Bệnh bướu giáp keo
Bệnh bướu giáp keo thường không gây nhiều triệu chứng nên người bệnh khó nhận biết bệnh từ sớm. Đa số các trường hợp phát hiện bướu giáp keo khi thăm khám sức khỏe tổng quát, siêu âm tuyến giáp. So với nam giới, tỷ lệ nữ giới mắc bệnh lý này chiếm số lượng lớn. Bệnh nhân cần theo dõi, điều trị để phòng ngừa bướu biến chứng.
Tổng quan
Bướu giáp keo hay còn được gọi là bướu nang keo tuyến giáp. Bệnh được phát hiện thông qua các thăm khám, siêu âm vùng tuyến giáp. Đây là tình trạng bất thường ở tuyến giáp, sự thay đổi về kích thước, xuất hiện dịch keo tại cơ quan này.
Tuyến giáp trở nên phì đại, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone. Đa số các trường hợp được chẩn đoán bướu giáp keo lành tính, tuy nhiên việc thiếu hụt hormone trong thời gian dài do hoạt động tuyến giáp bị ảnh hưởng có thể gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính gây tình trạng bướu giáp keo được xác định có liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống. Người bệnh không nạp đủ lượng i-ốt cơ thể cần dẫn đến hiện tượng phì đại và tích tụ dịch keo tại tuyến giáp. Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân sống ở khu vực cách xa biển thường có khả năng mắc bệnh cao hơn những vùng gần biển.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng, còn rất nhiều yếu tố khác tác động đến hoạt động tuyến giáp. Chẳng hạn việc sử dụng thuốc tân dược điều trị bệnh, bổ sung nhiều thực phẩm có chứa goitrogens,... dẫn đến hình thành bệnh lý tuyến giáp này.
So với nam giới, số lượng bệnh nhân bị keo tuyến giáp là nữ đông đảo, nhất là những phụ nữ bước qua tuổi trung niên. Bên cạnh đó, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh còn kể đến người có tiền sử gia đình bị bệnh bướu cổ hoặc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Thông thường ở giai đoạn đầu bệnh không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, người bệnh không phát hiện bệnh sớm thông qua triệu chứng lâm sàng. Chỉ đến khi đi khám bệnh, tầm soát tổng quát định kỳ mới phát hiện có bướu tuyến giáp.
Mặc dù hầu hết các trường hợp đều là bướu lành tính, tuy nhiên bệnh nhân không nên chủ quan. Bởi một vài trường hợp bướu keo tuyến giáp biến chứng có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Do đó, chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bất thường từ sớm.
Những triệu chứng khi bệnh chuyển nặng có thể kể đến như:
- Bướu keo tuyến giáp biến chứng: Người bệnh bị đau ở khu vực vùng cổ đột ngột hoặc khi sờ vào, trên cổ có một khối to. Tình trạng đau có thể là do hiện tượng thiếu máu nuôi tuyến giáp khi dịch keo, khối u lớn dần tắc nghẽn mạch máu, hoặc cũng có thể là do xuất huyết bên trong mô. Bên cạnh cơn đau nhức khó chịu, người bệnh còn có những dấu hiệu viêm nhiễm kể đến như nóng rát, sưng đỏ tại tuyến giáp.
- Bướu keo tuyến giáp chèn ép cơ quan khác: Tuyến giúp có khối u phì đại chèn ép lên đường hô hấp, thanh quản dẫn đến hiện tượng ho khan, khàn tiếng, khò khè, thở rít, mất chức năng nói,... Ảnh hưởng đến thực quản khiến người bệnh khó nuốt, chán ăn. Ngoài ra còn nhiều tác động tiêu cực khác.
Chẩn đoán
Bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số biện pháp chẩn đoán bệnh gồm:
- Siêu âm: Tiến hành siêu âm tuyến giáp xác định có nang tuyến giáp hay không, biện pháp này có thể phát hiện các nang nhỏ nhất. Bên cạnh đó, thông qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ cũng có thể xác định được các bất thường tại tuyến giáp.
- Xạ hình: Phương pháp xạ hình tuyến giáp cũng được thực hiện nhằm phát hiện bất thường, phân biệt nhân và nang giáp. Kết quả thu được giúp bác sĩ theo dõi bất thường tại tuyến giáp. Đây cũng là thủ thuật được chỉ định cho những trường hợp chẩn đoán cường giáp.
- Chọc hút nang: Ngoài các biện pháp chẩn đoán hình ảnh như trên, phương pháp chọc hút nang lấy dịch tiến hành kiểm tra thành phần có trong dịch nang. Thông qua kết quả bác sĩ có thể nhận định khối u là lành tính hay ác tính.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh bướu giáp keo đa số các trường hợp được chẩn đoán là lành tính. Bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Tuy nhiên không phải ai cũng phát hiện bệnh từ sớm. Do bướu hình thành và không gây ra nhiều triệu chứng ở giai đoạn đầu.
Một số trường hợp nhầm lẫn, điều trị sai cách có thể khiến bướu giáp keo trở nên nặng hơn, gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Các biến chứng khi nang giáp phát triển kích thước quá lớn kể đến như:
- Nang tuyến giáp phì đại chèn ép lên thực quản khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc nuốt, ăn uống khó khăn, dễ bị nghẹn và buồn nôn. Nếu không xử lý, hiện tượng này kéo dài có thể khiến người bệnh thiếu hụt dinh dưỡng, cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Khối nang to dần chèn ép lên khí quản khiến bệnh nhân gặp khó khăn trong việc hô hấp, thở khó, mệt mỏi, cơ thể trong trạng thái thiếu hụt oxy.
- Ngoài các trường hợp kể trên, khối u tuyến giáp một khi đã phát triển lớn dần có thể chèn ép lên hệ thần kinh, nhất là dây thần kinh thanh quản. Đây là hệ lụy khiến bệnh nhân bướu keo tuyến giáp khó nói, giọng nói biến đổi bất thường.
- Trường hợp bướu to chèn ép mạch cảnh khiến quá trình bơm máu bị cản trở, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện thiếu máu. Lượng máu lưu thông đến tim không ổn định dẫn đến tình trạng suy giảm hoạt động của các cơ quan trên cơ thể.
- Đặc biệt khi bướu đã quá lớn không được kiểm soát có rủi ro bị nứt, vỡ. Người bệnh có nhiều khả năng đối mặt với nguy cơ viêm nhiễm, đe dọa an toàn tính mạng.
Chính vì những rủi ro kể trên, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên chủ động thăm khám điều trị. Ngoài ra, mọi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Việc này có thể giúp bác sĩ phát hiện sớm các bất thường của bệnh nhân và chỉ định cách điều trị sớm, chữa bệnh dứt điểm, không để lại di chứng.
Điều trị
Bệnh bướu giáp keo thường là tình trạng lành tính, có thể điều trị bằng các biện pháp như dùng thuốc, bổ sung i-ốt, phẫu thuật. Mỗi trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định cách can thiệp phù hợp, đảm bảo loại bỏ nang giáp và xử lý các vấn đề kèm theo cho người bệnh.
Nguyên tắc điều trị bệnh bướu giáp keo:
- Mục đích giảm kích thước bướu, duy trì chức năng tuyến giáp.
- Đối với trường hợp bướu nhỏ do thiếu i-ốt, chỉ định bổ sung tại nhà, không cần dùng thuốc. Kết hợp điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tránh ăn một số thực phẩm ảnh hưởng đến tình trạng bướu.
- Áp dụng biện pháp bổ sung i-ốt, điều trị hormone, phẫu thuật.
- Lựa chọn phương pháp phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Dựa trên kết quả chẩn đoán bướu giáp keo, nguyên nhân, thời gian bệnh và sức khỏe thực tế của bệnh nhân.
Cách điều trị thường được áp dụng kể đến như:
- Bổ sung i-ốt: Áp dụng đối với những bệnh nhân bị bướu giáp nhẹ, nguyên nhân liên quan đến việc ăn uống thiếu hụt i-ốt. Chỉ định bổ sung i-ốt qua thức ăn, thuốc. Thời gian điều trị được bác sĩ hướng dẫn, đa số các trường hợp cần điều trị trong thời gian dài. Thuốc chứa dung dịch i-ốt bổ sung vào cơ thể cho tác dụng nhanh, làm bướu giáp keo thu nhỏ kích thước. Theo dõi trong thời gian điều trị, thông báo với bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường.
- Biện pháp hormone: Chỉ định bổ sung hormone tuyến giáp ở bệnh nhân mắc bướu giáp keo thiếu hụt hormone. Các thuốc được dùng như Thyroxin, Triiodothyronine,... Không dùng đối với trường hợp bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, cường giáp trạng, bệnh loãng xương và các bệnh lý khác. Người bệnh được xét nghiệm máu định kỳ, kiểm tra trong suốt thời gian dùng thuốc. Thận trọng với các phản ứng phụ sau khi dùng như hồi hộp, nóng bức, tụt cân, loãng xương, dị ứng, và các vấn đề khác. Hãy thông báo với bác sĩ nếu cơ thể có nhiều biểu hiện lạ khi sử dụng thuốc hormone.
- Phương pháp phẫu thuật: Áp dụng biện pháp ngoại khoa chỉ khi bướu quá lớn, chèn ép lên các cơ quan khác, gây biến chứng cho bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật thông thường là mổ mở, mổ nội soi, mổ qua đường miệng,... Tùy vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định cách thức can thiệp tương ứng.
Bất kỳ biện pháp điều trị nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm. Bác sĩ sẽ thận trọng trao đổi với bệnh nhân và người nhà trước khi thực hiện điều trị. Bệnh nhân nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, chủ động theo dõi biểu hiện cơ thể để kịp thời thông báo, điều chỉnh khi cần thiết.
Phòng ngừa
Bướu giáp keo là một trong những bệnh lý về tuyến giáp nhiều người gặp phải. Bệnh có tiến triển âm thầm, không nhận biết sớm có thể ảnh hưởng đến hoạt động tuyến giáp, gây chèn ép các cơ quan lân cận. Có nhiều yếu tố tác động gây nên bệnh lý này.
Các chuyên gia cảnh báo mỗi người dân nên chủ động phòng bệnh từ sớm càng tốt. Một số lưu ý:
- Bổ sung cho cơ thể lượng i-ốt cần thiết mỗi ngày, không nên ăn quá nhiều cũng không nên ăn quá ít.
- Cân bằng dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm lành tính tốt cho sức khỏe, không nên ăn những món có khả năng tăng khối u tuyến giáp.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống chứa cồn, thuốc lá, không sử dụng chất kích thích có hại cho sức khỏe.
- Tập thể dục, vận động cơ thể giúp tăng cường trao đổi chất, nâng cao đề kháng cho cơ thể.
- Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, không nên để cơ thể bị căng thẳng trong thời gian dài.
- Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất giúp phát hiện sớm các bệnh lý gây hại sức khỏe và khắc phục.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh bướu giáp lan tỏa: Nguyên nhân và cách điều trị
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Bệnh bướu giáp keo là bệnh gì?
2. Nguyên nhân vì sao tôi bị bướu giáp keo?
3. Triệu chứng nhận biết bướu giáp keo là gì?
4. Tôi cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bướu giáp keo?
5. Bệnh bướu giáp keo có nguy hiểm không?
6. Tôi có thể dùng thuốc điều trị bệnh được không?
7. Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị bướu giáp keo là gì?
8. Khi nào tôi phải phẫu thuật cắt bỏ bướu giáp keo?
9. Những rủi ro khi phẫu thuật là gì?
10. Tôi có cần trở lại tái khám không?
Bệnh bướu giáp keo là hiện tượng xuất hiện khối u bất thường tại tuyến giáp, bên trong chứa dịch keo. Mặc dù đa số các trường hợp đều thuộc bướu lành tính, có thể điều trị, tuy nhiên bạn không nên chủ quan. Việc chậm trễ xử lý, bướu phát triển kích thước quá lớn có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Do đó, tốt nhất bạn nên chủ động kiểm tra sức khỏe và điều trị bướu giáp keo từ sớm.