Bệnh Bạch Hầu Thanh Quản
Bệnh bạch hầu thanh quản xảy ra khi trực khuẩn bạch hầu tấn công gây hình thành giả mạc ở thanh quản. So với các thể khác, thể bệnh này có tiến triển nhanh và mức độ nguy hiểm cao. Nếu không phát hiện sớm, giả mạc có thể gây hẹp đường thở dẫn đến tử vong do suy hô hấp.
Tổng quan
Bệnh bạch hầu (Diphtheria) là một dạng nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở thanh quản, mũi, hầu họng và tuyến hạnh nhân. Tổn thương xuất hiện ở niêm mạc thanh quản được gọi là bệnh bạch hầu thanh quản. Vì đường thở nằm ở sâu bên trong nên bệnh lý này thường thứ phát sau bạch hầu họng, rất ít khi xảy ra bạch hầu thanh quản tiên phát.
Bệnh bạch hầu thanh quản là thể bệnh có tiến triển nhanh và nguy hiểm hơn so với bạch hầu ở những vị trí khác. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc sẽ hình thành nhiều gây tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Trên lâm sàng, có khoảng 5 - 10% tử vong do bệnh lý này.
Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh bạch hầu nói chung và bạch hầu thanh quản là vi khuẩn bạch hầu - Corynebacterium diphtheriae. Loại vi khuẩn này khi xâm nhập vào cơ thể không chỉ gây nhiễm trùng mà còn tiết ra ngoại độc tố gây nhiễm độc và làm tổn thương nghiêm trọng niêm mạc đường hô hấp.
Thống kê cho thấy, khoảng 20 - 30% trường hợp gặp phải thể bạch hầu thanh quản. Vì vậy, nên trang bị những kiến thức hữu ích về bệnh lý này để có thể phát hiện và điều trị sớm - nhất là khi đối tượng mắc bệnh bạch hầu thanh quản chủ yếu là trẻ em.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vi khuẩn bạch hầu - Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu nói chung và bạch hầu thanh quản nói riêng. Tương tự như các loại vi khuẩn gây viêm đường hô hấp khác, vi khuẩn này cũng lây qua giọt bắn, nước bọt.
Corynebacterium diphtheriae là vi khuẩn thuộc họ Corynebacteriaceae với 3 type là Intermedius, Mitis và Gravis. Đây là một loại vi khuẩn gram âm có một hoặc hai đầu phình to, không di động và không sinh bào tử.
Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao nhờ lớp nhầy bên ngoài. Vì vậy, loại vi khuẩn này có thể sống được trên đồ vật từ vài ngày cho đến vài ngày, cụ thể là 20 ngày trong sữa và nước chưa được đun sôi, 30 ngày trên bề mặt vải. Tuy nhiên, Corynebacterium diphtheriae rất nhạy cảm với ánh sáng và cồn.
Vi khuẩn bạch hầu có thể lây qua 3 con đường:
- Giọt bắn trong không khí: Khi người bệnh ho, hắt hơi và trò chuyện, giọt bắn chứa vi khuẩn có thể bay ra ngoài không khí. Nếu tiếp xúc gần, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mũi - họng và phát triển gây giả mạc ở thanh quản.
- Lây nhiễm qua vật dụng: Trong một số trường hợp, vi khuẩn có thể dính vào vật dụng cá nhân như ly uống nước, thìa, muỗng… Nếu sử dụng chung vật dụng với người bệnh, vi khuẩn sẽ dễ dàng đi vào bên trong cổ họng.
- Lây qua thức ăn: Một số loại thức ăn có thể chứa vi khuẩn bạch hầu chẳng hạn như sữa tươi. Uống sữa chưa được đun sôi, tiệt trùng có thể vô tình đưa vi khuẩn bạch hầu vào bên trong cơ thể.
Bệnh bạch hầu thanh quản thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sau 6 tháng tuổi - dưới 15 tuổi. Trong 6 tháng đầu, kháng thể miễn dịch từ mẹ truyền sang con sẽ giúp bảo vệ trẻ. Tuy nhiên sau thời gian này, kháng thể miễn dịch không còn nên cơ thể dễ bị lây nhiễm vi khuẩn và các loại virus.
Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu thanh quản:
- Trẻ em và người lớn chưa được tiêm vaccine bạch hầu
- Người sinh sống trong môi trường ô nhiễm, đông đúc, điều kiện vệ sinh kém
- Sinh sống hoặc đi du lịch, công tác đến nơi đang có dịch bạch hầu
Triệu chứng và chẩn đoán
Sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu, vi khuẩn sẽ ủ bệnh trong 2 - 5 ngày hoặc có thể lây hơn tùy theo type vi khuẩn và hệ miễn dịch của từng người. Sau giai đoạn ủ bệnh sẽ đến thời kỳ khởi phát với các triệu chứng vô cùng rõ rệt.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh bạch hầu thanh quản:
Giai đoạn khàn tiếng:
- Sốc nhẹ, thường bắt đầu từ từ
- Ho nhiều, tiếng ho “ông ổng” vô cùng đặc trưng
- Khàn tiếng do giả mạc xuất hiện ở dây thanh
- Có biểu hiện nhiễm độc toàn thân như mặt xanh tái, mệt mỏi rõ rệt, mạch yếu và chậm
- Bệnh bạch hầu thanh quản thường thứ phát sau bạch hầu họng. Vì vậy có thể quan sát thấy các giả mạc ở họng, giả mạc có đặc điểm là chắc, dai, dính chặt, khó bóc ra khỏi niêm mạc và chảy máu khi bóc.
- Hạch cổ sưng to.
Giai đoạn khó thở:
- Thở rít, khi hít vào có tiếng rít vô cùng đặc trưng kèm theo co rút trên - dưới ức và co kéo các cơ hô hấp.
- Thở khò khè
- Khó thở, có thể khó thở nhẹ hoặc khó thở liên tục gây bứt rứt, vật vã. Trường hợp giả mạc chèn ép dây thanh nghiêm trọng có thể gây thở nông, thở nhanh, lơ mơ, tím tái và hôn mê.
Giai đoạn ngạt thở:
- Nếu không được điều trị, thanh quản có thể bị chít hẹp gây suy hô hấp.
- Cuối cùng là tử vong nếu không được thông đường thở kịp thời.
Ngày nay, trực khuẩn bạch hầu rất ít gặp nhờ đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng ngừa. Tuy nhiên, không nên chủ quan trước những biểu hiện bất thường vì bệnh bạch hầu thanh quản có tiến triển nhanh, nguy cơ cao dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Bệnh bạch hầu thanh quản dễ bị nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác. Sau khi hỏi bệnh, các bác sĩ sẽ yêu cầu khám họng để phát hiện giả mạc. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể nhầm lẫn với viêm thanh quản giả bạch hầu, vì vậy vẫn cần thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm công thức máu: Xét nghiệm công thức máu có thể phát hiện nhiễm trùng - bạch cầu tăng.
- Nhuộm soi - nuôi cấy: Để chắc chắn là do vi khuẩn bạch hầu, bác sĩ sẽ lấy bệnh phẩm sau đó nhuộm soi hoặc nuôi cấy. Thông qua phân lập vi khuẩn từ mẫu bệnh lâm sàng, có thể đưa ra chẩn đoán xác định.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh bạch hầu thanh quản thường thứ phát sau bạch hầu họng. Giả mạc xuất hiện ở thanh quản sẽ gây khó khăn khi hô hấp và phát âm. Lâu dần, lượng giả mạc gia tăng gây chít hẹp thanh quản dẫn đến khó thở, suy hô hấp và tử vong.
Ngoài ra, bệnh lý này cũng gây ra một số biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, xuất huyết do giảm tiểu cầu, bội nhiễm phổi, hồng cầu trong nước tiểu… Để phòng ngừa biến chứng, cách duy nhất là phát hiện và điều trị sớm.
Điều trị
Không giống như những loại vi khuẩn khác, trực khuẩn bạch hầu có ngoại độc tố với bản chất là một protein có tính kháng nguyên đặc hiệu. Vì vậy, ngoài sử dụng kháng sinh như các vi khuẩn khác, cần trung hòa độc tố của vi khuẩn để hạn chế tổn thương niêm mạc.
Các phương pháp điều trị bệnh bạch hầu thanh quản:
Trung hòa độc tố bạch hầu
Bước đầu tiên trong điều trị bệnh bạch hầu nói chung và bạch hầu thanh quản nói riêng là trung hòa độc tố bạch hầu. Thực tế, bác sĩ thường chỉ định kháng độc tố bạch hầu ngay khi nghi ngờ (kể cả khi chưa có chẩn đoán chính thức).
Đối với bệnh bạch hầu thanh quản, dùng liều 20 000 - 40 000 UI trong 48 giờ đầu tiên. Thuốc được truyền tĩnh mạch chậm trong hơn 60 phút để trung hòa độc tố. Mặc dù có hiệu quả nhưng kháng độc tố bạch hầu có thể gây dị ứng.
Kháng sinh
Tương tự như các loại vi khuẩn khác, cần dùng kháng sinh để tiêu diệt trực khuẩn bạch hầu. Hiện nay, kháng sinh beta-lactam là được sử dụng phổ biến nhất.
Ban đầu, bệnh nhân sẽ được dùng kháng sinh đường tiêm, sau đó chuyển sang dạng uống. Thời gian điều trị tương tự như các bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn khoảng 10 - 14 ngày.
Các loại kháng sinh được sử dụng trong điều trị bệnh bạch hầu thanh quản:
- Erythromycin: 40-50 mg/kg/ngày
- Hoặc Penicilin: 25 000 - 50 000 UI/kg/ngày
Điều trị hỗ trợ
Ngoài tổn thương tại chỗ, bệnh bạch hầu thanh quản còn gây nhiễm độc toàn thân. Vì vậy, cần kết hợp điều trị hỗ trợ để nâng đỡ thể trạng, phục hồi sức khỏe.
Điều trị hỗ trợ đối với bệnh bạch hầu thanh quản bao gồm:
- Nghỉ ngơi tuyệt đối trong ít nhất 2 - 3 tuần. Trường hợp có biến chứng viêm cơ tim cần nghỉ ngơi khoảng 2 tháng để cơ thể phục hồi hoàn toàn.
- Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng qua chế độ ăn hợp lý. Nên dùng món ăn mềm, lỏng, ít gia vị để dễ tiêu hóa.
- Theo dõi hô hấp, trợ tim mạch. Mở khí quản để làm sạch đờm dãi, giả mạc nhằm hạn chế bội nhiễm. Trường hợp cần thiết có thể cho thở oxy.
- Có thể sử dụng thuốc an thần và hỗ trợ tâm lý để hỗ trợ quá trình phục hồi.
Sau khi điều trị, bệnh nhân sẽ được xuất viện nếu ngoáy họng lấy bệnh phẩm cho kết quả âm tính 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Người bệnh hết sốt, sức khỏe hồi phục và hết giả mạc ở thanh quản.
Phòng ngừa
Bạch hầu đã từng gây ra các vụ dịch nghiêm trọng trong thời kỳ chưa có vaccine dự phòng. Ngày nay, nhờ vaccine nên tính nghiêm trọng của bệnh giảm đi đáng kể. Dù vậy, vẫn cần chủ động phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu thanh quản:
- Tuyên truyền, nâng cao kiến thức về bệnh bạch hầu để có thể phát hiện bệnh sớm, cách ly trẻ bị bệnh, tránh lây nhiễm cho những trẻ khác.
- Cho trẻ tiêm vaccine bạch hầu đầy đủ.
- Những người đã tiêm vaccine nhưng tiếp xúc với người nhiễm bạch hầu nên tiêm nhắc lại để dự phòng.
- Bệnh bạch hầu nói chung và bạch hầu thanh quản nói riêng thường gặp trẻ em. Vì vậy, nhà trường cần phải vệ sinh phòng học thường xuyên, đảm bảo không gian phải thông thoáng và nhiều ánh sáng.
- Xây dựng hệ thống y tế ở làng, xã để người bệnh được hỗ trợ kịp thời. Tránh trường hợp lây nhiễm sang cho những trẻ khác làm bùng dịch trên diện rộng.
- Sát trùng bằng cồn các vật dụng trong gia đình, dọn dẹp, vệ sinh không gian sống.
- Đồ dùng của bệnh nhân như quần áo, chăn mền, bát đũa… cần phải được luộc sôi và phơi trực tiếp dưới ánh sáng. Đồ chơi, sách vở… cũng nên làm sạch bằng cồn và cho phơi nắng vài ngày để tiêu diệt vi khuẩn hoàn toàn.
- Nâng cao hệ miễn dịch bằng lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Con tôi bị sốt, ho, có giả mạc ở họng là bệnh gì?
2. Bé cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh bạch hầu thanh quản?
3. Vì sao con tôi bị nhiễm bệnh bạch hầu thanh quản?
4. Có nhất thiết phải điều trị tại bệnh viện hay có thể về nhà?
5. Điều trị bệnh bạch hầu thanh quản mất bao lâu?
6.Tình trạng của con tôi có nghiêm trọng không? Có nguy cơ gặp phải biến chứng không?
7.Tôi có cần thông báo tình trạng sức khỏe của con với gia đình và nhà trường?
8. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa con tôi lây nhiễm bạch hầu cho cộng đồng?
9. Sau khi điều trị, trẻ có thể nhiễm bạch hầu trở lại không?
Bệnh bạch hầu thanh quản có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Phụ huynh cần nâng cao kiến thức về bệnh để chủ động phòng ngừa và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở con trẻ. Nếu được điều trị sớm, bệnh bạch hầu thường có tiên lượng tốt và ít lây nhiễm cho cộng đồng.