Các biến chứng sau cắt amidan có thể gặp và phòng ngừa

Phẫu thuật cắt amidan là một phương pháp tương đối đơn giản, an toàn nhưng cũng có thể tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Bệnh nhân cần nắm rõ các biến chứng sau cắt amidan có thể gặp nhằm xây dựng được phương án phòng ngừa và xử lý kịp thời nếu không may gặp phải.

Thông tin chung về phương pháp cắt amidan

Amidan là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bộ phận này có cấu trúc tương tự như thịt nhưng được tạo thành từ nhiều hạch bạch huyết tập trung ở hai bên phía sau họng. Bình thường, amidan sẽ đảm nhận nhiệm vụ ngăn chặn sự xâm nhập của virus, vi khuẩn hay nấm khi chúng tấn công vào cơ thể thông qua đường mũi hay đường miệng.

biến chứng sau cắt amidan
Nhiều biến chứng có thể xảy ra sau cắt amidan

Trong giai đoạn từ 4 – 10 tuổi là lúc amidan hoạt động mạnh nhất và có khuynh hướng giảm dần chức năng khi đến tuổi dậy thì do lúc này hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phát triển hoàn thiện. Trong quá trình ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân có hại, amidan có thể bị sưng viêm, phù nề gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh.

Bệnh viêm amidan được chia thành hai dạng là cấp và mãn tính. Trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn so với người lớn. Ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng bệnh chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, có thể ảnh hưởng đến 1 hoặc cả hai bên amidan. Trường hợp điều trị không đúng cách hoặc chữa trị không dứt điểm, bệnh có thể kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần. Lúc này viêm amidan cấp tính sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính.

Ở giai đoạn ban đầu khi mới được chẩn đoán mắc viêm amidan, hầu hết bệnh nhân đều được điều trị bằng các phương pháp nội khoa như dùng thuốc, thay đổi lối sống và chế độ ăn uống, sinh hoạt… Phẫu thuật cắt amidan là phương pháp được đề nghị sau cùng cho những bệnh nhân không đáp ứng được với điều trị bảo tồn hoặc nằm trong các trường hợp dưới đây:

  • Tái phát nhiều đợt viêm amidan cấp trong năm, từ 5 – 6 lần trở lên
  • Bệnh viêm amidan tiến triển nặng có nguy cơ gây biến chứng nếu không được phẫu thuật sớm hoặc đã gây ra các biến chứng như viêm xoang, viêm cầu thận hay viêm tai giữa…
  • Amidan sưng quá to làm thu hẹp không gian bên trong cổ họng khiến người bệnh bị khó thở, khó nuốt thức ăn, nuốt vướng, đau nhiều, có tiếng ngáy lớn hoặc ngưng thở tạm thời trong lúc ngủ
  • Viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tâm lý cũng như chất lượng sống của người bệnh.
  • Khối amidan có nhiều ngóc ngách tiết ra chất dịch gây hôi miệng
  • Nghi ngờ ác tính.

Hiện nay, có nhiều phương pháp cắt amidan đang được thực hiện tại các bệnh viện như: Cắt amidan bằng dao plasma, công nghệ cắt bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, cắt amidan bằng laser hoặc phương pháp Sluder,… Bệnh nhân sẽ được làm phẫu thuật tại bệnh viện, một số được ra về ngay trong ngày trừ khi xuất hiện biến chứng hoặc có các vấn đề khác về sức khỏe cần phải nằm lại bệnh viện để bác sĩ theo dõi.

Các biến chứng sau cắt amidan

Quy trình phẫu thuật cắt amidan tương đối đơn giản và an toàn. Mặc dù vậy, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số biến chứng nhận định trong và sau phẫu thuật. Các cơn đau cổ họng có thể xuất hiện trong vòng vài ngày. Ngoài ra, một số bệnh nhân còn bị sốt, nhiễm trùng, khó chịu hoặc mệt mỏi do ảnh hưởng của thuốc gây mê.

Dưới đây là các biến chứng sau cắt amidan thường gặp:

1. Dị ứng với thuốc gây mê, sốc phản vệ

Trước khi cắt amidan, bệnh nhân được tiêm thuốc gây mê để giảm đau và không sợ hãi trong quá trình phẫu thuật. Một số ít trường hợp có thể bị dị ứng hay sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc gây mê hoặc sau khi ca phẫu thuật đã kết thúc.

Các biến chứng sau cắt amidan
Sốc phản vệ là một biến chứng ít gặp nhưng cũng có thể xảy ra ở một số bệnh nhân trong và sau khi cắt amidan

Sốc phản vệ là một biến chứng nguy hiểm, có thể gây mất thức hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời. Trường hợp này có thể gặp phải các dấu hiệu như:

  • Buồn nôn hoặc nôn ói liên tục
  • Mạch đập yếu hoặc nhanh
  • Giảm huyết áp đột ngột
  • Nổi nhiều nốt ban đỏ trên da
  • Co thắt đường thở gây khó thở, thở khò khè
  • Nghẹn ở họng,…

2. Đau họng

Đau họng cũng là một trong các biến chứng sau cắt amidan thường gặp nhất. Cảm giác đau có thể xuất hiện trong vòng vài ngày đầu sau khi làm phẫu thuật, một số trường hợp có thể bị đau đến 10 ngày mới hết.

Người bệnh thường bị đau nhiều, đau dai dẳng trong cổ họng. Cảm giác đau họng có thể xuất hiện ngay cả khi ngủ. Đau tăng lên khi nuốt nước bọt, khi uống nước hay ho. Quan sát cổ họng thấy sưng nhẹ.

Ngoài ra, người bệnh còn bị đau đầu, đau tai hay đau hàm. Để giảm bớt cơn đau người bệnh có thể dùng đá lạnh chườm ở cổ. Trường hợp bị đau nhiều, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc Paracetamol trong vòng vài ngày giúp người bệnh giảm bớt cảm giác khó chịu.

Các loại thuốc giảm đau như Aspirin hay Ibuprofen thường không được khuyến cáo sử dụng, ít nhất là trong vòng 2 ngày đầu tiên bởi chúng có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu ở vết cắt.

3. Sốt – Biến chứng sau cắt amidan

Sau phẫu thuật cắt amidan, bệnh nhân có thể bị sốt, thường là sốt nhẹ dưới 38 độ. Tình trạng này có thể kéo dài từ 1 – 2 ngày và có thể được khắc phục bằng cách uống nhiều nước, lau mát hoặc uống thuốc Paracetamol đối với các trường hợp bị sốt trên 38 độ.

Trong trường hợp bị sốt kéo dài quá 2 ngày hoặc sốt cao không hạ, nhiều khả năng bệnh nhân đã bị nhiễm trùng. Cần thông báo cho bác sĩ ngay để biết cách xử lý.

4. Nhiễm trùng, viêm họng

Nếu không được chăm sóc, vệ sinh răng miệng tốt, người bệnh có thể bị nhiễm trùng họng dẫn đến viêm họng và nhiều dấu hiệu bất thường khác như:

biến chứng đau họng sau cắt amidan
Đau họng, viêm họng là biến chứng thường gặp sau cắt amidan
  • Sốt cao kéo dài
  • Viêm loét, làm mủ ở vết cắt
  • Đau họng nhiều
  • Mệt mỏi trong người
  • Họng sưng tấy, nóng
  • Chảy mủ có mùi hôi từ vết mổ

Trường hợp gặp biến chứng nhiễm trùng sau cắt amidan, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc khác để làm giảm các triệu chứng có liên quan. Cần tích cực chữa trị, tránh để kéo dài khiến vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào máu dẫn đến nhiễm trùng máu.

5. Chảy máu sau cắt amidan

Trong số các biến chứng sau cắt amidan thì tình trạng chảy máu diễn ra khá phổ biến. Đây không phải là vấn đề hiếm gặp. Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết sau cắt amidan là do thao tác cắt được thực hiện không đúng kỹ thuật, bác sĩ có tay nghề kém, ăn đồ cứng sớm sau phẫu thuật hoặc bệnh nhân bị rối loạn đông máu.

Tình trạng chảy máu có thể xảy ra ngay trong lúc đang làm phẫu thuật hoặc sau khi kết thúc ca mổ. Hầu hết bệnh nhân đều chỉ bị chảy một lượng máu rất ít. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra khi thấy miệng có vị tanh của máu hoặc thấy một ít máu dính trên đầu lưỡi.

Biến chứng xuất huyết thường chấm dứt sau một vài ngày hoặc cũng có khi kéo dài đến hơn 10 ngày. Trong trường hợp bị chảy máu không ngừng, lượng máu nhiều, ho, khạc hay nôn ói ra máu thì người bệnh nên quay trở lại bệnh viện ngay lập tức để được xử lý cấp cứu kịp thời.

6. Các biến chứng sau cắt amidan khác

Bên cạnh các biến chứng ở trên, sau cắt amidan người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ khác như:

  • Sụt cân do không ăn uống được nhiều
  • Chán ăn
  • Mất nước
  • Tắc nghẽn đường thở do bị tụ máu hoặc phù nề lưỡi gà
  • Tổn thương mô họng tại chỗ
  • Một phần amidan bị viêm không được cắt hết còn sót lại khiến cho bệnh tái phát
  • Khàn tiếng, mất tiếng, thay đổi giọng nói
  • Khu vực phẫu thuật tiết dịch gây hôi miệng trong vòng vài tuần
  • Xuất hiện các mảng vảy trắng phía sau cổ họng do vết cắt đóng vảy tạo thành
  • Sang chấn tâm lý do hoảng sợ quá mức khi làm phẫu thuật cắt amidan
  • Tử vong do sốc phản vệ, nhiễm trùng máu hoặc chảy máu nghiêm trọng.
cách phòng ngừa biến chứng sau cắt amidan
Sau cắt amidan, nhiều bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, sụt cân

Cách phòng ngừa biến chứng sau cắt amidan

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải biến chứng sau cắt amidan, ngoài việc chuẩn bị tốt trước khi làm phẫu thuật, người bệnh cũng cần nghỉ ngơi nhiều, vệ sinh răng miệng đúng cách và có chế độ dinh dưỡng phù hợp để vết thương nhanh lành.

  • Các biến chứng sau cắt amidan xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như tác dụng phụ của thuốc gây mê, cắt amidan không đúng kỹ thuật hoặc người bệnh có tiền sử bị rối loạn đông máu… Trước khi làm phẫu thuật, người bệnh cần được làm xét nghiệm đầy đủ để kiểm tra chức năng đông máu, chứng năng hoạt động của gan, thận. Hãy thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng thuốc gây mê và các vấn đề sức khỏe đang gặp phải (chẳng hạn như rối loạn đông máu, tiểu đường, cao huyết áp,…). Việc thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước khi làm phẫu thuật sẽ giúp hạn chế được những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
  • Để bớt đau và dễ thở hơn, người bệnh nên nằm nghiêng hoặc nằm ngửa. Không sử dụng gối đầu
  • Tránh khạc nhổ khiến vết mổ bị chảy máu. Hạn chế nuốt nước bọt. Hãy lùa nước bọt ra giấy để kiểm tra tình trạng chảy máu. Trường hợp máu đã ngừng chảy thì nước bọt sẽ trong hoặc chỉ có tia máu đỏ sẫm nhưng nếu nước bọt có máu đỏ tươi hoặc toàn là máu thì hãy thông báo cho bác sĩ biết. Người bệnh cần chủ động theo dõi về tình trạng chảy máu trong vòng 12 ngày sau cắt amidan, nhất là trong 1 tuần đầu tiên để phát hiện và xử lý kịp thời khi bị chảy nhiều máu.
  • Có chế độ ăn uống phù hợp để hạn chế biến chứng đau và chảy máu sau mổ, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe. Trong vòng 3 giờ đầu sau cắt amidan, khi người bệnh đã tỉnh táo và không bị chảy máu thì có thể uống được sữa lạnh. Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 có thể ăn được cháo loãng và các món ăn nhẹ như súp rau củ nghiền, bánh canh, bún. Các ngày thứ 8 – 12, bệnh nhân ăn được cơm nhão với thịt băm nhỏ và rau củ nấu chín nhừ. Từ ngày thứ 12 trở đi có thể quay trở lại với chế độ ăn bình thường. Tuy nhiên, cần kiêng ăn đồ khô cứng, các món chua cay, nhiều gia vị và kiêng tuyệt đối các thức uống có cồn.
  • Không hút thuốc lá và tránh xa các khu vực có khói thuốc
  • Không tắm hay rửa mặt bằng nước quá nóng
  • Cố gắng tránh các hoạt động có thể ảnh hưởng đến vết mổ như ho, hắt hơi, khạc đờm, xì mũi, la hét.
  • Đánh răng, súc miệng và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ
  • Nghỉ ngơi nhiều để sức khỏe nhanh hồi phục
  • Chú ý theo dõi sức khỏe và thông báo ngay cho bác sĩ biết nếu nghi ngờ gặp biến chứng sau cắt amidan.

Bạn nên tìm hiểu thêm

viêm amidan hốc mủ có nên cắt không

Bị viêm amidan hốc mủ có nên cắt không, tại sao?

Viêm amidan hốc mủ có nên cắt hay không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, bởi bệnh...

Bé bị viêm amidan có cần uống thuốc kháng sinh không?

Bé bị viêm amidan có cần uống kháng sinh? Loại nào tốt?

Bé bị viêm amidan có cần uống kháng sinh không là thắc mắc của rất nhiều phụ huynh. Tình trạng...

Viêm Amidan mãn tính có nên cắt? Giải pháp nào hiệu quả?

Viêm amidan mãn tính là tình trạng amidan vị viêm kéo dài dai dẳng và tái phát nhiều lần, gây...

Nên ăn và kiêng gì khi bị viêm amidan?

Những thực phẩm nên ăn và nên kiêng khi bị viêm amidan

Một chế độ ăn uống hợp lý, cộng với việc sử dụng các loại thực phẩm có lợi sẽ cải...

Cắt Amidan Có Được Hưởng Bảo Hiểm? Chi Phí Còn Bao Nhiêu?

Cắt amidan là một phẫu thuật ngoại khoa có chi phí cao nên nếu được sự hỗ trợ từ bảo...

Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!

Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan
Nguyên Trưởng khoa khám bệnh - BV YHCT trung ương

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.