Thuốc Amphotericin B có tác dụng gì? Cần lưu ý những điều gì khi sử dụng?
Thuốc Amphotericin B là kháng sinh có khả năng chống nấm. Thuốc được dùng trong những trường hợp nhiễm nấm do các chủng nhạy cảm như nhiễm nấm Candida albicans ở đường tiêu hóa và miệng, nhiễm nấm toàn thân có mức độ nặng, viêm não – màng não tiên phát và bệnh leishmania da – niêm mạc.
- Tên thuốc: Amphotericin B
- Tên khác: Amphotericin
- Phân nhóm: Thuốc kháng sinh chống nấm
Những thông tin cần biết về thuốc Amphotericin B
1. Tác dụng
Amphotericin B là kháng sinh có khả năng chống nấm. Thuốc gắn vào sterol nhằm biến đổi tính thấm của màng tế bào nấm. Ngoài ra, Amphotericin B cũng gắn với cholesterol trong cơ thể người nên có thể gây ra độc tính khi dùng.
Amphotericin B nhạy cảm với các loại nấm như: Aspergillus spp, Blastomyces dermatitidis, Coccidioides immitis, Cryptococcus neoformans, Mucor spp, Rhizopus spp, Absidia spp, Basidiobolus spp, Candida spp, Conidiobolus spp,…
Thuốc không có tác dụng đối với virus, ký sinh trùng và vi khuẩn. Amphotericin B hấp thu kém qua đường tiêu hóa nên chủ yếu được dùng ở đường tiêm/ truyền tĩnh mạch hoặc được dùng ở dạng điều trị tại chỗ. Thuốc thải trừ chậm và có thể gây độc cho thận.
2. Chỉ định
Thuốc Amphotericin B được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Điều trị nhiễm nấm Candida albicans ở đường tiêu hóa và miệng (dùng thuốc dạng hỗn dịch và dạng viên).
- Nhiễm nấm toàn thân có mức độ nặng do các chủng nấm nhạy cảm.
- Điều trị viêm não – màng não tiên phát.
- Điều trị bệnh leishmania da – niêm mạc và nội tạng.
3. Chống chỉ định
Chống chỉ định thuốc Amphotericin B cho bệnh nhân quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc.
4. Dạng bào chế – hàm lượng
Thuốc Amphotericin B được bào chế ở những dạng và hàm lượng sau:
- Thuốc bột pha tiêm – 50.000 đơn vị/ 50ml
- Dạng phức hợp lipit và liposom – 50mg, 100mg bột đông khô, 100mg/ 20ml dạng hỗn dịch.
- Viên nén – 100mg
- Hỗn dịch uống – 10mg/ ml, 100mg/ ml
- Kem bôi da – 9g/ 30ml
5. Cách dùng – liều lượng
Cách dùng thuốc Amphotericin B dựa vào dạng bào chế mà bạn sử dụng. Tham khảo thông tin hướng dẫn trên bao bì để dùng thuốc đúng cách.
Cách dùng thuốc:
- Viên nén, hỗn dịch uống: Dùng trực tiếp bằng đường uống, nên uống cùng với nước lọc.
- Bột pha tiêm: Được dùng bằng cách tiêm/ truyền tĩnh mạch.
- Kem bôi da: Dùng trực tiếp vùng da, niêm mạc cần điều trị.
Liều dùng thuốc:
Liều dùng thông thường
- Test liều ban đầu: Dùng 1mg tiêm truyền trong 20 – 30 phút.
- Liều dùng điều trị: Dùng 250mg/ kg/ ngày, sau đó tăng dần lên 1g/ mg/ ngày.
- Có thể tăng lên 1.5g/ kg/ ngày cho trường hợp bệnh nặng.
- Nếu ngưng thuốc trên 7 ngày, khi dùng lại thuốc phải bắt đầu với liều 250mg/ kg/ ngày.
Liều dùng khi sử dụng Amphotericin B dạng liposom
- Test liều ban đầu: Dùng 1mg tiêm truyền trong 10 phút.
- Liều điều trị: Dùng 1mg/ kg/ ngày, tăng dần lên 3mg/ kg/ ngày.
Liều dùng khi dùng phức hợp natri cholesteryl sulfat amphotericin
- Test liều ban đầu: Dùng 2mg tiêm truyền trong 10 phút.
- Liều điều trị: Dùng 1mg/ kg/ ngày, tăng lên 3 – 4mg/ kg/ ngày.
- Liều dùng tối đa: 6mg/ kg/ ngày.
Liều dùng khi dùng phức hợp phospholipid amphotericin
- Test liều ban đầu: Dùng 1mg tiêm truyền trong 15 phút.
- Liều dùng điều trị: Dùng 5mg/ kg/ ngày.
Liều dùng thông thường khi điều trị viêm màng não nặng (dùng Amphotericin B thông thường)
- Liều khởi đầu: Dùng 25mg/ ngày.
- Liều điều trị: Dùng 0.25 – 1mg/ 2 – 4 lần/ tuần.
Liều dùng thông thường khi trị nấm Candida ở miệng, quanh miệng
- Dùng viên uống 10mg/ hỗn dịch uống 100mg/ ml.
- Liều dùng cho viên uống: Ngậm 1 viên để tan trong miệng, dùng từ 4 – 8 viên/ ngày.
- Liều dùng cho hỗn dịch uống: Dùng 1ml/ lần, dùng 4 lần/ ngày. Cần ngâm hỗn dịch trong miệng từ 2 – 3 phút trước khi nuốt.
Liều dùng thông thường khi điều trị nhiễm nấm Candida ở ruột
- Dùng 100 – 200mg/ lần, ngày dùng 4 lần.
- Dùng thuốc ở dạng viên hoặc hỗn dịch uống.
6. Bảo quản
Thuốc Amphotericin B cần được bảo quản trong nhiệt độ từ 2 – 8 độ C. Dung dịch pha tiêm có thể bền vững trong 24 giờ nếu được pha trong môi trường vô khuẩn và bảo quản trong tủ lạnh.
Tham khảo thêm: Thuốc Aleradin chữa bệnh gì?
Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Amphotericin B
1. Thận trọng
Bệnh nhân cần điều trị nội khoa nếu sử dụng thuốc Amphotericin B ở dạng tiêm/ truyền. Nếu nhận thấy creatinin huyết áp và ure huyết cao gấp đôi bình thường, cần ngưng sử dụng thuốc hoặc điều chỉnh liều để khôi phục chức năng thận. Bên cạnh đó, cần kiểm tra nồng độ kali huyết, magnesi huyết và số lượng hồng cầu hằng tuần.
Truyền thuốc nhanh có thể làm tăng kali huyết và loạn nhịp tim, nhất là đối với bệnh nhân suy thận. Thận trọng khi sử dụng thuốc Amphotericin B ở đường tiêm cho bệnh nhân chiếu xạ toàn thân.
Tránh dùng Amphotericin B với những thuốc có độc tính lên thận như corticosteroid, kháng sinh và thuốc chống ung thư. Cân nhắc trước khi sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
2. Tác dụng phụ
Tác dụng phụ thường gặp:
- Đau đầu
- Đau cơ, khớp
- Sốt
- Thiếu máu đẳng sắc (thiếu máu do chảy máu cấp)
- Rét run
- Đau bụng
- Kích thước hồng cầu bất thường (có hồi phục)
- Chán ăn
- Giảm kali huyết
- Giảm magnesi huyết
- Rối loạn điện giải
- Rối loạn tiêu hóa
- Đi ngoài
- Buồn nôn
- Đau ở vị trí tiêm
- Nôn mửa
- Phát ban
- Viêm tĩnh mạch huyết khối
- Giảm chức năng thận (kèm tăng ure và creatinin huyết)
- Kích ứng da
- Ngứa da
Tác dụng phụ ít gặp:
- Vô niệu
- Tổn thương thận vĩnh viễn
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Phản ứng phản vệ
- Ngừng tim
- Loạn nhịp tim
- Giảm tiểu cầu
- Tăng bạch cầu ưa eosin
- Rối loạn đông máu
- Rung thất
- Hạ huyết áp
- Mất bạch cầu hạt
- Giảm bạch cầu
- Tăng bạch cầu
- Xuất huyết dạ dày
- Nổi sần
- Chóng mặt
- Viêm ruột
- Tăng transaminase
- Ù tai
- Song thị
- Mất thính lực
- Bí đái
- Nhìn mờ
- Co giật
- Bệnh não trắng
- Viêm dây thần kinh ngoại biên
Sử dụng thuốc kháng histamine, NSAID và Acetaminophen để cải thiện triệu chứng rét run và sốt trước khi tiêm Amphotericin B.
Thêm Heparin vào dung dịch truyền Amphotericin B để hạn chế viêm tắc tĩnh mạch. Nhằm giảm độc tính lên thận, cần điều trị tình trạng mất muối và mất nước trước khi truyền.
Nếu bệnh nhân bị thiếu máu khi điều trị, cần ngưng thuốc. Với những trường hợp không thể ngưng thuốc, cần tiến hành truyền máu.
3. Tương tác thuốc
Amphotericin B có thể tương tác với những loại thuốc sau:
- Corticosteroid: Tăng nguy cơ giảm kali huyết do thuốc Amphotericin B.
- Kháng sinh nhóm Aminoglycoside, Cyclosporin: Sử dụng cùng với Amphotericin B làm tăng độc tính đối với thận.
- Digitalis: Amphotericin B làm giảm kali huyết dẫn đến tình trạng tăng tính độc của thuốc Digitalis.
- Truyền tĩnh mạch Amphotericin B ngay sau khi truyền bạch cầu có thể làm phát sinh phản ứng cấp ở phổi.
4. Tương kỵ
Sử dụng nước muối, chất điện giải và dung dịch glucose, dung dịch có chất bảo quản (alcol benyzylic) để pha thuốc bột Amphotericin B có thể gây tủa. Vì vậy chỉ sử dụng dung môi có sẵn trong mỗi hộp thuốc.
5. Quá liều và cách xử lý
Khi nhận biết đã dùng thuốc Amphotericin B quá liều, bạn cần ngưng thuốc và đến ngay bệnh viện. Đối với trường hợp chưa phát sinh triệu chứng quá liều, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng máu, chất điện giải, chức năng tuần hoàn, gan, thận và hô hấp.
Với bệnh nhân đã phát sinh triệu chứng (ngừng tim, ức chế hô hấp), bác sĩ sẽ tiến hành điều trị triệu chứng và hỗ trợ vì thẩm tách không thể loại bỏ Amphotericin B.
Có thể bạn quan tâm
- Thuốc Acid Fusidic: tác dụng, chống chỉ định, cách sử dụng
- Natri Thiosulfat là thuốc gì? Công dụng, liều dùng & hướng dẫn sử dụng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!