Bệnh chốc mép
Chốc mép là tình trạng tổn thương ngoài da, xảy ra do viêm hoặc liên quan đến các bệnh lý da liễu khác. Chốc mép có thể điều trị bằng thuốc bôi tại chỗ. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chủ quan không điều trị và chăm sóc tốt khiến viêm nhiễm kéo dài gây biến chứng.
Tổng quan
Bệnh chốc mép hay còn được gọi là lở mép là hiện tượng một hoặc cả hai bên mép xuất hiện những vết nứt, gây đau, mất thẩm mỹ. Nguyên nhân gây bệnh thường xuất phát từ các viêm nhiễm ngoài da. Đây là bệnh lý da liễu đang có rất nhiều người mắc phải, có khả năng lây nhiễm.
Nếu không có biện pháp kiểm soát, chốc mép có thể kéo dài thành mãn tính. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp sau vài ngày các triệu chứng chốc mép thuyên giảm mà không cần điều trị. Mặc dù vậy người bệnh cũng không nên chủ quan, bởi chốc mép có thể tái phát và phát sinh biến chứng.
Các tổn thương thực thể không chỉ gây đau nhức khó chịu cho người bệnh mà còn ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Người bình thường khi tiếp xúc với dịch tiết hoặc khu vực da bị chốc mép có thể bị lây nhiễm trực tiếp. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan gián tiếp thông qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân, tiếp xúc những đồ vật bị nhiễm bẩn,...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây chốc mép được xác định là do nấm và virus, trong đó thường gặp nhất là virus herpus. Số lượng bệnh nhân bị chốc mép liên quan đến loại virus này chiếm phần lớn, trong khi các khuẩn và nấm gây bệnh chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong đó có những trường hợp chốc mép liên quan đến nấm Candida albicans.
Dựa trên những thống kê về nguyên nhân gây bệnh, người ta chỉ ra 2 tác nhân chính gây chốc mép bao gồm:
- Virus Herpus: Lây truyền khi người bệnh tiếp xúc với dịch tiết tại vị trí tổn thương ở mép. Virus nhanh chóng bám vào vật chủ và gây bệnh. Chúng tồn tại bên trong nước bọt, nước mũi và thậm chí là nước mắt của người bệnh.
- Nấm Candida: Xảy ra phổ biến ở những bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, trong đó kể đến bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, người dùng thuốc chứa corticoid trong thời gian dài,... Nấm có điều kiện phát triển trên cơ thể người hệ miễn dịch kém, dẫn đến các vết thương ngoài da, trong đó có tình trạng chốc miệng, chốc mép.
Ngoài tác nhân chính kể trên, chốc mép có thể hình thành do sự tấn công của vi khuẩn tụ cầu hoặc tình trạng thiếu vitamin B của cơ thể. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
- Trẻ em từ 2-5 tuổi.
- Người sống trong môi trường đông đúc.
- Thời tiết ẩm nóng bất thường.
- Người chơi thể thao thường xuyên tiếp xúc da của người khác.
- Người bị tổn thương da không được chăm sóc đúng cách.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch, đề kháng kém, đang mắc bệnh mãn tính hoặc dùng thuốc điều trị gặp tác dụng phụ.
Nhiều người cho rằng bệnh chốc mép không phải là bệnh truyền nhiễm, không có khả năng lây lan. Tuy nhiên trên thực tế chứng bệnh này có thể lây từ người sang người do liên quan đến virus, nấm. Chúng có thể bám vào da của người khác khi người đó tiếp xúc với dịch tiết từ cơ thể người mắc bệnh.
Các cơn đường lây nhiễm gồm tiếp xúc trực tiếp qua da kề da, gián tiếp qua đồ dùng cá nhân, khăn tắm, giường chiếu, quần áo,... Mặc dù không phải là bệnh lý nguy hại tính mạng, tuy nhiên bạn nên thận trọng và chủ động phòng ngừa để tránh gặp phải các vấn đề không mong muốn khác.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Không quá khó để bạn nhận biết triệu chứng chốc mép. Tuy nhiên các tổn thương trên da cũng khá dễ nhầm lẫn với các vấn đề da liễu khác. Bệnh đặc trưng với tình trạng tổn thương xuất hiện xung quanh mép, vết nứt kèm theo đau rát khó chịu. Khi phát hiện các triệu chứng dưới đây bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị sớm:
- Xuất hiện vùng đỏ tại vùng da quanh mép, sau đó các vết nứt nhanh chóng hình thành.
- Da khô, kèm theo các nốt mụn nước liti, đôi khi mọc thành mảng lớn ở quanh mép.
- Da có hiện tượng nóng lên, kèm theo cơn đau rát khó chịu, người bệnh há miệng hoặc ăn uống bị đau rát.
- Trường hợp chốc mép ở trẻ sơ sinh cũng tương tự, ngoài ra trên mép của trẻ còn xuất hiện các vảy màu vàng, lưỡi bóng và môi khô.
Người bị chóc mép có thể phát hiện ngay những thay đổi bất thường xung quanh mép, bên cạnh đó người bệnh còn nhận thấy vị giác bất thường, ăn uống khó khăn khiến cân nặng sụt giảm. Chốc mép gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sinh hoạt đời sống của người bệnh.
Chẩn đoán
Chẩn đoán lâm sàng qua các biểu hiện đặc trưng trên da người bệnh. Tổn thương có thể quan sát bằng mắt thường. Bệnh nhân nên khai báo thêm các thông tin gồm thuốc đang dùng, bệnh đang điều trị, thói quen sinh hoạt, có hoặc không có tiếp xúc với bệnh nhân bị chốc mép trước đó,...
Các xét nghiệm cận lâm sàng thường không cần phải thực hiện. Tuy nhiên, đối với các trường hợp điều trị kháng sinh không đạt kết quả tốt, dịch từ các nốt mụn nước sẽ được lấy ra để làm xét nghiệm kháng sinh đồ. Mục đích của việc này giúp bác sĩ tìm ra loại kháng sinh phù hợp nhất để kiểm soát chốc mép cho bệnh nhân.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh chốc mép có thể kiểm soát bằng cách dùng thuốc kháng sinh đường bôi hoặc đường uống. Đa số các trường hợp nhiễm bệnh không gặp biến chứng nếu được điều trị đúng cách. Các nốt mụn nước không có khả năng bội nhiễm hoặc để lại sẹo khi được chăm sóc và điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân vẫn chủ quan, không chủ động điều trị chốc mép khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng, tổn thương lan rộng hơn. Đặc biệt là những trường hợp không giữ vệ sinh vùng tổn thương, thường xuyên liếm môi, vùng bị chốc mép, ăn uống không đảm bảo, ăn đồ ăn cay nóng thường xuyên,...
Mặc dù không gây nguy hiểm tính mạng và không bùng phát biến chứng nguy hiểm như các bệnh lý khác. Thế nhưng người bị chốc mép nên chủ động kiểm soát bệnh, đồng thời phòng tránh lây nhiễm cho người xung quanh. Nên sử dụng riêng đồ dùng cá nhân, không hôn hít trẻ nhỏ hoặc người thân để tránh virus, nấm lây lan.
Điều trị
Điều trị chốc mép bằng liệu pháp kháng sinh đường bôi tại chỗ. Mục đích kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, làm khô các nốt mụn nước li ti, ngăn ngừa tái phát. Người bệnh được chỉ định bôi các loại kem điều trị như Ktoconazole, Nystatin, Clotrimazole, Miconazole,...
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng các thuốc chống virus dạng bôi đề đẩy lùi triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Bôi khi triệu chứng xuất hiện hoặc mới khởi phát dấu hiệu nghi ngờ. Các loại thuốc được chỉ định giúp ức chế bùng phát chốc mép, giảm đau ngoài da.
Người bị chốc mép còn được khuyến cáo tránh đi ra ngoài trời nắng gắt, bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời, nhất là khung giờ tia tử ngoại mạnh. Trường hợp nghi ngờ chốc mép do vi khuẩn gây ra, người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh đường bôi, mục đích diệt khuẩn và tránh bội nhiễm mụn nước.
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ đến khi các tổn thương hoàn toàn lành lại, hạn chế việc tự ngưng thuốc khi chưa kết thúc liệu trình. Việc dừng thuốc không đúng liệu trình có thể khiến bệnh tái phát do tác nhân gây hại vẫn còn lưu trú trên da chưa được loại bỏ hoàn toàn.
Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị, bệnh nhân nên chủ động bảo vệ da, chăm sóc, vệ sinh vùng da tổn thương và da trên cơ thể mỗi ngày. Điều này giúp chốc mép sớm cải thiện và hạn chế rủi ro lây lan cũng như để lại sẹo kém thẩm mỹ trên da.
Tham khảo thêm: Các loại thuốc uống và thuốc bôi thường dùng để điều trị chốc lở
Phòng ngừa
Chủ động phòng bệnh chốc mép qua một số lưu ý:
- Vệ sinh da sạch sẽ mỗi ngày, giữ vùng da mép được khô ráo, sạch sẽ, hạn chế liếm mép hoặc để vùng da này bị ẩm ướt.
- Trường hợp da mép bị tổn thương, trầy xước hoặc bị côn trùng đốt nên chăm sóc cẩn thận, giữ da được sạch sẽ, khô thoáng.
- Dùng kem dưỡng ẩm nếu da bị khô, sử dụng cho vùng da quanh mép cũng như các vùng da xung quanh.
- Không dùng tay cào gãi hoặc dùng vật cứng tác động lên vùng da mép.
- Hạn chế tiếp xúc với người đang bị chốc mép hoặc mắc các bệnh lý da liễu có khả năng lây lan.
- Sử dụng riêng đồ dùng cá nhân, thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn mền, khăn mặt,... Phơi quần áo, đồ dùng cá nhân dưới nắng mặt trời để diệt khuẩn.
- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, dùng dung dịch rửa tay khử khuẩn. Hạn chế đưa tay lên miệng, đối với trẻ em nên thường xuyên cắt mỏng tay cho bé, tránh tình trạng bé tự cào gây xước da.
- Trường hợp trẻ bị chốc mép nên cho bé ở nhà điều trị cho đến khi khỏi hoàn toàn để tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tình trạng chốc mép của tôi có nguy hiểm không?
2. Tôi cần dùng thuốc điều trị chốc mép trong bao lâu?
3. Thuốc điều trị bôi ngoài da có chữa hoàn toàn chốc mép không? Bệnh có tái phát không?
4. Trong thời gian điều trị tôi nên làm gì để không lây bệnh cho người thân?
5. Trường hợp tôi không sử dụng thuốc chốc mép có tự khỏi không?
6. Tôi nên bôi thuốc gì để điều trị chốc mép?
7. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm gì để chẩn đoán chốc mép?
Chốc mép tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm tuy nhiên các triệu chứng ngoài da gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Chính vì thế, bạn nên chủ động điều trị, kiểm soát bệnh chốc mép, đồng thời phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.