Bệnh mất ngủ theo đông y và bài thuốc điều trị
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ bao gồm tình trạng khó ngủ, ngủ không sâu giấc, khó duy trì giấc ngủ hoặc khó trở lại giấc ngủ khi về đêm. Vậy, giới Y học cổ truyền sẽ có cách nhìn nhận như thế nào về căn bệnh này? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc trên cùng với đó là những chia sẻ về những bài thuốc Đông y trị bệnh mất ngủ hiệu quả.

Bệnh mất ngủ theo quan niệm của Đông y
Mất ngủ là một trong những tình trạng diễn ra khá phổ biến hiện nay. Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ, bao gồm chứng ngủ không ngon, ngủ không sâu giấc, hay trằn trọc hoặc khó trở lại giấc ngủ sau khi thức. Thông thường, tình trạng này có thể thuyên giảm nếu người bệnh biết cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tránh căng thẳng, mệt mỏi quá mức.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chứng mất ngủ có thể kéo dài trong nhiều tháng liền, điều này làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và chất lượng cuộc sống.
Theo quan niệm của giới y học cổ truyền, mất ngủ thuộc phạm trù chứng thất miên, bất mị bay bất đắc miên. Nguyên nhân gây nên tình trạng này do tà khí bên ngoài nhiễu động đến thần kinh bên trong cơ thể, do tinh huyết không đủ hoặc do suy giảm chức năng ngũ tạng như tâm, can, tỳ, phế và thận.
Các chuyên gia Đông y cho biết, chứng mất ngủ tưởng chừng như bệnh tình đơn giản nhưng lại ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Nếu tình trạng này bị kéo dài trong nhiều ngày liền có khả năng kéo theo nhiều bệnh lý khác như suy giảm trí nhớ, bệnh hay quên, suy giảm tập trung, tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch,…

Dựa vào những biểu hiện lâm sàng, giới y học cổ truyền đã phân bệnh mất ngủ thành nhiều thể khác nhau. Với mỗi thể là nguyên nhân, triệu chứng, biện chứng và phương pháp điều trị khác nhau. Dưới đây là một số thể chính:
1. Thể tâm tỳ lưỡng hư
- Triệu chứng: Tâm tỳ lưỡng hư, dinh huyết nên không đủ khả năng để nuôi dưỡng tâm thần nên gây ra chứng mất ngủ. Khi huyết hư nên không thể lưu thông lên não, khi đó gây ra tình trạng chóng mặt, đau đầu. Tỳ khí hư nên ăn uống khó tiêu, không ngon miệng. Khí huyết hư nên cơ thể bị mệt mỏi, chân tay rã rời, chất lưỡi nhạt, rêu đóng dày hoặc lớp mỏng màu trắng. Huyết không đủ nuôi dưỡng được tạng nên tâm quý, đánh trống ngực. Tỳ hư mất kiện vận, sinh đàm thấp, gây đầy bụng, chán ăn.
- Phương pháp điều trị: An thần, dưỡng tâm và kiện tỳ.
- Phương dược: Quy tỳ thang gia giảm.
2. Thể tâm đởm khí hư
- Triệu chứng: Tâm đởm khí khi, đàm trọc nhiễu loạn tâm khiến người bệnh mất ngủ, dễ giật mình, ngủ hay mơ, tâm quý. Khí hư khiến cơ thể mệt mỏi, bủn rủn tay chân, nước tiểu trong, tiểu lâu. Can huyết hư, tâm không được nuôi dưỡng khiến cơ thể khó ngủ, tâm quý không yên, người mệt mỏi, chóng mặt, mạch huyền tế. Khí âm hư sinh hư nhiệt, nội nhiệt phiền nhiễu tâm thần làm cho cổ họng khô, miệng khô, chất lưỡi đỏ.
- Phương pháp điều trị: An thần định chí và ích khí trấn kinh.
- Phương dược: An thần định chí hoàn gia giảm.
3. Thể âm hư hỏa vượng
- Triệu chứng: Âm hư hỏa vượng nên gây ra biểu hiện miệng khô, chất lưỡi đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt, mạch tế sác. Thận âm hư không đủ khả năng nuôi dưỡng được não và tủy nên thường gây nên tình trạng hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mộng tinh (đối với nam giới). Thận âm hư, tâm thận bất giao, âm hư sinh nội nhiệt làm nhiễu động thần kinh và gây mất ngủ, ngủ không sâu giấc, hay trằn trọc, đánh trống ngực, hay quên.
- Phương pháp điều trị: Dưỡng tâm an thần và tư âm giáng hỏa.
- Phương dược: Hoàng liên a giao thang gia giảm.
4. Thể đàm nhiệt nội nhiễu
- Triệu chứng: Đàm nhiệt uất kết làm ảnh hưởng đến sự hoạt động và chức năng sơ tiết của khí cơ, vị khí không giáng, từ đó gây nên tình trạng buồn nôn, nôn, ợ chua, ợ hơi, chóng mặt. đau đầu. Nếu đàm nhiệt nặng có thể làm nhiễu loạn tâm thần, sinh nhiệt tà làm hao tổn tân dịch và gây đại tiện táo. Thực tích ứ trệ hoặc can đởm uất kết lâu ngày hóa nhiệt sinh đàm. Lượng đàm ngày một nhiều làm nhiễu loạn tâm thần, sinh ra chứng mất ngủ, bồn chồn, tâm phiền, miệng đắng.
- Phương pháp điều trị: Hòa trung an thần, thanh nhiệt hóa đàm.
- Phương dược: Ôn đởm thang gia giảm.
5. Thể can uất hóa hỏa
- Triệu chứng: Can khí uất kết gây đau mạng sườn, tức vùng ngực. Can khí phạm gây chán ăn, miệng khát. Can hỏa làm cho ù tai, mắt đủ, miệng đắng, lưỡi đỏ, nước tiểu vàng, mạch huyền sắc. Nếu can khí uất kết hóa hỏa, can đởm thực nhiệt thì gây nên tình trạng chóng mặt, hoa mắt, đầu đau dữ dội. Can khí uất kết lâu ngày hóa nhiệt, hóa hỏa làm nhiễu tâm thần và gây mất ngủ, ngủ không yên, dễ cáu giận. Ngoài ra, nhiệt tà làm tổn thương tân dịch gây đại tiện táo, mạch huyền hoạt sắc, rêu lưỡi vàng khô.
- Phương pháp điều trị: An thần và thanh can tả nhiệt.
- Phương dược: Long đởm tả can thang gia giảm.

Tổng hợp 3 bài thuốc Đông y cổ truyền trị bệnh mất ngủ hiệu quả
Dựa trên căn nguyên đặc tính giấc ngủ và những biểu hiện đi kèm để đưa ra kết luận chính xác tình trạng mất ngủ đang mắc phải. Từ đó, bác sĩ lương y sẽ kê vài đơn thuốc sao cho phù hợp với bệnh tình và sức khỏe của người bệnh.
1. Bài thuốc Đông y trị mất ngủ do tâm tỳ hư
Người bệnh bị mất ngủ do tâm tỳ hư thường có triệu chứng hay quên, tinh thần uể oải, cơ thể hay mệt mỏi, ăn uống kém, đau vùng trước tim, lồng ngực nặng kèm chứng khó thở, rối loạn tiêu hóa, chân tay lạnh, phân lỏng, môi và niêm mạc nhợt nhạt,… Nếu cơ thể xuất hiện những triệu chứng này, người bệnh có thể áp dụng bài thuốc sau:
Bài thuốc số 1:
- Công dụng: Bổ tỳ thổ, cân bằng âm dương, bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, cải thiện và ổn định đường tiêu hóa.
- Nguyên liệu: 20gr lạc tiên; bạch truật, hoài sơn, liên nhục, ngũ gia bì, phòng sâm, đương quy và hắc táo nhân mỗi vị 16gr; sơn thù, phục thần và cam thảo mỗi vị 12gr; 10gr ngũ vị và 7 quả đại táo.
- Cách thực hiện: Mang một thang thuốc trên sắc cùng với 750ml nước. Tiến hành sắc cô đặc còn lại khoảng 150ml nước thì tắt bếp và gạn lấy phần nước. Tiếp tục cho thêm 600ml nước và sắc lại lần hai để thu 100ml nước. Trộn hai hỗn hợp nước và chia thành 3 lần uống trong ngày. Nên dùng thuốc khi thuốc còn ấm.
Bài thuốc số 2:
- Công dụng: Bổ tỳ, bổ tâm và an thần định chí.
- Nguyên liệu: Đinh lăng, hoàng kỳ, phòng sâm, hắc táo nhân và bạch truật mỗi vị 16gr; ngũ vị, viễn chí, phục thần, trần bì và cam thảo mỗi vị 12gr; bán hạ, hậu phác và thần khúc mỗi vị 10gr; 8gr nhục quế và 6gr sinh khương.
- Cách thực hiện: Đem các vị thuốc trên sắc cùng với 1 lít nước. Tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc còn khoảng 200ml thì tắt bếp. Chắt lọc lấy phần nước cốt và chia nhỏ thành 3 lần uống. Người bệnh dùng hết trong ngày và nên uống thuốc khi còn ấm, nếu thuốc nguội, nên hâm nóng lại trước khi dùng.

2. Bài thuốc Đông y trị mất ngủ do âm hư hỏa vượng
Triệu chứng thường gặp ở các đối tượng bị mất ngủ do âm hư hỏa vượng là mất ngủ kéo dài, hay ù tai, đau đầu nhiều, choáng váng, mắt thâm quầng, thi thoảng có toát mồ hôi. Riêng với nam giới, dễ bị di tinh, hoạt tinh.
Khi có những triệu chứng trên, người bệnh có thể áp dụng bài thuốc sau:
Bài thuốc số 1:
- Công dụng: An thần, giáng hỏa và tư ấm.
- Nguyên liệu: 40gr thân cây mía; 24gr rau má; 20gr mạch môn; thục địa, hoài sơn, trạch tả, sơn thù và thạch hộc mỗi vị 16gr; chi tử và tri mẫu mỗi vị 12gr; đan bì và cam thảo mỗi vị 10gr.
- Cách thực hiện: Đem một thang thuốc trên sắc cùng với 700 – 750 ml nước. Tiến hành sắc thuốc cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng 150 ml thì tắt bếp và tiếp tục cho nước vào để đun thêm lần 2. Trộn hai phần nước đã thu được rồi chia thành 3 phần. Người bệnh dùng mỗi lần 1 phần và dùng hết trong ngày, không để qua đêm.
Bài thuốc số 2:
- Công dụng: Tư âm, an thần và thanh hỏa.
- Nguyên liệu: 40gr thân cây mía; lá vông và tang diệp mỗi vị 24gr; đương quy và hắc táo nhân mỗi vị 20gr; thục địa, chi tử, mạch môn, ngưu tất và thiên môn mỗi vị 16gr; bá tử nhân, nhân sâm và huyền sâm mỗi vị 10gr; 4gr sừng tê giác. Nếu không có sừng tê giác, có thể thay thế bằng 10gr sừng trâu.
- Cách thực hiện: Đem toàn bộ vị thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ để thu lấy 200ml nước. Chia lượng nước thu được thành 3 phần nhỏ để uống vào buổi sáng, trưa và tối. Người bệnh nên uống thuốc khi thuốc còn ấm. Trong trường hợp thuốc đã nguội, nên hâm nóng lại trước khi dùng.

3. Bài thuốc Đông y trị mất ngủ do suy nhược thần kinh
Người bị mất ngủ do suy nhược thần kinh thường có biểu hiện hay căng thẳng, ù tai, khó ngủ hoặc giấc ngủ chập chờn, hay trằn trọc, đau đầu, tâm rạo rực,… Để khắc phục những triệu chứng này, người bệnh có thể áp dụng 1 trong 3 bài thuốc sau:
Bài thuốc số 1:
- Công dụng: Bổ thần kinh, an thần và dưỡng tâm.
- Nguyên liệu: Trinh nữ hoàng cung và tang diệp mỗi vị 20gr; đương quy, mạch môn và táo nhân mỗi vị 16gr; phòng sâm, ngưu tất, thạch hộc, viễn chí và cam thảo mỗi vị 12gr; 10gr bạch thược; 7 quả đại táo và 6gr hạt sen. Liều lượng có thể gia giảm tùy vào từng đối tượng cụ thể.
- Cách thực hiện: Mang tất cả các vị thuốc đã được chuẩn bị sắc lấy nước để uống. Có thể chia phần nước sắc được thành 3 phần nhỏ để uống hết trong ngày. Để gia tăng công dụng cũng như mang lại cảm giác dễ uống, nên hâm nóng lại trước khi dùng.
Bài thuốc số 2:
- Công dụng: Bổ tâm và an thần định chí.
- Nguyên liệu: Lá vông và lá dâu mỗi vị 24gr; trinh nữ hoàng cung và củ đinh lăng mỗi vị 20gr; hà thủ ô và thảo quyết minh (sao vàng kỹ) mỗi vị 16gr; bạch thược, phục thần, đương quy và cam thảo mỗi vị 12gr.
- Cách thực hiện: Đem các vị thuốc trên sắc cùng với 600ml nước lọc. Tiến hành đun cô đặc còn lại khoảng 150ml thì tắt bếp và gạn lấy phần nước. Tiếp tục đun thêm lần 2 để thu lấy 150ml. Sau đó, trộn 2 phần nước lại và chia thành 3 phần nhỏ để uống hết trong ngày.
Bài thuốc số 3:
- Công dụng: An thần định chí và bổ tâm.
- Nguyên liệu: 24gr lá vông; rau má và lạc tiên mỗi vị 20gr; 16gr hắc táo nhân; viễn chí, chi tử (sao), bạch linh, đương quy và thục địa mỗi vị 12gr; 10gr phục thần và 7 quả đại táo.
- Cách thực hiện: Mang các vị thuốc trên sắc cùng với một lượng nước vừa đủ. Sắc thuốc trên ngọn lửa riu nhỏ và tiến hành đun cho đến khi lượng nước cô đặc lại còn khoảng phân nửa. Tắt bếp và gạn lấy phần nước. Chia phần nước sắc được thành 2 phần nhỏ để uống hết trong ngày.

Trị mất ngủ bằng thuốc Đông y có ưu và nhược điểm gì?
Mỗi phương pháp điều trị bệnh lý đều tồn tại song song hai mặt là ưu và nhược điểm. Bệnh mất ngủ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngoài tác dụng chữa bệnh tương đối hiệu quả nhưng thuốc Đông y vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Cụ thể hơn:
Ưu điểm nổi bật của bài thuốc Đông y trị mất ngủ
Những ưu điểm nổi bật của bài thuốc Đông y có thể kể đến là:
- Tính an toàn cao: Những nguyên liệu được sử dụng để làm thuốc trị bệnh được thu hái từ các dược liệu thiên nhiên. Đó có thể là phần cành, thân, rễ, lá, hoa hoặc quả được sơ chế và cuối cùng là đem phơi khô để sử dụng dần. Cách làm thuốc hoàn toàn bằng thủ công và không chứa chất bảo quản, do đó, người bệnh có thể an tâm khi sử dụng điều trị bệnh trong thời gian dài. Theo sự nhận định của giới chuyên môn, thuốc Đông y ít chứa độc tính, vì thế, rất nhiều đối tượng khác nhau có thể sử dụng;
- Nhiều công dụng song song: Một thang thuốc Đông y thường kết hợp từ nhiều vị thuốc khác nhau để bổ trợ và chữa bệnh với những mục đích khác nhau. Một số bài thuốc vừa có công dụng điều trị bệnh chính và giúp giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể;
- Hiệu quả điều trị cao: Các bài thuốc Đông y đều được giới chuyên môn xem xét và ghi nhận vào một số tài liệu để lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều nghiên cứu cho biết, tuy thuốc Đông y chưa phát triển mạnh bằng thuốc Tây y nhưng lại có hiệu quả điều trị cao, thậm chí có khả năng điều trị cho những trường hợp bị mãn tính.
Những điểm hạn chế của thuốc Đông y trị mất ngủ
Song song những ưu điểm nổi bật, thuốc Đông y vẫn tồn tại những mặt hạn chế sau:
- Cách sắc thuốc kỳ công: Nếu thuốc Tây y mang lại sự tiện ích khi sử dụng thì thuốc Đông y cần một khoảng thời gian khá dài để thu hái, chế biến và đun sắc. Đây có lẽ là mặt hạn chế lớn nhất đối với các đối tượng ít thời gian hay thường xuyên bận rộn;
- Khó uống nếu chưa quen: Thuốc Đông y thường khá nặng mùi và có cảm giác khó uống nếu chưa quen. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, người bệnh có thể cảm nhận mùi thơm và sử dụng;
- Tác dụng từ từ: Nếu thuốc đặc trị mang lại tác dụng tức thì thì thuốc Đông y hoàn toàn ngược lại. Hầu hết bài thuốc Đông y thường có tác dụng khá chậm và cần nhiều thời gian để các tinh chất của các loại thảo được thấm vào trong cơ thể. Chính vì vậy, bài thuốc này cần người bệnh có sự kiên trì nhất định, không được điều trị dở dang. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian khỏi bệnh, có khả năng bệnh sẽ hết hoàn toàn và không có nguy cơ tái phát.

Lương y khuyến cáo thêm, bên cạnh việc điều trị bệnh mất ngủ bằng thuốc Đông y, người bệnh cần giữ tinh thần luôn thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi hay âu lo quá mức. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích hay đồ uống có cồn. Đồng thời, tiến hành thăm khám để theo dõi sức khỏe trong quá trình sử dụng thuốc để từ đó có những hướng giải quyết tích cực.
Có thể bạn quan tâm:
- 7 Bài thuốc dân gian trị mất ngủ cực hiệu nghiệm
- Cách Dùng Tim Sen Trị Mất Ngủ Đơn Giản Tại Nhà
Những thông tin trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Thuocdantoc.vn không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.