Khi nào cần dùng thuốc điều trị Acid Uric cao?
Tùy vào chỉ số Acid Uric trong máu mà bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân khắc phục bằng chế độ dinh dưỡng hoặc sử dụng thuốc điều trị Acid Uric cao.
Khi nào cần dùng thuốc hạ acid uric trong máu?
Tình trạng acid uric cao thường gặp ở bệnh nhân gout (gút). Tuy nhiên, một số trường hợp chưa xuất hiện triệu chứng gout lâm sàng. Để ngăn chặn tình trạng chuyển sang gout, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp để hạ acid urid trong máu.
Thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thiết lập chế độ dinh dưỡng để giảm lượng purin – nguyên nhân khiến acid uric tăng cao và tăng hoạt động bài tiết của thận. Nồng độ acid uric cho phép nằm ở ngưỡng 7mg/dl, nếu nồng độ thành phần này ở cơ thể không quá chênh lệch so với mức cân bằng, bạn có thể cải thiện hoàn toàn chỉ với chế độ dinh dưỡng.
Tuy nhiên, nếu nồng độ acid uric cao hơn 12mg/dl bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị acid uric cao để cải thiện tình trạng này.
Trong một số trường hợp đặc biệt khi nồng độ acid uric chưa đạt đến 12mg/dl nhưng bệnh nhân có tình trạng tiêu hủy tế bào nặng nề. Hoặc bệnh nhân ung thư đang thực hiện xạ trị, hóa trị, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để kiểm soát suy thận cấp do tinh thể muối urat lắng đọng tại ống thận.
Trên thực tế sẽ phát sinh nhiều trường hợp đặc biệt hơn, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng cụ thể để xác định việc dùng thuốc. Chúng tôi chỉ cung cấp những thông tin trong các trường hợp phổ biến, vì vậy bạn nên chủ động gặp bác sĩ để được chỉ định phương pháp khắc phục phù hợp nhất.
Các loại thuốc giảm acid uric máu phổ biến
Thuốc điều trị acid uric cao thường hoạt động trên ba cơ chế chính. Tăng khả năng đào thải và thanh lọc acid uric qua đường bài tiết. Thứ hai ức chế men xanthyn oxydase nhằm giảm sự hình thành acid uric. Thứ ba tăng phân hủy acid uric để thận dễ dàng dào thải.
Để được chỉ định loại thuốc phù hợp, bạn nên trình bày những vấn đề sức khỏe và các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ điều chỉnh liều lượng và chỉ định loại thuốc phù hợp.
1. Thuốc tăng thải acid uric qua thận
Nhóm thuốc này hỗ trợ khả năng bài tiết acid uric của thận giúp giảm nồng độ thành phần này trong cơ thể. Các nhóm đối tượng có tiền sử suy thận, sỏi thận hoặc đang gặp những vấn đề về thận được chống chỉ định với các nhóm thuốc này. Bạn nên trình bày tình trạng sức khỏe với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
Các nhóm thuốc tăng thải acid uric qua thận phổ biến như:
- Probenecid: thuộc nhóm uricosuric, có tác dụng ngăn chặn cơn đau gút cấp. Thuốc không có tác dụng điều trị trong trường hợp bệnh đã chuyển biến nặng nề. Liều lượng và tần suất phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người. Nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ do thuốc gây ra.
- Sunfinpyrazone: ngăn cản quá trình tái hấp thu ở ống thận, giúp tăng thải acid uric qua đường bài tiết. Tuy nhiên thuốc có thể gây tai biến máu rất nguy hiểm nên hiện nay ít được sử dụng.
- Benzbriomaron: thuốc có tác dụng ngăn ngừa cơn đau gút cấp. Chống chỉ định với bệnh nhân có nồng độ acid uric niệu trên 600mg/ 24 giờ.
Nhóm thuốc tăng thải acid uric qua thận làm gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề về thận. Khi dùng thuốc hãy cố gắng uống đủ lượng nước để cơ thể thanh lọc các chất độc hại và giảm thiểu những tác dụng phụ do nhóm thuốc này gây ra.
2. Thuốc giảm hình thành acid uric
So với nhóm thuốc tăng thải acid uric qua đường bài tiết, thuốc ức chế quá trình hình thành acid uric được sử dụng phổ biến hơn.
- Allopurinol: là loại thuốc phổ biến nhất trong việc điều trị gút và các bệnh lý do acid uric tăng cao. Thuốc có tác dụng ức chế tổng hợp acid uric, không có tác dụng giảm đau nên thường được sử dụng chung với những loại thuốc chống cơn đau gút như ibuprofen, colchicine,… Allopurinol có thể gây ra một số tác dụng phụ như sốt, đau đầu, buồn nôn, đau họng, suy nhược cơ, chảy máu bất thường,… Hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi cơ thể phát sinh những triệu chứng nêu trên.
- Colchicine: hoạt động bằng cách giảm sưng và giảm sự lắng đọng của acid uric tại khớp. Từ đó ngăn chặn các cơn đau gút cấp tính. Thuốc có khả năng tương tác với các loại thuốc, thực phẩm và gây ra những tác dụng không mong muốn. Bạn nên hỏi bác sĩ kĩ lưỡng về những vấn đề trên để giảm thiểu tối đa các trường hợp rủi ro.
- Thiopurinol: thường được sử dụng trên 20 ngày để điều chỉnh nồng độ acid uric xuống mức cân bằng. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng như: nổi mẩn ngứa ở da, dị ứng và rối loạn tiêu hóa,…
Trong trường hợp bạn từng có tiền sử dị ứng và mẫn cảm với các thành phần trong thuốc, hãy chủ động báo với bác sĩ để được thay thế bằng phương pháp an toàn hơn.
3. Thuốc phân hủy acid uric
Nhóm thuốc này sử dụng men urat oxydase được chiết xuất từ nấm aspegilus flavus để phân hủy acid uric thành allantoin. Allantoin có khả năng hoàn toàn và dễ đào thải hơn acid uric gấp 10 lần.
Các loại thuốc phân hủy acid uric không được sử dụng phổ biến nên chúng tôi không thể cung cấp những thông tin cụ thể. Nếu có thắc mắc, bạn nên trao đổi bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Thuốc điều trị acid uric cao đều có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm, vì vậy bạn cần thận trọng khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Đồng thời, trong suốt thời gian dùng thuốc nên kiêng cử rượu bia, thuốc lá, chất kích thích và những thực phẩm có khả năng tương tác thuốc để hạn chế những tác dụng không mong muốn.
Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị acid uric cao, bạn nên thiết lập chế độ dinh dưỡng và luyện tập khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị. Nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và khắc phục kịp thời. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định loại thuốc phù hợp!
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!