Những điều bạn cần biết trước khi áp dụng chế độ ăn chay
Ăn chay là chế độ ăn bao gồm những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, kiêng cử thịt, trứng, sữa và mật ong,… Nếu ăn chay đúng cách, bạn có thể cải thiện sức khỏe, duy trì vóc dáng và phòng ngừa được những bệnh lý nguy hiểm.
Những điều cần biết trước khi thực hiện ăn chay
Hiện nay, nhiều người đã chuyển sang ăn chay trường vì những lợi ích của chế độ ăn uống này đem lại. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết cần ăn chay đúng cách, ăn chay không có kế hoạch không đem lại nhiều lợi ích như kỳ vọng.
1. Các chế độ ăn chay
Trên thực tế, ăn chay không đơn thuần là kiêng thực phẩm từ động vật và bổ sung thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Chế độ ăn chay được chia thành nhiều loại đa dạng:
- Ăn chay thuần túy (Vegan): chế độ ăn chay này kiêng toàn bộ những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Người ăn chay thuần túy không chỉ kiêng thịt, mà còn kiêng cả trứng, sữa, mật ong và các chế phẩm từ các thực phẩm này. Họ chỉ thu nạp thức ăn có nguồn gốc hoàn toàn từ thực vật như rau xanh, trái cây và các loại đậu.
- Ăn chay có trứng và sữa (Lacto-Ovo Vegatarians): những người ăn chay theo chế độ này chỉ kiêng thịt, cá và có thể bổ sung trứng, sữa và các chế phẩm như bơ, phô mai,…
- Ăn chay có trứng (Ovo Vegatarians): người ăn chay theo chế độ này không được ăn những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, trừ trứng.
- Ăn chay có sữa (Lacto Vegatarians): chế độ chay này tương tự như Ovo Vegatarians, người ăn chay không được sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, trừ sữa.
- Ăn chay bán phần: ăn chay bán phần có nhiều loại khác nhau. Ví dụ chế độ ăn chay Pollotarian – không ăn thịt, cá, hải sản nhưng có thể ăn thịt gia cầm. Chế độ Pescatarian – không ăn thịt nhưng có thể ăn hải sản. Chế độ Flextarian – chỉ ăn chay vào những ngày cố định trong năm, vào những ngày bình thường vẫn có thể sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
Tham khảo thêm: Phải ăn uống như thế nào để tránh bị đau dạ dày
2. Lợi ích mà chế độ ăn chay đem lại
Ăn chay giúp cơ thể giảm thiểu nguy cơ mắc những bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp, tim mạch,… Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ giúp bạn kiểm soát cân nặng và duy trì vóc dáng cân đối. Ngoài những lợi ích về mặt sức khỏe, nhiều người lựa chọn ăn chay vì những lý do khác nhau:
- Sản xuất thực phẩm chay bền vững hơn về mặt sinh thái và làm giảm thiệt hại cho môi trường
- Nhiều người ngừng ăn thịt vì lý do ý thức hệ, đạo đức hoặc tôn giáo.
Tuy nhiên, lý do khiến nhiều người quyết định chuyển sang ăn chay là do những lợi ích về sức khỏe mà chế độ ăn uống này đem lại:
- Điều chỉnh cân nặng: nguồn năng lượng từ thực vật hoặc thịt trắng (cá, hải sản) sẽ dễ hấp thu và chuyển hóa hơn so với nguồn năng lượng từ thịt đỏ. Nếu bạn ăn chay thuần túy, khả năng trao đổi chất của cơ thể sẽ được cải thiện rõ rệt trong một thời gian ngắn.
- Giảm hàm lượng cholesterol: đạm và chất béo động vật là nguyên nhân khiến hàm lượng cholesterol trong cơ thể tăng cao. Do đó, khi bạn chuyển sang chế độ ăn chay, hàm lượng cholesterol sẽ giảm đi đáng kể. Các nhà khoa học cho biết, chất chống oxy hóa, khoáng chất và vitamin trong thực vật có thể thải trừ độc tố, làm sạch mạch máu và giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
- Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư: Nghiên cứu Tỷ lệ mắc ung thư ở người ăn chay cho thấy, người ăn chay có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn những người ăn thịt. Thực phẩm chay thường có ít chất béo (đặc biệt là chất béo bão hòa), giàu chất xơ và khoáng chất, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngoài ung thư, chế độ ăn chay còn hạn chế những bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, cao huyết áp, gout,…
Tuy nhiên những lợi ích này chỉ phát huy khi bạn duy trì ăn chay trong một thời gian dài và phải thiết lập chế độ ăn chay lành mạnh.
Thiết lập chế độ ăn chay lành mạnh
Ăn chay có thể làm phát sinh những rủi ro như thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa,… Để khắc phục những rủi ro này, bạn nên thực hiện những lời khuyên từ các chuyên gia:
- Không nên chuyển qua chế độ ăn chay quá đột ngột, nên giảm từ từ lượng thịt và các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Bởi cơ thể cần có thời gian để làm quen với chế độ ăn nhiều chất xơ.
- Nên thực hiện chế độ ăn chay đa dạng nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đảm bảo có đủ năng lượng để cơ thể hoạt động.
- Chú trọng vào nguồn đạm thực vật, vitamin B12, vitamin D, sắt, kẽm, omega 3,… Các thành phần này đều có trong những loại trái cây và rau củ, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để cân bằng giá trị dinh dưỡng khi thiết lập chế độ ăn chay.
- Hạn chế sử dụng những thức ăn chay có nhiều chất béo hoặc được chế biến sẵn.
- Nếu bạn thực hiện chế độ ăn chay cho phép dùng trứng, sữa, bạn nên điều chỉnh hàm lượng thích hợp. Trứng và sữa có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ăn quá nhiều.
- Cân bằng hàm lượng tinh bột thu nạp mỗi ngày, ăn quá nhiều tinh bột có thể khiến bạn béo phì và thừa cân – ngay cả khi bạn không ăn trứng, sữa.
Bên cạnh chế độ ăn uống, nên luyện tập thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe toàn diện. Nếu bạn đang điều trị bệnh, chế độ tập luyện còn hỗ trợ tác dụng của các phương pháp chuyên sâu.
Chế độ ăn chay đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể, tuy nhiên bạn cần trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng trước khi chuyển sang chế độ ăn uống này. Ăn chay không đúng cách có thể khiến bạn bị thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn hệ tiêu hóa, béo phì – thừa cân và mệt mỏi.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!