Khi trẻ bị ho nôn trớ nhiều – mẹ cần phải biết!
Trẻ bị ho thường kèm theo nôn trớ nhiều khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Việc bình tĩnh xử lý đúng cách sẽ giúp con bạn giảm bớt được các triệu chứng khó chịu và mau khỏi bệnh.
Nguyên nhân khiến trẻ bị ho nôn trớ nhiều
Ho là một trong những dấu hiệu điển hình của các bệnh lý ở đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan hay viêm phổi. Khi trẻ bị ho quá nhiều, đường tiêu hóa sẽ bị kích thích khiến thức ăn, sữa bị trào ngược lên trên và dẫn đến nôn trớ.
Ngoài ra, nếu con bạn bị ho do cảm lạnh hoặc hen suyễn, chất nhầy có thể chảy ngược vào trong dạ dày và kích thích khiến bé có cảm giác buồn nôn, nôn trớ ra đờm lẫn thức ăn.
Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, do dạ dày còn nằm ngang và chức năng hoạt động của cơ co thắt tâm vị còn yếu nên các bé hay bị trào ngược dạ dày thực quản. Từ đó khiến các cơn ho và nôn trớ diễn ra thường xuyên.
Bé bị nôn trớ nhiều khi ho sẽ dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc và suy kiệt sức khỏe. Vì vậy bạn cần biết xử lý đúng cách trong tình huống này để bảo vệ sức khỏe cho con mình.
Tìm hiểu thêm: Bé nôn trớ ra dịch vàng có nguy hiểm không?
Trẻ bị ho nôn trớ nhiều lần trong ngày phải làm sao?
Đầu tiên, bạn nên giữ bình tĩnh. Hãy chắc chắn rằng hơi thở của con bạn vẫn được duy trì đều đặn khi bé không ho. Nếu trẻ có biểu hiện khó thở, thở hổn hển, bạn nên đưa con tới phòng cấp cứu tại các cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi 115 nếu tình trạng quá nghiêm trọng.
Những trường hợp còn lại có thể xử lý, chăm sóc trẻ tại nhà theo cách sau:
- Trường hợp bé đang bị nôn trớ, bạn nên để bé ngồi yên một chỗ hoặc nằm ở tư thế nghiêng, dùng tay vuốt lưng và ngực bé theo một chiều từ trên xuống dưới. Điều này sẽ giúp giảm đi tình trạng nôn ói ở trẻ.
- Rửa mũi và cho trẻ súc miệng nhiều lần để loại bỏ chất nôn. Nếu con bạn bị hen suyễn, hãy cho bé hít thuốc cứu hộ.
- Với các bé trên 12 tháng tuổi, bạn có thể cho con uống một thìa mật ong để làm dịu cơn ho.
- Lau người cho trẻ bằng nước ấm rồi mặc quần áo mới cho con để loại bỏ hết mùi hôi do chất nôn gây ra, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
- Trẻ bị ho nôn ói nhiều sẽ dễ bị mất nước. Để tránh tình trạng này, bạn nên cho con uống nhiều nước lọc hơn bình thường để bù lại lượng nước đã mất. Ngoài ra, có thể bù nước và chất điện giải cho con bằng cách cho trẻ uống dung dịch Orezol hay nước ép trái cây đã được pha loãng.
- Trong thời gian trẻ bị bệnh, hãy cho con bạn ăn những thức ăn mềm, lỏng như sữa, súp, cháo, rau củ hầm nhừ. Tuy nhiên, không nên cho bé ăn hay uống sữa ngay sau khi bé vừa nôn trớ xong.
- Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi lần ăn ít một. Điều này sẽ giúp bé dễ nuốt và dễ tiêu hóa hơn.
- Một số trẻ bị ho nôn trớ nhiều do dị ứng với một số loại thực phẩm nhất định. Bạn nên theo dõi để xác định được loại thực phẩm khiến bé bị dị ứng và tuyệt đối không cho bé ăn các thức ăn lạ.
Ngoài ra, để trẻ mau khỏi bệnh bạn nên giữ ấm cơ thể cho con khi trời lạnh và vệ sinh mũi họng cho bé thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Nếu sau khi áp dụng các biện pháp trên mà con bạn tiếp tục nôn sau khi ho thì nên sớm đưa bé đến các chuyên khoa nhi khám và điều trị.
ThuocDanToc.vn chỉ cung cấp thông tin tham khảo, không thể thay thế cho lời khuyên và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa!
Có thể bạn quan tâm
- Bé bị nôn trớ và quấy khóc – mẹ đừng xem thường!
- Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh nôn trớ ra máu và cách xử lý
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!