Quy trình mổ rò hậu môn và những thông tin cần biết
Phẫu thuật là phương pháp duy nhất được chỉ định để điều trị bệnh rò hậu môn. Nắm rõ các quy trình mổ rò hậu môn sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong việc điều trị cho bản thân mình.
I/ Tìm hiểu quy trình mổ rò hậu môn
Rò hậu môn là một bệnh lý khá phổ biến, xảy ra ở vùng hậu môn – trực tràng. Để điều trị, phương pháp tối ưu mà các bác sĩ chỉ định thường là phẫu thuật. Thông thường, một quy trình mổ rò hậu môn thường được tiến hành như sau:
- Thăm khám, được tư vấn điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa. Tại đây, các bác sĩ sẽ xác định xem với tình trạng bệnh đang gặp phải đã nên mổ hay chưa.
- Bệnh nhân sẽ được sắp xếp lịch mổ, chọn bác sĩ và khám lại để nắm được tình trạng sức khỏe hiện tại.
- Tiến hành làm một số xét nghiệm để chẩn đoán hình ảnh theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Ca mổ được tiến hành trong một hệ thống phòng mổ vô khuẩn một chiều.
- Kết thúc ca phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được chăm sóc hậu phẫu thuật tại phòng riêng. Các nhân viên y tế hỗ trợ, theo dõi để tìm cách xử lý nếu như có biến chứng xảy ra.
- Kết thúc dịch vụ, tất toán ra viện.
Giải đáp: Bệnh rò hậu môn có tự lành không? Làm thế nào để nhanh khỏi?
Các bước tiến hành
Quy trình mổ rò hậu môn thì chúng ta đã nắm được. Tuy nhiên, ca phẫu thuật sẽ được tiến hành như thế nào thì ít ai biết đến. Thông thường, nó sẽ được thực hiện thông qua các bước sau đây:
*) Trước ca phẫu thuật:
Trước khi ca mổ được diễn ra, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách ăn uống, nên ăn gì và kiêng gì. Thông thường, bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất là 6 tiếng trước khi được mổ. Khoảng 1 giờ hoặc nhiều hơn trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc xổ nhằm làm rỗng ruột già. Sau đó, bệnh nhân được gây mê toàn thân.
*) Trong khi phẫu thuật:
Một quy trình mổ rò hậu môn sẽ kéo dài trong thời gian khoảng 15 – 30 phút. Tùy thuộc vào vị trí của lỗ dò mà bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp. Cụ thể:
- Người tiến hành phẫu thuật sẽ cắt bỏ lỗ rò để mở ra da, tạo vết thương hở cho vết thương chính mau lành và dính chắc vào các mô khỏe mạnh. Cách này được thực hiện cho các trường hợp có lỗ rò đi dưới hoặc đi qua phần phía dưới của cơ thắt hậu môn.
- Trường hợp lỗ rò nằm trên cơ thắt hậu môn, bệnh nhân sẽ được tạo một hậu môn giả tạm thời. Điều này được thực hiện bằng cách mở ruột già ra da. Nhưng biện pháp này ít được áp dụng.
- Nếu lỗ rò có các nhánh phụ đi qua phần phía trên của cơ thắt, bác sĩ có thể đặt mũi khâu Seton để giúp dịch mủ chảy ra bên ngoài một cách dễ dàng.
Biến chứng khi mổ rò hậu môn
Phẫu thuật mổ rò hậu môn được xem là phương pháp an toàn, ít gây tác dụng phụ, chi phí phí hợp lý. Tuy nhiên, trong khi và sau khi điều trị, bệnh nhân cũng có thể gặp phải các biến chứng. Dưới đây là các biến chứng mà bệnh nhân dễ gặp phải:
*) Biến chứng chung trong khi phẫu thuật:
- Đau
- Chảy máu
- Để lại sẹo làm mất thẩm mỹ
*) Biến chứng sau khi phẫu thuật:
- Tiểu khó
- Đi tiêu không tự chủ
- Mất khả năng kiểm soát nhu động ruột
Ngoài ra, tùy vào cơ địa và phương pháp điều trị được áp dụng mà bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề khác. Hãy trao đổi với bác sĩ để được cung cấp thêm thông tin.
II/ Một vài lưu ý sau khi thực hiện quy trình mổ rò hậu môn
Những bệnh nhân sau khi phẫu thuật rò hậu môn cần phải có một chế độ ăn uống và chăm sóc đặc biệt. Điều này không chỉ giúp bệnh mau được chữa lành mà còn làm giảm được nguy cơ mắc phải biến chứng cho bệnh nhân. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc cho người vừa thực hiện quy trình phẫu thuật rò hậu môn:
*) Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp:
Sau khi điều trị, bệnh nhân nên bổ sung thêm cho cơ thể các thực phẩm sau đây:
- Rau củ, trái cây tươi, các thực phẩm nhuận tràng để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Nếu cần thiết, có thể sử dụng thêm các loại thuốc nhuận tràng nhưng cần phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ.
- Uống nhiều nước để duy trì sự hoạt động bình thường của các quá trình trao đổi chất. Đồng thời, nó cũng sẽ ngăn chặn được tình trạng táo bón. Nếu có thể, hãy bổ sung thêm các loại nước ép hoa quả.
- Bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin và protein như các loại đậu, thịt lợn, thịt gà…
- Không nên ăn mặn mà các món ăn chỉ nên chế biến nhạt.
- Tránh xa các loại gia vị, các thức ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, các đồ uống có cồn, chất kích thích.
- Hạn chế hoặc không ăn các thực phẩm như thịt cừu, thịt bò, hải sản.
*) Vệ sinh vết mổ đúng cách:
- Bệnh nhân nên ngâm hậu môn bằng nước ấm có pha Povidone với nồng độ 3 – 4%. Điều này sẽ giúp làm giảm các cơn đau, ngăn phù nề và có tác dụng khử trùng vết mổ.
- Tuyệt đối không băng kín vết mổ mà cần để mở hoàn toàn. Bệnh nhân nên mặc những chiếc quần rộng rãi, thoáng mát và cũng không nên mặc quần lót.
- Thường xuyên vệ sinh hậu môn, đặc biệt là sau khi đi đại tiện.
- Thường xuyên thay băng gạc. Sau khi mổ, vết thương có thể chảy nhiều dịch khiến băng gạc luôn ẩm ướt. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm. Do đó, thường xuyên thay băng gạc sẽ giúp bệnh nhân tránh được tình trạng này.
*) Thay đổi chế độ sinh hoạt:
- Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không nên tắm bằng bồn tắm. Thay vào đó, hãy tắm bằng vòi hoa sen để tránh viêm nhiễm ngược.
- Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu. Hãy di chuyển nhẹ nhàng để các vết rò nhanh được chữa khỏi.
- Khi đi đại tiện, không rặn quá lâu và cũng không nên rặn quá mạnh. Tránh gây ảnh hưởng xấu cho vùng hậu môn trực tràng.
- Thường xuyên đi khám để nắm được tình trạng bệnh lý của bản thân.
Trên đây là quy trình mổ rò hậu môn và một số điều cần lưu ý. Việc áp dụng các biện pháp điều trị không chính xác hoặc điều trị không triệt để có thể gây nên các hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị khi thấy có các dấu hiệu bất thường.
ThuocDanToc.vn không đưa ra bất kì lời khuyên, tham vấn, chẩn đoán y khoa.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!