Bệnh Viêm Gân Nhị Đầu Vai
Viêm gân nhị đầu vai là một trong những vấn đề sức khỏe xương khớp thường gặp. Thường xảy ra ở những người trong độ tuổi lao động hoặc người lớn tuổi bị lão hóa. Tình trạng viêm được khởi phát từ các các chấn thương ở vùng đầu vai, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại phát triển. Điều trị viêm gân nhị đầu vai chủ yếu bằng thuốc để cải thiện triệu chứng hoặc phẫu thuật trong trường hợp có biến chứng nặng.
Tổng quan
Cơ nhị đầu có hai sợi gân ở vai, bao gồm đầu dài và đầu ngắn. Cả 2 đầu đều nằm trên vùng xương vai, đi qua vai và khớp khuỷa, có nhiệm vụ liên kết xương đầu vai với cánh tay, nhằm thực hiện các vận động khuỷa tay linh hoạt như xoay trong, xoay ngoài, gập duỗi...
Viêm gân nhị đầu vai (Biceps Tendinitis) là tình trạng viêm đầu dài của gân cơ nhị đầu. Nguyên nhân là do đầu dài của cơ nhị đầu thường sẽ đi qua rãnh nằm ở mặt phía trước của vai. Nhưng do phải chịu áp lực quá lớn khiến gân bị tổn thương, khởi phát viêm nhiễm và giãn rộng.
Tình trạng viêm gân nhị đầu vai này có tính dai dẳng, dễ tái phát do không gian rãnh nhỏ, gân cọ xát liên tục vào 2 bên viền rãnh khiến tình trạng viêm ngày càng nặng hơn. Ngoài đầu dài, đầu ngắn gân cơ nhị đầu cũng rất hay bị viêm. Nguyên nhân do sự cọ xát thường xuyên ở vị trí bên dưới của gân cơ nhị đầu với bộ phận cung cùng quạ.
Hầu hết các trường hợp viêm gân nhị đầu vai đều được khởi phát cấp tính, chủ yếu xảy ra sau các đợt chấn thương, chơi các môn thể thao dùng vợt nặng hoặc dùng cánh tay để phát bóng mạnh gây trật khớp vai... Bệnh nhân bị viêm gân nhị đầu vai thường có các triệu chứng đặc trưng như đau mặt trước vai, đau khuỷa tay, cánh tay và nặng hơn khi cử động.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bản chất của viêm gân nhị đầu vai đó là tình trạng gân nhị đầu bị tác động mạnh hoặc gây kích thích liên tục làm khởi phát viêm nhiễm. Cụ thể một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến như:
- Chấn thương: Chấn thương khi xoay khớp vai đột ngột trong khi khuỷa tay đang duỗi thẳng. Hành động này thường xảy ra khi thực hiện động tác đẩy tạ, ném bóng hoặc một cú phát bóng nhanh, mạnh khi chơi môn tennis, bóng chuyền, bóng rổ, đánh golf, cố gắng khởi động động cơ của máy cắt cỏ...;
- Lao động nặng: Thực hiện những động tác tạo áp lực cho khớp vai liên tục, nhất là khi khuân vác vật nặng, lặp đi lặp lại một động tác nâng lên hạ xuống;
- Ảnh hưởng từ các bệnh lý xương khớp: Mắc các bệnh lý xương khớp khác tại vai như viêm quanh khớp vai, trật khớp ổ chảo cánh tay... gây chấn thương các mô mềm cũng làm tăng nguy cơ gây viêm gân nhị đầu vai.
- Tuổi tác: Bệnh lý này cũng bị ảnh hưởng bởi tuổi tác và quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Điển hình nhất là ở những người càng lớn tuổi, hệ xương khớp bị thoái hóa càng dễ bị đau nhức cơ khớp, gây viêm gân nhị đầu vai kéo dài.
- Các yếu tố khác: Ngoài những nguyên nhân trên, còn nhiều yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh viêm gân nhị đầu vai như:
- Nam giới hút thuốc lá thường xuyên;
- Người thừa cân béo phì;
- Người có tiền sử bệnh viêm khớp, các rối loạn về hội chứng chuyển hóa, đái tháo đường...;
- Sử dụng Corticoid tùy tiện;
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Khi gân nhị đầu bị chấn thương, viêm nhiễm sẽ khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng điển hình sau:
- Xuất hiện cơn đau đột ngột ở mặt trước vai, cụ thể ở mỏm vai trước và lan dần xuống toàn bộ cánh tay, khuỷa tay;
- Cơn đau thường xảy ra đột ngột, dữ dội hoặc kéo dài âm ỉ nhưng cũng sẽ tăng dần cường độ đau khi người bệnh cử động vai;
- Kèm theo cảm giác tê mỏi, ngứa ran vô cùng khó chịu;
- Hạn chế khả năng vận động khớp vai;
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tình trạng viêm gân nhị đầu vai, bệnh nhân cần thực hiện các kỹ thuật y tế sau:
- Siêu âm khớp vai: Hình ảnh siêu âm cho phép bác sĩ đánh giá về mức độ tổn thương của khối cơ chứa gân nhị đầu, túi hoạt dịch gân để đánh giá tình trạng viêm nhiễm;
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh MRI về khớp vai được thể hiện rất rõ nét và chi tiết, bao gồm cả những tổn thương đang tồn tại trong khớp vai, có cả tổn thương viêm gân nhị đầu vai;
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm gân nhị đầu vai không phải căn bệnh xương khớp lành tính và không quá nguy hiểm. Vì nguyên nhân khởi phát bệnh là do các chấn thương, tác động ngoại lực từ bên ngoài là chính nên chỉ cần người bệnh giảm tác động đến khớp vai, chăm sóc tích cực và nghỉ ngơi nhiều hơn, chức năng gân nhị đầu sẽ phục hồi, khớp vai cũng sẽ linh hoạt trở lại.
Nhưng ngược lại, nếu người bệnh chủ quan không điều trị, vẫn tiếp tục thực hiện các cử động mạnh trong khi đã bị viêm gân nhị đầu vai có thể gây viêm mạn tính, bệnh kéo dài dai dẳng và tái phát thường xuyên. Việc sống chung với cơn đau vai cả đời làm giảm chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện khởi phát thêm nhiều bệnh lý xương khớp khác. Nghiêm trọng hơn sẽ gây đứt gân và liệt chi trên vĩnh viễn khiến bệnh nhân mất khả năng cử động hai tay.
So với nhiều bệnh lý xương khớp khác, viêm gân nhị đầu vai không ghi nhận nhiều trường hợp gây biến chứng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến khích bệnh nhân vẫn nên chủ động thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng phương pháp phù hợp.
Điều trị
Mục tiêu điều trị viêm gân nhị đầu vai là loại bỏ viêm nhiễm, cải thiện cơn đau và bảo tồn cấu trúc, chức năng gân nhị đầu và phục hồi khả năng vận động linh hoạt của khớp vai, cánh tay nói chung.
Điều trị không phẫu thuật
Trước tiên, cần tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc tích cực để điều trị triệu chứng và loại bỏ viêm nhiễm, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Chườm đá: Đối với những trường hợp chỉ đau nhức vai nhẹ có thể chườm đá liên tục nhiều lần trong ngày. Mẹo này có tác dụng giảm đau tạm thời, hỗ trợ giảm sưng tấy, ức chế triệu chứng viêm. Để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh gây bỏng lạnh cho da, bệnh nhân cần lưu ý hãy sử dụng túi chườm chuyên dụng, tránh dùng đá áp trực tiếp lên bề mặt da.
- Dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau: Nếu đau nhức nhiều với tần suất thường xuyên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng loại thuốc giảm đau phù hợp. Điển hình như Paracetamol, Aspirin, Acetaminophen...;
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Có tác dụng chính là giảm viêm và hỗ trợ giảm đau nhanh chóng, tức thì. Tùy từng trường hợp có thể sử dụng thuốc chống viêm ức chế COX-1 (diclofenac, ibuprofen...) hoặc nhóm chống viêm ức chế COX-2 (enterocoxib, celecoxib...). Vì tác dụng thuốc khá mạnh nên cần chú ý liều dùng và tuân thủ cách sử dụng để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn;
- Thuốc giãn cơ: Bệnh nhân bị viêm gân nhị đầu vai cũng được chỉ định sử dụng kèm theo thuốc giãn cơ để hỗ trợ giảm đau và cải thiện phạm vi vận động của khớp. Các loại thường dùng như eperisone, thiocolchicoside, tolperisone...
- Một số loại thuốc khác: Chẳng hạn như:
- Các loại giảm đau thông thường điều chế dạng gel bôi, miếng dán ngoài da...;
- Viên uống TPCN bổ các dưỡng chất cần thiết cho xương khớp, bồi bổ gân cơ khỏe mạnh, tăng khả năng linh hoạt;
- Tiêm Corticoid: Đối với bệnh viêm gân nhị đầu vai, tiêm Corticoid thường được chỉ định sử dụng dạng tiêm tại chỗ như tiêm nội khớp, tiêm điểm bám gân, tiêm bao gân... Phương pháp này đem lại hiệu quả tốt trong việc giảm đau khớp vai, nhưng cần được thực hiện bởi chuyên gia để tránh gây tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Vật lý trị liệu: Để tăng hiệu quả điều trị viêm gân nhị đầu vai, bệnh nhân có thể kết hợp thực hiện với các kỹ thuật vật lý trị liệu đơn giản như xoa bóp, massage, chiếu tia laser, sóng siêu âm, châm cứu... Phương pháp này chỉ nên thực hiện thông qua bác sĩ/ chuyên gia hoặc kỹ thuật viên có chuyên môn cao để đạt hiệu quả tối ưu, ngăn ngừa tác dụng phụ.
- Điều chỉnh chế độ sinh hoạt vận động: Trường hợp bộc phát đợt cấp tính viêm gân nhị đầu vai, bệnh nhân cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Khi các biện pháp điều trị bắt đầu có hiệu quả, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để thực hiện các bài tập cải thiện, phục hồi chức năng khớp vai.
Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng được chỉ định cho những trường hợp viêm gân nhị đầu vai mức độ nặng, đứt gân một phần hoặc toàn bộ. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp viêm gân nhị đầu vai phải phẫu thuật.
Một số kỹ thuật phẫu thuật thường được áp dụng như:
- Phẫu thuật nối gân nhị đầu bị đứt;
- Phẫu thuật giải phóng chèn ép lên gân;
- Phẫu thuật nong rộng rãnh phía trước vai, giảm ma sát với gân nhị đầu;
- Phẫu thuật cố định gân bị chệch khỏi rãnh trở về đúng vị trí cũ;
Tùy vào từng hợp bệnh và nhu cầu mong muốn, điều kiện kinh tế của gia đình mà bác sĩ sẽ thực hiện kỹ thuật mổ phù hợp như mổ nội soi hoặc mổ hở. Hiện nay, phẫu thuật bằng sóng radio đang là kỹ thuật mới đang được áp dụng phổ biến trong những trường hợp bệnh có biến chứng nặng.
Phòng ngừa
Viêm gân nhị đầu vai là tình trạng viêm gân tại chỗ, chủ yếu xuất phát từ các chấn thương. Do đó, căn bệnh này hoàn toàn có thể dự phòng được bằng các biện pháp tích cực sau:
- Hạn chế tối đa các vận động mạnh và đột ngột như khi chơi thể thao, khuân vác vật nặng để giảm thiểu nguy cơ chấn thương vùng vai, cánh tay gây viêm gân nhị đầu vai.
- Chú ý cẩn thận khi tham gia giao thông hoặc tuân thủ các nguyên tắc an toàn trong lao để tránh gây ra chấn thương vùng vai ngoài ý muốn.
- Khởi động kỹ càng trước khi chơi thể thao, nhất là những môn đòi hỏi sức lực lớn ở cánh tay và khớp vai.
- Sau 1 -2 tiếng hoạt động khớp vai liên tục, lặp đi lặp lại các cử động như giơ cao tay, nâng lên hạ xuống..., hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, xoa bóp vai nhẹ nhàng để giảm nguy cơ chấn thương.
- Tích cực thực hiện bộ môn thể dục thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, chạy bộ, yoga, đạp xe... vừa giúp cải thiện cơ khớp vai khỏe mạnh vừa nâng cao sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể.
Những câu hỏi quan trọng khi đi khám
1. Tôi thường xuyên bị đau nhức, căng cứng, tê mỏi khớp vai là dấu hiệu của bệnh gì?
2. Tại sao tôi bị viêm gân nhị đầu vai? Bệnh này là gì?
3. Tình trạng bệnh của tôi có nguy hiểm không?
4. Tôi cần làm xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?
5. Bị viêm gân nhị đầu vai có cần phải điều trị không?
6. Tôi nên điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật?
7. Nếu tôi không điều trị, bệnh viêm gân nhị đầu vai có gây biến chứng nào nguy hiểm không?
8. Tôi cần làm gì và tránh làm gì trong quá trình điều trị viêm gân nhị đầu vai?
9. Sau phẫu thuật viêm gân nhị đầu vai, bệnh có khỏi hoàn toàn không?
10. Chi phí phẫu thuật tốn bao nhiêu? Có được sử dụng thẻ BHYT không?
Bệnh viêm gân nhị đầu vai thực chất không quá nguy hiểm vì nó không xuất phát từ các vấn đề bệnh lý hay những rối loạn trong cơ thể. Chỉ cần loại bỏ áp lực và các tác nhân gây viêm, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, với điều kiện phải trị bệnh càng sớm càng tốt, nếu chủ quan để bệnh kéo dài làm đứt gân sẽ gây liệt chi vĩnh viễn.