Verapamil có tác dụng gì?
Thuốc Verapamil thuộc nhóm thuốc chẹn kênh calci, thường được chỉ định trong trường hợp tăng huyết áp vô căn, dự phòng – điều trị loạn nhịp nhanh trên thất, các dạng đau thắt ngực,…
- Tên thuốc: Verapamil
- Dạng bào chế : Viên nén, viên nang và thuốc tiêm
- Phân nhóm: Thuốc tim mạch (thuốc chẹn kênh calci)
Những thông tin cần biết về thuốc Verapamil
1. Tác dụng
Verapamil là thuốc chẹn kênh calci. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn cản sự di chuyển của Ca 2+ đi qua kênh nhằm làm chậm thời gian di chuyển vào tế bào cơ tim, tế bào thần kinh dẫn truyền và tế bào cơ trơn thành mạch.
Do đó, Verapamil có tác dụng chống loạn tim nhịp mạnh, phục hồi nhịp xoang, hạ huyết áp, làm chậm tần số thất, ngăn cản co thắt động mạch vành, tăng lưu lượng máu động mạch vành và giảm hậu gánh.
Verapamil được hấp thu khoảng 90% ở đường uống. Thuốc ở dạng tiêm tĩnh mạch được chuyển hóa và đào thải nhanh. Verapamil được chuyển hóa chủ yếu ở gan và thải trừ thận, mật và phân.
2. Chỉ định
Thuốc Verapamil được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Đau thắt ngực mãn tính
- Đau thắt ngực sau nhồi máu cơ tim
- Cao huyết áp
- Loạn nhịp nhanh trên thất
- Đau thắt ngực do co thắt mạch
- Phòng ngừa loạn nhịp nhanh trên thất
- Suy động mạch vành cấp
Thuốc Verapamil chỉ được sử dụng khi được bác sĩ kê toa. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, ngay cả khi bạn gặp phải các vấn đề sức khỏe nêu trên.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Verapamil cho những đối tượng sau:
- Sốc do tim
- Rối loạn dẫn truyền nặng (hội chứng suy nút xoang, block nhĩ thất cấp độ II và III, block xoang nhĩ)
- Hạ huyết áp
- Nhịp nhanh thất
- Nhồi máu cơ tim cấp tính có biến chứng
- Bệnh nhân có nguy gây nhịp nhanh thất
- Suy tim mất bù
- Cuồng hoặc rung động nhĩ kèm theo hội chứng tiền kích thích
- Mẫn cảm với Verapamil hay bất cứ thành phần nào của thuốc
- Chống chỉ định phối hợp Verapamil tiêm tĩnh mạch với thuốc chẹn beta-adrenergic
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Verapamil được bào chế ở dạng tiêm và viên nén, với những hàm lượng sau:
- Viên bao – 40mg, 80mg, 120mg
- Viên nén giải phóng kéo dài – 120mg, 180mg, 240mg
- Thuốc tiêm – 2.5mg/ ml, 5ml/ 2ml, 5mg/ ml
5. Cách dùng – liều lượng
Thuốc Verapamil được dùng bằng đường uống và tiêm tĩnh mạch.
Liều dùng khi sử dụng thuốc dạng viên nén
Đau thắt ngực:
- Dùng 80 – 120mg/ 3 lần/ ngày
- Bệnh nhân cao tuổi và suy gan: Dùng 40mg/ 3 lần/ ngày
- Có thể tăng liều dùng lên từng ngày cho đến khi có đáp ứng lâm sàng tốt nhất.
Loạn nhịp:
- Bệnh nhân rung nhĩ mạn đã sử dụng thuốc digitalis: Dùng 240 – 320mg/ ngày, chia thành 3 – 4 lần uống.
- Bệnh nhân có cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất và chưa sử dụng thuốc digitalis: Dùng 240 – 480mg/ ngày, chia thành 3 – 4 lần uống.
Tăng huyết áp:
- Liều khởi đầu: Dùng 80mg/ 3 lần/ ngày
- Bệnh nhân cao tuổi hoặc người nhẹ cân: Dùng 40mg/ 3 lần/ ngày.
Liều dùng khi sử dụng thuốc dạng viên nén tác dụng kéo dài (dùng cho trường hợp tăng huyết áp và đau thắt ngực)
- Liều dùng ban đầu: Dùng 180mg/ ngày
- Bệnh nhân cao tuổi hoặc người nhẹ cần: Dùng 120mg/ ngày
- Có thể tăng liều tùy đáp ứng của từng trường hợp.
Liều dùng khi sử dụng thuốc dạng tiêm tĩnh mạch:
Thuốc Verapamil tiêm tĩnh mạch được sử dụng nhằm khống chế tạm thời cơn nhịp nhanh thất rung nhĩ và cuồng động nhĩ, chuyển nhanh cơn nhịp tim nhanh kịch phát trên thấy sang nhịp xoang.
Thuốc ở dạng tiêm tĩnh mạch chỉ được sử dụng cho bệnh nhân điều trị nội trú.
Người lớn:
- Liều khởi đầu: Dùng 5 – 10mg
- Liều nhắc lại: Dùng 10mg, tiêm sau liều đầu tiên 30 phút
Trẻ em:
- Liều khởi đầu: Trẻ từ 0 – 1 tuổi (dùng 0.75 – 2mg, tiêm trong ít nhất 2 phút), trẻ từ 1 – 15 tuổi (dùng 2 – 5mg, không dùng quá 5mg)
- Liều duy trì: Trẻ từ 0 – 1 tuổi (dùng 0.75 – 2mg, dùng sau liều đầu 30 phút), trẻ từ 1 – 15 tuổi ( dùng 2 – 5mg, không dùng quá 10mg).
6. Bảo quản
Bảo quản thuốc Verapamil ở dạng viên trong nhiệt độ từ 15 – 30 độ C, tránh ẩm và ánh sáng.
Với thuốc Verapamil dạng tiêm, cần quan sát biểu hiện và độ trong của thuốc trước khi sử dụng. Dung dịch tiêm cần được bảo quản trong nhiệt độ dưới 25 độ C và tránh ánh sáng.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Verapamil
1. Thận trọng
Sử dụng thuốc ở liều cao (trên 480mg/ ngày) có thể gây nguy hiểm. Vì vậy cần theo dõi chặt chẽ biểu hiện của bệnh nhân để điều chỉnh liều theo đáp ứng.
Cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng gan, thận và người cao tuổi. Thận trọng khi sử dụng thuốc cho người bị chậm nhịp tim, cuồng động nhĩ, rung nhĩ, suy tim, block nhĩ thất độ I,…
Chưa có các nghiên cứu về độ an toàn của thuốc đối với phụ nữ mang thai. Do đó chỉ sử dụng thuốc cho sản phụ trong trường hợp không còn lựa chọn nào khác. Thuốc Verapamil được bài tiết qua sữa mẹ và có nguy cơ gây ra tác dụng phụ đối với trẻ nhỏ.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp:
- Block nhĩ thất hoàn toàn
- Chóng mặt
- Hạ huyết áp
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Nhịp tim chậm
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Phát ban
- Táo bón
Tác dụng phụ ít gặp:
- Hạ huyết áp thế đứng
- Đỏ bừng
- Block nhĩ thất độ II và III
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Co giật (khi sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch)
- Nhịp tim nhanh
Nếu bệnh nhân bị block nhĩ thất hoàn toàn và hạ huyết sau khi uống thuốc, cần phải tiến hành cấp cứu ngay.
Với những bệnh nhân có nguy cơ hạ huyết áp thế đứng (bệnh cơ tim phì đại), cần sử dụng thuốc kích thích alpha giao cảm để duy trì huyết áp.
3. Tương tác thuốc
Verapamil có thể tương tác với những loại thuốc sau:
- Thuốc chẹn beta: Dùng chung với Verapamil gây block nhĩ thất, suy thất trái và chậm nhịp tim.
- Metoprolol, propranolol: Verapamil gây ức chế quá trình thanh thải của những loại thuốc này.
- Thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Điều trị phối hợp với Verapamil làm tăng tác dụng hạ áp.
- Clindamycin, ceftriaxone: Sử dụng đồng thời với Verapamil gây block nhĩ thất hoàn toàn.
- Muối calci: Có tác dụng đối kháng với Verapamil (thường được dùng trong trường hợp bệnh nhân gặp phải phản ứng có hại do Verapamil gây ra).
- Thuốc ức chế thụ thể H2: Gây ức chế quá trình thanh thải thuốc Verapamil.
- Digitalis: Sử dụng Verapamil trong điều trị dài hạn có thể làm tăng nồng độ digitalis và gây ngộ độc.
- Thuốc chống loạn nhịp tim – flecainid: Dùng với Verapamil có thể gây suy tim và sốc tim.
- Quinidine: Sử dụng với Verapamil làm hạ huyết áp mạnh.
- Thuốc chống động kinh – phenytoin và phenobarbital: Nhóm thuốc này làm giảm khả dụng sinh học của Verapamil.
- Calciferol và calci adipinat: Làm tái phát rung nhĩ ở bệnh nhân đang sử dụng Verapamil để điều trị rung nhĩ.
Ngoài ra, tránh dùng Verapamil với nước ép bưởi.
4. Tương kỵ
Dung dịch tiêm Verapamil có thể kết tủa trong môi trường có độ pH > 6. Thuốc Verapamil tương kỵ với natri bicarbonate, albumin, hydralazine, natri nafcilin, aminophylin, co-trimoxazol, amphotericin B,…
5. Quá liều và xử trí
Sử dụng Verapamil quá liều có thể làm chậm chuyển động của ruột và dạ dày.
Xử trí: Rửa dạ dày và uống than hoạt tính nhằm tăng khả năng đào thải thuốc. Đồng thời tiêm tĩnh mạch dung dịch calci nhằm giảm độc tính của Verapamil.
Có thể bạn quan tâm
- Nifedipin là thuốc gì? Cách sử dụng và lưu ý
- Thuốc Telmisartan: Công dụng, cách dùng và thận trọng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!