Chi tiết quá trình khám bệnh và chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm là một bước quan trọng giúp đánh giá được mức độ và nguyên nhân gây bệnh, từ đó giúp bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng đối tượng. Vậy quá trình khám bệnh được diễn ra như thế nào? Bệnh nhân sẽ phải trải qua những xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh? Tham khảo bài viết dưới đây để biết thông tin chi tiết.
Quy trình khám bệnh và chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Thủ tục thăm khám bệnh thoát vị đĩa đệm bao gồm các bước sau:
Bước 1: Thăm khám lâm sàng
Ở bước này, bác sĩ sẽ đưa ra một số câu hỏi liên quan đến triệu chứng của bệnh và thời điểm, tần suất chúng diễn ra. Cụ thể là:
- Các cơn đau: Bạn cần cung cấp thông tin chính xác cho các câu hỏi như vị trí đau xuất phát ở đâu? Mức độ đau như thế nào? Cơn đau kéo dài trong bao lâu? Nó xảy ra thường xuyên không?…
- Vấn đề liên quan đến sức khỏe: Một số điều kiện về y tế như loãng xương, gãy xương, gai cột sống lưng hay thoái hóa cột sống cũng có thể dẫn đến các cơn đau. Nói cho bác sĩ biết tất cả những bệnh lý bạn đang mắc phải để loại trừ các nguyên nhân đau không phải do thoát vị đĩa đệm gây ra.
- Tính chất nghề nghiệp: Những công việc đòi hỏi phải vận động thể chất thường xuyên như khuôn vác, phu hồ… có thể gây áp lực lên cột sống khiến đĩa đệm bị chệch ra ngoài.
- Lịch sử y tế: Bạn có thể được hỏi một số vấn đề như trước đó có bị chấn thương hay tai nạn gì không? Có từng phẫu thuật can thiệp vào cột sống không?…
- Lịch sử gia đình: Bạn sẽ có nhiều khả năng bị thoát vị đĩa đệm nếu trong gia đình cũng có thành viên mắc căn bệnh này.
Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng sẽ được đề cập đến. Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang bị trầm cảm hoặc lo lắng quá mức bởi chúng có thể là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị.
Bước 2: Khám thực thể chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Sau khi nắm rõ được những vấn đề mà bạn đang gặp phải, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất thông qua việc quan sát các cử động của cơ thể và kiểm tra thần kinh để xác định nguyên nhân gây đau.
Một số kỹ thuật chẩn đoán được thực hiện khi khám thực thể như:
- Kiểm tra thần kinh:
Để xác định xem có vấn đề về thần kinh hay không, bác sĩ thường tìm kiếm các dấu hiệu mất cảm giác, chẳng hạn như tê và yếu ở chân, bàn chân hoặc hai bên cánh tay. Nếu bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng, bạn có thể được yêu cầu đi lại bình thường và trên mũi chân để kiểm tra tình trạng suy yếu của các cơ.
Sức mạnh cơ bắp và phản xạ ở các khu vực khác cũng có khả năng được kiểm tra. Ở những người bị thoát vị đĩa đệm, phản xạ có thể chậm hơn bình thường hoặc không có.
- Phạm vi chuyển động:
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nằm nghiêng về phía trước, sau hoặc gập cổ, nghiêng cổ sang bên trái, bên phải…
- Thử nghiệm nâng chân:
Còn được gọi là nghiệm pháp Lasegue. Khi thực hiện bài kiểm tra này, bạn sẽ được hướng dẫn nằm thẳng, sau đó bác sĩ từ từ nâng chân bị ảnh hưởng cho đến khi bạn cảm thấy đau. Nếu đau xảy ra khi chân được nâng lên ở góc 30 đến 70 độ, nó được coi là dấu hiệu của thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Trường hợp nâng chân còn lại làm chân ảnh hưởng bị đau, điều này cho thấy rễ thần kinh đang bị kích thích.
Tuy nhiên, một số tài liệu y khoa cho thấy thử nghiệm nâng cao chân không giúp ích trong việc chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng ở những đối tượng trên 60 tuổi.
- Đo nhịp tim, huyết áp:
Chỉ số này tăng cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị đau hoặc nhiễm trùng.
- Khám cột sống:
Nếu có viêm ở cột sống cổ hay cột sống thắt lưng, da có thể đau hoặc nhạy cảm khi chạm vào.
Nếu bác sĩ thấy không có dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng và không có chấn thương nào, các xét nghiệm hình ảnh có thể không cần thiết vào thời điểm này. Bạn sẽ được yêu cầu theo dõi trong vòng 6 tuần xem liệu các triệu chứng có biến mất không. Ngược lại, bạn sẽ cần phải tiến hành một số xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra thực trạng bên trong cột sống và đĩa đệm.
Bước 3: Thực hiện xét nghiệm
Một số xét nghiệm hình ảnh có thể được thực hiện ngay trong lần thăm khám đầu tiên để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các dấu hiệu bạn đang gặp phải như gãy xương, khối u, nhiễm trùng hoặc hội chứng chùm đuôi ngựa.
Dưới đây là những xét nghiệm hình ảnh được sử dụng phổ biến nhất để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm:
- Chụp cộng hưởng từ MRI: Kỹ thuật này cho phép đánh giá được chính xác khu vực đốt sống nơi có đĩa đệm bị thoát vị, cách nó nằm trên các dây thần kinh cũng như những dây thần kinh nào bị ảnh hưởng.
- Chụp cắt lớp vi tính CT Scan: Thường được chỉ định cho những trường hợp không thể chụp MRI. Phương pháp này kết hợp nhiều tia X cho phép quan sát được bề mặt cắt ngang của cột sống và cấu trúc của nó.
- Chụp X-quang: Xét nghiệm hình ảnh này được chỉ định kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác nếu nghi ngờ cơn đau của bạn do các vấn đề khác gây ra. Chẳng hạn như xương gãy, bất thường xương, nhiễm trùng, khối u hoặc các vấn đề với sự liên kết của cột sống.
- Chụp tủy cản quang ( myelogram ):Là kỹ thuật sử dụng thuốc nhuộm tương phản tiêm vào dịch tủy sống kết hợp chụp X-quang. Hình ảnh ghi nhận được sẽ hiển thị kích thước, vị trí của thoát vị và mức độ xâm lấn của nó.
- Điện cơ (EMG): Giúp xác định chính xác rễ thần kinh nào bị ảnh hưởng.
Bước 4: Ra kết luận về tình trạng bệnh và chỉ định điều trị
Su khi đã thực hiện đầy đủ các bước thăm khám và xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ kết luận bạn có bị thoát vị đĩa đệm hay không, vị trí của thoát vị, nguyên nhân gây bệnh, mức độ bệnh. Dựa vào đó, bạn sẽ được tư vấn một phương pháp chữa bệnh phù hợp nhất.
Một thách thức lớn trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thắt lưng là cần phân biệt tình trạng này với các nguyên nhân khác để việc điều trị được chính xác. Nếu bạn đang có dấu hiệu nghi ngờ, hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kỹ lưỡng và tích cực chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!