Bệnh Xoắn Buồng Trứng

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ BÁC SĨ ĐỖ THANH HÀ – Khoa Phụ sảnTrưởng khoa phụ Bệnh viện Thuốc Dân Tộc – Cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Thuốc dân tộc – Nguyễn Thị Định – Hà Nội

Bệnh xoắn buồng trứng thường gặp ở nữ giới bị u nang và can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Tình trạng xoắn làm cắt đứt nguồn cung cấp máu khiến buồng trứng bị hoại tử, gia tăng nguy cơ áp xe vùng chậu và viêm phúc mạc. Vì vậy, cần chú ý các dấu hiệu bất thường để thăm khám và phẫu thuật kịp thời.

Tổng quan

Bệnh xoắn buồng trứng (Ovarian Torsion) hay xoắn phần phụ là bệnh phụ khoa cấp tính cần phải cấp cứu kịp thời. Tình trạng này xảy ra khi dây chằng và buồng trứng bị xoắn tại chỗ làm giảm lưu lượng máu đến phần phụ.

bệnh xoắn buồng trứng là gì
Xoắn buồng trứng là tình trạng buồng trứng và đôi khi cả vòi trứng bị xoắn làm cản trở nguồn cung cấp máu

Xoắn buồng trứng có thể đi kèm với xoắn vòi trứng trong một số trường hợp. Nếu không được tháo xoắn kịp thời, buồng trứng có thể bị hoại tử do nguồn cung cấp máu bị cắt đứt. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến áp xe vùng chậu và viêm phúc mạc.

Xoắn buồng trứng có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Triệu chứng của bệnh tuy rầm rộ, đột ngột nhưng không đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn với đau ruột thừa, đau quặn thận, lạc nội mạc tử cung. Nếu được cấp cứu kịp thời, các bác sĩ có thể tháo xoắn để bảo tồn buồng trứng và các cơ quan bên trong.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Xoắn buồng trứng và hầu hết các bệnh phụ khoa đều gặp chủ yếu ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ em bao gồm cả trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Nguyên nhân xoắn buồng trứng
Hội chứng quá kích buồng trứng là một trong những nguyên nhân gây xoắn buồng trứng

Có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố dẫn đến bệnh xoắn buồng trứng. Trong đó thường gặp nhất là:

  • U nang buồng trứng: Đa phần các trường hợp bị xoắn buồng trứng đều có u nang - nhất là u có cuống. U nang không được kiểm soát sẽ gia tăng kích thước và gây xoắn buồng trứng tại chỗ. Trường hợp này có thể gây vỡ u nang gây biến chứng viêm phần phụ, áp xe vùng chậu, hoại tử buồng trứng…
  • Kích thích buồng trứng trong hỗ trợ sinh sản: Khi thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản, nữ giới cần thực hiện các biện pháp kích thích buồng trứng nhằm gia tăng số lượng và thúc đẩy sự phát triển của nang noãn. Thống kê cho thấy, nguy cơ bị xoắn buồng trứng ở những đối tượng này cao hơn bình thường.
  • Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS): OHSS thường gặp ở nữ giới can thiệp các biện pháp kích thích buồng trứng. Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng buồng trứng đau và sưng to. Đây là điều kiện gia tăng nguy cơ xoắn buồng trứng và vòi trứng.
  • Tiền sử phẫu thuật vùng tiểu khung: Xoắn buồng trứng thường xảy ra ở những trường hợp đã từng phẫu thuật vùng tiểu khung. Tác động khi phẫu thuật có thể làm thay đổi vị trí của buồng trứng, vòi trứng, qua đó gia tăng tỷ lệ xoắn vặn vòi trứng tại chỗ.
  • Tác động lực mạnh lên ổ bụng: Với những người có các yếu tố nguy cơ như bị u nang, quá kích buồng trứng… những tác động mạnh vào ổ bụng như nôn, vận động mạnh, ho… cũng có thể thúc đẩy buồng trứng xoắn vặn gây đau dữ dội.
  • Mang thai: Mang thai được xem là yếu tố gia tăng nguy cơ bị xoắn buồng trứng. Trong thai kỳ, thai nhi sẽ phát triển lớn dần gây chèn ép các cơ quan bao gồm cả vòi trứng và buồng trứng. Vì vậy, nếu có khối u, buồng trứng rất dễ bị xoắn.
  • Một số yếu tố khác: Nguy cơ mắc bệnh xoắn buồng trứng gia tăng đáng kể ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Ngoài ra, nữ giới có vòi trứng dài hơn bình thường cũng có khả năng phát triển bệnh lý này cao hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Bệnh xoắn buồng trứng gây ra các triệu chứng đột ngột nhưng không đặc hiệu. Một vài dấu hiệu sau sẽ giúp phát hiện sớm bệnh lý này để kịp thời thăm khám và xử trí:

Nguyên nhân xoắn buồng trứng
Bệnh xoắn buồng trứng gây đau đột ngột ở vùng bụng dưới, đi kèm với buồn nôn và nôn mửa

  • Xuất hiện cơn đau đột ngột ở vùng chậu, mức độ đau dữ dội, đau liên tục hoặc đau từng cơn.
  • Cơn đau thường xuất hiện ở bên phải, ít gặp ở bên trái.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Ở giai đoạn muộn, xoắn buồng trứng có thể gây sốt.

Trong một số ít trường hợp, buồng trứng có thể tự tháo xoắn sau vài ngày. Lúc này, cơn đau và cảm giác khó chịu sẽ tự thuyên giảm. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì buồng trứng có thể bị xoắn nghiêm trọng dẫn đến hoại tử và nhiều biến chứng khác.

Nhìn chung, bệnh xoắn buồng trứng có biểu hiện không rõ ràng với 2 dấu hiệu chính là đau vùng chậu và nôn, buồn nôn. Khi nhận thấy những triệu chứng này, nên thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác vấn đề gặp phải.

xoắn buồng trứng
Để chẩn đoán xoắn buồng trứng, bác sĩ cần thực hiện siêu âm, CT, MRI

Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về triệu chứng gặp phải, mức độ, thời điểm khởi phát. Sau đó, sờ vào bụng để xác định vị trí cơn đau và phản ứng thành bụng. Để xác định nguyên nhân gây đau vùng chậu, các kỹ thuật cận lâm sàng sau sẽ được thực hiện:

  • Siêu âm: Siêu âm là phương tiện chẩn đoán xoắn buồng trứng thông dụng nhất. Thông qua hình ảnh của siêu âm, bác sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường như buồng trứng sưng to, chèn lên phía trên tử cung. Nang noãn được bao bọc bởi lớp niêm mạc dày và có dấu hiệu phù nề.
  • Xét nghiệm máu: Kết quả từ xét nghiệm máu cho thấy số lượng bạch cầu tăng là dấu hiệu cảnh báo buồng trứng đang bị viêm, sưng to. Xét nghiệm này được thực hiện với mục đích phát hiện biến chứng áp xe vùng chậu và đánh giá nguy cơ nhiễm trùng ở phần phụ.
  • Xét nghiệm hình ảnh khác: Ngoài siêu âm, MRI và CT cũng có thể được thực hiện trong chẩn đoán bệnh xoắn buồng trứng. Hình ảnh từ các xét nghiệm này giúp củng cố phán đoán của bác sĩ, đồng thời đưa ra đánh giá chính xác về mức độ xoắn vặn ở buồng trứng.

Biến chứng và tiên lượng

Xoắn buồng trứng xếp thứ 5 trong các cấp cứu phụ khoa, nghĩa là tình trạng này cần được xử trí kịp thời để tránh biến chứng. Hiện tượng xoắn sẽ khiến cho nguồn cung cấp máu đến buồng trứng bị cắt đứt.

Nếu được tháo xoắn kịp thời, lưu lượng máu được phục hồi, chức năng của buồng trứng, vòi trứng sẽ được bảo tồn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, buồng trứng có thể bị hoại tử, nặng hơn là áp xe vùng chậu hông và viêm phúc mạc.

xoắn buồng trứng là gì
Xoắn buồng trứng không được xử trí kịp thời sẽ gây hoại tử và phải cắt bỏ buồng trứng

Trước đây, đa phần các trường hợp xoắn buồng trứng đều được phẫu thuật cắt bỏ. Hiện nay, nhờ có sự phát triển của y học, kể cả những trường hợp xoắn buồng trứng nghiêm trọng vẫn có thể hồi phục sau khi tháo xoắn. Vì vậy, cần chú ý những biểu hiện bất thường để được thăm khám và cấp cứu kịp thời.

Trong trường hợp phải cắt bỏ buồng trứng, nữ giới vẫn còn một buồng trứng nên vẫn có khả năng mang thai. Tuy nhiên, tỷ lệ thụ thai sẽ giảm đi đáng kể. Một số trường hợp sẽ phải can thiệp các biện pháp hỗ trợ sinh sản nếu muốn có con.

Điều trị

Lựa chọn duy nhất cho bệnh xoắn buồng trứng là nội soi hoặc mổ mở để tháo xoắn. Các bác sĩ sẽ ưu tiên bảo tồn buồng trứng nhưng đôi khi phải cắt bỏ phần phụ nếu buồng trứng, vòi trứng đã bị hoại tử.

Phẫu thuật tháo xoắn, cắt bỏ buồng trứng

Trường hợp xoắn buồng trứng do u nang sẽ kết hợp phẫu thuật bóc u hoặc cắt bỏ khối u. Đa phần các trường hợp phẫu thuật sớm trong vòng 6 giờ đồng hồ kể từ khi các triệu chứng khởi phát đều có kết quả tốt. Lưu lượng máu đến buồng trứng được khôi phục và hầu như không gặp phải bất cứ biến chứng nào.

xoắn buồng trứng phải làm sao
Phẫu thuật là lựa chọn duy nhất trong điều trị xoắn buồng trứng

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân vẫn cần phải theo dõi để chắc chắn buồng trứng đã được phục hồi. Nếu nhận thấy có dấu hiệu hoại tử, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật loại bỏ buồng trứng sớm để tránh biến chứng áp xe vùng chậu.

Sử dụng thuốc hỗ trợ

Thuốc không có tác dụng tháo xoắn và phục hồi buồng trứng. Tuy nhiên, thuốc có thể được dùng để giảm đau do bệnh xoắn buồng trứng gây ra.

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh xoắn buồng trứng bao gồm:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Acetaminophen được ưu tiên sử dụng để giảm đau do xoắn buồng trứng gây ra. Thuốc chỉ có hiệu quả với cơn đau có mức độ nhẹ đến trung bình nên đôi khi không có đáp ứng.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện (opioid): Thuốc giảm đau gây nghiện như Oxycodone, Tramadol được sử dụng để giảm đau khi Acetaminophen không có đáp ứng. Tuy nhiên, do cơ chế tác động lên hệ thần kinh nên thuốc tiềm ẩn khá nhiều tác dụng phụ.

Phòng ngừa

Trong một số trường hợp, các bác sĩ không thể xác định nguyên nhân gây xoắn buồng trứng (đặc biệt là ở trẻ em). Tuy nhiên, nữ giới vẫn có thể hạn chế tỷ lệ mắc bệnh bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ.

xoắn buồng trứng phải làm sao
Để phòng ngừa bệnh xoắn buồng trứng, cần khám phụ khoa định kỳ và kiểm soát tốt u nang

Các biện pháp phòng ngừa bệnh xoắn buồng trứng:

  • Nên khám phụ khoa định kỳ 1 - 2 lần/ năm để phát hiện sớm u nang buồng trứng. Trường hợp có u nang, nên theo dõi và điều trị tích cực để phòng ngừa biến chứng xoắn buồng trứng, vỡ u nang, viêm phần phụ…
  • Nữ giới tiêm kích trứng cần theo dõi chặt chẽ sau đó để có thể phát hiện sớm biến chứng xoắn buồng trứng.
  • Vận động quá mạnh sẽ làm gia tăng xoắn buồng trứng. Để phòng ngừa bệnh lý này, nữ giới nên thực hiện các bộ môn có cường độ vận động nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, đạp xe, bơi lội…
  • Những trường hợp có nguy cơ tái phát cao sẽ được sử dụng thuốc tránh thai liều cao.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị đau quặn bụng dữ dội, buồn nôn, nôn mửa là do đâu?

2. Tôi cần phải thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

3. Nguyên nhân nào khiến tôi bị xoắn buồng trứng?

4. Tôi cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật tháo xoắn buồng trứng?

5. Nếu phải cắt bỏ buồng trứng, tỷ lệ mang thai tự nhiên khoảng bao nhiêu?

6. Sau khi phẫu thuật, tôi cần ở lại bệnh viện trong bao lâu?

7. Xoắn buồng trứng có tái phát không? Làm sao phòng ngừa?

Bệnh xoắn buồng trứng là tình trạng cần được cấp cứu kịp thời để tránh hoại tử, phải cắt bỏ buồng trứng. Vì vậy, nữ giới không nên chủ quan khi bị đau bụng dưới dữ dội kèm theo buồn nôn và nôn mửa. Những đối tượng có nguy cơ cao nên theo dõi định kỳ, can thiệp phẫu thuật bóc tách và cắt u sớm để phòng ngừa tình trạng này.