4 Xét Nghiệm Tầm Soát Ung Thư Dạ Dày Cần Thiết & Chi Phí Tham Khảo

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII BÁC SĨ TRẦN THỊ HƯƠNG LAN – Khoa Nội – Tiêu hóaGiám đốc Chuyên môn Thuốc Dân Tộc Chi Nhánh phía Nam – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Cơ sở TP Hồ Chí Minh

Xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày giúp phát hiện sớm ung thư và giảm nguy cơ tử vong. Có 4 loại xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất bao gồm: Nội soi, sinh thiết, xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm máu. 

xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày
Tầm soát ung thư dạ dày là loại xét nghiệm cần thiết

Các xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày

Có 4 loại xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày thường được sử dụng để phát hiện ung thư.

1. Nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là xét nghiệm chính được sử dụng để tìm kiếm các tế bào ung thư. Xét nghiệm này sẽ được thực hiện sau khi bạn uống thuốc an thần.

Trong xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi có gắn máy quay xuống cổ họng. Điều này giúp các bác sĩ quan sát được niêm mạc thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non.

Khi nhìn qua ống nội soi, tế bào ung thư dạ dày có thể trông giống như một vết loét, một khối hình nấm nhô ra hoặc các khu vực niêm mạc dày, phẳng, lan tỏa được gọi là xơ chai (linitis plastica – ung thư xơ cứng dạ dày). Tuy nhiên, không may là ung thư khuếch tán dạ dày di truyền không thể nhìn thấy qua xét nghiệm nội soi.

Đồng thời khi phát hiện các khu vực bất thường trong dạ dày, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô thông qua ống nội soi để đưa đến phòng thí nghiệm kiểm tra. Trong một số trường hợp, nội soi có thể trở thành một phần đặc biệt của xét nghiệm hình ảnh, được gọi là siêu âm nội soi.

+ Siêu âm nội soi

Siêu âm thông thường sử dụng một đầu dò nhỏ tì sát lên da. Đầu dò phát ra sóng siêu âm vào mô và thu nhận sóng âm thanh phản hồi từ mô. Những sóng siêu âm này được máy phân tích tạo thành hình ảnh đen trắng trên màn hình.

Khác với siêu âm thông thường, siêu âm nội soi sử dụng một đầu dò nhỏ được đặt trên đầu của ống nội soi. Ống nội soi này đi qua cổ họng vào dạ dày, điều này cho phép đầu dò nằm trực tiếp trên thành dạ dày nên bác sĩ có thể nhìn vào các lớp của thành dạ dày, cũng như các hạch bạch huyết, mô khác bên ngoài dạ dày.

Siêu âm nội soi khá hữu ích trong việc tìm các tế bào ung thư có thể đã lan rộng đến thành dạ dày, hạch bạch huyết hay mô gần đó.

Tìm hiểu thêmNội soi dạ dày công nghệ cao là gì, thực hiện ở đâu?

2. Sinh thiết

Bác sĩ có thể nghi ngờ khi nhận thấy một khu vực bất thường trong dạ dày thông qua nội soi và xét nghiệm hình ảnh, nhưng cách chắc chắn nhất để xác định bạn có mắc ung thư dạ dày không thì cần phải làm sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô từ khu vực nghi ngờ, thông thường sẽ lấy trong quá trình nội soi.

Các xét nghiệm, sinh thiết giúp phát hiện chính xác bệnh ung thư
Các xét nghiệm, sinh thiết giúp phát hiện chính xác bệnh ung thư

Tuy nhiên, nội soi thông thường sẽ không thể lấy mẫu sinh thiết nếu khu vực bất thường nằm sau trong thành dạ dày. Trong trường hợp này, siêu âm nội soi sẽ được chỉ định để dẫn một mũi kim mỏng và rỗng vào thành dạ dày để lấy mẫu sinh thiết.

+ Xét nghiệm mẫu sinh thiết

Các mẫu mô sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm và quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra mẫu mô có chứa tế bào ung thư không, nếu có thì nó là loại nào (ví dụ ung thư biểu mô tuyến, carcinoid, khối u mô đệm đường tiêu hóa hoặc ung thư hạch).

Nếu mẫu mô chứa một số loại ung thư, xét nghiệm có thể được thực hiện nhiều hơn. Chẳng hạn, khối u có thể được kiểm tra để xem liệu nó có chứa quá nhiều protein thúc đẩy tăng trưởng được gọi là HER2 hay không. Các khối u có nồng độ HER2 cao được gọi là HER2 dương tính .

Mẫu sinh thiết có thể được kiểm tra theo 2 cách khác nhau:

  • Hóa mô miễn dịch (IHC): giúp xác định kháng nguyên đặc hiệu HER2 trong mẫu mô. Nó sẽ được nhuộm với chất chỉ thị màu, các tế bào thay đổi màu sắc nếu có nhiều bản sao. Sự thay đổi màu sắc này có thể được nhìn thấy dưới kính hiển vi. Kết quả kiểm tra được báo cáo là 0, 1+, 2+ hoặc 3+.
  • Kỹ thuật huỳnh quang lai tại chỗ (FISH): Thử nghiệm này sử dụng các đoạn DNA huỳnh quang đặc biệt bám vào các bản sao của gen HER2 trong các tế bào, sau đó có thể được đếm dưới kính hiển vi đặc biệt.
tầm soát ung thư dạ dày
Mẫu sinh thiết sẽ được lấy trong quá trình nội soi

Thông thường hóa mô miễn dịch được kiểm tra đầu tiên:

  • Nếu kết quả là 0 hoặc 1+, ung thư là HER2 âm tính. Những người có khối u âm tính HER2 không được điều trị bằng thuốc (như trastuzumab) nhắm vào HER2.
  • Khi kết quả là 2+, tình trạng HER2 của khối u không rõ ràng. Do đó cần được kiểm tra bằng kỹ thuật huỳnh quang lai tại chỗ.
  • Nếu xét nghiệm trở lại 3+, ung thư dương tính với HER2. Bệnh nhân có khối u HER2 dương tính có thể được điều trị bằng thuốc như trastuzumab.

Khối u cũng có thể được kiểm tra xem có chứa một lượng protein điểm kiểm soát miễn dịch nhất định gọi là PD-L1 hay không.

Xem thêm: Dấu hiệu ung thư dạ dày cần nhận biết để phát hiện sớm

3. Xét nghiệm hình ảnh

Các xét nghiệm hình ảnh sử dụng tia X, từ trường, sóng âm hoặc các chất phóng xạ để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Các xét nghiệm hình ảnh giúp tầm soát ung thư dạ dày phổ biến gồm:

+ Series phim dạ dày-ruột

Đây là một xét nghiệm x-quang để xem xét lớp lót bên trong của thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non.

Để tầm soát ung thư dạ dày bằng xét nghiệm x-quang, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật tương phản kép thay vì kỹ thuật thông thường. Trong kỹ thuật này, sau khi uống dung dịch barium, một ống nhỏ được đưa vào dạ dày để bơm đầy không khí. Điều này khiến lớp barium phủ mỏng hơn nên dù bất thường nhỏ nhất trong dạ dày cũng sẽ được phát hiện.

+ Chụp CT

Chụp CT cũng sử dụng tia X để tạo hình ảnh, nhưng so với chụp X-quang thông thường thì nó sẽ cho hình ảnh về các mô mềm chi tiết hơn. Trong xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày, chụp CT không chỉ cho thấy hình ảnh dạ dày mà còn cho thấy các cơ quan gần dạ dày hoặc các hạch bạch huyết.

+ Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Giống như quét CT, MRI cho thấy hình ảnh chi tiết của các mô mềm trong cơ thể. Nhưng MRI sử dụng sóng radio và nam châm mạnh thay vì tia X.

4. Xét nghiệm máu

Để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm công thức máu toàn bộ để tìm kiếm CA 72- 4, đây là một loại mucin-glycoprotein thường được tìm thấy trong tế bào ung thư dạ dày. Ở người bình thường, chỉ số CA 72- 4 thường nhỏ hơn 6,9 U/ml, nhưng ở người bị ung thư dạ dày thì định lượng này cao hơn 98%.

Xét nghiệm máu cũng giúp xác định định lượng CEA (kháng nguyên ung thư phôi) trong máu. Ở người bình thường, CEA thường ở mức 0-5 ng/ml nhưng ở bệnh nhân ung thư dạ dày chỉ số này sẽ tăng khoảng 50-70%.

Đôi khi xét nghiệm máu cũng giúp xác nhận tình trạng thiếu máu (có thể là do ung thư gây chảy máu vào dạ dày). Một xét nghiệm máu ẩn trong phân có thể cũng sẽ được chỉ định để tìm máu trong phân mà mắt thường không thấy rõ.

Tham khảo thêm: Các xét nghiệm ung thư dạ dày – Chuẩn đoán bệnh

Tầm soát ung thư dạ dày bao nhiêu tiền?

Một gói tầm soát ung thư dạ dày bao gồm nhiều xét nghiệm. Chi phí còn dựa vào những yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý,… Nhưng chi phí tầm soát ung thư dạ dày ở các bệnh viện dao động khoảng 4.000.000 VNĐ.

Những rủi ro của việc tầm soát ung thư dạ dày

Không phải tất cả các xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày đều hữu ích, nó có thể mang đến một số rủi ro nhất định. Những rủi ro này bao gồm:

  • Phát hiện ung thư dạ dày có thể không cải thiện sức khỏe hay giúp bạn sống lâu hơn nếu như phát hiện ung thư khi nó đã vào giai đoạn tiến triển.
  • Kết quả xét nghiệm âm tính giả (không tìm thấy tế bào ung thư dạ dày trong khi có) khiến việc chăm sóc và điều trị bị trì hoãn.
  • Kết quả xét nghiệm dương tính giả có thể xảy ra (tìm thấy ung thư thật sự không có) gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý.
  • Ngoài ra xét nghiệm tầm soát còn gây ra một số tác dụng phụ như vấn đề tim mạch, hơi thở, chảy máu, dị ứng với thuốc,…

Trên đây là một số thông tin về xét nghiệm tầm soát ung thư dạ dày. Nếu như có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy hỏi trực tiếp ý kiến của bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

Địa Chỉ Điều Trị Ung Thư Dạ Dày Và Chi Phí Tham Khảo

Địa chỉ điều trị ung thư dạ dày hiệu quả và chi phí là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi ung thư dạ dày là một căn...

“Báo động đỏ” tình trạng ung thư dạ dày ở người trẻ

Bệnh ung thư dạ dày là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp nhiều ở người trong độ...

nhận biết ung thư dạ dày giai đoạn cuối

Nhận Biết 7 Dấu Hiệu Ung Thư Dạ Dày Giai Đoạn Cuối

Ung thư dạ dày là một căn bệnh rất nguy hiểm đã lấy đi mạng sống của không ít người,...

10 loại thức ăn gây ung thư dạ dày này bạn đã biết chưa?

Thực phẩm góp phần cung cấp dinh dưỡng, năng lượng để duy trì sức khỏe và thực hiện các hoạt...

Sau phẫu thuật ung thư dạ dày nên ăn gì để mau hồi phục?

Để nhanh chóng khôi phục lại sức khỏe, người bệnh cần phải chú ý đến chế độ ăn sau phẫu...

Ung thư dạ dày di căn theo đường nào?

Ung thư dạ dày có khả năng di căn đến các cơ quan lân cận làm những cơ quan này...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *