trẻ dưới 1 tuổi nên việc sử dụng thuốc cần phải thận trọng, kể cả thuốc bôi.

Xây dựng chế độ ăn phù hợp

Khi bị dị ứng sữa, đồng nghĩa với việc phải loại bỏ sữa ra khỏi chế độ dinh dưỡng. Với người lớn, có thể dễ dàng thay thế sữa bằng các loại thực phẩm khác. Tuy nhiên đối với trẻ dưới 1 tuổi, việc kiêng sữa bò và một số loại sữa động vật khác rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng.

dị ứng sữa
Trẻ nhỏ bị dị ứng sữa cần được bổ sung canxi, vitamin D thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý

Sau khi triệu chứng thuyên giảm, cần phải kiêng cữ sữa hoàn toàn để tránh tái phát. Để đảm bảo trẻ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, cần phải xây dựng chế độ ăn hợp lý theo hướng dẫn sau:

  • Đa phần trẻ nhỏ đều bị dị ứng sữa bò nên có thể thay thế bằng sữa dê hoặc các loại sữa động vật khác.
  • Nên cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời. Ngoài dinh dưỡng, kháng thể bên trong sữa mẹ sẽ giúp tăng cường sức đề kháng và giảm bớt sự nhạy cảm quá mức của hệ miễn dịch.
  • Trường hợp mẹ không đủ sữa, có thể sử dụng sữa công thức cho bé. Tuy nhiên, không nên dùng sữa chứa casein và whey từ sữa bò. Ưu tiên dùng sữa thủy phân, nếu trẻ vẫn bị dị ứng nên dùng sữa amino axit.
  • Khi trẻ bắt đầu chế độ ăn dặm, cần tăng cường bổ sung canxi và vitamin D thông qua các loại thực phẩm lành mạnh. Dù vậy, cần cân đối chế độ ăn, tránh cho trẻ ăn nhiều quá mức gây khó tiêu, đầy bụng.
  • Cho trẻ tắm nắng để gia tăng vitamin D cũng là biện pháp bố mẹ nên làm. Bổ sung vitamin D cho cơ thể sẽ giúp tăng hấp thu canxi vào xương và các cơ quan cần loại khoáng chất này.
  • Đọc kỹ bảng thành phần của các sản phẩm như phô mai, sữa chua, kem, bơ, váng sữa… để chắc chắn loại bỏ hoàn toàn sữa trong chế độ dinh dưỡng.

Phòng ngừa

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây dị ứng sữa vẫn chưa được biết rõ. Vì vậy, không có cách nào có thể phòng ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên, sau khi đã xác định bị dị ứng sữa, cách tốt nhất là kiêng sữa hoàn toàn.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Dị ứng sữa có giống hội chứng không dung nạp sữa (không dung nạp lactose)?

2. Bệnh dị ứng sữa được chẩn đoán bằng cách nào? Cần thực hiện những xét nghiệm nào?

3. Lựa chọn tốt nhất cho tình trạng của tôi?

4. Có nhất thiết phải kiêng hoàn toàn sữa và các sản phẩm từ sữa?

5. Làm thế nào để kiểm soát bệnh dị ứng sữa?

6. Trẻ bị dị ứng sữa có nhất thiết phải mang Epinephrine bên mình?

7. Cần tái khám khi bị dị ứng sữa không? Khi nào nên tái khám?

Bệnh dị ứng sữa là tình trạng vô cùng phổ biến ở trẻ nhỏ và đôi khi cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Để tránh dị ứng sữa làm kích hoạt các bệnh dị ứng khác, cha mẹ cần phải phát hiện và đưa trẻ đến khám kịp thời.