Nguyên nhân nào gây chảy máu tai? Chẩn đoán & điều trị
Chảy máu tai có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nguy hiểm như chấn thương màng não (sau khi bị chấn thương đầu), chấn động, nhiễm trùng tai, thủng màng nhĩ… Nắm bắt sớm nguyên nhân, triệu chứng, người bệnh sẽ chủ động hơn trong ứng phó và điều trị.
I. Nguyên nhân gây chảy máu tai
Có khá nhiều nguyên nhân gây hiện tượng chảy máu tai. Mỗi nguyên nhân này lại có những biểu hiện riêng biệt. Chảy máu tai xuất phát từ những nguyên nhân sau:
1. Thủng màng nhĩ
Màng nhĩ là một lớp màng ngăn cách tai giữa với tai ngoài, chúng dễ bị vỡ hoặc rách do nhiều yếu tố như: nhiễm trùng tai, chấn thương khí áp, âm thanh của vụ nổ lớn… Thủng ở màng nhĩ có thể gây chảy máu tai và bạn có thể bắt gặp những triệu chứng như:
- Đau hoặc khó chịu trong tai
- Mất thính lực (điếc một bên tai hoặc hai bên)
- Ù tai
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn do chóng mặt.
2. Nhiễm trùng tai
Ai cũng có thể bị nhiễm trùng tai nhưng phổ biến nhất vẫn là ở lứa tuổi trẻ em. Nhiễm trùng tai có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của tai. Chảy máu tai là triệu chứng dễ nhận biết nhất. Bên cạnh đó, bạn có thể xuất hiện các biểu hiện sau:
- Sốt
- Đau đầu
- Tai đỏ
- Có mủ chảy ra từ tai
- Sưng
- Đau mạnh trong ống tai
- Giảm khả năng nghe
- Buồn nôn
- Ù tai.
3. Chấn thương bề mặt
Chấn thương nhỏ trên tai như vết xước, vết cắt có thể gây hiện tượng chảy máu ngoài tai kèm theo cảm giác đau nhẹ tại vị trí chấn thương (chẳng hạn như xỏ lỗ tai). Ngoài ra, ráy tai mạnh cũng có thể là nguyên nhân khiến tai bị chảy máu.
4. Mắc kẹt dị vật trong tai
Mắc kẹt dị vật trong tai thường gặp ở đối tượng trẻ em nhiều hơn là người lớn. Điều này không quá khó hiểu bởi trẻ em thường hiếu động, thích tìm tòi những thứ mới lạ nên hay đưa đồ chơi, hạt cát nhỏ vào trong tai.
Bất kỳ vật nào đưa vào trong tai cũng có thể gây chảy máu, nhiễm trùng hoặc tạo cảm giác khó chịu. Hiện tượng trên có thể giải quyết khi dị vật mắc kẹt trong ống tai được lấy ra.
5. Chấn thương vùng đầu hoặc chấn thương
Một số chấn thương nặng hoặc chấn thương ở đầu có thể gây hiện tượng chảy máu tai. Đa phần, các chấn thương này xuất phát từ tai nạn, ngã hay do hoạt động thể thao. Đối với trường hợp chảy máu tai do chấn thương đầu, đây rất có thể là dấu hiệu của chấn động.
Các triệu chứng của chấn động gồm:
- Đau đầu
- Tiếng chuông trong tai
- Chóng mặt
- Buồn nôn và ói mửa
- Hay quên
- Mất ý thức tạm thời
- Choáng váng
- Mệt mỏi
- Cáu gắt
- Mất ngủ
Ngoài ra, chảy máu từ tai sau chấn thương đầu có thể là dấu hiệu của chảy máu não hoặc chấn thương nghiêm trọng khác. Lúc này, bạn cần đến cơ sở y tế thăm khám ngay lập tức.
6. Chấn thương khí áp
Sự thay đổi đột ngột về độ cao trong các hoạt động bay hoặc lặn có thể gây ra chấn thương khí áp. Bên cạnh triệu chứng chảy máu cam, chấn thương khí áp còn có thể gây ra:
- Đau tai
- Áp lực trong tai
- Giảm thính lực
- Chóng mặt
- Ù tai
ĐỌC NGAY: Nguyên nhân gây ù tai khi đi máy bay và cách khắc phục
7. Ung thư ống tai
Phần lớn các trường hợp ung thư tai là kết của ung thư da ở tai ngoài. Tuy nhiên, những người bị nhiễm trùng tai mãn tính kéo dài hoặc tái phát trong 10 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư tai giữa hoặc tai trong, các triệu chứng của bệnh là:
- Mất thính lực
- Đau tai
- Sưng hạch bạch huyết
- Liệt một bên mặt
- Ù tai
- Đau nhức đầu
II. Khi nào cần đi thăm khám bác sĩ?
Nếu bị chảy máu tai do chấn thương đầu, chấn thương do tập luyện thể thao, bạn nên nhanh chóng liên hệ với chuyên gia để được nhận sự trợ giúp y tế vì đây rất có thể là dấu hiệu của chấn động hay chảy máu não.
Trong trường hợp chảy máu tai do nhiễm trùng tai ngoài hoặc chấn thương nhẹ, bạn vẫn nên đến gặp chuyên gia để chẩn đoán và được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.
Chảy máu tai do vết cắt nông hoặc một vật thể lấy ra khỏi tai có thể không cần đến cơ sở y tế. Tuy nhiên, nếu bạn không thể lấy dị vật ở tai, nên liên hệ với chuyên gia để tìm cách loại bỏ chúng ra khỏi tai một cách an toàn.
III. Chẩn đoán chảy máu tai
Khi đến cơ sở y tế, trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tai, cổ, đầu, họng, hỏi thăm về tình trạng sức khỏe và thời gian bệnh biểu hiện.
Nếu như gần đây bạn bị tai nạn, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra có điều gì bất thường hay không.
Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chuyển bạn đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế lớn hơn để kiểm tra thêm.
Nếu nguyên nhân gây chảy máu không rõ ràng, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thể chất kỹ lưỡng hơn. Bác sĩ của bạn có thể sử dụng ống soi để nhìn vào bên trong tai và tìm kiếm những thương tổn đáng ngờ. Nếu những biện pháp thăm khám lâm sàng không cho ra được kết quả, bạn sẽ được chỉ định các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang hoặc CT.
IV. Điều trị chảy máu tai
Việc điều trị chảy máu tai bắt đầu từ việc điều trị nguyên nhân. Khi “phần gốc” được triệt tiêu, triệu chứng bệnh sẽ biến mất. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Đó là:
- Dùng thuốc kháng sinh: Kháng sinh thích hợp dùng điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, không phải tất cả các dạng nhiễm trùng nào ở tai cũng đều đáp ứng với kháng sinh. Thuốc kháng sinh chỉ đặc hiệu với vi khuẩn, không dùng thuốc trên để trị nhiễm trùng tai do virus gây nên.
- Theo dõi và chờ đợi: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho cả trường hợp thủng màng nhĩ, chấn động hoặc các loại chấn thương đầu có thể quan sát được. Sau khi chảy máu, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn báo cáo mọi thay đổi và định hướng điều trị bổ sung nếu cần thiết.
- Thuốc chống viêm và giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn có thể làm giảm cảm giác đau, khó chịu do nhiễm trùng hay áp lực tai.
- Chườm ấm: Dùng khăn ấm thấm nước nóng, vắt khô, đặt khăn áp sát tai. Hơi nóng ấm nhẹ sẽ giúp bạn giảm đau và các triệu chứng khó chịu.
- Bảo vệ đôi tai của bạn: Trước khi có chẩn đoán của chuyên gia, bạn hãy dùng miếng bịt tai để ngăn nước, bụi, mảnh vụn xâm nhập.
Nếu một người có vết cắt hoặc chấn thương gây chảy máu tai ngoài, họ nên giữ khu vực sạch sẽ và tránh động hay ngoáy vào vết thương cho đến khi nó lành.
Trong một số trường hợp chấn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể được yêu cầu nhập viện và phẫu thuật.
V. Biến chứng của chảy máu tai
Nếu chảy máu tai xuất phát từ những nguyên nhân ít nghiêm trọng, điều này sẽ không gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm trùng tai, chấn thương tai mà không có biện pháp điều trị sớm, điều này có thể gây nên biến chứng nguy hiểm.
Chẳng hạn, nhiễm trùng tai có thể gây vỡ màng nhĩ. Khi màng nhĩ bị vỡ, tai mất đi lớp màng bảo vệ, điều này càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Nhiễm trùng tai nghiêm trọng có thể dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn nếu nhiễm trùng không được điều trị đúng cách.
Các biến chứng khác thường gặp do chảy máu tai gây ra gồm:
- Mất thính lực kéo dài
- Thay đổi trong xử lý ngôn ngữ
- Ù tai vĩnh viễn
- Đau đầu
- Chóng mặt kéo dài
- Thủng màng nhĩ
Trên đây là một số thông tin về hiện tượng chảy máu tai ở người. Hy vọng bài viết hữu ích đến bạn. ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán và điều trị y khoa.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Chảy mủ ở tai: Nguyên nhân và cách điều trị
- Hướng dẫn các cách chữa đau tai tại nhà bạn nên biết
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!