Bệnh Viêm tuyến vú
Viêm tuyến vú là tình trạng viêm các mô vú do nhiễm trùng thông qua tổn thương hoặc vết nứt. Chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ sau sinh, đang cho con bú là đối tượng có nguy cơ cao bị viêm tuyến vú. Đặc trưng với các triệu chứng gồm sưng đau, nóng đỏ, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi... Các chọn lựa điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, chăm sóc hỗ trợ, dùng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật khi cần thiết.
Tổng quan
Viêm tuyến vú (Matitis) là tình trạng nhiễm trùng, viêm mô vú gây sưng đau, nóng đỏ, có khối u vú, hoặc có thể kèm theo sốt, ớn lạnh. Bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ sau sinh, đang cho con bú do viêm ống dẫn sữa. Một số trường hợp khác cũng có thể xảy ra ở phụ nữ không cho con bú và nam giới.
Tình trạng viêm tuyến vú kéo dài có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe, nhất là khi đang trong giai đoạn chăm sóc con nhỏ. Theo thống kê, viêm tuyến vú ảnh hưởng đến khoảng 30% số lượng người đang cho con bú trên toàn thế giới. Đặc biệt phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vú là cơ quan quan quan trọng đối với con người, đặc biệt bộ phận này rất phát triển ở nữ giới. Vú được cấu tạo từ một số tuyến và ống dẫn liên kết với núm vú và vùng sẫm màu xung quanh (quầng vú). Trong đó, các ống dẫn sữa nối từ núm vú đến các mô vú bên dưới và tỏa ra như những nan hoa bánh xe. Còn phía bên dưới là các ống dẫn sữa, đây là nơi sản xuất ra sữa để nuôi con.
Ở độ tuổi dậy thì, sự thay đổi đột ngột của các nội tiết tố, các ống dẫn sữa sẽ phát triển mạnh hơn, tăng cường tích tụ lượng mỡ bên trong các mô vú.
Nguyên nhân
Đa số các trường hợp bị viêm tuyến vú đều là do nhiễm trùng từ vi khuẩn trên da, xâm nhập qua núm vú bị thương, có vết nứt tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, một tác nhân khác gây viêm tuyến vú là do ngực căng sữa quá mức hoặc tắc ống dẫn sữa khi đang trong giai đoạn cho con bú, cai sữa hoặc những chị em có nguồn sữa quá dồi dào.
Yếu tố nguy cơ
Ngoài 2 nguyên nhân chính trên, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ gây viêm tuyến vú như:
- Tiền sử bị viêm tuyến vú trước đó, thường là do cho con bú;
- Tổn thương núm vú, có vết nứt hoặc viêm loét;
- Thường xuyên mặc áo ngực quá chật, tạo áp lực lớn lên vùng ngực gây ức chế tuyến dẫn sữa, tăng nguy cơ viêm;
- Chăm sóc vệ sinh vú không đúng cách;
- Stress, căng thẳng quá mức;
- Dinh dưỡng kém;
- Nghiện hút thuốc lá;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Viêm tuyến vú là tình trạng viêm nhiễm tại vú, đặc trưng với các triệu chứng sau:
- Sưng vú, căng ngực;
- Đau khi chạm vào, có cảm giác nóng ấm khi sờ;
- Xuất hiện khối u nhú ở vú hoặc khối mô dày lên;
- Đau rát dữ dội khi cho con bú;
- Vùng da xung quanh vú ửng đỏ, hình nêm;
- Có cảm giác mệt mỏi, sốt cao trên 38 độ C, ớn lạnh, kiệt sức...;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm tuyến vú, bác sĩ thường phải kết hợp nhiều bước thăm khám gồm khám sức khỏe tổng quát và các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp. Chẳng hạn như:
- Siêu âm: Đây là phương pháp chẩn đoán không xâm lấn cho phép bác sĩ quan sát bất thường bên trong vú. Chẳng hạn như khối u hay khối áp xe, siêu âm có thể có ích trong việc chẩn đoán phân biệt và xác định phương pháp điều trị phù hợp.
- Nuôi cấy: Nuôi cấy bằng mẫu sữa mẹ hoặc mẫu mô, dịch được hút tiêm từ bên trong vú nhằm chẩn đoán xác nhận nhiễm trùng và tìm ra chủng vi sinh vật gây hại. Phục vụ công tác điều trị bằng kháng sinh tốt nhất.
- Các xét nghiệm khác: Trường hợp người bệnh không phải đối tượng đang cho con bú, có thể phải chụp quang tuyến vú hoặc sinh thiết vú. Đây là biện pháp giúp xác định khối u bất thường và loại trừ ung thư vú.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm tuyến vú là bệnh lý nhiễm trùng phổ biến và được các chuyên gia cảnh báo khá nguy hiểm. Tình trạng viêm nhiễm càng nặng, càng kéo dài càng làm tăng mức độ nhiễm trùng, tổn thương, tăng nguy cơ khởi phát áp xe vú. Đây là khối u mềm không phải ung thư, có năng di động, có mủ chảy ra gây sốt cao kéo dài. Bắt buộc phải phẫu thuật chích rạch dẫn lưu để loại bỏ nhiễm trùng.
Đối với phụ nữ đã mãn kinh, tỷ lệ tái phát viêm tuyến vú có áp xe thường cao hơn. bắt buộc phải thăm khám, dẫn lưu thường xuyên hoặc phẫu thuật để điều trị bệnh dứt điểm. Nếu để bệnh tiến triển nặng, nhiễm trùng mãn tính có thể gây viêm loét, hoại tử vú và gây mất thẩm mỹ.
Một người có thể bị viêm tuyến vú nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Bản chất của bệnh là viêm nhiễm các mô tuyến vú, có thể hình thành khối áp xe, nhưng không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Hầu hết các trường hợp đều có tiên lượng khá tốt, có thể điều trị khỏi không để lại di chứng nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Điều trị
Mục tiêu điều trị viêm tuyến vú là giảm đau, chống viêm và ức chế nhiễm trùng. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Điều trị tại nhà
Đối với viêm tuyến vú, nhất là với phụ nữ đang trong giai đoạn cho con bú, bác sĩ thường ưu tiên hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà, không dùng thuốc để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Một số biện pháp điều trị hiệu quả bao gồm:
- Chườm đá: Bạn sử dụng túi chườm đá chuyên dụng hoặc đá viên bọc trong miếng vải để chườm trực tiếp bầu ngực bị viêm. Nhiệt lạnh có tác dụng kích thích chỗ sưng có thể thoát vào các hạch bạch huyết và giảm sưng nhanh chóng.
- Đắp gạc ấm: Dùng một chiếc khăn ướt và ấm đắp lên ngực khoảng 15 phút trước khi cho bé bú, thực hiện ít nhất 3 lần/ ngày để giảm đau, kích thích sữa chảy ra nhiều hơn.
- Nghỉ ngơi: Những trường hợp bị viêm tuyến vú do căng thẳng, thiếu ngủ, có thể dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống dinh dưỡng và vận động điều độ để cải thiện bệnh nhanh hơn.
- Xoa bóp, massage: Kỹ thuật này nhằm mục đích dẫn lưu bạch huyết. Với kiểu massage vuốt ve nhẹ nhàng từ vú về phía các hạch bạch huyết trên xương quai xanh và ở nách, nhờ đó giúp giảm sưng viêm và tình trạng tích tụ dịch.
- Phương pháp RPS: Đây cũng là một kiểu xoa bóp hiệu quả, giúp làm mềm áp lực ngược và giảm sưng tấy ở núm vú, quầng vú. Bạn dùng 2 đầu ngón tay quanh gốc núm vú, tạo áp lực vừa đủ và kéo các ngón tay ra khỏi núm vú. Thực hiện liên tục như vậy để di chuyển chất lỏng ra khỏi quầng vú và núm vú.
- Áo nâng ngực: Trong giai đoạn đang bị viêm tuyến vú, hãy sử dụng áo hỗ trợ nâng ngực ôm vừa vặn bầu ngực, không bó sát để giảm áp lực lên ngực.
- Cho con bú thường xuyên: Dù bị đau vú hoặc đang sử dụng thuốc kháng sinh, bác sĩ vẫn khuyến cáo bạn nên cho con bú sữa mẹ thường xuyên. Việc cho con bú sữa giúp làm trống khoang chứa, giảm tình trạng căng sữa và giảm nguy cơ tắc ống dẫn sữa, ngăn chặn tình trạng viêm tuyến vú ngày càng nặng hơn. Hoặc bạn cũng có thể dùng máy hút sữa. Tuy nhiên, trường hợp vú viêm loét và phát triển áp xe tuyệt đối không được cho con bú.
Một số điều không nên làm trong quá trình điều trị viêm tuyến vú tại nhà như:
- Chườm nóng;
- Xoa bóp quá mạnh và thường xuyên;
- Không được sử dụng bất kỳ thiết bị massage nào lên vùng ngực đang bị sưng viêm;
- Không ngâm vú vào bất kỳ dung dịch nào;
Điều trị bằng thuốc
Trường hợp điều trị tại nhà không hiệu quả, tiến triển viêm nhiễm ngày càng nặng do vi khuẩn, có thể sử dụng thuốc để điều trị nhiễm trùng tốt hơn. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng liều kháng sinh phù hợp. Có 2 loại được dùng phổ biến nhất là Dicloxacillin (Dycill) và Cephalexin (Keflex). Đa số các trường hợp bị viêm tuyến vú sử dụng kháng sinh đều cải thiện bệnh rõ rệt sau 48 - 72 tiếng.
Ngoài ra, có thể kết hợp sử dụng thuốc giảm đau như acetaminophen (Tylenol, Paracetamol) hoặc thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen). Lưu ý, tuân thủ liều dùng thuốc, thời gian dùng phù hợp để đạt hiệu quả điều trị cao, hạn chế gây ra tác dụng phụ ngoài ý muốn.
Can thiệp phẫu thuật
Những trường hợp bị viêm tuyến vú phát triển áp xe trong vú bắt buộc phải tiến hành phẫu thuật dẫn lưu. Bệnh nhân sẽ được gây tê cục bộ tại vú, sau đó tiền hành chọc kim hút hoặc rạch mở một đường nhỏ để dẫn lưu lượng dịch mủ ổ áp xe ra ngoài.
Trường hợp ổ áp xe hình thành sâu trong các mô vú, cần phải tiến hành phẫu thuật trong phòng mổ vô trùng. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân trong suốt quá trình phẫu thuật nhằm tránh gây đau đớn, tiến hành dẫn lưu toàn bộ khối áp xe. Sau đó, bệnh nhân sẽ được kê toa dùng thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau.
Phòng ngừa
Viêm tuyến vú là tình trạng sức khỏe khó tránh khỏi do có vô số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khởi phát. Nhất là đối với phụ nữ, phụ nữ sau sinh và đang cho con bú. DO đó, để phòng ngừa viêm tuyến vú, bạn hãy chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Phải cho trẻ bú đều ở 2 bên vú và đảm bảo hết sữa hẳn ở một bên mới chuyển sang bên còn lại.
- Đảm bảo tư thế cho con bú đúng và thay đổi vị trí cho con bú từ lần này sang lần tiếp theo.
- Trường hợp mẹ dư sữa, hãy hút sữa ra bớt để tránh gây căng tức ngực, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Dùng dầu massage quầng vú, núm vú để tránh khô, nứt nẻ, giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay, lau núm vú thường xuyên, nhất là sau khi cho bé bú.
- Uống nhiều nước, ăn uống dinh dưỡng, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh stress, căng thẳng, tập thể dục điều độ giúp nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch chống giảm nguy cơ bị viêm tuyến vú và nhiều căn bệnh khác.
- Thay mới áo lót thường xuyên, không sử dụng áo lót quá chật để tránh gây áp lực, tạo điều kiện cho sự viêm nhiễm.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú và thông tin cần biết
Phòng ngừa
1. Tôi bị sưng đau ngực, nóng rát, đau khi cho con bú kèm theo sốt cao là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Nguyên nhân gì khiến tôi bị viêm tuyến vú?
3. Tình trạng viêm tuyến vú của tôi có nghiêm trọng không?
4. Bệnh viêm tuyến vú có gây ung thư vú không?
5. Bệnh viêm tuyến vú có chữa khỏi được không?
6. Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không điều trị viêm tuyến vú?
7. Phương pháp điều trị viêm tuyến vú tốt nhất dành cho tôi?
8. Tôi cần làm những gì để cải thiện triệu chứng viêm tuyến vú tại nhà?
9. Trường hợp viêm tuyến vú của tôi có cần phẫu thuật không?
10. Điều trị viêm tuyến vú mất bao lâu thì khỏi dứt điểm? Có tái phát không?
Viêm tuyến vú chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ đang cho con bú và một số đối tượng phụ nữ, nam giới khác nhưng ít hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không nên chủ quan về căn bệnh này, dù ít đe dọa đến tính mạng nhưng vẫn nên chủ động điều trị tích cực ngay từ sớm. Việc này giúp đẩy lùi nhiễm trùng, bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng khó lường về sau.