Tìm hiểu cách bấm huyệt chữa phong thấp
Thủ thuật bấm huyệt chữa phong thấp là cách điều trị không sử dụng thuốc. Thủ thuật này tận dụng lực từ bàn tay và ngón tay nhằm khai thông khí huyết, giải phóng ứ trệ nhằm giảm sưng viêm, đau nhức và mỏi khớp xương.
Bấm huyệt chữa bệnh phong thấp có hiệu quả không?
Theo Đông Y, bệnh phong thấp là chứng tý phát sinh khi vệ khí của cơ thể suy giảm khiến hàn, phong, thấp xâm nhập qua da vào trong gây rối loạn khí huyết, sinh ra ứ trệ. Từ đó gây đau nhức, mỏi, sưng xương khớp khiến người bệnh khó di chuyển và vận động.
Chính vì vậy nguyên tắc điều trị phong thấp theo Đông y là trừ thấp, trục ứ, khu phong, tán hàn bằng những bài thuốc, chườm nóng hay xoa bóp bấm huyệt.
Xoa bóp bấm huyệt là thủ thuật điều trị không dùng thuốc có nguồn gốc từ y học Trung Hoa. Thủ thuật này sử dụng lực từ bàn tay và ngón tay nhằm tác động đến cơ, mạch máu giúp lưu thông khí huyết, giải phóng ứ trệ, từ đó làm giảm đau nhức, mỏi và sưng viêm ở khớp xương.
Hiện nay, xoa bóp bấm huyệt đã được y học hiện đại chứng minh có khả năng giảm đau lâm sàng. Bấm huyệt giúp thư giãn mạch máu, đồng thời kích thích sản sinh endorphine – một chất giảm đau tự nhiên được vỏ não tiết ra khi có kích thích.
Tuy nhiên bấm huyệt chỉ giúp làm giảm cơn đau tức thời đồng thời hạn chế triệu chứng tái phát nhưng không thể điều trị bệnh dứt điểm. Vì vậy bên cạnh phương pháp này, bạn cần kết hợp với việc sử dụng thuốc, tập thể dục,… theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm: Những biến chứng nguy hiểm của bệnh phong thấp
Thực hiện bấm huyệt chữa phong thấp
Khi thực hiện bấm huyệt, bạn cần tiến hành các thủ thuật sau:
- Day: Sử dụng mô ngón út và gốc bàn tay đè xuống vùng da cần tác động, sau đó di chuyển tay theo hình xoắn ốc.
- Véo: Sử dụng ngón tay trỏ và ngón tay cái, nắm và kéo da của người bệnh lên, thả ra cho da trở lại vị trí ban đầu.
- Lăn: Tận dụng mu bàn tay hoặc cổ tay lăn nhẹ nhàng lên vùng da cần tác động.
- Ấn: Dùng ngón tay có lực lớn nhất (ngón trỏ hoặc ngón cái) ấn mạnh vào huyệt cần tác động.
Thực hiện day, véo, lăn, ấn lần lượt lên các huyệt sau:
A thị huyệt: A thị huyệt hay còn gọi là bất định huyêt – tức là huyệt không cố định. Huyệt vị này được xác định bằng cách ấn ngón tay vào các điểm ở vùng đau, điểm đau nhất được gọi là A thị huyệt. Tác động vào huyệt này có tác dụng lưu thông khí huyết, chữa các chứng đau nhức.
Huyệt Phong trì: Huyệt Phong trì là huyệt thứ 20 của Đởm kinh. Huyệt được xem là nơi tụ gió (phong) gây ứ trệ khí huyết, làm phát sinh đau nhức, mỏi khớp. Huyệt nằm ở chỗ lõm chân tóc, phía sau tai. Tác động vào huyệt giúp giảm đau cứng cổ, mệt mỏi, đau mỏi vai.
Huyệt Phong môn: Tương tự như huyệt Phong trì, huyệt Phong môn được xem là cửa để gió (phong hàn) xâm nhập gây ra chứng tý (phong thấp). Huyệt nằm ở bên dưới xương đốt sống thứ 2, đo ngang ra khoảng 1.5 tấc. Tác động đến huyệt Phong môn giúp giảm đau đầu và đau mỏi lưng.
Huyệt Huyết hải: Huyệt Huyết hải là huyệt thứ 10 thuộc Tỳ kinh. Huyệt nằm ở mé trong đầu xương bánh chè, đo thẳng lên vai khoảng 2 tấc. Huyệt này kiểm soát lưu thông máu, khi phong hàn xâm nhập rất dễ ứ trệ nên. Tác động đến huyệt có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, giảm sưng và đau khớp.
Tam âm giao: Là điểm hội tủ 3 kinh âm của chân (Thận, Tỳ và Can). Tam âm giao là huyệt thứ 6 của kinh Tỳ. Huyệt nằm ở sát bờ sau xương chày, đo từ đỉnh cao nhất của mắt cá chân lên khoảng 3 tấc. Tác dụng của huyệt là thông khí trệ, điều huyết, ích thận, khu phong, hóa thấp.
Huyệt Phong long: Huyệt nằm ở chỗ cơ nhục đầy đủ, đo từ đỉnh mắt cá chân lên khoảng 8 thốn. Huyệt Phong long có tác dụng trị tê liệt chi dưới, ngực trướng, mệt mỏi, hóa đờm thấp.
Huyệt Khúc trì: Huyệt thứ 11 của kinh Đại Trường, nằm ở chỗ lõm khi co tay lại. Co khuỷu tay hướng vào ngực, thấy huyệt Khúc trì năm ở nếp gấp khuỷu tay. Tác động vào huyệt có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng huyết, trừ thấp, giải biểu và khu phong. Chuyên trị liệt chi dưới, đau bàn tay và cánh tay.
Huyệt Hợp cốc: Huyệt thứ 4 của kinh Đại Trường, nằm ở mu bàn tay trên ngón tay trỏ, trung điểm giữa đường nối huyệt Dương khê và Tam gian. Huyệt này có tác dụng trị đau, tê ngón tay.
Huyệt Đại chùy: Huyệt thứ 14 của Mạch Đốc, nằm dưới đốt sống cổ thứ 7, huyệt nằm ở vị trí lõm ngay dưới đốt sống này. Huyệt Đại chùy có tác dụng giảm đau nhức lưng, cứng cổ gáy, đau sườn,…
Huyệt Túc tam lý: Huyệt thứ 36 của kinh Vị, huyệt nằm ở dưới đầu gối 3 thốn đo xuống. Tác dụng thông kinh lạc, điều khí huyết, khu phong hóa thấp. Chủ trị yếu liệt chi dưới.
Bên cạnh việc xoa bóp bấm huyệt, bạn cần luyện tập thường xuyên để cải thiện sức khỏe, nâng cao khả năng đề kháng, tăng cường độ dẻo dai và chắc khỏe cho xương khớp.
Lưu ý khi thực hiện bấm huyệt chữa phong thấp
Bấm huyệt là biện pháp không dùng thuốc nên ít gây tác dụng phụ khi áp dụng trong điều trị dài hạn. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây tác động tiêu cực đến một số bệnh nhân.
Vì vậy cần lưu ý những điều sau khi thực hiện phương pháp bấm huyệt chữa phong thấp:
- Không bấm huyệt cho phụ nữ mang thai, một số huyệt có thể kích thích sinh non hoặc sảy thai.
- Không thực hiện xoa bóp bấm huyệt cho bệnh nhân có trạng thái không ổn định, kích động.
- Không bấm huyệt lên vùng da bị bầm tím, gãy xương hoặc nhiễm trùng.
- Bạn có thể bị đau nhức, ê ẩm sau khi xoa bóp bấm huyệt.
- Bấm huyệt sai cách, sử dụng lực quá mạnh có thể gây bong gân, đau nhức nghiêm trọng.
- Cần kết hợp bấm huyệt với các phương pháp khác để cải thiện triệu chứng của bệnh.
- Phối hợp với chế độ luyện tập, sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!
Có thể bạn quan tâm
- Mẹo dùng lá lốt trị bệnh phong thấp
- Bệnh phong thấp ra mồ hôi tay chân và giải pháp điều trị
Giải đáp thắc mắc của độc giả cùng chuyên gia của chúng tôi!