Những biến chứng nguy hiểm của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ
Thoát vị đĩa đệm cổ nếu không được can thiệp có thể gây ra nhiều biến chứng như gây rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thần kinh thực vật như tiểu hoặc đại tiện không tự chủ, rối loạn tiền đình. Thậm chí nguy hiểm hơn, bệnh có thể gây bại liệt nửa người hoặc liệt tứ chi.
Thoát vị đĩa đệm cổ xảy ra khi đĩa đệm cổ trở nên xơ yếu và mất đi sự đàn hồi, dễ dàng bị nứt rách vòng sợi bên ngoài. Đây chính là lý do khiến cho phần nhân keo bên trong bị thoát ra ngoài và gây chèn ép vào dây chằng, tủy sống và rễ dây thần kinh.
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường phổ biến ở người có độ tuổi trung niên và người già. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cao thường tập trung ở những đối tương như:
- Người lười vận động, ít tập thể dục thể thao
- Làm việc văn phòng, đặc biệt là người thường xuyên sử dụng máy tính trong thời gian dài
Nguyên nhân gây bệnh có thể là do thói quen sinh hoạt sai cách khiến cột sống cổ chịu áp lực quá lớn làm cho đốt xương sống bị phá vỡ khiến đĩa đệm bị lệch ra ngoài. Hoặc bệnh xuất hiện cũng có thể là do quá trinh thoái hóa khớp hoặc chấn thương vùng cổ gây ra.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gây đau nhức trên diện rộng. Đặc biệt, bệnh còn gây tê ngứa tay và hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Nếu việc phát hiện và điều trị thoát vị đĩa đệm cổ muộn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khó kiểm soát như:
1. Liệt nửa người và liệt tay chân
Thoát vị đĩa đệm cổ gây chèn ép rễ dây thần kinh và tủy sống dẫn đến các triệu chứng đau nhức. Nếu người bệnh không sớm can thiệp, rễ dây thần kinh bị tổn thương nặng có thể gây khó khăn trong việc vận động các chi. Điều này có thể thấy rõ khi bệnh nhân thực hiện các động tác ở cánh tay như không thể nhấc cánh tay lên cao hoặc cảm thấy khó khăn trong việc duỗi hay gấp tay lại. Khi đó, cánh tay mất dần khả năng sinh hoạt và lao động thường ngày. Lâu dần, các cơ bắp cánh tay có thể bị teo lại, liệt cơ gây mất khả năng vận động và lao động.
Trong trường hợp đĩa đệm bị thoát gây chèn ép tủy sống ở đốt sống cổ 2 và 3, cơn tê ngứa có thể sẽ khởi phát từ cổ lan rộng ra toàn thân rồi đến chân. Lúc này, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức dữ dội và không thể vận động chân như bình thường. Về lâu dài, các bắp chân yếu dần và gây liệt. Nguy hiểm hơn, nếu bệnh không phát hiện và can thiệp sớm, người bệnh rất có thể sẽ bị bại liệt nửa người.
2. Rối loạn tiền đình (thiếu máu nuôi dưỡng não)
Nếu khối thoát vị thoát ra và gây chèn ép dây thần kinh, tủy sống, cơn đau từ đốt sống cổ có thể lan rộng ra bả vai, cánh tay, ngón tay và lan lên hốc mắt và vùng sau đầu. Bên cạnh đó, khối thoát vị không chỉ gây chèn ép dây thần kinh mà còn chèn ép mạch máu ở vùng cổ làm giảm quá trình lưu thông máu từ tim đến não gây rối loạn tiền đình.
Đây là một trong những biến chứng nhẹ của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh rối loạn tiền đình là đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, rối loạn thị giác,…
3. Hội chứng giao cảm cổ sau
Hội chứng giao cảm cổ sau xuất hiện khi các nhân nhày gây chèn ép vào các rễ dây thần kinh tủy sống. Triệu chứng điển hình của hội chứng này thường là rối loạn thăng bằng, đau đầu, rối loạn chức năng nuốt và nghe, chóng mặt.
Thông thường, các biểu hiện hội chứng giao cảm cổ sau thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng lúc, đúng cách chúng có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Khi đó, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức hoặc rối loạn chức năng vận động ở tay, chân. Trầm trọng hơn, bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc cử động, không thể tự đi lại nếu không có sự trợ giúp từ người thân.
Thoát vị đĩa đệm cổ nếu chuyển nặng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, để phòng ngừa bệnh, bệnh nhân nên có chế độ ăn uống và làm việc khoa học, hợp lý. Thường xuyên tập thể dục, giữ ấm vùng cổ và không nên cúi đầu quá lâu hoặc giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh các động tác làm căng cổ hoặc từ bỏ các thói quen tác động xấu đến vùng cột sống cổ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Các bài tập dành cho người thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hữu ích nhất
- Mổ thoát vị đĩa đệm ở bệnh viện nào là tốt nhất?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!