Mọi điều bạn cần biết về ung thư tai
Ung thư tai là một bệnh lý hiếm gặp không chỉ ảnh hưởng đến thính lực mà còn gây ra nhiều biến chứng nếu không sớm can thiệp. Các tế bào ung thư thường phát triển ở vùng tai ngoài trước rồi lan rộng khắp cấu trúc tai. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát ở vùng tai trong.
Nguyên nhân dẫn tới ung thư tai
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh ung thư tai. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm này, bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng mặt trời mà không dùng kem chống nắng.
- Màu da: Các khảo sát cho thấy những người da trắng có nguy cơ mắc ung thư tai nhiều hơn so với người da màu.
- Nhiễm trùng tai, viêm tai, viêm tai giữa: Những triệu chứng kéo dài của các bệnh lý về tai này có thể làm xuất hiện các tế bào ung thư.
- Tuổi tác: Bệnh ung thư tai thường xuất hiện phổ biến hơn ở những người trên 70 tuổi.
Một số loại ung thư tai phổ biến
Một số loại ung thư có thể di căn đến tai, phát triển và hình thành các vấn đề nghiêm trọng nếu không sớm phát hiện.
Các loại ung thư tai phổ biến bao gồm:
1. Ung thư biểu mô tế bào đáy
Đây là một dạng ung thư da thường xuất hiện ở tế bào đáy, phát triển ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Vùng tai ngoài cũng là khu vực bệnh dễ phát sinh.
Một số triệu chứng của loại ung thư này bạn cần lưu ý là sự xuất hiện của khối u giống như vết loét hay vết sẹo. Thường khu vực phát bệnh sẽ có các mảng đỏ, sưng lên.
2. Ung thư biểu mô tế bào vảy
Loại ung thư da này sẽ xuất hiện ở tế bào vảy tạo nên lớp biểu bì ngoài cùng của da. Chúng cũng rất dễ phát sinh tại vùng tai với các triệu chứng như xuất hiện vảy, mảng đỏ, mụn cóc hay các vết loét mở ở vùng da tai.
Mặc dù, ung thư biểu mô tế bào vảy ở tai không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
3. Ung thư biểu mô nang
Đây là một loại ung thư hiếm gặp thường phát sinh ở tuyến nước bọt nhưng cũng có nhiều trường hợp xuất hiện trong tai. Ung thư biểu mô nang chỉ chiếm khoảng 5% tổng số trường hợp ung thư tai.
Trên đây là một số loại ung thư tai thường gặp nhất. Ngoài ra một số loại ung thư khác cũng có thể di căn đến vùng tai như ung thư tế bào hắc tố, ung thư tuyến mang tai…
Các dấu hiệu nhận biết ung thư tai
Để sớm phát hiện ung thư tai thì việc nắm bắt được những dấu hiệu của bệnh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh tùy thuộc rất nhiều vào vị trí phát triển của tế bào ung thư.
Đối với tai ngoài
- Xuất hiện khối u ở vành tai, đái tai hay ống tai ngoài
- Da có dấu hiệu bong vảy, cả khi đã dưỡng ẩm
- Có vết loét hay chảy máu ở tai ngoài
Đối với ống tai
- Có khối u cục trong ống tai
- Xuất hiện dịch chảy ra từ tai
- Giảm hay mất thính lực
- Cảm giác đau đớn
Đối với tai giữa
- Chảy dịch từ tai, đôi khi có dính máu, mùi hôi
- Mất thính lực
- Đau tai
- Cơ mặt bên tai bị ảnh hưởng khó cử động
Đối với tai trong
- Đau tai
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Mất thính lực
- Ù tai
Chẩn đoán ung thư tai như thế nào?
Để chẩn đoán bệnh ung thư tai, chỉ dựa vào các triệu chứng là chưa đủ. Bởi các triệu chứng này khiến các bác sĩ dễ nhầm lẫn giữa bệnh ung thư tai và nhiễm trùng tai thông thường.
Một xét nghiệm sinh thiết sẽ được chỉ định để bác sĩ chắc chắn rằng bạn đang bị ung thư tai. Tế bào hoặc mô tại vị trí được xác định là bị bệnh sẽ được lấy để soi chiếu dưới kính hiển vi. Cùng với đó, bác sĩ có thể sẽ thực hiện một số phân tích về mặt hóa học để đánh giá toàn diện hơn tình hình.
Đối với sự phát triển tế bào ung thư ở tai trong sẽ gây khó khăn cho việc tiếp cận. Điều này sẽ khiến việc xét nghiệm sinh thiết gặp khó khăn. Vì thế, các xét nghiệm về hình ảnh như CT scanner hay chụp cộng hưởng từ MRI sẽ được thực hiện để chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
Hướng điều trị bệnh ung thư tai
Thông thường, đối với bệnh ung thư tai, bác sĩ sẽ căn cứ vào sự phát triển của tế bào ung thư để lựa chọn cho người bệnh phương pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên, người bệnh sẽ luôn phải trải qua một cuộc phẫu thuật.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể còn phải trải qua các đợt hóa trị hay xạ trị tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Một số ít trường hợp, sau điều trị thính giác của người bệnh không bị ảnh hưởng quá nhiều. Còn phần đa người bệnh đều phải sử dụng đến máy trợ thính.
Bài viết đã cung cấp một số thông tin về bệnh ung thư tai. Bạn nên thường xuyên đi thăm khám bác sĩ nếu như mắc bệnh viêm tai hay nhiễm trùng tai lâu ngày.
ThuocDanToc.vn không đưa ra lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.
Có thể bạn quan tâm:
- Khám và chữa viêm tai giữa ở đâu tốt tại TPHCM và Hà Nội?
- Viêm tai ngoài ác tính: Nguyên nhân, triệu chứng & điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!