Đau thần kinh tọa khi mang thai và những điều mẹ bầu cần lưu ý

Chứng đau thần kinh tọa khi mang thai có thể khiến bạn gặp khó khăn khi đi lại cũng như thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Nếu bạn e ngại việc dùng thuốc giảm đau gây hại cho em bé, nhiều biện pháp tự nhiên có thể giúp khắc phục căn bệnh này một cách an toàn.

Dưới đây là một số vấn đề mẹ bầu cầu lưu ý về chứng đau dây thần kinh tọa khi mang thai nhằm biết cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Đau thần kinh tọa khi mang thai
Không có nhiều phụ nữ bị đau thần kinh tọa khi mang thai

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa khi mang thai

Bệnh đau thần kinh tọa ảnh hưởng đến khoảng 1% trong tổng số phụ nữ mang thai. Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu mắc căn bệnh này như:

  • Do ảnh hưởng của các vấn đề ở cột sống thắt lưng: Ví dụ như phình địa đệm, thoát vị đĩa đệm, hẹp cột sống hay thoái hóa đĩa đệm… Những căn bệnh này có thể xảy ra trước hoặc trong thời gian mang thai gây áp lực lên dây thần kinh tọa. Từ đó, dẫn đến các cơn đau.
  • Sự gia tăng hóc môn relaxin trong thai kì: Loại hóc môn này được sinh ra nhằm mục đích nới lỏng và làm giãn các dây chằng ở khu vực xương chậu, giúp chị em có thể sinh thường dễ dàng qua ngã âm đạo. Chính điều này khiến các dây chằng bị lỏng lẻo quá mức và không thể bảo vệ tốt các dây thần kinh tọa khỏi sự tác động từ bên trong lẫn bên ngoài.
  • Do sự nới rộng của tử cung và cân nặng của em bé: Càng về những tháng sau của thai kỳ, tử cung sẽ càng phải nới rộng thêm để đáp ứng được sự phát triển của em bé. Đau là hậu quả tất yếu khi các dây thần kinh tọa phải chịu thêm nhiều áp lực.
  • Vị trí nằm của em bé: Trong một số trường hợp, vị trí của em bé có thể đè ép trực tiếp lên dây thần kinh tọa ở mông, hông và chân gây ra các cơn đau ở khu vực này.
  • Một số yếu tố khác thể làm tăng nguy cơ mắc đau thần kinh tọa khi mang thai như: Tiền sử chấn thương vùng chậu, đau lưng mãn tính, đau lưng dưới trước khi mang thai.

Bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai có biểu hiện như thế nào?

Bạn nên thận trọng với chứng đau thần kinh tọa nếu gặp các dấu hiệu sau trong thời gian có thai:

  • Đau thường xuyên hoặc liên tục ở một bên mông hoặc chân.
  • Cơn đau ảnh hưởng đến khu vực đường đi của dây thần kinh tọa. Bạn có thể bị đau từ mông xuống phía sau đùi và đến bàn chân.
  • Đau nặng hơn khi đi lại, cúi gập người hoặc ho
  • Tê yếu, ngứa râm ran ở chân hoặc bàn chân bị ảnh hưởng
  • Gặp khó khăn khi thực hiện các chuyển động như đi, đứng hoặc ngồi.
  • Dáng đi tập tễnh
  • Hai chân mất cảm giác, không thể kiểm soát hoạt động đại tiểu tiện do bị tổn thương rễ thần kinh.
Triệu chứng bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai
Bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai gây ra các cơn đau khiến bà bầu gặp khó khăn trong việc vận động, đi lại

XEM THÊM: Bệnh đau thần kinh tọa có nguy hiểm không? Nên làm gì?

Cách điều trị đau thần kinh tọa khi mang thai

Chứng đau thần kinh tọa khi mang thai có thể được điều trị khỏi. Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc chữa bệnh dùng được trong thai kỳ. Một số trường hợp cơn đau có thể được khắc phục mà không cần dùng thuốc.

1. Chữa đau thần kinh tọa cho phụ nữ mang thai bằng thuốc

Sử dụng thuốc giảm đau là cần thiết nếu cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và khiến bạn bị mất ngủ. Tuy nhiên, thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) chỉ nên được sử dụng như là phương sách cuối cùng trong thai kỳ bởi nó có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Mặc dù Acetaminophen (Tylenol) không cho hiệu quả cao, nhưng nó có thể giúp giảm đau và được coi là ít rủi ro hơn NSAID.

Trường hợp bị đau nghiêm trọng hoặc có tổn thương ở rễ thần kinh, bác sĩ có thể thực hiện tiêm cột sống để giảm đau. Dù bạn dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần được bác sĩ chỉ định và giám sát trong suốt quá trình điều trị nhằm đảm bảo không có bất kì tác dụng phụ xấu nào xảy ra.

Khắc phục bệnh đau dây thần kinh tọa khi mang thai bằng các biện pháp tự nhiên

Thay vì sử dụng thuốc tân dược, nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để khắc phục bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Một vài cách bà bầu có thể làm để giảm đau thần kinh tọa mà không cần dùng thuốc hoặc phương pháp điều trị xâm lấn như:

  • Nghỉ ngơi:

Khi cơn đau xảy ra, việc nghỉ ngơi là rất quan trọng. Bạn nên nằm nghỉ trên giường phẳng và nghiêng người về phía không bị đau. Vị trí này có thể giúp giảm bớt một số áp lực lên dây thần kinh.

  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh:

Áp một bịch đá lạnh hoặc một chai nước nóng vào khu vực bị đau có thể giúp cảm thấy dễ chịu hơn. Lặp lại 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 15-20 phút.

  • Massage giảm đau dây thần kinh tọa khi mang thai:

Massage không chỉ giúp thư giãn tinh thần, giảm lo lắng trong thời gian mang thai mà còn có tác dụng kiểm soát cơn đau ở dây thần kinh tọa. Tuy nhiên bạn cần tìm đến các nhà trị liệu đã được cấp phép hoạt động chuyên sâu về massage trước khi sinh để được thực hiện đúng cách.

  • Tập luyện với con lăn bọt:

Con lăn bọt là một thiết bị rẻ tiền bạn có thể sử dụng để xoa bóp, làm thư giãn các cơ bắp chân, cơ hông và các cơ hình lê chèn ép lên dây thần kinh tọa, qua đó cải thiện các cơn đau.

Bạn có thể tập luyện theo các bước sau:

+ Bước 1: Đặt một con lăn bọt trên sàn nhà

+ Bước 2: Ngồi trên con lăn và chống hai tay phía sau để giữ thăng bằng

+ Bước 3: Bắt chéo chân phải lên phần trên của đầu gối chân trái

+ Bước 4: Đẩy con lăn di chuyển tới lui trong khoảng 30-60 giây

+ Bước 5: Đổi chân và lặp lại động tác tương tự.

  • Trị đau thần kinh tọa khi mang thai bằng châm cứu:

Châm cứu là phương pháp giảm đau được ứng dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Thầy thuốc sẽ sử dụng các cây kim nhỏ châm vào huyệt đạo nhằm kích thích lưu thông khí huyết, cân bằng năng lượng cho cơ thể.

Châm cứu chữa đau thần kinh tọa khi mang thai
Châm cứu là cách chữa đau thần kinh tọa khi mang thai an toàn

Nghiên cứu “Hiệu quả của Châm cứu để điều trị đau thần kinh tọa” cho thấy, sử dụng châm giúp giảm đau thần kinh tọa hiệu quả hơn so với việc điều trị bằng thuốc NSAID. Các nghiên cứu y học phương Tây cũng đã chỉ ra rằng bằng cách kích thích các điểm đặc biệt trên cơ thể, các hormone và chất dẫn truyền thần kinh khác nhau được giải phóng. Những thứ này có thể giúp giảm đau và thư giãn thần kinh, cơ bắp.

  • Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu bao gồm nhiều phương pháp như nhiệt trị liệu, điện trị liệu, kéo giãn cột sống và các bài tập tại nhà được hướng dẫn bởi một chuyên gia. Nó có thể làm giảm đau thần kinh tọa bằng cách giảm viêm, cải thiện lưu lượng máu và sắp xếp lại các khớp và cơ bắp. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia để lựa chọn được phương pháp vật lý trị liệu chữa đau dây thần kinh tọa khi mang thai an toàn nhất.

  • Bổ sung magiê

Magiê là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh. Nó giúp đảm bảo sự ổn định của các dẫn truyền thần kinh, xoa dịu trạng thái căng thẳng ở thần kinh tọa.

Bà bầu có thể tìm thấy magiê trong nhiều loại thực phẩm như cá, các loại đậu, ngũ cốc, chuối, trái cây khô, bơ, sữa chua, rong biển.

Ngoài ra có thể uống bổ sung magiê hoặc sử dụng các loại kem chứa chất này thoa lên chân để làm giảm sự khó chịu từ đau thần kinh tọa. Điều cực kỳ quan trọng là nói chuyện với bác sĩ trước khi bạn bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung mới.

  • Tập yoga giảm đau thần kinh tọa:

Những lợi ích của yoga đối sức khỏe đã được ghi nhận rõ ràng và được biết đến rộng rãi. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi yoga được ứng dụng trong thời gian mang thai có thể làm giảm đau thần kinh tọa. Tương tự như vật lý trị liệu , yoga có thể sắp xếp lại cơ thể của bạn và làm giảm sự chèn ép lên dây thần kinh tọa.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng việc tập luyện yoga trong khi mang thai có thể nguy hiểm do sự lỏng lẻo của các dây chằng. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên tập luyện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia. Hãy thử tham gia một lớp học yoga trước khi sinh và tập luyện thuần thục trước khi bạn tự thực hiện tại nhà.

Nếu đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị, cơn đau thần kinh tọa sẽ dần được khắc phục và không gây bất kì trở ngại nào cho thai kỳ.

Làm thế nào để phòng ngừa đau thần kinh tọa khi mang thai?

Mặc dù đau thần kinh tọa ít khi gặp trong thời kỳ mang thai nhưng điều đó không có nghĩa là bệnh không xảy ra với bạn. Hãy chủ động thực hiện những điều sau để hạn chế nguy cơ mắc bệnh:

  • Không mang vác vật nặng hoặc lao động quá sức khi có thai
  • Đeo đai nâng bụng bầu để giảm áp lực lên khung xương chậu và thần kinh tọa.
  • Ngủ đủ giấc, tránh để đầu óc căng thẳng, suy nghĩ quá nhiều
  • Thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường sức mạnh cho các cơ, giúp quá trình sinh nở được dễ dàng.
  • Có chế độ ăn uống hợp lý để không bị tăng cân quá nhiều trong thời gian mang thai
  • Không đứng hay ngồi một chỗ trong nhiều giờ đồng hồ liên tục.

Bài viết vừa giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị và phòng ngừa bệnh đau thần kinh tọa khi mang thai. Căn bệnh này không quá nguy hiểm nhưng lại có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của bạn. Để không gặp nhiều rắc rối với căn bệnh này, hãy thăm khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn đang có dấu hiệu bị bệnh.

Thông tin ThuocDanToc.vn cung cấp không thay thế được cho chẩn đoán và điều trị của bác sĩ!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân đau thần kinh tọa giúp mau hồi phục

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp điều trị được chỉ định, bệnh nhân đau thần kinh tọa cần...

Bệnh đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Bệnh đau thần kinh tọa có nguy hiểm không?

Đau thần kinh tọa là bệnh lý mà ở lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải, đặc biệt là...

chữa đau thần kinh tọa bằng ngải cứu

Cách chữa đau thần kinh tọa bằng ngải cứu của ông bà ta

Đau nhức từ hông lan xuống mông, đến bàn chân là triệu chứng mà hầu hết những người bị đau...

Sữa tỏi chữa trị bệnh đau thần kinh tọa hiệu quả

Hướng dẫn cách chữa đau thần kinh tọa bằng sữa tỏi hiệu quả

Người bị đau thần kinh tọa thường phải đối mặt với những cơn đau dai dẳng, ảnh hưởng rất nhiều...

Bị đau thần kinh tọa có nên tập thể hình không?

Hiện nay rất nhiều bạn trẻ đang trở thành nạn nhân của bệnh đau dây thần kinh. Những cơn đau...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *