Thuốc giảm đau hạ sốt Advil và những thông tin cần biết
Thuốc Advil thuộc nhóm kháng viêm không steroid. Nó được chỉ định để hạ sốt, chống viêm, làm giảm các cơn đau như đau do mắc bệnh viêm và thoái hóa cơ xương, đau do viêm tuyến tủy, đau cơ, đau khớp, đau nửa đầu, nhức đầu, đau răng, đau sau phẫu thuật… Các thông tin trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nắm rõ hơn các thông tin về loại thuốc này.
- Tên hoạt chất: ibuprofen
- Tên thương hiệu: Advil
- Nhóm thuốc: Thuốc hạ sốt, giảm đau
- Dạng thuốc: Viên nén bao phim
I. Thông tin cần biết về thuốc Advil
Trước khi sử dụng Advil, bệnh nhân cần nắm một số thông tin sau đây:
1. Thành phần
- ibuprofen………………….. 200mg
- ibuprofen…………………..400mg
2. Tác dụng
Advil là thuốc kháng viêm không steroid, hoạt động bằng cách làm giảm hormone gây nên viêm và đau trong cơ thể. Nó được chỉ định để hạ sốt, chống viêm, giảm đau ở nhiều trường hợp như đau đầu, đau lưng, đau khớp, đau răng, chấn thương nhẹ….
3. Chỉ định
Thuốc Advil được sử dụng để điều trị cho các trường hợp:
- Hệ cơ xương trong cơ thể bị viêm hoặc thoái hóa. Cụ thể là bị viêm khớp (thấp khớp, vảy nến, gout), viêm khớp phát triển ở những người bị lupus ban đỏ hệ thống, rối loạn thần kinh, viêm cột sống dính khớp…
- Bị hội chứng đau do đau cơ, viêm tuyến tủy, viêm khớp, đau nửa đầu, viêm gân, đau dây thần kinh, viêm bao hoạt dịch, đau khớp, loạn dưỡng thần kinh…
- Giảm đau cho người bị ung thư, những người mới phẫu thuật có kèm theo viêm.
- Trị đau răng, nhức đầu.
- Viêm xương chậu nhỏ, viêm bộ phận phụ.
- Hỗ trợ làm hạ thân nhiệt cho người mắc các bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, thuốc Advil có thể được dùng với nhiều mục đích điều trị khác mà không được chúng tôi đề cập. Trao đổi thêm với các bác sĩ để được cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
4. Chống chỉ định
Tuyệt đối không được dùng thuốc Advil để điều trị cho các trường hợp sau:
- Mẫn cảm với ibuprofen và các thành phần khác của thuốc.
- Người bị xuất huyết nội tạng, hoặc có nguy cơ bị xuất huyết
- Bị hen suyễn hoặc dị ứng với aspirin, NSAID.
- Giảm bạch cầu.
- Mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng, loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng, bị đợt cấp của tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng.
- Suy tim hoặc các bệnh lý khác về tim.
- Rối loạn tiền đình
- Bị các vấn đề về thần kinh thị giác, suy giảm thị giác, thính giác.
- Mắc chứng đông máu.
5. Liều lượng – cách dùng thuốc Advil
Thuốc Advil được chỉ định sử dụng sau bữa ăn. Tùy thuộc vào mục đích điều trị và tình trạng bệnh của bệnh nhân mà liều lượng sử dụng cũng được chỉ định khác nhau. Cụ thể như sau:
- Nếu bị đau: Uống thuốc Advil với liều lượng là 1 – 2 viên/3 lần/ngày. Mỗi viên thuốc có hàm lượng 400mg. Liều tối đa là 2,4g/ngày.
- Viêm khớp dạng thấp: Uống 2 viên/lần, ngày 3 lần tương đương với 800mg/ngày. Nếu đang ở tuổi vị thành niên, thuốc được sử dụng với liều lượng là 30-40mg/kg trọng lượng/ngày.
- Trường hợp bị giãn dây chằng và chấn thương mô mềm: Dùng thuốc Advil 2 – 4 lần/ngày, mỗi lần trên 400mg.
- Hạ sốt: Đối với những người sốt trên 39,2°C, uống 10mg/kg trọng lượng/ngày. Nếu sốt dưới 39,2°C, uống thuốc với liều lượng 5mg/kg/ngày.
- Viêm xương khớp, viêm cột sống dính khớp: Dùng thuốc Advil 3 – 4 lần/ngày, mỗi lần 400mg.
- Đối với trẻ em: Liều lượng sử dụng của thuốc Advil được chỉ định dựa vào trọng lượng cơ thể. Thông thường nó được sử dụng với liều lượng là 20 – 40mg/kg/ngày, chia thành 3 – 4 lần uống. Để hạ sốt, liều dùng cũng được chỉ định như ở người trưởng thành.
Vì tùy vào cơ địa và mục đích điều trị mà thuốc được chỉ định với liều lượng khác nhau. Do đó, để bảo đảm an toàn, bệnh nhân cần tuân thủ đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian điều trị.
6. Bảo quản
- Để thuốc xa tầm với của trẻ nhỏ
- Bảo quản Advil ở nhiệt độ phòng, tránh nơi ẩm ướt và nhiều ánh sáng mặt trời.
II. Những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Advil
1. Tác dụng phụ
Trong quá trình điều trị bằng Advil, bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng phụ sau đây:
- Niêm mạc vùng miệng bị kích ứng và khô, viêm miệng.
- Đầy hơi buồn nôn, chán ăn, đau bụng, tiêu chảy, ợ nóng.
- Hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, ảo giác, dễ bị kích động, lú lẫn, căng thẳng, viêm não vô trùng (hiếm gặp).
- Khó thở, phế quản bị co thắt.
- Tim đập nhanh, tăng huyết áp, khiến cho tình trạng suy tim ngày càng trở nên nặng nề.
- Thị lực suy giảm, ù tai, khó chịu, nhức đầu, mí mắt và kết mạc bị phù, mắt bị khô và bị kích thích.
- Gây giảm tiểu cầu, bạch cầu, thiếu máu, nổi ban xuất huyết.
- Viêm bàng quang, suy thận cấp tính, viêm thận dị ứng, mắc hội chứng thận hư.
- Gây phản ứng dị ứng như sốt, phát ban, ngứa da, gây viêm mũi dị ứng, bệnh bạch cầu ưa eosin…
- Nếu dùng thuốc Advil để điều trị trong thời gian dài, nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trĩ, suy giảm thị lực, viêm loét niêm mạc đường tiêu hóa…
Ngoài ra, tùy vào liều dùng và khả năng dung nạp thuốc của mỗi người mà Advil có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác không được chúng tôi đề cập. Trao đổi với các bác sĩ để được cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
2. Thận trọng
Trước khi điều trị bằng Advil, cần thông báo với các bác sĩ nếu bản thân thuộc một trong các đối tượng sau:
- Có tiền sử mắc bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường hoặc thường xuyên hút thuốc.
- Từng bị đột quỵ hoặc mắc chứng rối loạn đông máu.
- Hen suyễn.
- Mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày – tá tràng, thủng dạ dày…
- Suy gan, suy thận
- Phụ nữ đang mang thai và cho con bú, đối tượng dùng thuốc là người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
- Thuốc Advil có thể gây buồn ngủ, hoa mắt, lú lẫn, ù tai… do đó không được lái xe hoặc điều khiển máy móc sau khi sử dụng.
3. Tương tác thuốc
Advil có thể tương tác với các loại thuốc sau đây:
- Các loại thuốc chống trầm cảm như citalopram, fluvoxamine, escitalopram, paroxetine, sertraline, vilazodone… Kết hợp Advil với những loại thuốc này có thể khiến bệnh nhân dễ bị bầm tím và làm cho tình trạng chảy máu diễn ra nặng hơn.
- Nhóm thuốc steroid
- Cyclosporine
- Liti
- Pemetrexed
- Methotrexate
- Chất làm loãng máu như Coumadin, warfarin, Jantoven…
- Các loại thuốc chữa trị bệnh huyết áp, bệnh tim và các loại thuốc lợi tiểu
Trên đây là một danh sách không đầy đủ các loại thuốc có thể tương tác với thuốc Advil.
4. Cách xử lý khi dùng thuốc Advil thiếu hoặc quá liều
- Quên liều: Nếu quên một liều, uống thuốc ngay khi nhớ ra. Trường hợp gần đến thời gian dùng liều kế tiếp, bỏ qua liều cũ. Tuyệt đối không được tự ý tăng gấp đôi liều lượng trong một lần sử dụng.
- Quá liều: Uống thuốc Advil quá liều có thể dẫn đến ngộ độc hoặc gây ra các phản ứng quá mẫn. Do đó, liên hệ với các trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu khi thấy cơ thể có các biểu hiện bất thường như buồn ngủ, đau bụng, ho ra máu, phân có lẫn máu, ngất, hôn mê…
Trên đây là các thông tin tham khảo về thuốc Advil. Để được cung cấp một cách chính xác nhất về liều lượng, công dụng, thời gian điều trị, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Có thể bạn quan tâm
- Arcoxia là thuốc gì? Cách dùng và thận trọng
- Fastum gel có tác dụng gì? Cách dùng và thận trọng
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!