Mới phẫu thuật cắt trĩ nên ăn gì và kiêng gì ?
Để hạn chế các biến chứng sau phẫu thuật cắt trĩ và thúc đẩy vết mổ nhanh phục hồi, bạn cần bổ sung những thực phẩm phù hợp, hạn chế đồ ăn cay nóng, dầu mỡ cùng một số thói quen thiếu lành mạnh. Vậy sau phẫu thuật cắt trĩ nên ăn gì và kiêng gì thì tốt? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau
Sau phẫu thuật cắt trĩ nên ăn gì và kiêng gì ?
Sau khi phẫu thuật, bạn cần bổ sung các thực phẩm lành mạnh để giảm áp lực lên khu vực vừa phẫu thuật. Đồng thời cần hạn chế các chất kích thích, thực phẩm có khả năng gây táo bón và tăng mức độ chèn ép lên tĩnh mạch trực tràng.
1. Sau phẫu thuật cắt trĩ nên ăn gì?
Việc thiết lập chế độ dinh dưỡng thích hợp trong thời gian này không chỉ giúp cơn đau thuyên giảm mà còn tăng khả năng phục hồi tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn. Dưới đây là một số thực phẩm bạn nên bổ sung sau khi phẫu thuật:
Sữa
Sau khi phẫu thuật cắt trĩ, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện chế độ ăn ít chất thải để tránh kích thích và tổn thương tĩnh mạch ở trực tràng. Vì vậy, bạn nên bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng ở dạng lỏng để cơ thể giảm thiểu lượng phân ở mức tối đa.
Sữa là nhóm thực phẩm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, bao gồm đạm, khoáng chất, acid amin, vitamin,… Thành phần trong sữa có khả năng cung cấp năng lượng và tránh gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
Tuy nhiên uống nhiều sữa có thể làm tăng tiết acid dạ dày và gây trào ngược thực quản. Vì vậy bạn chỉ nên dùng 2 ly sữa mỗi ngày (sáng – tối). Nếu bị dị ứng hoặc nổi mụn sau khi dùng sữa bò, bạn có thể thay thế bằng các loại sữa hạt (sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, sữa óc chó,…).
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung các chế phẩm khác từ sữa như phô mai và sữa chua để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và hạn chế áp lực lên vết mổ.
Rau xanh
Rau xanh là nhóm thực phẩm được khuyến khích cho bệnh nhân trĩ trước và sau khi phẫu thuật. Với hàm lượng vitamin, khoáng chất và nước dồi dào, rau xanh có khả năng hạn chế táo bón, giúp phân lỏng và giảm mức độ chèn ép lên trực tràng, hậu môn.
Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, bạn chỉ nên sử dụng rau xanh đã được nấu chín. Việc dùng sống hoặc sử dụng nước ép từ rau xanh có thể gây nhiễm trùng ở cơ quan vừa được phẫu thuật.
Thay vào đó, bạn nên chế biến rau bằng cách luộc hoặc nấu canh để hỗ trợ chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Tinh bột
Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Vì vậy sau khi phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ, bạn nên bổ sung một lượng tinh bột vừa phải để phục hồi thể trạng.
Tuy nhiên nhóm thực phẩm này có thể kích thích lên niêm mạc đường tiêu hóa nếu không chế biến đúng cách. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên sử dụng gạo hoặc yến mạch nấu cháo loãng nhằm tránh gây tổn thương ở khu vực trực tràng.
Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung tinh bột bằng các món ăn như súp khoai tây hoặc khoai lang hấp để cung cấp năng lượng và bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Thịt trắng
Bên cạnh các thực phẩm nêu trên, bạn vẫn nên bổ sung một lượng thịt vừa phải để cung cấp protein cho cơ thể. Tuy nhiên trong thời gian này, bạn chỉ nên bổ sung thịt trắng (cá, thịt gà, vịt) để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
Sử dụng thịt đỏ dễ gây khó tiêu và táo bón. Điều này có thể khiến trực tràng đau rát khi đại tiện và tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
Trứng
Tương tự như thịt, trứng cũng là loại thực phẩm cung cấp protein và các thành phần cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, trứng còn chứa vitamin và acid amin thúc đẩy quá trình tổng hợp collagen. Collagen là một dạng protein giúp liên kết các tế bào và thúc đẩy phục hồi tế bào tổn thương.
Vì vậy việc bổ sung trứng vào chế độ ăn hàng ngày không chỉ giúp bệnh nhân trĩ giảm căng thẳng khi đại tiện mà còn hỗ trợ làm lành vết mổ.
Ngoài việc bổ sung những loại thực phẩm này, bệnh nhân sau phẫu thuật trĩ cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Cần chế biến món ăn chín hoàn toàn để tránh tình trạng nhiễm trùng.
- Nên chế biến món ăn ở dạng luộc, nấu canh, súp và hạn chế tối đa việc nêm nếm gia vị. Trong thời gian này nên ăn lạt để tránh gây xót và rát ở vết mổ.
- Không sử dụng thực phẩm ở dạng chiên, nướng, sấy khô hoặc chế biến sẵn. Thực phẩm ở những dạng này đều giảm giá trị dinh dưỡng và có nguy cơ gây viêm tĩnh mạch trực tràng.
- Nên ăn chậm, nhai kĩ và uống nhiều nước để giúp phân lỏng và giảm căng thẳng khi đại tiện.
→Xem thêm: Phẫu Thuật Cắt Trĩ Có Đau Không? Sau Bao Lâu Thì Lành?
2. Mới phẫu thuật cắt trĩ nên kiêng ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên bổ sung, người vừa thực hiện phẫu thuật cắt trĩ cần hạn chế các đồ ăn chiên dầu, cay nóng, chất kích thích, rượu bia và một số thói quen thiếu lành mạnh.
Để vết mổ không bị nhiễm trùng và nhanh phục hồi, bạn cần kiêng cử:
- Thực phẩm chiên, xào: Dầu mỡ trong các loại thực phẩm này có khả năng gây viêm và tụ mủ ở vết mổ. Ngoài ra acid béo no trong dầu mỡ còn tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa, gây ra tình trạng đầy bụng và khó tiêu.
- Thực phẩm chế biến sẵn và nhiều gia vị: Chất bảo quản và gia vị là nguyên nhân khiến dạ dày phải tăng tiết acid để tiêu hóa. Hoạt động quá mức ở dạ dày khiến bạn dễ bị chướng bụng và đầy hơi, đồng thời tăng nguy cơ táo bón và gây áp lực lên tĩnh mạch hậu môn.
- Thực phẩm cay nóng: Các thực phẩm cay nóng có khả năng gây đau rát khu vực trực tràng và hậu môn khi đại tiện – nhất là đối với bệnh nhân vừa phẫu thuật trĩ.
- Rượu bia: Cồn và các chất kích thích trong rượu bia không chỉ tăng áp lực lên cơ quan tiêu hóa mà còn có khả năng hình thành huyết khối và gây tắc tĩnh mạch trực tràng.
- Vận động mạnh: Áp lực từ các hoạt động có cường độ mạnh sẽ tăng mức độ chèn ép lên vùng xương chậu và hậu môn. Điều này có thể khiến vết mổ sưng viêm và tăng nguy cơ chảy máu. Để hạn chế tình trạng này, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi sau khi thực hiện phẫu thuật.
- Hoạt động tình dục: Hoạt động tình dục ngay sau khi cắt trĩ có thể tăng áp lực lên các cơ quan xung quanh hậu môn và gây đau nhức nghiêm trọng. Chỉ khi tĩnh mạch ở trực tràng phục hồi hẳn, bạn mới nên quan hệ tình dục trở lại.
Trên đây là những thông tin gợi ý nên ăn gì kiêng gì sau khi phẫu thuật cắt trĩ. Nếu không tuân thủ những điều nên kiêng kỵ, vết mổ ở trực tràng sẽ có nguy cơ nhiễm trùng, đau nhức, sưng viêm hoặc hình thành búi trĩ mới. Các trường hợp tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ thường có tiến triển tốt và hiếm có trường hợp tái phát trong vòng 6 tháng sau phẫu thuật.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Các phương pháp phẫu thuật cắt trĩ: Ưu điểm, nhược điểm và chi phí
- Tại sao cắt trĩ xong vẫn lòi búi trĩ? Có cần mổ tiếp?
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!